Tổng kết tình hình Việt Nam 2018 (Thanh Phương)

Trong năm 2018, một dự luật khác đã gặp phản đối mạnh hơn cả luật an ninh mạng. Đó là dự luật đặc khu, vì luật này dự trù cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất đến 99 năm tại các đặc khu, được cho là sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc kiểm soát những khu vực trọng yếu của Việt Nam, như đặc khu kinh tế Vân Đồn ở Quảng Ninh, nằm gần biên giới Trung Quốc. Sau các cuộc biểu tình rầm rộ trong nước và của người Việt ở nước ngoài, chính phủ Việt Nam đã phải quyết định hoãn cuộc biểu quyết luật đặc khu cho đến năm sau. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn kết án tù nhiều người tham gia các cuộc biểu tình chống luật này.
 
Ông Nguyễn Phú Trọng thâu tóm quyền lực và đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới qua việc gia nhập CPTPP và chuẩn bị ký hiệp định tự mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu, nhưng chính quyền vẫn tiếp tục trấn áp những tiếng nói đối lập. Đó là một số điểm nổi bật của thời sự Việt Nam trong năm 2018.
Năm 2018 là năm đánh dấu một thay đổi lớn trong cơ cấu quyền lực của Việt Nam, với việc tổng bí thư Đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng ngày 23/10 chính thức được Quốc Hội được bầu làm chủ tịch nước, thay thế ông Trần Đại Quang, qua đời vào tháng 9. Đây là lần đầu tiên kể từ thời ông Hồ Chí Minh, một lãnh đạo đảng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước. Trong một bài viết đăng trên mạng ngày 04/10/2018, tức là sau khi có tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm chức chủ tịch nước, Asia Times đã nhận định đây là một sự củng cố quyền lực chưa từng có, đưa ông trở thành một Tập Cận Bình của Việt Nam. Ông Tập Cận Bình hiện cũng là tổng bí thư kiêm chủ tịch Trung Quốc.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn RFI trong tạp chí Việt Nam phát ngày 29 /10, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng hiện còn quá sớm để khẳng định Việt Nam sẽ đi theo mô hình Trung Quốc :
Tôi nghĩ là hiện còn tương đối là quá sớm để khẳng định xu thế trong tương lai. Ít nhất là trong những phát biểu gần đây của ông Nguyễn Phú Trọng, ông cũng nói rằng đây là một giải pháp tạm thời, trong bối cảnh chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời đột ngột và ông được đề cử để nắm chức vụ ấy.
Điều này cho thấy là bản thân ông Nguyễn Phú Trọng và những lãnh đạo khác của đảng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên hợp nhất hai chức vụ này hay không, và quan trọng hơn là có nên kéo dài sự dàn xếp hiện tại đối với ông Trọng hay không ? (… ) Có lẽ là từ giờ đến Đại hội 13, người ta sẽ đánh giá cụ thể hơn hiệu quả của việc tổng bí thư kiêm nhiệm chủ tịch nước, để xem có nên tiếp tục duy trì sau Đại hội 13 hay không. Nếu họ muốn duy trì (cơ cấu này), ai sẽ là người được lựa chọn để thay thế ông Trọng ở cả hai chức vụ ? Cả hai vấn đề đều chưa có lời giải ở thời điểm này. Tôi nghĩ là họ sẽ cần có thời gian hơn để quyết định và như vậy câu hỏi Việt Nam có sẽ theo mô hình của Trung Quốc hay không thì có lẽ cũng cần thời gian để kiểm chứng.
Dù là tạm thời hay không, với việc kiêm nhiệm hai chức vụ lãnh đạo tối cao, ông Nguyễn Phú Trọng đã thâu tóm đủ quyền lực để có thể đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch chống tham nhũng và qua đó triệt hạ các đối thủ chính trị, nhất là những người thuộc phe cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong những tháng cuối năm, nhiều quan chức cao cấp đã bị bắt giữ, trong đó gây chấn động nhiều nhất là vụ bắt giam ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), vì tội "vi phạm các quy định về ngân hàng". Trần Bắc Hà là một nhà tài phiệt được mô tả là có quyền hành rất lớn và là nhân vật thân tín của ông Nguyễn Tấn Dũng. Cuối năm, chiến dịch chống tham nhũng vẫn không ngớt cường độ : ngày 10/12, công an đã bắt ông Trương Văn Tuyến (nguyên tổng giám đốc Vinashin) ; Phạm Thanh Sơn (phó tổng giám đốc SBIC, Vinashin) về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" .
Về mặt kinh tế, sự kiện đáng chú nhất trong năm 2018, đó là việc Việt Nam gia nhập Hiệp định tự do mậu dịch Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn CPTPP và như vậy Việt Nam là nước thứ bảy thông qua hiệp định này, sau các nước New Zealand, Canada, Úc, Nhật Bản, Mêhicô và Singapore. CPTPP sẽ có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2018.
Trả lời RFI trong tạp chí ngày 12/03, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng hiệp định CPTPP sẽ thúc đẩy những cải cách ở Việt Nam :
Tôi thích nhất TPP là ở chỗ các chuẩn mực, các yêu cầu của hiệp định này rất là rõ và cao hơn, để Việt Nam trong quá trình cải cách của mình phải vươn tới những chuẩn mực đó, chứ không thể lúc nào cũng nhấn mạnh đến đặc thù Việt Nam để trì hoãn một số cải cách hoặc cải cách không đồng bộ. Những cải cách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán của Việt Nam đôi khi làm cho cải cách kém hiệu quả hơn nhiều trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Bây giờ, nếu không có một chuyển đổi thật mạnh mẽ, thật nhất quán, để làm cho Việt Nam vượt lên, thì Việt Nam sẽ khó mà cạnh tranh với thế giới ngày nay. Tôi cho rằng, thúc đẩy cải cách thể chế và cải cách bộ máy hành chính của Việt Nam là một điều hết sức cần thiết mà hiệp định này có thể mang lại.
Đặc biệt, hiệp định CPTPP sẽ dẫn đến việc thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam, bởi vì trong số ba công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế mà Việt Nam sẽ phải phê chuẩn, có công ước 87 về quyền tự do lập hội. Công ước quy định là người lao động và người sử dụng lao động được quyền tự thành lập một tổ chức và tham gia một tổ chức theo sự lựa chọn của mình, chứ không bắt buộc phải theo công đoàn chính thức.
Ngoài CPTPP, Việt Nam còn đang chuẩn bị ký kết hiệp định tương tự với Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 17/10, Ủy ban châu Âu đã thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do Thương mại EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam, chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình. Hiện chưa biết khi nào tiến trình này mới hoàn tất, nhưng một có một điều chắc chắn, đó là vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đã phần nào gây cản trở việc ký kết.
Về vấn đề này, trả lời phỏng vấn RFI trong tạp chí ngày 15/10, trưởng phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, Bruno Angelet, nói :
Liên quan đến hiệp định tự do mậu dịch, các nguyên tắc và các giá trị của châu Âu được ghi trong phần mở đầu của hiệp định. Việc thẩm định sự tôn trọng các giá trị và nguyên tắc đó sẽ được tiến hành một khi hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam được thực hiện. Chúng tôi cũng cần có sự bảo đảm là Việt Nam có quyết tâm và có khả năng tuân thủ các cam kết của mình, nhất là những cam kết được ghi trong hiệp định. Việt Nam cũng phải có những cam kết quốc tế về quyền lao động.
Đó là những cam kết đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nhưng sẽ đưa Việt Nam lên một nấc cao hơn và giúp Việt Nam phát triển một xã hội trình độ cao hơn và hiện đại hơn so với các nước láng giềng. Tôi hiểu rằng Nghị Viện Châu Âu có những đòi hỏi gắt gao hơn về nhân quyền và tôi không biết là khi được đưa ra phê chuẩn ở Nghị Viện, hiệp định sẽ nhận được đa số phiếu như thế nào. Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam chắc chắc được thảo luận, được tranh luận nhiều hơn.
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2018 tiếp tục gây quan ngại cho các tổ chức quốc tế, với thêm nhiều nhà bất đồng chính kiến bị kết án tù, gần đây nhất là cô Huỳnh Thục Vy, ngày 30/11/2018 đã bị một tòa án ở tỉnh Đắk Lắk tuyên án 33 tháng tù giam với tội danh "xúc phạm quốc kỳ" theo điều 276 Luật Hình sự. Do có con nhỏ và đang mang thai, bà được hoãn thi hành án, nhưng bị cấm rời khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh.
Nhân vụ xử Huỳnh Thục Vy, trong một thông cáo đưa ra ngày 20/11, tổ chức Human Rights Watch đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu và các nhà tài trợ, đối tác thương mại quốc tế yêu cầu chính quyền Việt Nam "thực hiện những lời hứa cải thiện hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình nếu muốn có các mối quan hệ chính trị và kinh tế tốt đẹp hơn".
Trong năm 2018, chính quyền Việt Nam đã trả tự do cho một số nhà bất đồng chính kiến, nhưng buộc họ phải ra nước ngoài, như trường hợp của luật sư Nguyễn Văn Đài và gần đây nhất là blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Không chỉ trấn áp những nhà hoạt động nhân quyền, chính quyền Hà Nội còn tỏ thái độ cứng rắn với những đảng viên có những phát biểu không thuận tai Đảng, đặc biệt qua vụ Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 25/10 đã đề nghị kỷ luật giáo sư Chu Hảo. Nguyên là thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ, và hiện là Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, ông Chu Hảo, bị cáo buộc là đã cho phát hành "một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước", cũng như đã "có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng".
Nhiều nhân sĩ trí thức trong nước đã phản đối vụ kỷ luật giáo sư Chu Hảo, riêng nhà văn Nguyên Ngọc đã tỏ thái độ bằng cách tuyên bố từ bỏ đảng. Trong một lá thư ngỏ đề ngày 11/11/2018, gần 100 giáo sư, tiến sĩ và nhà nghiên cứu về Việt Nam từ nhiều nước trên thế giới cũng đã lên tiếng "bày tỏ quan ngại" về các cáo buộc "vô căn cứ và đáng lo ngại" đối với giáo sư Chu Hảo.
Để kiểm soát chặt chẽ hơn những thông tin trên Internet, trong năm 2018, Việt Nam cũng đã thông qua luật an ninh mạng, sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019. Luật này không chỉ bị chỉ trích là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận trên mạng, mà còn gây lo ngại cho giới doanh nghiệp Việt Nam cũng như của nước ngoài. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018, diễn ra trong tháng 12, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) đã bày tỏ lo ngại rằng Luật an ninh mạng "có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Việt Nam qua việc cản trở luồng dữ liệu tự do mà nền kinh tế số toàn cầu xây dựng".
Trong năm 2018, một dự luật khác đã gặp phản đối mạnh hơn cả luật an ninh mạng. Đó là dự luật đặc khu, vì luật này dự trù cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất đến 99 năm tại các đặc khu, được cho là sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc kiểm soát những khu vực trọng yếu của Việt Nam, như đặc khu kinh tế Vân Đồn ở Quảng Ninh, nằm gần biên giới Trung Quốc. Sau các cuộc biểu tình rầm rộ trong nước và của người Việt ở nước ngoài, chính phủ Việt Nam đã phải quyết định hoãn cuộc biểu quyết luật đặc khu cho đến năm sau. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn kết án tù nhiều người tham gia các cuộc biểu tình chống luật này.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 17/12/2018