Mỹ chính thức yêu cầu Canada cho dẫn độ giám đốc tài chính Hoa Vi (Trọng Nghĩa)

Cuộc chiến tổng lực Mỹ-Trung đang tăng tốc. Vụ Mỹ yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi chỉ là bước khởi đầu của Mỹ nhắm vào các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Cho dù Trump không quan tâm gì đến nhân quyền nhưng các cơ quan khác của Mỹ lại không nghĩ như vậy. Họ phải hành động theo trào lưu của thế giới. Việc Trump lên tiếng chỉ trích các cơ quan như FBI, CIA...chỉ chứng tỏ rằng Trump đang đi sai đường.



Theo trang tin Business Insider, trích dẫn nhật báo Mỹ Wall Street Journal, chính quyền Canada hôm 29/01/2019 đã xác nhận việc Mỹ chính thức đề nghị Canada cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi.
Đơn yêu cầu dẫn độ đã được chuyển cho Canada một hôm sau khi tư pháp Mỹ công bố 23 tội danh nhắm vào Hoa Vi và bà Mạnh Vãn Châu, từ vi phạm lệnh trừng phạt Iran cho đến đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ.

Theo báo Wall Street Journal, nhà chức trách Canada có một tháng, tức là đến ngày 01/03, để quyết định chấp nhận hay không yêu cầu của Mỹ. Việc xem xét sẽ căn cứ vào nội dung hiệp ước dẫn độ giữa hai nước. Tuy nhiên, kể cả khi Canada đồng ý cho dẫn độ sang Mỹ, bà Mạnh Vãn Châu vẫn có quyền kháng cáo.

Kể từ khi vụ Hoa Vi nổi cộm lên với việc bà Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ vào đầu tháng 12 năm 2018, sản phẩm của tập đoàn Trung Quốc càng lúc càng bị tẩy chay ở các nước phương Tây, hay các quốc gia đồng minh thân thiết của Mỹ.

Gần đây nhất là Cộng Hòa Séc đã quyết định loại Hoa Vi ra khỏi cuộc đấu thầu xây dựng một cổng thông tin về thuế. Quyết định này được ban hành trong bối cảnh cơ quan an ninh mạng của Cộng Hòa Séc vào cuối năm ngoái, đã chính thức cảnh báo về việc sử dụng các sản phẩm từ hai tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi và ZTE.

Trên một bình diện rộng lớn hơn, theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, Liên Hiệp Châu Âu sắp tiến đến việc loại Hoa Vi ra khỏi tiến trình xây dựng các mạng lưới điện thoại 5G tại châu Âu, nhưng một cách mặc nhiên chứ không chỉ đích danh.

Theo bốn quan chức châu Âu được Reuters trích dẫn, hiện nay đã có nhiều đề nghị được đưa ra xem xét, trong đó có ý kiến liên quan đến việc điều chỉnh đạo luật về an ninh mạng năm 2016 của Liên Hiệp Châu Âu, buộc các công ty xây dựng các hạ tầng cơ sở cốt lõi là phải bảo đảm vấn đề an ninh.

Theo các quan chức này, việc điều chỉnh bổ sung định nghĩa về cơ sở hạ tầng thiết yếu để bao hàm luôn cả các mạng lưới điện thoại di động đời thứ năm, trong thực tế sẽ ngăn chặn không cho các doanh nghiệp châu Âu dùng thiết bị đến từ các nước hay công ty bị nghi ngờ là dùng thiết bị vào mục tiêu gián điệp hay phá hoại. Hoa Vi nằm trong danh sách các công ty bị tình nghi đó sẽ mặc nhiên bị loại.

RFI