Hoang tưởng khi đàm phán - Nghệ thuật gây hỗn loạn (Paul Krugman)
"Trong thương mại, Donald Trump chỉ phá chứ không biết xây". Đó
là nhận xét của Paul Krugman, một cây bút chuyên viết bình luận cho New
York Times khi phân tích về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung
Quốc.
Liệu
Mỹ sẽ có một cuộc chiến toàn diện về thương mại với Trung Quốc, thậm
chí với phần còn lại của thế giới ? Không ai trả lời được câu hỏi này vì
điều đó phụ thuộc vào Trump, nhận vật tự nhận là Người Áp Thuế (Tariff
Man) nhưng Krugman khẳng định đó là người không biết gì về thuế, tâm
tính thất thường và có dấu hiệu hoang tưởng.
Báo
giới và nhiều chuyên gia từng dựa vào kết quả cuộc Trưng cầu dân ý tại
Anh về việc Anh nên ở lại hay rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit)
cũng như kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 để chứng minh cho
nhận định, chống toàn cầu hóa là khuynh hướng chung. Tuy nhiên thực tế
hai năm vừa qua cho thấy, nhận định vừa kể không chính xác. Thậm chí
ngược lại.
Chẳng
hạn tại Mỹ, chẳng phải chỉ có các đại công ty công khai chống chiến
tranh thương mại mà công nhân, nông dân nay cũng không ưa chiến tranh
thương mại. Tỷ lệ người Mỹ tin rằng ngoại thương tốt cho nền kinh tế đã
tăng vọt. Thế thì tại sao không có nhiều người ủng hộ bảo hộ mậu dịch
nhưng chiến tranh thương mại vẫn là một nguy cơ có thể bùng phát bất cứ
lúc nào ?
Đó là vì luật thương mại.
Ngày
trước, sau khi lập quốc, Quốc hội Mỹ từng đặt định những qui phạm hết
sức chi tiết về thuế quan với hy vọng tạo ra những lợi ích đặc biệt cho
nước Mỹ. Tuy nhiên hậu quả lại là nước Mỹ thua thiệt cả về kinh tế lẫn
ngoại giao. Do đó, đến thập niên 1930, Tổng thống Franklin D. Roosevelt
phải thiết lập một hệ thống mới, thoáng hơn trong đàm phán về giao dịch
thương mại với các quốc gia khác, Quốc hội chỉ còn vai trò quyết định
tăng hay giảm các giao dịch thương mại. Theo thời gian, hệ thống mới ấy
đã trở thành mẫu mực trong đàm phán về thương mại trên thế giới, dẫn tới
sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (World Trade
Organization).
Khi
thiết lập hệ thống mới để gia tăng hiệu quả đàm phán về giao dịch
thương mại, những người thiết lập từng thấy rằng không thể quá cứng nhắc
mà phải linh hoạt trong ứng phó với tình thế. Đây là lý do luật thương
mại dành cho người đứng đầu hành pháp quyền áp đặt mức thuế trong một số
trường hợp nhằm bảo vệ cả quốc gia lẫn doanh giới khi cần. Việc gia
tăng quyền lực của Tổng thống trong thương mại vốn để hạn chế ảnh hưởng
có thể gây hại của Quốc hội và trên thực tế, điều này thực sự hữu hiệu
trong tám thập niên vừa qua.
Luật
thương mại chỉ bộc lộ khiếm khuyết khi xuất hiện một Tổng thống như
Donald Trump. Trump đã tận dụng quyền lực để khuấy động các xung đột
thương mại. Không ít lần bày tỏ mong muốn phá sạch mọi thứ có tính
nguyên tắc nhưng chưa bao giờ có thể trình bày một cách mạch lạc, rõ
ràng rằng sẽ thay thế những thứ ông ta muốn phá bằng gì. Dẫu tự nhận
mình là Người Áp Thuế (Tariff man) nhưng thực tế cho thấy chính Trump
không biết cách thức, tác động của thuế quan ra sao. Thành ra lúc áp đặt
thuế lên hàng nhập khẩu, Trump biến người tiêu dùng Mỹ thành đối tượng
phải trả số tiền đó.
Cho
đến giờ chỉ có một yếu tố thật sự rõ ràng là trong các cuộc đàm phán về
giao dịch thương mại với các đối tác thương mại, Trump chỉ quan tâm đến
chuyện ông ta có cơ hội để khoe rằng đã thắng hay không (?). Cho nên
dẫu USMCA (United States-Mexico-Canada Agreement) không khác gì và chẳng
lợi hơn NAFTA (North American Free Trade Agreement) nhưng Trump
vẫn thích USMCA vì nó là bàn thắng của Trump. Tương tự, cuối tuần trước,
Trump khoe đã đạt được sự thông hiểu lớn về thương mại với Trung Quốc.
Còn J.P. Morgan thì cảnh báo khách hàng của họ rằng, tuyên bố của Trump
nếu không phải hoàn toàn bịa đặt thì cũng thái quá. Trên thực tế, diễn
biến thị trường chứng khoán đầu tuần này cho thấy các nhà đầu tư có tin
ông Trump hay không.
Cũng
cần phải nói một cách rõ ràng rằng, Trung Quốc đã hành xử hết sức sai
trái, đặc biệt là về sở hữu trí tuệ. Trung Quốc đã ăn cắp công nghệ của
Mỹ và Mỹ cần phải rắn hơn. Song muốn cứng rắn tạo ra hiệu quả thì phải
có mục tiêu rõ ràng, phải tạo được sự đồng thuận của những quốc gia cũng
bị thiệt hại vì kiểu hành xử sai trái của Trung Quốc. Đáng tiếc là
người giữ vai trò như một nhạc trưởng lại không hiểu biết gì về những
vấn đề vốn là căn bản trong chính sách thương mại, biểu lộ sự hung hăng
với cả bạn lẫn thù. Chẳng lẽ áp thuế nhôm lên Canada thì sẽ "bảo vệ sự
an toàn của Mỹ" ?
Thật
đáng ngại khi một người như Trump lại có nhiều quyền hạn như vậy về
thương mại ? Quốc hội có kềm giữ được Trump không ? Thật khó đoán biết.
Thật đáng buồn khi tương lai của thương mại thế giới ra sao phụ thuộc
vào sự thất thường, ưa thành tích ảo của Trump. Viễn cảnh này quả là
chẳng dễ chịu chút nào.
Paul Krugman
Nguyên tác : The Art of the Imaginary Deal, The New York Times, 06/12/2018
Thạch Đạt Lang biên dịch (09/12/2018)