'Sau 2 tiếng vật lộn trên đường, tới nhà, tôi khóc nức nở...' (Tuổi Trẻ)

Ý thức người Việt rất kém khi tham gia giao thông là điều ai cũng rõ nhưng có phải chỉ thế thôi sao? Vậy sinh ra nhà nước và đủ các ban ngành chức năng để làm gì? Lỗi lớn nhất luôn thuộc về chính phủ. Họ độc quyền viết sách về giáo dục vậy họ đã dậy gì cho con em chúng ta để khi ra đường ai thích chạy thế nào thì chạy, không theo luật lệ gì cả? Công an giao thông đứng đầy đường nhưng mục đích "kiếm bánh mì" vẫn là quan trọng nhất? Rồi cách phân làn xe, kiểm định xe định kỳ, kiểm tra xem tài xế có đảm bảo sức khỏe không? Rồi việc lấn chiếm lề đường để kinh doanh...đều thuộc về chức năng của các ban ngành thuộc chính phủ. Họ phải chịu trách nhiệm vì sự bát nháo của hệ thống giao thông Việt Nam. Đây cũng là chính trị vì nó phụ thuộc rất nhiều vào thể chế chính trị. 


Với tôi, và có lẽ không chỉ tôi, hành trình về quê ăn tết cứ như ra quân, ác liệt và đáng sợ. Cuối tuần vừa rồi, tôi tranh thủ phóng xe về quê ăn tết ông Công ông Táo cùng gia đình. Quê cách Hà Nội chỉ 40 km, vậy mà phải trầy trật lắm tôi mới đặt chân đến nhà an toàn sau gần 2 giờ vật lộn với giao thông trong ngoài thành phố. 
 
Cửa ải số 1: Vòng vây nội thành

6h30, tôi kết thúc công việc nên di chuyển trên quốc lộ 32 để về quê. Tệ nỗi, đi qua đoạn đường Hồ Tùng Mậu đúng thời điểm "đông đặc", không nhúc nhích nổi. Người, xe, rồi hàng hóa lổn ngổn, chi chít xung quanh. Một số người lách qua xe tôi phi ầm ầm lên vỉa hè để "thoát nạn". Một số thì vội quá, húc cả vào biển số xe tôi, rồi cũng quay ngoắt mặt đi tìm đường thoát. Số khác ngồi trong ôtô thì ấm ức vì không thể tràn lên vỉa hè hay lách qua dễ dàng như xe máy được, nên "tiện tay" bấm còi inh ỏi. Vài người thì hứng thú với trò rồ ga nhả khói cho xe phía sau hít đủ bụi mù. 

Còn lại, những người quen với sự cam chịu như tôi thì chỉ biết… đứng im chờ hết tắc. Thỉnh thoảng rùng mình ngó lên xem mấy khối sắt thép bêtông lơ lửng trên đầu, rồi đoán xem... bao giờ chúng rơi.
Cứ như vậy, tôi phải chen lấn nửa tiếng đồng hồ giữa cái đám hỗn độn, tạp âm, hít đủ khói xe, bụi đường ấy, xong mới có thể thoát khỏi đoạn đường vỏn vẹn 800m này. 

Cửa ải số 2: Thích dừng là dừng, thích đi là đi
 
Vừa thở phào nhẹ nhõm khi thoát khỏi được ma trận kẹt xe thì lại phải đối diện ngay với các "ninja lead" ham đồ rẻ dọc đường. Dù đoạn này (nghĩa trang Mai Dịch) đường đã thoáng hơn, nhưng ý thức người tham gia giao thông thì vẫn tệ như vậy. Đang đi bình thường thì 1 xe đi trước tôi bỗng đột ngột dừng lại, lần khác thì 1 xe đột ngột rẽ vào vỉa hè mà không thèm xinhan. 

Lý do chỉ vì dọc đường có bán cá, tiện nên nhiều người dừng lại mua vài con về cúng. Tiện nên dừng lại ngắm vài cành đào cây quất;  tiện nên mua thêm vài bộ quần áo đang xả hàng cuối năm. Họ không biết xe đi phía sau thế nào, nên cứ dửng dưng và phấn khởi mua hàng, mặc kệ hết. Cũng may mà tôi phanh kịp, không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. 

Còn chưa kịp hoàn hồn vì cú va chạm thì tôi lại gặp phải 1 người đàn ông vừa đi vừa nhổ nước bọt ra đường. Nhổ 5 lần không hết. Đi được dăm mét ông lại nhổ toẹt một bãi. Chắc do quen miệng.
Thật chẳng biết nói gì. 

Cửa ải 3: Hung thần đường phố 

Nhưng chưa dừng lại ở đó. Đến đoạn Hoài Đức – Thạch Thất, tôi không còn bực tức vì những hành vi trên nữa mài run lên vì sợ: các hung thần khổng lồ lao bất chấp trên đường. 

Khu đó, nhiều đoạn đường rất hẹp, không có vỉa hè, nhưng lại có rất nhiều xe to gấp 3, gấp 5 lần xe tôi đi, và đi rất "bạo liệt". Dù tôi đã cố gắng đi thật chậm và quan sát trước sau nhưng luôn bị những chiếc xe khách cũ kỹ xập xệ, nhả khói đen xì trên đường làm cho giật bắn mình. Nếu không phải thình lình xuất hiện thì cũng rú còi từ phía sau và ầm ầm lao tới. 

Những xe này ép sát đám xe máy vào mép đường, lấn sang cả phần đường phía bên kia để vượt trước. Rồi lao đi như thể đang đi trên cao tốc. Xe đi rất nhanh nhưng hễ có khách dọc đường thì phanh thật gấp, lấn làn một cách rất tự nhiên, và dừng đột ngột cũng rất tự nhiên. 

Anh lơ xe rướn người ra, vội vã xốc nách khách lên xe, rồi lại vù vù lao đi. Để lại phía sau là đám bụi mịt mù, như phim hành động. 

Còn chưa kể gặp những chiếc xe đầu kéo, container to chình ình nhưng cũng đi với tốc độ kinh khủng khiếp. Mỗi lần đứng chờ đèn đỏ lại phải liếc sang nhìn gương chiếu hậu. Yên tâm hơn thì ngoái lại phía sau dè chừng. Đi cũng lo mà dừng xe cũng nơm nớp sợ. 

Ban ngày đã vậy, tôi còn về lúc trời tối. Nhiều đoạn còn không có đèn đường, thỉnh thoảng còn có vài chiếc xe "vui tính" còn đi ngược chiều bật đèn pha rọi thẳng vào mặt tôi. Không biết có từ nào đủ để miêu tả nỗi sợ hãi khi đó. 

Tôi trộm nghĩ: Không biết tôi đang tham gia giao thông hay đang ra trận? Điều duy nhất tôi nghĩ được khi ấy là cố giữ vững tay lái và miệng lẩm nhẩm cầu mong an toàn. 

Ơn trời tôi trở về lành lặn, sau 2 giờ kiên trì và dốc toàn sức lực "chinh chiến" trên đường. Đặt chân xuống trước cửa nhà mà nước mắt chẳng biết tự đâu cứ ào ào tuôn ra. Rồi tôi khóc nức nở như vừa phải chịu đựng chuyện gì đấy uất ức, đối mặt với điều gì đấy khủng khiếp lắm. 

Khi ấy mới thấy, điều quý giá nhất sau khi trải qua hành trình mệt mỏi, vẫn là được trở về nhà bình an, được ăn tết cùng những người thân yêu. Nhưng có lẽ, tết sẽ trọn vẹn hơn nếu người tham gia giao thông lái xe có ý thức. 

Vì tết an lành, bác tài ơi, hãy lái xe chậm thôi, có được không? 

Tâm Bảo Kiều