Mình xấu thì mình sửa thôi (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Nhiều người bảo thay đổi thể chế sẽ thay đổi được tất cả. Tôi lại nghĩ nếu bây giờ, không có những người dám thay đổi chính bản thân mình thì lấy đâu ra người để thay đổi thể chế? Mình xấu thì mình phải sửa, trước tiên cho chính mình, gia đình con cái mình, rồi đến xã hội. (Nguyễn Thị Bích Ngà)


Trong loạt bài này, tôi không làm cái việc liệt kê, chỉ tên các thói tính xấu đặc trưng của người Việt, tôi muốn kể ra từng thói xấu một trong mỗi bài, nguyên nhân hình thành thói xấu ấy và cách để sửa. Trong đó, có những thói xấu tôi đã từng có và đã sửa được, có thói vẫn đang sửa và có thói tôi không bị tập nhiễm. 

Tôi không có tham vọng tất cả những người đọc loạt bài này sẽ sửa được thói xấu mà mình mắc phải ngay lập tức, nhưng tôi hi vọng nó sẽ đọng lại trong suy nghĩ để chúng ta cố gắng tự hoàn thiện mình, giúp nhau tốt lên hơn mỗi ngày.

Tôi cũng không sắp xếp các thói xấu theo một trình tự nào, tôi viết theo cảm hứng và sự hiểu biết của mình. Nếu có điều còn chưa rõ, chưa đúng hoặc thiếu sót, mong các bạn trao đổi thêm trên tinh thần học hỏi lẫn nhau.

DỐI TRÁ 

Dối trá là một lời nói, hành vi không trung thực mà ta dùng nhằm mục đích trục lợi hoặc che đậy một điều gì đó. Dối trá bắt nguồn từ những lời nói dối, mà đôi khi ta thường biện minh nói dối vì mục đích tốt đẹp. Hầu hết chúng ta đều có lần hoặc nhiều lần nói dối và coi đó là điều bình thường. Chúng ta không biết rằng nói dối rất dễ dẫn đến dối trá bởi một lời nói dối sẽ dắt dây cho những lời nói dối tiếp theo.

Có lần, một anh bạn mới quen hỏi tôi về cuộc sống riêng, điều mà anh chưa đủ thân để tôi có thể nói. Thay vì nói thẳng với anh rằng tôi không muốn nói về điều đó thì tôi lại nói dối và nghĩ rằng nó chẳng hại gì. Sau này, khi thân hơn, anh bảo, “Em nói dối trong chuyện đó. Anh biết. Nhưng đó là lỗi của anh. Anh đã không tế nhị khi hỏi em điều em không hoặc chưa muốn nói. Điều đó làm em phải nói dối.” “Anh có giận không?” “Anh không. Vì em thật thà ngay cả lúc gian manh nên anh biết đó là lời nói dối bất chợt nghĩ ra chứ không có sự tính toán. Do đó, anh nhận đó là lỗi của mình.”

Dĩ nhiên, tôi thú nhận là mình đã nói dối và xin lỗi. Tôi không bào chữa cho bản thân như anh bạn tự bào chữa cho tôi một cách đầy vị tha và thấu hiểu. Nhưng nếu anh bạn tôi không ngừng khi nghe tôi nói dối mà tiếp tục hỏi thì chắc chắn nó sẽ dắt tôi đến những lời nói dối tiếp theo và lúc này tôi sẽ có sự tính toán để đối phó, nó sẽ biến tôi thành con người dối trá lúc nào không hay. 

Con người nhiễm thói nói dối và biến thành người dối trá từ khi còn rất nhỏ. Tôi nhớ khi nhỏ tôi rất ghét thói dối trá này. Tôi và ông anh kế chênh nhau chỉ vài tuổi. Hai anh em chơi với nhau, tôi hay bị anh dành lấy đồ chơi, thức ăn. Khi không nhịn được nữa, tôi hay đánh, đá anh. Anh chạy đi mách mẹ. Mẹ hỏi: “Vì sao em lại đánh con?” Anh tôi nước mắt ngắn dài bảo: “Tự nhiên nó đánh!” Tôi đã rất tức giận bởi làm gì có chuyện tự nhiên tôi đánh anh được?! Anh trả lời như vậy là chỉ một nửa sự thật và đó là dối trá. Mỗi lần như vậy, anh thường bị mẹ mắng vì tội không biết nhường em, tôi thường bị mắng tội dám đánh anh. Mẹ không chú trọng hoặc không để ý đến cái lỗi dối trá của anh. Chính cái lỗi dối trá đó làm tôi ghét anh nhiều hơn là lỗi dành đồ chơi.

Tôi ghét thói dối trá, nhưng tôi có lần nào dối trá trong cuộc sống không? Có. Nói không là tự lừa dối chính mình. Hồi nhỏ đi học, tôi khá giỏi các môn nhưng lại rất tệ môn Hóa. Có lẽ bởi mất căn bản trong năm đầu tiên. Bà cô dạy Hóa vô lớp chép lên bảng mấy dòng rồi bỏ đó, ngồi gục trên bàn giáo viên ngủ khò, tiết nào như tiết đó. Tôi không hiểu bài hỏi lại thì bị mắng ngu như con bò. Vì không muốn bị mắng ngu như con bò nên tôi không tiếp tục hỏi. Không hỏi thì không hiểu bài. Không hiểu bài thì điểm kém. Điểm kém thì bị mẹ mắng thà đẻ quả trứng ăn còn hơn. Không muốn bị mẹ mắng thì chép bài từ đứa khác. Chép bài từ đứa khác thế là thành đứa dối trá, gian lận! Dối trá rồi, biết mình xấu rồi thì tìm cách biện minh anh mình cũng dối trá đó có làm sao đâu, để tiếp tục dối trá thêm lần kế tiếp.

Tôi kể hai ví dụ trên để thấy con người rất dễ bị tập nhiễm thói nói dối và bị dắt dây trở thành dối trá và biện minh cho chính hành vi dối trá của mình. Nó chẳng tốt đẹp gì. Qua ví dụ trên ta thấy nguyên nhân và cũng lộ diện được cách giáo dục, thay đổi. Nếu trong chuỗi hành vi trên có một mắt xích bị bẻ gãy thì nó sẽ được điều chỉnh.

Nếu anh bạn tôi không bao dung, thấu hiểu hoặc cố tình đập tôi đến chết thì anh sẽ đi rêu rao khắp nơi tôi là đứa dối trá với mục đích xấu dù tôi không có mục đích xấu gì. Nhưng anh đã ngăn chặn tôi tiếp tục sai khi tự nhận lỗi do anh. Theo tâm lý thông thường, tôi cảm nhận được sự đồng cảm qua lời nói, hành động đó của anh nên tôi không bị cảm giác xấu hổ lấn át. Tôi dễ nhận lỗi và không phạm lại nữa đồng thời coi anh như người thầy của mình.

Nếu như mẹ tôi nghiêm khác với lỗi dối trá của anh tôi thì tôi sẽ coi đó là một lỗi nghiêm trọng cần phải tuyệt đối tránh. Nếu bạn tôi không cho tôi chép bài thì tôi buộc phải tự học hoặc hỏi lại cô kể cả khi bị mắng..Tôi sẽ không bị trượt vào hành vi dối trá và không lấy sự dối trá của anh mình để biện minh cho sự dối trá của mình.

Cuộc sống của chúng ta hiện nay có thể nhìn thấy sự dối trá khắp nơi. Con người sống dối trá từ lời ăn tiếng nói cho đến hành vi và cảm thấy bình thường. Người trồng trọt phun hóa chất để rau củ quả lớn nhanh hơn, diệt sâu bệnh một cách tràn lan, không cần biết trong đó còn tồn dư bao nhiêu chất độc hại cho người sử dụng. Người chăn nuôi thì bỏ thuốc kích thích tăng trọng cho con heo con gà nhanh lớn, nhiều nạc. Người buôn bán thì mua đồ không còn tươi cho rẻ, nêm nhiều gia vị để phù phép đánh lừa vị giác người ăn. Người làm việc công thì bày ra thủ tục rối rắm để làm cho người dân không biết đâu mà lần phải móc tiền chi bôi trơn, dịch vụ. Người làm nghề giáo thì giảng bài một phần giữ lại một phần để nhận dạy thêm. Người lãnh đạo thì bày ra đủ thứ dự án để núp bóng ăn phần trăm, tham nhũng..Và tất cả đều biện minh, lấp liếm che đậy cho sự dối trá của mình.

Chúng ta kêu xã hội xuống cấp, suy đồi về đạo đức. Chúng ta kêu gọi lương tâm của mỗi người. Nhưng có cảm giác đều vô vọng. Điều cần làm là bẻ gãy một mắt xích trong chuỗi hành vi thì chúng ta chưa làm được.

Trong gia đình, các anh chị là ba mẹ có con nhỏ cần cẩn trọng và chú ý trong việc giáo dục trẻ nhỏ để chúng luôn nói thật. Đừng dồn ép chúng buộc chúng phải nói dối. Một đứa trẻ đi học bị điểm kém, ba mẹ hãy tìm nguyên nhân vì sao con học kém môn đó, đừng chỉ chửi mắng và gây áp lực, hạ nhục chúng bởi điều đó không làm chúng học tốt hơn, chúng sẽ copy bài đứa khác. Chúng làm bể cái bát, đừng chửi mắng chúng, bởi lần sau chúng sẽ giấu cái bát vỡ đi và khi bạn hỏi cái bát đâu, chúng sẽ bảo chúng không biết. Cách giáo dục trong gia đình Việt từ trước tới nay luôn tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng cho việc nói dối vì nói thật sẽ bị đánh, chửi. Hãy thay đổi cách giáo dục đó để trẻ có thể tự tin nói thật.

Khi phát hiện trẻ nói dối, có hành vi dối trá, bố mẹ cần phân tích cho chúng hiểu đó là điều rất xấu cần thay đổi và nói cho chúng biết bố mẹ thương yêu chúng sẳn sàng thấu hiểu cho những lỗi mà chúng gây ra, chúng không cần phải nói dối. Một đứa trẻ sống trong một gia đình được bố mẹ thấu hiểu và dạy bảo như thế sẽ không nói dối, không có hành vi dối trá, trở thành ngươi trung thực khi trưởng thành.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn gặp phải những cám dỗ lôi cuốn chúng ta vào hành vi dối trá. Cần tâm niệm trong đầu một điều rằng một khi đã nhúng vào thì sẽ không bao giờ có thể thoát được chuỗi hành vi đó nếu nó không bị bẻ gãy hoặc phát hiện. Tôi trồng rau, đầy lần bị anh người làm vườn khuyến dụ dùng thuốc này, thứ kia cho cỏ chết, rau nhanh lớn. Nếu tôi nghe lời anh một lần, ham lợi nhuận, tôi sẽ trượt dài và sẽ dối trá với những người mua. Không chỉ có vậy, tôi sẽ dối trá trong những bài mình viết. Tôi nhất định không nghe theo lời khuyến dụ, dĩ nhiên tôi không có nhiều tiền, nhưng tôi còn lại chút lương tâm nghề nghiệp để dạy con mình phải trung thực trong nghề nghiệp.

Vì hiểu, nên tôi thường dễ dàng nhận ra sự dối trá, hiểu nguyên nhân của sự dối trá, đồng thời dễ cảm thông và thay vì chỉ trích thì tìm cách làm cho người ta nhận ra để sửa. Vẫn biết xã hội chúng ta đang sống có quá nhiều dối trá, nhưng tôi tin nó sẽ thay đổi. 

Nhiều người bảo thay đổi thể chế sẽ thay đổi được tất cả. Tôi lại nghĩ nếu bây giờ, không có những người dám thay đổi chính bản thân mình thì lấy đâu ra người để thay đổi thể chế? Mình xấu thì mình phải sửa, trước tiên cho chính mình, gia đình con cái mình, rồi đến xã hội.

7/3/2019