Sử ta, sao phải hỏi ý kiến Tàu? (Nguyễn Tường Thụy)
Không nên "ném đá" ông giáo sư Phạm Hồng Tung về phát biểu của ông rằng "muốn viết lịch sử về cuộc chiến biên giới 40 năm về trước với TQ thì phải hỏi ý của TQ". Thật ra ông này học rất thuộc bài và trả lời rất thành thật những ý kiến chỉ đạo của đảng. Có việc gì từ trước đến nay mà VN không hỏi ý kiến của TQ trước khi làm? Mọi ý kiến hay phản đối TQ đều phải trả giá. Vụ ông Thiếu tướng Trương Giang Long, giám đốc học viện chính trị công an nhân dân chỉ vì nói thẳng âm mưu thôn tính VN của TQ là không thay đổi và mặc dù trung thành với đảng hết cỡ nhưng vẫn bị cho về hưu non là một ví dụ cho sự lệ thuộc của chính quyền VN vào TQ.
Dư luận đang sôi sùng sục bởi ý kiến của
GS Phạm Hồng Tung xung quanh vấn đề “Chiến tranh biên giới 1979 được dạy
trong chương trình phổ thông mới ra sao” đăng ở Vietnamnet.
Theo giới thiệu thì ông Phạm Hồng Tung là
giáo sư sử học đang giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
(ĐHQG Hà Nội), là Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo
dục phổ thông tổng thể. Với những vị trí ấy thì ông có ảnh hưởng nhiều
đến việc giảng dạy lịch sử.
Khi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam
của Trung Cộng mấy chục năm nay bị giấu biến thì nói chung, nhiều ý kiến
của ông chấp nhận được, trúng suy nghĩ của nhiều người. Ví dụ ông cho
rằng cần tránh che giấu sự thật trong giảng dạy... về sự kiện lịch sử
này. Ông Tung cũng thừa nhận những người đã hy sinh trong cuộc chiến
tranh này rất ít được nhắc đến hoặc ông chỉ ra trong nhà trường, việc
giáo dục về nội dung lịch sử này rất sơ sài, chỉ được đề cập đến với 4
câu, 11 dòng tại sách giáo khoa Lịch sử lớp 12... Ông cho biết Trung
Quốc vẫn đang được dạy một chiều về cuộc chiến tranh này và xuyên tạc về
nó. Không chỉ thế mà tất cả các cuộc chiến tranh trong quá khứ, lịch sử
hai bên dạy rất khác nhau.
Tuy nhiên, ông Tung lại cho rằng đây là
vấn đề nhạy cảm nên cần phải cẩn thận. Và cái sự cẩn thận quá đáng của
ông ta đã dẫn đến phản ứng của dư luận.
Tất nhiên, những vấn đề ông Tung nói ra
là phải có chủ trương chứ không phải nghĩ thế nào, ông cứ tuồn tuột nói
ra như thế. Vì không phải đến bây giờ ông mới dạy sử và không phải cuộc
chiến tranh này vừa mới diễn ra mà từ 40 năm nay rồi. Nói thế để thấy
rằng, ông nói gì thì cũng phải được phép và bây giờ ông được phép nói ra
như thế. Chính tư duy “được phép” mới dẫn đến ý kiến gây bão trên mạng
xã hội: Bây giờ (40 năm đã qua) “chính là lúc giới sử học của hai nước
nên ngồi lại, thảo luận những nguyên tắc cơ bản để dạy về những vấn đề
liên quan đến lịch sử hai nước”.
Ý kiến này của ông Tung có vẻ mâu thuẫn với các ý kiến khác của ông như “cần phải dạy về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc năm 1979 một cách khoa học, đúng đắn”, hay “không nên lảng tránh việc trình bày và đánh giá về quá trình lịch sử này”,
vì nếu đã có thái độ khoa học và đúng đắn, không lảng tránh thì việc gì
còn phải “ngồi lại” với kẻ đã xâm lược nước mình, đã giết chóc, tàn sát
nhân dân mình.
Để tăng tính thuyết phục cho ý kiến này,
ông Tung dẫn ra chuyện Pháp và Đức từng xảy ra chiến tranh và đã ngồi
lại với nhau. Nhưng Pháp và Đức khác hẳn Việt Nam, Trung Quốc về dân
trí, dân chủ, về tính văn minh của chế độ chính trị. Quan hệ giữa hai
nước ấy là quan hệ bình đẳng, ngang hàng, khác hẳn quan hệ Việt Trung.
Ý kiến của ông Tung có thể hiểu rằng,
viết về cuộc chiến tranh này như thế nào là phải hỏi ý kiến Trung Cộng.
Viết về một cuộc chiến tranh, phải đề cập đến bối cảnh, nguyên nhân,
diễn biến và hậu quả. Hai phía là kẻ thù, là đối phương, là đối tượng
tác chiến của nhau nên quan điểm mỗi bên nhất định phải khác nhau, trái
ngược nhau. Khi đã rụt rè không dám viết khác với ý kiến kẻ thù, hay
được kẻ thù đồng ý thì còn gì là lịch sử nữa mà nó trở thành một sự kiện
đã được gọt giũa, cắt xén, giấu giếm cho vừa lòng kẻ đã phát động chiến
tranh xâm lược và để có lợi cho “đại cục”.
Trước ý kiến không thể chấp nhận được của ông Tung, facebooker Phuc Dinh Kim vặn, khó mà bắt bẻ:
“Nếu chấp nhận lời đề nghị của Phạm Hồng Tung, tôi yêu cầu đến dịp kỷ
niệm 45 năm ngày chấm dứt chiến tranh và thống nhất đất nước
30/4/1975-30/4/2020, giới Sử học Việt Nam nên mời các Sử gia của Mỹ và
VNCH đang định cư trên khắp thế giới ngồi lại để thống nhất nội dung
lịch sử nước nhà giai đoạn 1954-1975”.
Fbker Phuc Dinh Kim đánh trúng tâm lý nô lệ, nhược tiểu trước thiên triều. Ông Tung trả lời sao đây về ý kiến này?
Lịch sử không xu nịnh ai
Thái độ của người viết sử là phải trung
thực với lịch sử, chứ không phải theo nghị quyết, chủ trương, đường lối
của một đảng phái nào đó, càng không phải theo ý muốn của kẻ thù.
Việc ông Tung đặt ra vấn đề viết về cuộc
chiến tranh xâm lược của TC phải hỏi ý kiến Trung Cộng có lẽ xuất phát
từ thói quen, viết gì, dạy như thế nào phải được phép, phải theo định
hướng. Từ chỗ các nhà viết sử đã quen với chỉ thị, định hướng của đảng
và ông Tung vì theo thói quen nên mới nâng lên khuôn phép mới là hỏi ý
kiến kẻ thù.
Xin nhắc lại câu chuyện xưa nói về phẩm chất, khí tiết của người chép sử:
Thôi Trữ là công thần nước Tề, giết vua Tề là Tề Trang Công (tên thật
là Khương Quang). Quan Thái sử chép rằng: “Mùa Hạ, tháng 5, ngày Ất
Hợi, Thôi Trữ giết vua của nó là Quang”. Trữ sợ, bảo ghi khác đi thì
Thái sử không chịu nên bị Trữ giết. Em của quan Thái sử tiếp tục công
việc của anh, chép y câu trên, lại bị giết. Cho đến người em thứ ba vẫn
chép nguyên câu ấy, sẵn sàng chịu chết nhưng Thôi Trữ không dám giết
nữa.
Khi người em thứ ba được toàn mạng lui ra, thì gặp Nam Sử thị là một
viên sử quan khác đứng chực sẵn. Thì ra Nam Sử thị sợ cả ba anh em Thái
sử bị giết hết sẽ không có ai ghi lại sự thật lịch sử, nên đã viết sẵn
trên thẻ, vẫn là: “Mùa Hạ, tháng 5, ngày Ất Hợi, Thôi Trữ giết vua của
nó là Quang”.
Nhắc lại câu chuyện này để thấy khí tiết của người viết sử xưa, thà chết chứ không thể viết khác sự thật lịch sử.
Nhớ lại có lần một diễn giả đến
trường tôi nói chuyện về ông Hồ Chí Minh, kiểu như ông Hoàng Chí Bảo sau
này. Trong buổi nói chuyện chừng ba giờ, nhiều lần ông nhắc đến cụm từ
“những người làm sử chúng tôi”. Lần đầu, tôi nghe đến chữ “làm sử” thấy
hay hay, là lạ và thán phục lắm. Sau nghĩ lại thấy không ổn. Sao lại
“làm sử”? Người ta có thể nói “làm văn”, “làm thơ” vì văn học là sáng
tác, được tưởng tượng, hư cấu. Còn sử thì làm ra sao được? Điều đó có
thể hiểu rằng trong tư duy của họ, viết sử là phải nhào nặn, phải theo
chỉ đạo. Lịch sử VN đương đại mà chúng ta vẫn học đã nói lên điều đó. Vì
thế mới có Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu mới có “ngụy quân ngụy quyền” Sài
Gòn, tay sai của đế quốc Mỹ... Đó là sản phẩm của “làm sử”. Do “làm sử”
mà lúc thì TQ là kẻ thù, lúc thì là bạn vàng và cuộc chiến tranh năm
Trung - Việt 1979 lúc thì biến mất, lúc thì lác đác nhắc lại. Thế thì
còn gì là sử. Phải trở lại với chữ của người xưa là “chép sử”, “sử ký”
(ký: ghi chép) chứ không phải “làm sử” thì lịch sử mới khách quan.
Lịch sử hiểu ngắn gọn là những gì đã diễn
ra trong quá khứ. Vì vậy, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung
Cộng xảy ra như thế nào cứ thế mà viết, hà tất phải hỏi ý kiến “bố con
đứa nào”.
RFA