EU: Nhân quyền Việt Nam tiếp tục tệ hại (VOA)

Nghị viện châu Âu lặp lại lời kêu gọi cấm bán cũng như nâng cấp, bảo trì cho Việt Nam tất cả các dạng thiết bị an ninh có thể hoặc đã được sử dụng để đàn áp nội bộ, trong đó có cả kỹ thuật giám sát trên mạng. Cơ quan này cho rằng cam kết cải thiện tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản ‘là một mấu chốt’ của quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU và có liên quan đến việc thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) cũng như Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU – Việt Nam (PCA). (VOA)


Nghị viện châu Âu lên án hồ sơ nhân quyền Việt Nam tiếp tục tệ hại, kêu gọi Hà Nội trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và khuyến nghị các nước châu Âu tăng cường gây sức ép để Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.

Nghị viện châu Âu đưa ra yêu cầu này trong nghị quyết 2018/2925(RSP) ra ngày 15/11 về Việt Nam, đặc biệt là tình hình các tù nhân chính trị.

Nghị quyết này lên án ‘tình trạng vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn’ trong đó có việc kết án, đe dọa, theo dõi, sách nhiễu, hành hung và xét xử không công bằng nhắm vào các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, blogger, những người bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền.

Nghị viện châu Âu cũng lên án các đạo luật của Việt Nam mà họ cho là ‘cản trở quyền con người và quyền tự do cơ bản’, trong đó họ nêu các đạo luật như Bộ luật Hình sự, luật An ninh mạng và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo.

Từ đó, cơ quan này đưa ra một số lời kêu gọi đối với chính quyền Hà Nội, trong đó có phóng thích tất cả các tù nhân chính trị ‘ngay lập tức và vô điều kiện’. Trong danh sách được Nghị viện châu Âu yêu cầu trả tự do có các nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong, Nguyễn Trung Trực và Lê Đình Lượng.

Ngoài ra, nghị quyết này cũng yêu cầu Việt Nam ‘hủy bỏ hoặc sửa đổi tất cả các điều luật mang tính đàn áp’ và ‘đảm bảo rằng mọi quy định pháp luật phải phù hợp với tiêu chuẩn và nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền’. Nghị quyết còn kêu gọi Việt Nam xây dựng luật biểu tình.

Đối với các nhà hoạt động nhân quyền, Nghị viện châu Âu yêu cầu Việt Nam chấm dứt mọi hành vi cản trở và sách nhiễu trong khi đối với những người đang bị giam giữ, cơ quan này yêu cầu phải đối xử với họ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo họ không bị tra tấn và ngược đãi và được quyền tiếp xúc với luật sư.

Về phía các nước thành viên EU, Nghị viện châu Âu kêu gọi tăng cường gây sức ép để đạt được những cải thiện cụ thể về nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm đợt đánh giá định kỳ toàn cầu phổ quát (UPR) sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc.

Nghị viện châu Âu lặp lại lời kêu gọi cấm bán cũng như nâng cấp, bảo trì cho Việt Nam tất cả các dạng thiết bị an ninh có thể hoặc đã được sử dụng để đàn áp nội bộ, trong đó có cả kỹ thuật giám sát trên mạng.

Cơ quan này cho rằng cam kết cải thiện tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản ‘là một mấu chốt’ của quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU và có liên quan đến việc thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) cũng như Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU – Việt Nam (PCA).