Algeri : Hàng triệu người xuống đường đòi thay đổi chế độ (RFI)

Tự do và dân chủ chỉ có thể giành lấy chứ không thể đi xin. Người dân Algeri đã hiểu điều này, và họ tin là họ có thể làm được, hàng triệu người đã xuống đường. Đây chính là bước đầu để có được một đất nước mới. Chúng ta sẽ phải thấy hổ thẹn khi nhìn những hành động của họ. Trong khi hàng triệu người dân Algeri xuống đường thì giới trí thức Việt Nam - những người có trình độ cao hơn nhiều so với người dân bình thường - vẫn loay hoay với những kiến nghị và góp ý, thậm chí là phục vụ chế độ với hi vọng cải tiến một chế độ không thể cải tiến được. Họ vẫn đi xin thay vì đấu tranh để giành dân chủ, đây là nguyên nhân chính tới nay đất nước vẫn chưa có dân chủ. 


Hơn một triệu người tràn ngập đường phố thủ đô Alger ngày Thứ Sáu 29/03/2019, và hàng trăm ngàn người tại các thành phố lớn ở Algeri, đòi tổng thống Bouteflika phải ra đi và nhất là đòi thay đổi chế độ. Cuộc xuống đường trong tuần lễ thứ sáu liên tiếp của người dân Algeri này được coi là một cuộc trắc nghiệm đối với chính quyền và quân đội.

Nếu như số người tham gia đông đảo, thì coi như công luận bác bỏ giải pháp xoa dịu được tổng tham mưu trưởng quân đội Algeri, tướng Gaïd Salah, đưa ra hôm đầu tuần.

Hôm 26/03/2019, tướng Gaïd Salah nêu khả năng sử dụng điều 102 của Hiến Pháp để truất phế tổng thống Abdelaziz Bouteflika, vì lý do "không còn khả năng điều hành đất nước". Nhưng đề nghị này không thuyết phục được hàng triệu người dân Algeri như phóng sự của thông tín viên Leîla Beratto từ Alger :

"Người biểu tình chơi chữ qua những thông điệp đọc thấy trên các tấm biểu ngữ. Thông báo của tổng tham mưu trưởng Algeri không thuyết phục được ai. Samir, một người dừng chân tại cảng Alger cùng hai con, không muốn nhắc đến điều 102 của bản Hiến Pháp. Anh nói : 'những người cầm quyền đang câu giờ để có thời gian tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Họ trông thấy các làn sóng người tràn ngập đường phố, thì họ lo sợ'.

Nazim 36 tuổi đã sáu lần tham gia biểu tình liên tiếp và tới nay anh không hài lòng với giải pháp mà chính quyền đề xuất. Anh bày tỏ : ‘Chúng tôi đến đây để đòi tự do, đòi được tiếng nói của mình phải được tôn trọng và đòi tất cả những người đang cầm quyền phải ra đi. Chúng tôi muốn có một gương mặt mới, một người thực sự có khả năng lãnh đạo đất nước và hy vọng có được một đất nước Algeri mới’.

Đến cuối ngày, người biểu tình bị giải tán, nhưng không có một sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Lần đầu tiên kể từ khi phong trào phản kháng bùng lên, diễn biến các cuộc tuần hành tại Algeri được phát trực tiếp trên đài truyền hình Nhà nước".

Theo Thanh Hà(RFI)