Tưởng nhớ Hoàng Sa: phản ứng của người dân và chính quyền cộng sản (Nhiều tác giả)

Nhà báo N.X.H kể rằng dường như việc buộc báo chí phải đi đúng khuôn phép của ai đó đang tái diễn, mà không cần che đậy bằng bất kỳ mỹ từ tuyên giáo nào. "Họ đốc thúc chúng tôi phải gửi danh sách cụ thể từng cộng tác viên đang cộng tác với báo. Trong danh sách này, họ buộc chúng tôi phải điều tra xem cộng tác viên ấy đang sinh sống ở đâu, từng làm việc những nơi nào, chức vụ gì và bắt đầu cộng tác với chúng tôi từ thời gian cụ thể nào ? Đây là những yêu cầu ngớ ngẩn. Vì nếu báo chí có sai, thì theo Luật Báo chí, chúng tôi sẽ phải hầu tòa. Nhân thân của cộng tác viên là điều chúng tôi phải bảo vệ, hệt như bảo vệ đội ngũ phóng viên của mình !". Ông N.X.H bức xúc. (Trúc Giang)
 
45 năm mất Hoàng Sa : Đảng cộng sản cần chấm dứt sự im lặng đáng nguyền rủa
Trúc Giang, VNTB, 19/01/2019
Phải minh bạch ai đã cấm tuyên truyền về chiến tranh chống giặc Trung Quốc xâm lược ?
Nhà báo Đặng Tâm Chánh, nguyên tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói rằng "10 năm trước báo Sài Gòn Tiếp Thị của chúng tôi đã ghi nhận lại hình ảnh nhang tàn khói lạnh trên các nấm mồ liệt sĩ còn nằm dọc tuyến biên giới phía Bắc vào chính những ngày kỷ niệm 30 năm cuộc chiến. Chiến tích bị đục bỏ. Nghĩa trang néo cửa. Quan san tê tái. Những giọt nước mắt tưởng nhớ lén chảy vào trong nỗi ấm ức. Một hiện thực không thể tưởng tượng, khiến cho bất kỳ ai tận mắt nhìn thấy không thể không bức bối…".
Ông Đặng Tâm Chánh là một đảng viên, gia đình của ông cũng gốc gác cách mạng ở xứ dừa Đồng Khởi.
Một nhà báo từng làm việc ở tờ Thanh Niên đã nhắn trong ‘group’ bạn bè vào đầu giờ sáng ngày 17/1 : "Copy nguyên bài báo trên Thanhnien online (kèm theo link) để phòng khi bài bị gỡ bỏ. 45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam : Mưu đồ độc chiếm Biển Đông (1).
Nhà báo N.X.H kể rằng dường như việc buộc báo chí phải đi đúng khuôn phép của ai đó đang tái diễn, mà không cần che đậy bằng bất kỳ mỹ từ tuyên giáo nào. "Họ đốc thúc chúng tôi phải gửi danh sách cụ thể từng cộng tác viên đang cộng tác với báo. Trong danh sách này, họ buộc chúng tôi phải điều tra xem cộng tác viên ấy đang sinh sống ở đâu, từng làm việc những nơi nào, chức vụ gì và bắt đầu cộng tác với chúng tôi từ thời gian cụ thể nào ? Đây là những yêu cầu ngớ ngẩn. Vì nếu báo chí có sai, thì theo Luật Báo chí, chúng tôi sẽ phải hầu tòa. Nhân thân của cộng tác viên là điều chúng tôi phải bảo vệ, hệt như bảo vệ đội ngũ phóng viên của mình !". Ông N.X.H bức xúc.
Có lẽ ai đó đang sợ tái diễn lại câu chuyện của những nhà báo 'bị thu thẻ' giờ đang vào vai cộng tác viên. Trong trường hợp này là nhà báo Trương Huy San, bút danh Huy Đức. Các tòa soạn báo chí ở Sài Gòn vào hơn chục năm trước đã nhận một lệnh, là không được sử dụng bất kỳ một bài viết cộng tác nào ký bút danh Huy Đức. Tờ Sài Gòn Tiếp Thị thời ông Đặng Tâm Chánh làm tổng biên tập đã làm ngơ yêu cầu đó.
Tháng hai năm 2009, với tâm thế từng là người lính trong cuộc chiến tranh biên giới, sau hàng tháng trời chuẩn bị tư liệu và có mặt tại nhiều tỉnh biên giới phía Bắc, nhà báo Huy Đức đã có bài phóng sự mang tên "Biên Giới tháng Hai". Bài phóng sự đầy mồ hôi của tác giả lẫn máu lệ của đồng bào chiến sĩ biên giới, đã bị buộc phải gỡ bỏ vào ngày 9 tháng 2 sau hai tiếng đồng hồ nằm trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị Online.
Nhà báo Đặng Tâm Chánh cho biết ký sự định đăng ba kỳ báo in trên Sài Gòn Tiếp Thị, nhưng chỉ mới đăng được một kỳ đã kết thúc. "Chúng tôi chỉ biết mệnh lệnh ngưng đăng từ truyền đạt của cấp lãnh đạo gần nhất. Nhiều năm qua, chúng tôi chưa từng được giải thích về mệnh lệnh ấy. Một lần kiểm điểm tổng biên tập Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Thanh Hải, phó ban tuyên giáo thành ủy phê bình báo Sài Gòn Tiếp Thị về 100 bài "có vấn đề", nhận xét "chuyện người ta muốn quên thì các đồng chí moi lại. Để làm gì ? Có phải chuyện của các đồng chí không ? Chuyện của các đồng chí là thị trường…". Người ta là ai ? Ai cho mình cái quyền được đứng trên, quên hay nhớ lịch sử ? Chúng tôi chỉ nhận được sự im lặng trịch thượng". Ông Đặng Tâm Chánh, kể.
"Trong lần chuẩn bị làm số báo tưởng niệm Hải chiến Hoàng Sa, ban thư ký tòa soạn nhận một email của cộng tác viên nói rằng (đại ý) ở nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Phúc, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, trước đây có ngôi mộ chữ tuy hơi mờ, bia hơi cũ nhưng vẫn đọc được dòng chữ "Anh hùng liệt sĩ" phía trên, hàng dưới ghi "Trần Văn Phương".
Người lính hải quân Trần Văn Phương hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma với giặc Trung Quốc vào năm 1988. Tuy nhiên sau đó không rõ từ lệnh của ai, hai chữ "Anh hùng" đã được đục bỏ trên tấm bia mộ. Cộng tác viên gửi thông tin chỉ nói mình là bạn của Trần Thị Thủy, con gái ông Trần Văn Phương. Có lẽ giờ đây những cộng tác viên đó đang vào tầm ngắm của những nhà quản lý báo chí Việt Nam. Phải chăng họ đang sợ sự thật đến từ những nhà báo công dân mà báo chí vẫn gọi họ là cộng tác viên ?". Nhà báo Cao Minh Tâm, nguyên trưởng ban chính trị của tạp chí Tiếp thị Việt Nam, góp câu chuyện trong dòng kể ký ức.
Ông Đặng Tâm Chánh và ông Cao Minh Tâm cùng chung khóa báo chí ở tờ Tuổi Trẻ, chung khoa ngữ văn, chỉ khác là ông Minh Tâm không là đảng viên cộng sản. Cả hai nhà báo này đều quyết liệt đòi hỏi, nếu thực sự "đảng cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình" như cam kết ở Điều 4.2, Hiến pháp 2013, thì đảng cần trả lời thế lực nào được quyền đứng trên lịch sử ? Ai được quyền nuông chiều khẩu vị chính trị của lãnh đạo để đục bia mộ liệt sĩ ?
"Chúng ta đã làm một lũ vô ơn, bội bạc như vậy đủ rồi !". Nhà báo Đặng Tâm Chánh kết luận, và trong đại từ nhân xưng "chúng ta" đó chính là những nhà báo đảng viên…
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 19/01/2019
**********************
Hoàng Sa trong trí nhớ người Việt
Lão Tạ, Người Việt, 18/01/2018
Vào ngày này của 45 năm về trước Trung Quốc đưa quân đánh chiếm phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa, do Chính phủ Việt Nam Cộng hòa quản lý hợp pháp, trước sự làm ngơ của Hoa Kỳ.
tuongnho1
Tưởng nhớ Hoàng Sa - Hình : Internet
Miền Bắc giữ im lặng, vì há miệng mắc quai.
Trong thời kỳ căng thẳng sau chiến tranh biên giới đẫm máu 1979, sự kiện Hoàng Sa được đưa vào sách trắng của Bộ ngoại giao, tố cáo việc Trung Quốc lợi dụng Việt Nam đang có chiến tranh, đánh chiếm Hoàng Sa như một bước đệm trong âm mưu thôn tính và nô dịch toàn cõi Đông Dương. Sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, danh từ Hoàng Sa hoàn toàn biến mất trên báo chí chính thống của Việt Nam. Cho đến trước khi vấn đề Hoàng Sa được rụt rè đưa trở lại, hầu như người dân Việt Nam không hay biết gì mấy về phần lãnh thổ này. Thông tin về Hoàng Sa bị kiểm soát chặt chẽ đến mức ông Hữu Thọ, khi làm tổng biên tập báo Nhân Dân, trong một bài in trên báo, sơ suất để lọt hai chữ Hoàng Sa, liền bị ông Đỗ Mười gọi lên quạt cho một trận. Nguyên văn lời kể của ông Hữu Thọ tại trường Viết văn Nguyễn Du : "Cụ Mười đọc báo, gầm lên bảo : Thằng Thọ làm hỏng hết đại sự rồi ! Rồi cụ lôi cổ tôi lên quạt cho một trận".
Chính thể này đã mắc sai lầm quá lâu trong việc tuyên truyền cho người dân về phần lãnh thổ có tên là Hoàng Sa. Trong khi Trung Quốc thì tận dụng mọi cơ hội để nhét vào đầu hơn một tỷ dân của họ về cái gọi là "chuỗi ngọc trai của đất mẹ Trung Hoa vĩ đại", bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Một học sinh cấp ba của Trung Quốc cũng sẵn sàng bảo Việt Nam và một số nước đang ngày đêm hút trộm dầu của Trung Quốc ! Vì họ được học như vậy, rằng thế hệ trẻ Trung Quốc có nghĩa vụ phải thu hồi các lãnh thổ ấy về cho đất mẹ Trung Hoa ! Thậm chí họ đã đặt hẳn cả thời hạn, nghe nói là nhiệm vụ đó phải hoàn tất trước năm 2049 ?
Không thể phủ nhận việc công khai tuyên truyền về biển đảo của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, đã thấy chút dấu hiệu của "bản lĩnh dân tộc". Nhưng mọi việc vẫn cứ như gà mắc tóc, ấm ớ và không rõ ràng. Những phản ứng yếu ớt, đơn điệu, nhàm chán của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao trong mấy chục năm qua mỗi khi nhắc đến chủ quyền lãnh thổ trước một gây hấn nào đó của Trung Quốc ngoài biển Đông, là một bằng chứng. Tôi không thấy tí gì gọi là sự khôn ngoan chính trị trong những phát ngôn ấy, trái lại, nó chỉ chứng tỏ một sự bạc nhược là có thật. Nguy hại hơn, những tuyên bố kiểu như vậy khiến dư luận mất dần sự chú ý về một vấn đề rõ ràng là vô cùng lớn mà họ không thể đứng ngoài cuộc. Người dân có quyền nghĩ, có vẻ như Nhà nước đã buông xuôi, nói thì cứ nói, đòi thì cứ đòi, khẳng định thì cứ khẳng định, nhưng thực chất là đã chấp nhận an bài ! ?
Rất may cho dân tộc này là vào lúc nước sôi lửa bỏng, đã kịp có một phong trào dân sự rộng lớn, được hình thành và kết nối thông qua mạng xã hội. Hoàng Sa trở lại mạnh mẽ, làm nhức nhối tâm thức cộng đồng, là nhờ ở phong trào này. Mạng xã hội cần phải tiếp tục nói không mệt mỏi cho người dân rằng Hoàng Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể thương lượng, hiện vẫn còn bị ngoại bang tàn bạo chiếm đóng. Cần phải cho các thế hệ người Việt ghi nhớ điều này, một cách rõ ràng và chính xác về bản chất. Chỉ trên cái nền tảng sự thật ấy của hiện tình đất nước, mới có thể đề ra được các sách lược thông minh và đúng hướng trong việc gắn kết chặt chẽ với ai thì có lợi cho việc bảo vệ lãnh thổ. Nếu chúng ta, vì kém cỏi đành thoái thác nhiệm vụ to lớn ấy cho thế hệ tương lai, thì đừng tiếp tục bịt tai, bịt mắt, bịt miệng họ ?
Lão Tạ
Nguồn : Người Việt, 18/01/2019
***********************

Chính quyền Việt Nam ngăn cản người dân tưởng niệm 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa

Hòa Ái, RFA, 18/01/2019
Ngày 19/01/2019 là ngày đánh dấu tròn 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa diễn ra ở Biển Đông giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải quân Trung Quốc. Trận hải chiến không cân sức khiến cho 74 tử sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa ngã xuống trong lúc bảo vệ lãnh hải quốc gia.
tuongnho2
Nhà báo Lê Phú Khải cầm biểu ngữ tưởng niệm 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa. Courtesy : Facebook Lê Phú Khải
Đài RFA ghi nhận tinh thần tưởng niệm biến cố 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa của người dân tại Việt Nam.

An ninh đe dọa và ngăn cản

Vào tối ngày 18 tháng 1 năm 2019, Facebooker Lê Hoàng chia sẻ trên mạng xã hội rằng anh liên tục nhận được các cuộc gọi của an ninh Việt Nam răn đe không cho anh đi đến Tượng đài Lý Thái Tổ để thắp nhang tưởng niệm biến cố 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa.
Từ Hà Nội, anh Lê Hoàng thuật lại với RFA nội dung cuộc đối thoại giữa anh và một nhân viên an ninh mà anh quen mặt :
"Viên an ninh bảo là ‘Mai anh có đi đâu không ?’ Tôi đáp rằng ‘Mai anh có nhiều việc lắm, mà nói thật bố mẹ anh còn chẳng tra hỏi anh đi đâu, làm gì thế nọ thế kia. Không thể hỏi anh như thế được, nên em đừng hỏi anh những việc như thế và anh không trả lời những chuyện đó. Đi đâu là quyền của anh. Anh có bị quản chế đâu mà em hỏi như thế ?’ Viên an ninh bảo tiếp rằng ‘Thôi, mai anh đừng ra đấy. Anh ra đấy rồi chụp hình các thứ…rồi làm ầm ĩ lên’. Tôi nói ‘Em buồn cười nhỉ, người ta thắp hương tưởng niệm chứ làm gì ầm ĩ. Người ta rất trật tự. Từ trước đến nay, chưa có ai ra đó để phá bỉnh gì. Tôi chỉ biết có những người được cài đặt ra để phá những người dân đi thắp hương tưởng niệm’. Viên an ninh lại bảo ‘Tốt nhất là anh đừng có ra. Em nói trước đấy. Không thì mai em sẽ chặn ở cửa’. Như kiểu hăm dọa mình trước".
Mặc dù không bị gọi điện thoại răn đe như Facebooker Lê Hoàng, nhưng rất nhiều cư dân mạng tại Việt Nam cho RFA biết họ bị canh gác trước cửa nhà trong mấy ngày qua và họ cho rằng chính quyền muốn ngăn cản không cho họ đi đến Tượng đài Lý Thái Tổ ở Thủ đô Hà Nội và Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh để tưởng niệm 74 tữ sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
Từ Sài Gòn, tù nhân lương tâm-Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình nói với RFA biết có đến cả chục người quanh quẩn canh chừng việc đi lại của mình từ ngày 17 tháng 1. Tương tự như vậy, nhà báo độc lập Sương Quỳnh, nhà hoạt động dân chủ Trần Bang đều cũng bị canh gác, cản trở không cho đi ra khỏi nhà.

Hành động "chư hầu" của chính quyền

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận khỏang vài năm trở lại đây, dân chúng tại Việt Nam qua mạng xã hội bày tỏ lòng tri ân đối với những người lính đã ngã xuống trong các trận chiến với Trung Quốc mà Chính quyền Việt Nam né tránh, không nhắc đến như trận hải chiến ở Hoàng Sa, cuộc thảm sát ở Gạc Ma-Trường Sa, cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979. Các cư dân mạng chia sẻ tinh thần tưởng niệm qua việc thắp nhang tại hai Tượng đài Lý Thái Tổ và Trần Hưng Đạo trong những ngày lịch sử 19/01, 14/03 và 17/02. Tuy nhiên, tất cả những lần tưởng niệm của người dân đều bị công an, an ninh phá rối và đàn áp. Nhà hoạt động dân chủ Trần Bang, một thành viên của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nói với RFA rằng hàng năm các thành viên trong câu lạc bộ cùng tham dự nghi lễ thắp hương tưởng niệm những vị anh hùng vì nước vong thân trong những cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược, nhưng hầu như tất cả các thành viên đều bị ngăn cản, và những ai đi đến được tận nơi thì cũng khó tránh khỏi tình cảnh :
"Những người đi tưởng niệm liệt sĩ, tử sĩ chống Trung Quốc xâm lược trong các trận chiến Hoàng Sa, Gạc Ma, Biên giới hay biểu tình chống giàn khoan HD 981 hay nhiều sự kiện khác như Formosa xả chất thải độc ra biển…thì khi bị bắt, có lúc giằng co đã bị đánh đập hoặc bị giam trong đồn. Tôi bị bắt lần mới nhất hồi ngày 10/06/18 vào đồn Đa Kao. Công an cho cả chục người của Hội Cờ Đỏ vào đánh rồi đấu tố mình, cho là mình nhận tiền để đi biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng. Mình bị đánh thì mình không cộng tác. Rồi họ lập biên bản và phạt hành chính thì mình không chấp nhận, không ký. Công an, an ninh bắt người phi pháp và đánh người ngay trong đồn công an. Họ cho thường phục vào đánh, đấu tố, đổ nước vào mồm, chọc ngoáy, sỉ vả, lăng nhục, xúc phạm…".
Ông Trần Bang và một số cư dân mạng mà Đài RFA tiếp xúc nói rằng họ ghi nhận lần đầu tiên báo chí nhà nước của Việt Nam rầm rộ đưa tin kỷ niệm 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa, cũng như nêu đích danh Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Thế nhưng, họ nhấn mạnh rằng mặc dù Chính phủ Hà Nội cho phép truyền thông được loan tin như thế, nhưng họ không lấy làm lạc quan rằng việc thắp nhang tưởng niệm 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa vào ngày 19 tháng 1 năm 2019 sẽ được suôn sẻ.
Luật sư Lê Công Định, vào ngày 18 tháng 1 viết trên trang Facebook cá nhân của ông rằng "Sáng mai chắc chắn Thiên triều Bắc Kinh sẽ xua lực lượng khẩu trang nhân dân của nước chư hầu đi canh nhà chặn cửa con dân chư hầu, đề phòng chúng xuống đường kỷ niệm ngày Thiên triều cướp đất chư hầu. Ôi thân phận chư hầu !" Dòng trạng thái chia sẻ của Luật sư Lê Công Định được nhiều người quan tâm và đồng thuận. Nhà báo độc lập Sương Quỳnh nhấn mạnh với RFA :
"Họ (Chính quyền Việt Nam) cứ cố tỏ ra trước nhân dân rằng họ không phải là chư hầu, để cho người dân còn cố gắng tin tưởng vào họ, nên họ mới đành phải viết ra những chuyện nói là như vậy. Họ làm như là mạnh mẽ, nhưng thực tế với những cách và những việc mà họ làm như họ đã cho các doanh nghiệp, những đàm phán, những chúc tụng với Trung Quốc, đáng lẽ là kẻ thù khi đã lâm le chiếm đảo và chiếm đất nước như thế, thì đó là tư cách của một chư hầu. Chỉ có chư hầu mới ôm ấp kẻ thù làm bạn".
Nhà báo Sương Quỳnh khẳng định rằng mưu đồ xâm lăng và thôn tín Việt Nam của Trung Quốc trong thiên niên kỷ mới này không nhất thiết phải bằng gươm đao hay súng đạn, mà bằng sự vâng phục của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tư thế của một nước chư hậu với mỹ từ tình bạn láng giềng "4 tốt-16 chữ vàng".
Những cư dân mạng có ý định tham dự nghi lễ thắp nhang tưởng niệm 45 năm trận hải chiến Hoàng Sa mà Đài RFA có dịp trao đổi cho biết trong trường hợp công an, an ninh ngăn cản thì họ cũng sẽ tưởng niệm theo cách riêng của mình, như nhà báo Lê Phú Khải tưởng niệm tại gia với biểu ngữ "Nhân dân đời đời nhớ ơn các liệt sỹ Hoàng Sa (19/01/1974-19/01/2019).
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 18/01/2019
*******************
Công an ngăn chặn, đánh người tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa
T.K., Người Việt, 18/01/2019
Sáng hôm 19 tháng Giêng, theo thông lệ hàng năm, một số thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng đến tượng đài Trần Hưng Đạo để thắp hương tưởng niệm các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận hải chiến ngày 19 tháng Giêng, 1974, giữ đảo Hoàng Sa.
tuongnho5
Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh (giữa) tại tượng đài Lý Thái Tổ hôm 19 tháng Giêng. (Hình : Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)
Nhà báo Kha Lương Ngãi, cựu phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng (trực thuộc Đảng Bộ thành phố ở Sài Gòn) và là thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng, cho biết trên trang cá nhân : "Sáng 19 tháng Giêng, tôi và hầu hết thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng đều đã bị ngăn chặn tại nhà. Năm nay, lực lương an ninh được lệnh cấp trên tăng cường ngăn chặn tôi và nhiều anh chị em tại nhà suốt hai ngày hai đêm 18 và 19 tháng Giêng".
Ông Ngãi cũng nhận định : "Việc các báo đài nhà nước đồng loạt đưa tin, bài về Hoàng Sa có vẻ bớt e dè hơn về việc ngấm ngầm khẳng định Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa là nhằm đánh lừa và gieo rắc ảo tưởng rằng đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu có sự thay đổi về tầm nhìn và đối sách đối với Trung Quốc. Cách hành xử của lực lương an ninh đã cho thấy rõ đảng, nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn là của ai và họ đang vì ai".
Các thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng tại tượng đài Trần Hưng Đạo hôm 19 tháng Giêng. (Hình : Facebook Hoa Kim Ngo)
Một số blogger khác cho biết chỉ có bốn người đến được tượng đài Trần Hưng Đạo là ông Lê Thân, nhà thơ Phan Đắc Lữ, nhà giáo Trần Minh Quốc và kỹ sư Tô Lê Sơn. Tuy vậy, sau khi vừa xuất hiện tại khu vực tượng đài thì bốn người này bị các nhân viên an ninh mặc thường phục ào tới giật băng rôn chỉ trong vòng vài phút.
Cùng ngày, việc tưởng niệm các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa ở Hà Nội cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh viết trên trang cá nhân : "Chúng tôi đến được khu vực tượng đài Lý Thái Tổ để thắp nhang, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng tử sĩ Hoàng Sa. Gần đó, ngay trước cửa Nhà Hát Lớn, trên bục cao, đám thanh niên được tổ chức nhảy múa tưng bừng. Khi ra về, gần đến bến xe buýt thì tôi và ông Dũng Trương bị chặn lại. Một viên an ninh đã vô cớ đánh ông Dũng Trương dù ông này rất ôn hòa. Công an quận Thanh Xuân sau đó đã "áp giải" chúng tôi về tận nhà…"
Để tránh bị nhân viên an ninh quấy nhiễu, nhiều blogger, nhà hoạt động khác chọn cách giương biểu ngữ tưởng niệm tại tư gia và chụp ảnh post Facebook.
Năm ngoái, do vấp phải phản ứng dữ dội của công luận, giới chức Hà Nội buộc phải thông báo hoãn buổi diễn của Đoàn nghệ thuật Nội Mông, Trung Quốc tại Nhà Hát Lớn đúng vào đêm 19 tháng Giêng "vì sự cố kỹ thuật".
Thời điểm đó, báo chí nhà nước tường thuật rằng đêm diễn này "nhằm phục vụ cho chương trình nghệ thuật kỷ niệm 68 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc" nhưng trước giờ diễn thì hệ thống điện tại nhà hát "hoạt động không ổn định, không thể đáp ứng cho yêu cầu kỹ thuật của buổi biểu diễn".
Việc giới chức văn hóa cộng sản Việt Nam chào đón Đoàn nghệ thuật Nội Mông đến trình diễn vào đúng ngày tưởng niệm Hoàng Sa khiến nhiều blogger chỉ trích gay gắt rằng đó là "sự vô cảm của nhà cầm quyền khi mà kẻ xâm lược được mời đến ca hát vào ngày kỷ niệm mất mát của kẻ bị xâm lược ngay trên chính đất nước bị xâm lấn". Điều này cũng cho thấy cộng sản Việt Nam chưa bao giờ "thật tâm" khi tưởng niệm vụ Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, cũng như nhìn nhận những nỗ lực của binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc hải chiến chống quân Trung Quốc.
T.K.