Sự liên hệ giữa thiên nhiên và người Miền Tây Nam Bộ (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Thiên nhiên là một phần rất quan trọng hình thành nên tính cách vùng miền. Chối bỏ điều đó thì khác nào chối bỏ nguồn gốc xuất xứ và thành người vong thân. Thật vậy, người miền Tây giờ dù phải bươn chãi khắp nơi, làm đủ thứ nghề kiếm sống vì thiên nhiên đã và đang bị con người ác độc và ngu dốt tàn phá, thì cho dù trong hoàn cảnh nào, để ý chút sẽ thấy người miền Tây có những nét đặc trưng trong tính cách không lẫn vào đâu được. (Nguyễn Thị Bích Ngà)


Vùng đất miền Tây Nam bộ có sông Me Kong từ Campuchia đổ về đến VN thì chia làm hai nhánh, mỗi nhánh dài chừng 220–250 km chạy qua nhiều tỉnh lị của vùng đồng bằng Nam bộ, được gọi là sông Tiền, sông Hậu. 

Lưu lượng hai sông này rất lớn, khoảng 6.000 m³/s về mùa khô, lên đến 120.000 m³/s vào mùa mưa, chuyên chở rất nhiều phù sa bồi đắp vùng châu thổ. Đất đai nhờ vậy mà trù phú dễ dàng trồng trọt, canh tác các loại hoa màu cây trái. 

Từ hai con sông này phát triển ra các sông rạch nhỏ hơn tạo ra một hệ thống kênh rạch chằng chịt, phát triển đường thủy đường bộ song song. 

Mùa mưa lũ, vùng đồng bằng Nam bộ hầu như ngập trắng không canh tác được. Nhưng điều đó không phải là một thiên tai như sau này người ta vẫn nghĩ (và chống lại bằng các chính sách ngu muội ngông cuồng) mà nhờ vậy đất đai được nghỉ ngơi sau hai vụ mùa và thấm đẫm phù sa. 

Không trồng được huê màu thì sông đem cho nhiều loại thủy sản, đánh bắt rất dễ dàng. Chỉ cần cột tay lưới vô hai gốc cây, lát sau chèo xuồng ra giở lên là có cá ăn thay cơm. Nhiều nhất là cá linh, bỏ lưới một chặp giở lên là cá mắc trắng lưới. Cây điên điển, cây so đũa bền bỉ sống và cho bông suốt mùa lũ. Bắc nồi nước, nước sôi cho chút mắm, thả mớ cá linh tươi rói vô, bứt nắm bông điên điển vàng ươm, mớ bông so đũa trắng tinh bỏ vô nồi cá linh vừa chín tới, nhắc xuống, ăn no cái bụng, nhậu sướng cái miệng.

Mùa khô sông Tiền sông Hậu và cả các sông rạch nhỏ cũng không trơ cạn, vẫn ngày hai lượt nước lớn nước ròng đủ tắm tưới ruộng đồng, cây trái. Rừng nguyên sinh cũng cho nhiều huê lợi từ nhiều loại thú rừng. Vùng cửa biển thì có rừng đước, tràm, các loại cây vùng đầm lầy ngăn chặn sự nhiễm mặn vào đất liền. Tạo hóa sắp bày thiệt là hợp lẽ. Quanh năm không mùa nào quá khắc nghiệt, không lúc nào không thể kiếm cái ăn. 

Các sắc dân theo chúa Nguyễn vào khai hoang, gặp vùng đất thuận lợi tốt lành như vậy mới lập ấp phát triển mà hình thành dần nên làng mạc và trở thành trù phú. 

Người miền Nam phóng khoáng, thương người, hay chia sẻ giúp người, nói ra nói làm ra làm chơi ra chơi cũng nhờ bởi thiên nhiên tạo cho người ta tính cách như vậy. Quăng tay lưới là có cái ăn mồi nhậu nên đâu cần tiếc chi bạn bữa cơm? Nuôi nhau cả tháng còn được huống là. 

Người miền Nam gặp người lạ tới, ngó nghiêng một cái coi bộ đứa đó thấy việc là mần không đợi kêu biểu, đói bụng tự lục cơm ăn thì người miền Nam tự nhiên quý trong bụng, yêu liền tin liền hổng cần biết gốc tích ra sao, không phán xét nghi ngờ dò đoán. Thiệt thà như đếm. Cái đứa người lạ có xấu bụng mấy, gặp người hồn hậu bao dung tới vậy cũng phải tự ý chùn tay bỏ ý làm bậy. 

Đất vậy, người vậy nên dễ dàng thu nạp, dung nhượng con người và cả văn hóa khác. Tình yêu thương và bao dung đủ lớn và mạnh mẽ để biến văn hóa và khác biệt thành sự hòa hợp hài hòa chứ không xung khắc.

Sông nước mênh mông, đất đai rộng rãi làm cho tâm hồn con người ta thoát đạt, lãng mạn, hữu tình từ đàn bà tới đàn ông. Dù vẫn giữ lễ nghĩa gia phong, thủy chung, chịu thương chịu khó: "Chàng đi cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam," vậy mà thấy chồng hết thương cạn nghĩa thì đầy quyết liệt, rõ ràng, rành mạch trong tính cách: "Ví dầu tình có dở dang, thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về." Hổng trách móc giận hờn gì ai. Dễ thương như vậy, hồn hậu như vậy, thiệt thà như vậy không phải vùng miền nào cũng có. 

Những bản nhã nhạc cung đình Huế dành cho vua chúa, theo chân người vào miền Nam, gặp vùng đất này biến tấu thành những bản vắn với ca từ nhẹ nhàng chứ không cao sang cũng không ai oán, nó thành thứ âm nhạc dành cho tất cả mọi người. 

Đêm trăng thanh vắng, cái chiếu lác trải ra sân, hủ rượu gạo mới, chút khô nướng thơm lừng đưa cay, cây đờn phím lõm ngân lên hò xang xê cống liu..” Từ là từ phu tướng..Bảo kiếm sắc phán lên đàng..Vào ra luống trông tin nhạn..Chàng là chàng có hay đêm thiếp nằm luống những sầu tây...” Rồi nó lại gặp tuồng Hồ Quảng của người Minh Hương, biến tấu thành tuồng cải lương với những điển tích lồng ghép những triết lý nhân vị thấm đẫm vào hồn người. Nhắc tới miền Tây là nhớ tới đờn ca tài tử và nói tới người miền Tây thì nhớ giọng ca câu hò ngọt lùi ngân nga mênh mông, bàng bạc như ru, như say, người ở người đến chếnh choáng không muốn rời xa.

Thiên nhiên là một phần rất quan trọng hình thành nên tính cách vùng miền. Chối bỏ điều đó thì khác nào chối bỏ nguồn gốc xuất xứ và thành người vong thân. Thật vậy, người miền Tây giờ dù phải bươn chãi khắp nơi, làm đủ thứ nghề kiếm sống vì thiên nhiên đã và đang bị con người ác độc và ngu dốt tàn phá, thì cho dù trong hoàn cảnh nào, để ý chút sẽ thấy người miền Tây có những nét đặc trưng trong tính cách không lẫn vào đâu được. 

Về quê bây giờ buồn lắm, nhưng đó là một câu chuyện khác.

9/3/2019