Tướng Vĩnh 'đưa cả tổ ong vào' còn tướng Hóa nói có 'não bé tham vọng to' (BBC)

"Tạo hóa cho tôi bộ não quá bé nhưng lại cho ước mơ quá lớn trên nền nhận thức bé nhỏ để rồi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng, liên lụy tới nhiều người. Bây giờ đối với cuộc đời tôi đã mất tất cả, chỉ còn trái tim trung thành với Đảng" (Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa) Đồng ý với ông Hóa, không chỉ mình ông mà cấp trên cũng thế thôi và thương ông vì sau bao nhiêu chuyện như vậy mà não ông vẫn không lớn lên được tí nào.

 
Sau phiên tòa tại Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ xử vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ và hai tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, dư luận Việt Nam chú ý đến nhiều câu nói ấn tượng của hai bị cáo này.

Hơn 90 bị cáo đã bị đưa ra xét xử, và đến ngày hôm nay, phiên xét xử đã diễn ra hơn 10 ngày, để lại nhiều lời khai ấn tượng cho dư luận, và giới quan sát vốn đang theo dõi kỹ lưỡng phiên tòa.

Nuôi ong tay áo

Trong phiên tòa xét xử hôm 23/11, Cựu Tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh nhận sai lầm khi xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia.

"... tôi đã đưa con ong vào trong tay áo, đưa cả một đàn ong, cả tổ ong vào tay áo mình. Tôi đã chủ quan, trách nhiệm đó thuộc về mình", ông Vĩnh cho rằng nếu ông Hóa chỉ đạo sát sao, bóc dỡ, xử lý nghiêm trước pháp luật thì hậu quả cũng không xảy ra.

"Tôi thành tâm xin nhận khuyết điểm trước Đảng, trước nhân dân", ông Vĩnh nói, theo báo Zing. 

Bộ não nhỏ nhưng ước mơ lớn

"Tạo hóa cho tôi bộ não quá bé nhưng lại cho ước mơ quá lớn trên nền nhận thức bé nhỏ để rồi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng, liên lụy tới nhiều người.

"Bây giờ đối với cuộc đời tôi đã mất tất cả, chỉ còn trái tim trung thành với Đảng," bị cáo Nguyễn Thanh Hóa trần tình về bối cảnh phạm tội sáng 23/11.

Cho xin lại 100 triệu

Trong phiên tòa sáng 23/11, một luật sư đề nghị HĐXX xem xét xin lại số tiền gia đình bị cáo Nguyễn Thanh Hóa nộp dư. 

Theo luật sư, bị cáo Lưu Thị Hồng, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ cao (CNC) khai đưa cho C50 600 triệu, nhưng vợ bị cáo Nguyện Thanh Hóa lại nộp lại… tận 700 triệu. 

Dù trước đó Nguyễn Văn Dương khai đã cho C50 700 triệu, và Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận đã nhận hỗ trợ 700 triệu từ CNC, chi đều cho các cán bộ chiến sĩ. 

Vậy lấy tiền gì mua cây cảnh?

"Bị cáo không lấy lương mua đồng hồ mà lấy tiền mua cây cảnh mua đồng hồ," Phan Văn Vĩnh giải thích về việc sở hữu chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7000 USD (162 triệu) mà Nguyễn Văn Dương khai biếu tặng ông. 

Ông Vĩnh nói ông đã trồng cây cảnh hơn 30 năm nay, có cây trị giá khoảng 10 tỷ. Ông nói lấy tiền bán cây cảnh và trả Dương 1,1 tỷ cho chiếc đồng hồ mà ông đã để quên trong nhà vệ sinh lúc rửa tay. 

Luật sư xin đọc thơ 

Trong phiên tòa xét xử hôm 20/11, trong phần trình bày về quá trình công tác 45 năm của bị cáo Phan Văn Vĩnh, Luật sư Lê Hồng Khanh bào chữa cho ông Vĩnh xin phép được đọc thơ.

Theo báo Vietnamnet, ông Khanh đã tìm hiểu về quê hương Nam Định của bị cáo Vĩnh. Ông Khanh xin phép đọc 4 câu thơ mà người dân viết.

Nhưng bị chủ tọa cắt ngang không để luật sư kịp đọc, vì tòa đang ở phần xét hỏi, thẩm vấn. 

Cục trưởng C50 không biết dùng 'máy tính'

Trong phiên xét xử chiều 22/11, luật sư của bị cáo Nguyễn Thanh Hóa đưa ra bối cảnh rằng ông Hóa được bổ nhiệm làm cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) khi đang là phó cục trưởng Cục cảnh sát kinh tế và chức vụ (C45).

"Ông Hóa giữ chức vụ cục trưởng nhưng không có hiểu biết gì về mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số. Thậm chí ông Hóa cũng không biết sử dụng máy vi tính, do đó phải vừa làm vừa đào tạo," luật sư Đỗ Ngọc Quang nói.

Ông Quang lập luận rằng đó là lý do C50 cần lập công ty bình phong để giúp đỡ đấu tranh tội phạm mạng.
Người giới thiệu CNC cho C50 là ai?

Trước những lời khai của ông Hóa khẳng định CNC không phải bình phong của C50, hôm 21/11, Nguyễn Văn Dương liên tục nhắc lại rằng người giới thiệu CNC làm công ty bình phong cho C50 là cố thứ trưởng Bộ Công Phạm Quý Ngọ. 

Cục trưởng C50 nhờ Dương xin xe vi phạm 

Về mối quan hệ với Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch HĐTV CNC, Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa khai quen Dương khi đi lễ hội. 

"Khi đó, tôi đi lễ hội và xe của bạn tôi bị bắt vì đỗ sai. Có người nói chỉ anh Nguyễn Văn Dương quen thân với Giám đốc công an tỉnh mới xin được. Đúng sau đó, tôi xin được xe và mới trở về được. Sau đó tôi biết Nguyễn Văn Dương," bị cáo Hóa nói.

Đã trình Bộ trưởng Trần Đại Quang

Và cuối cùng, đáng chú ý nhất trong phiên tòa hôm 19/11, ông Phan Văn Vĩnh khai đã có văn bản trình Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang hôm 17/3/2016 về lộ trình phát triển Công ty CNC là công ty nghiệp vụ. 

Đến ngày 25/3, ông Quang có bút phê rằng "chú ý không trùng chức năng của Cục An ninh mạng", theo các báo Việt Nam. 

Và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phê hôm 29/3/2016 rằng "Tổng cục Cảnh sát thực hiện ý kiến của Bộ trưởng".

"Sau đó, theo ý kiến chỉ đạo này, Tổng cục Cảnh sát thực hiện. Ngày 20.5.2016, Cục trưởng C50 là anh Nguyễn Thanh Hóa có tờ trình bị cáo với văn bản 1155. Như vậy, bị cáo khi đó là đang thực hiện theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công an," bị cáo Vĩnh khai trước tòa hôm 19/11.

Về các bị cáo khác

Hiện dư luận Việt Nam vẫn tiếp tục bàn thảo về lời khai của các bị cáo khác.

Câu hỏi là ai làm "bình phong cho ai" cũng được nêu ra.

Bị cáo Phan Văn Vĩnh thì muốn nói rằng phần sai trái thuộc về bên ngoài và lỗi của ông ta là "đưa họ vào".

Nhưng theo báo Dân Trí, bị cáo Phan Sào Nam được luật sư của mình là Hoàng Văn Hướng bào chữa rằng ông Nam đã tin tưởng vào công ty CNC và ông Nguyễn Văn Dương.

Theo ông Dương, thì "CNC là công ty bình phong của Bộ Công an". 

"Phan Sào Nam còn được biết Văn phòng của CNC đặt tại số 10 Hồ Giám Hà Nội, đây đã từng là cơ quan của cảnh sát. Thỉnh thoảng trong một số lần gặp gỡ, Nguyễn Văn Dương dùng xe ô tô có biển xanh của Bộ Công an."

"Chúng tôi vi phạm pháp luật nhưng tương đối tự hào với thành quả khoa học đã làm được trong giai đoạn này," bị cáo Phan Sào Nam nói trước tòa.

Ông Nam cho biết một trong những lý do phát triển game bài là vì "kỳ vọng sẽ đi đầu trong lĩnh vực này". 

Điều dư luận Việt Nam và các nhà bình luận ghi nhận là chiến dịch nhằm "khôi phục niềm tin" vào Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhắm vào Bộ Công an.

Tương tự nhp các hiến dịch "bàn tay sạch" ở nước ngoài, TBT và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra chiến dịch "đốt lò" còn để sắp xếp lại Bộ Công an nhằm để bộ máy "tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".