Châu Âu ra tối hậu thư cho Tổng thống Venezuela Maduro (Tuổi Trẻ)

Cuộc khủng hoảng tại Venezuela không chỉ là vấn đề nội bộ của đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới mà còn là cuộc đối đầu giữa hai khối dân chủ và độc tài. Nga và Trung Quốc đã đầu tư vào đây nhiều chục tỉ USD (Việt Nam cũng tham gia hơn một tỉ USD) với hy vọng lấy dầu mỏ để bù vào. Nếu Maduro thất bại họ sẽ mất tất cả vì vậy Nga, Trung Quốc phải muối mặt lên tiếng bênh vực và bảo vệ Maduro đến cùng, thậm chí Nga đã cử lực lượng an ninh núp bóng tư nhân đến để bảo vệ Maduro. Cuộc đối đầu này có thể thấy được kết quả với sự thảm bại của Maduro, vấn đề chỉ là thời gian sớm hay muộn mà thôi. Làn sóng dân chủ thứ 4 vẫn đang tiến tới.

Nếu ông Nicolas Maduro không chấp nhận bầu cử lại, các nước Đức, Pháp và Tây Ban Nha sẽ nghiễm nhiên công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là tổng thống Venezuela.

Trước đó ông Guaido, chủ tịch Quốc hội Venezuela, đã tự nhận là tổng thống lâm thời của nước này. Đây là cách phe đối lập phản ứng với đương kim Tổng thống Maduro - người vừa tuyên bố nhậm chức nhiệm kỳ hai.

Căng thẳng chính trị ở Venezuela đã lan rộng thành câu chuyện quốc tế. Một số nước phương Tây và Nam Mỹ cho rằng ông Maduro phải có trách nhiệm với cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela và lắng nghe nguyện vọng của người dân.

Sau khi nhiều nước công khai ủng hộ ông Guaido, giờ đây châu Âu đang có chiến thuật ra tối hậu thư cho ông Maduro: hoặc tổ chức bầu cử lại, hoặc sẽ bị bác bỏ sự công nhận là tổng thống hợp pháp của Venezuela.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trong một tuyên bố ngày 26-1 nêu: "Chính phủ Tây Ban Nha cho ông Nicolas Maduro tám ngày để tổ chức bầu cử tự do, minh bạch và dân chủ. Nếu điều đó không xảy ra, Tây Ban Nha sẽ công nhận Juan Guaido là tổng thống lâm thời để kêu gọi bầu cử".

Theo Hãng tin Reuters, có vẻ như các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tìm thấy tiếng nói chung và bắt đầu ra cùng một thông điệp tới chính quyền Tổng thống Maduro.

Gần như cùng lúc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chia sẻ quan điểm của Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez. Ông Macron nói: "Trừ phi cuộc bầu cử được công bố trong vòng tám ngày, chúng tôi sẵn sàng công nhận ông Guaido là ‘tổng thống thực thi trách nhiệm’ của Venezuela nhằm kích hoạt một quá trình chính trị".

Không lâu sau đó, tới lượt một phát ngôn viên của Chính phủ Đức đưa ra thông điệp tương tự Pháp và Tây Ban Nha.

Đây có thể xem là bước đi nhẹ nhàng hơn của châu Âu trong việc tìm giải pháp cho Venezuela.

Tính đến nay, quân đội vẫn đứng về phía ông Maduro, trong lúc các nước ở châu Âu và đặc biệt là Mỹ lại ra sức ủng hộ ông Guaido làm tổng thống.

Nhật Đăng