Phỏng vấn một đảng viên thoái Đảng (Phần 2) (Phạm Thị Hoài-La Thành)
Đoạn tuyệt hay dứt
khoát rũ bỏ di sản quá khứ không phải là năng lực tính cách điển hình
của người Việt, càng không phải là của những người đã bước chân vào ngôi
nhà của Đảng, cho dù di sản đó có tồi tệ và vô giá trị đến đâu, và ngay
cả khi họ không còn một lợi ích gì đáng kể gắn liền với tấm thẻ Đảng.
Để đoạn tuyệt với một di sản quá khứ tồi tệ, con người cần một năng lực
tư duy tự do, óc phê phán và lương tri thuần khiết. Đây là những phẩm
chất lý tính khá hiếm hoi trong đời sống tinh thần của người Việt, càng
hiếm trong đời sống tinh thần của các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. (La Thành)
Tiếp theo phần 1
Phỏng vấn này được thực hiện qua thư điện tử, với một người bạn sống ở
Việt Nam, từng cộng tác với tôi ở cả hai giai đoạn làm báo, talawas và
pro&contra, bút danh La Thành.
Phạm Thị Hoài: Nếu
hệ thống không bị ảnh hưởng đáng kể thì việc những đảng viên từng có
nhiều cống hiến cho sự nghiệp của Đảng, từng giữ những cương vị cao, nay
công khai tuyên bố ra khỏi Đảng có thể có tác động gì?
La Thành: Sự chủ động ly khai Đảng của họ chắc chắn
gây được tiếng vang. Không những thế, tôi còn tin rằng đó là nước đi tất
yếu để họ tự bảo vệ các giá trị đã có của mình trong ván cờ với Đảng và
với chính cuộc đời họ. Họ ít nhiều đã và đang xua đi màn sương khói
huyền hoặc lâu nay bao quanh các đài hương bệ tượng uy nghi của Đảng, đã
và đang góp phần làm xói lở nỗi sợ hãi mà Đảng đã ám thị dân chúng
trong ba phần tư thế kỷ cai trị độc đoán của nó. Việc những người như
nhà văn Nguyên Ngọc và nhà khoa học Chu Hảo vào Đảng, phục vụ Đảng và
đóng góp cho uy quyền của Đảng trong quá khứ là một đáng tiếc. Tuy
nhiên, bằng quyết định ly khai Đảng, họ đã chạm tay trở lại vào lương
tri và tự do tư duy như những phạm trù đạo đức. Trong lịch sử tồn tại
của mình, Đảng đã phạm không ít sai lầm. Quyết định kỷ luật Giáo sư Chu
Hảo vừa qua từ Ủy ban Kiểm tra của Đảng là một trong những động thái
minh chứng cho sự xơ cứng và u mê già nua của nó.
Phạm Thị Hoài: Nhưng Đảng vẫn đang được tiếp máu từ các thế hệ trẻ và bất chấp mọi tổn thất, dường như vẫn chưa phải lo thiếu đảng viên?
La Thành: Từ Đại hội VI (1986) đến Đại hội XII
(2016), số đảng viên của ĐCSVN đã tăng từ 1,9 triệu lên 4,5 triệu. Trong
vòng ba thập niên đó, dân số Việt Nam tăng từ 60 triệu lên 95 triệu, có
nghĩa là tỷ lệ đảng viên trong dân cư đã tăng từ 3,1% lên 4,7%. Nhưng
điều đó không đồng nghĩa với sự gia tăng về uy tín chính trị của Đảng,
mà chủ yếu xuất phát từ những lý do hình thức, chỉ đơn thuần phản ánh sự
phình to của bộ máy quản lý ở tất cả các cấp của hệ thống chính trị. Dĩ
nhiên, nó cũng phản ánh sự gia tăng nhu cầu vào Đảng, khi tấm thẻ đảng
đảm bảo cho cơ hội thăng tiến trong hệ thống chính trị đó.
Phạm Thị Hoài: Nhu cầu muốn vào Đảng hay áp lực phải vào Đảng?
La Thành: Không có quy định thành văn rằng cán bộ từ
cấp nào trở lên thì bắt buộc phải là đảng viên, song chế độ toàn trị và
độc tài ý thức hệ do Đảng áp đặt và vận hành hơn nửa thế kỷ qua ở Việt
Nam đã khiến công tác tổ chức của nó ngày càng thấm đẫm chủ nghĩa hình
thức. Việc phân loại, tuyển chọn và đề bạt nhân sự của Đảng lâu nay đã
trở nên máy móc, trọng hình thức hơn nội dung. Không phải các phẩm chất
nhân văn, năng lực tư duy và kỹ năng hành động mà các loại “mác mỏ” như
bằng cấp, học vị, danh hiệu hay tấm thẻ đảng trở thành mục tiêu tranh
thủ giành giật của tất cả những người tìm kiếm cơ hội. Cách đây vài chục
năm tôi còn thấy một cán bộ khoa học giữ vị trí lãnh đạo cao cấp mà
không phải là đảng viên: Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng
Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia – một cơ quan trực thuộc chính phủ
ngang cấp bộ – kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, những
chức vụ tương đương thứ trưởng và vụ trưởng. Bây giờ khó tìm được
trưởng, phó một đơn vị cấp ba (cấp một là các bộ ngành của chính phủ,
các ban ngành của Trung ương Đảng, các ủy ban nhân dân hoặc ban chấp
hàng đảng bộ tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương) mà không phải là đảng
viên. Sĩ quan cao cấp trong các lực lượng vũ trang, tức từ quân hàm
thượng tá trở lên, thì gần như bắt buộc phải là đảng viên trước khi được
đề bạt.
Phạm Thị Hoài: Tôi nghe nói, vào Đảng bây giờ có khi cũng phải “chạy”, phải vào bằng cửa sau?
La Thành: Trên mọi nấc thang quyền lực, từ địa vị
cán bộ hành chính hoặc đảng vụ cấp xã phường đến những vị trí lãnh đạo
béo bở ở các công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước hay những chiếc ghế đầy
uy quyền ở Ban Chấp hành Trung ương hoặc chính phủ, Đảng đang điều hành
mọi công việc, trong đó có công tác phát triển Đảng, theo chủ nghĩa thân tín.
Nhân sự có nhu cầu vào Đảng phải tiếp cận và chứng minh sự trung thành
của mình với nhân sự lãnh đạo bằng mọi cách khả dĩ, từ những xách quà
hay tấm phong bì tiền mặt thô thiển đến những thủ đoạn ủng hộ tinh vi
hoặc kín đáo hơn như trợ giúp lãnh đạo kiếm chác lợi ích kinh tế/chính
trị, tự nguyện trở thành các tiện ích sinh hoạt cho lãnh đạo như đối tác
chơi thể thao, kẻ dẫn bạn tình hoặc làm luôn đối tác tình dục của lãnh
đạo. Sự hé mở gần đây của truyền thông về những bộ máy quan chức ở địa
phương gồm toàn thân tộc, hay về những hot girl trở thành cốt cán sau một đêm chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh toàn cảnh nhem nhuốc tởm lợm của hệ thống này.
Phạm Thị Hoài: So với thế hệ của bạn và thế hệ trước, đảng viên trẻ hiện nay thế nào?
La Thành: Có thể tạm chia họ thành hai nhóm. Nhóm thực dụng
gồm những người vào Đảng cho có đủ “mác mỏ” để tiến thân. Họ ít nhiều
có cảm xúc trước một số bất cập nghiêm trọng của chế độ hiện tại, song
thường tránh tham gia các tranh luận về chủ đề chính trị, hoặc tham gia ở
mức độ an toàn. Đây có lẽ là nhóm đông đảo nhất, mắc hội chứng doublethink khá nặng. Nhóm “hồng vệ binh” tập
hợp những người thành kính và quyết liệt bảo vệ các biểu tượng giá trị
của Đảng như Hồ Chí Minh, ý thức hệ Mác Lê, cuộc “kháng chiến chống
Pháp” và chiến thắng Điện Biên Phủ, cuộc “kháng chiến chống Mỹ” và chiến
thắng 30 tháng Tư năm 1975, cùng những “sáng tạo tài tình” của Đảng như
Đổi Mới, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, vân vân.
Nhóm này nói chung có sức khỏe tâm thần hạn chế, hầu hết mắc chứng tự kỷ
ở mức độ khác nhau.
Phạm Thị Hoài: Và tất cả đều tham dự “sinh hoạt đảng”. Cụ thể đó là cái gì?
La Thành: Theo điều lệ ĐCSVN, đảng viên được tổ chức thành các phân bộ, gọi là đảng bộ,
tương ứng với các đơn vị địa lý hành chính hoặc các đơn vị kinh tế-xã
hội. Theo thông lệ hiện nay, ở cấp chi bộ sinh hoạt đảng định kỳ diễn ra
mỗi tháng một lần. Nội dung là kiểm điểm công việc và hoạt động trong
tháng, thường là công việc chuyên môn và hoạt động phong trào, nhắc lại
hoặc định hướng kế hoạch công việc và hoạt động tháng tới. Ngoài ra có
thể phổ biến nghị quyết của đảng ủy cấp trên hoặc nghị quyết
của hội nghị Trung ương gần nhất, thường dưới hình thức đọc tài liệu in
sẵn và yêu cầu đảng viên viết bản thu hoạch cá nhân sau khi đọc các văn
kiện đó. Buổi sinh hoạt thường kết thúc bằng việc nghe đọc và biểu quyết
thông qua một nghị quyết do một người trong ban chấp hành, thường là bí
thư chi bộ / đảng bộ, chuẩn bị trước và được các đảng viên góp ý bổ
sung trong buổi sinh hoạt. Diễn biến của mọi buổi sinh hoạt Đảng đều
được ghi biên bản. Sổ sách ghi chép nghị quyết, biên bản họp, mẫu kiểm
điểm cá nhân hiện nay đều được thiết kế, in ấn và phân phát đến từng chi
bộ hoặc đảng viên.
Cuối tháng Sáu có họp sơ kết giữa năm và cuối tháng Mười Hai họp tổng
kết cả năm. Trong các buổi sinh hoạt đặc biệt này, mỗi đảng viên phải
viết bản tự kiểm điểm cá nhân, đọc trước toàn chi bộ rồi nghe các đảng
viên khác nhận xét. Cuối buổi sinh hoạt tổng kết năm là tiết mục bình
bầu các danh hiệu thi đua để cấp trên khen thưởng.
Phạm Thị Hoài: Thế đảng viên trau dồi chủ nghĩa Mác-Lê vào lúc nào?
La Thành: Các chuyên gia của Đảng lâu nay đã cho ra đời ba bộ giáo trình sơ cấp, trung cấp và cao cấp cho các môn Triết học Mác-Lênin, Kinh tế Chính trị Mác-Lênin và Chủ nghĩa Cộng sản Khoa học.
Chương trình sơ cấp dành cho các trường cao đẳng và đại học không thuộc
lực lượng vũ trang hoặc Trung ương Đảng, chiếm 15% thời lượng đào tạo
mỗi khóa học, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cán bộ nguồn cho
vị trí trưởng/phó các đơn vị cấp ba và cấp hai bắt buộc phải có chứng
chỉ đã qua chương trình trung cấp ở các khóa học tại các trường đảng cấp
tỉnh/thành, trong khi học viên sĩ quan các trường đại học của quân đội
và công an được thụ huấn chương trình này ngay trong quá trình đào tạo.
Cán bộ nguồn cho vị trí lãnh đạo cao cấp (trưởng/phó các cơ quan từ cấp
một đến cấp trung ương), tướng lĩnh chỉ huy hoặc chính ủy các đơn vị cấp
chiến dịch-chiến lược của lực lượng vũ trang phải có chứng chỉ đã qua
chương trình cao cấp ở một khóa học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ
Chí Minh hoặc Học viện Quốc phòng.
Phạm Thị Hoài: Ảnh hưởng của Đảng ở thành phố và nông thôn có khác nhau nhiều không?
La Thành: Ở nông thôn, người dân nói chung đồng nhất
Đảng với chính quyền về quan niệm. Điều này không có nghĩa ảnh hưởng
của Đảng ở nông thôn là tích cực. Tệ nạn gia đình trị và tham nhũng, đặc
biệt là tham nhũng đất đai và tham nhũng chính sách, của các đảng bộ và
chính quyền địa phương trong nhiều năm qua đã gây nhiều bất bình và
phản kháng trong dân chúng, điển hình là các sự kiện như Đoàn Văn Vươn
2012, Formosa 2016, Đồng Tâm-Mỹ Đức 2017, Bình Thuận 2018. Còn ở thành
phố, ảnh hưởng của Đảng đa dạng hơn. Trong các cơ quan và doanh nghiệp
nhà nước, đảng tịch và sinh hoạt Đảng vẫn còn là những yếu tố điều kiện
ảnh hưởng đến cơm áo và thăng tiến của một bộ phận cán bộ nhân viên,
song cũng chỉ dừng ở các ảnh hưởng kinh tế. Dân đô thị, đặc biệt là ở
các thành phố lớn, khinh nhờn Đảng hơn, song ý thức phản kháng lại yếu
hơn so với dân nông thôn. Uy quyền chính trị của Đảng ở thành phố giống
như các zombie, những thây ma hôi thối vẫn tiếp tục áp đặt luật chơi của nó lên cuộc sống hiện tại.
Phạm Thị Hoài: Trên những kênh phi chính thống
như mạng xã hội, vỉa hè, công khai phê phán, giễu cợt và chửi Đảng hoặc
các lãnh đạo Đảng dường như đã trở thành một môn thể thao toàn dân, thậm
chí với sự tham gia của cả các đảng viên. Như vậy, có thể coi là xã hội
Việt Nam đã cởi mở hơn nhiều so với vài thập niên trước không?
La Thành: Bớt phải thì thầm khi chê trách Đảng và
lãnh đạo Đảng là một không khí cởi mở biểu kiến và thụ động, giống như
khung cảnh bầy thỏ đang đi lại dạn dĩ và đỡ rón rén hơn trước mũi con
sói đã già nua, chậm chạp và đầy bệnh tật. Tin tốt là mọi toan tính đảo
ngược tình trạng hiện tại là không thể.
Phạm Thị Hoài: Đảng bất lực, hay tạm dung tình trạng đó vì tin chắc ở quyền lực của mình?
La Thành: Đảng chưa bao giờ biết đến dung thứ, một
khi nó còn có thể hành xử bất dung. Chắc chắn là nó bất lực, và bất an.
Các đảng viên cao cấp hiện đang sở hữu những bất động sản và tài khoản
giá trị lớn ở nước ngoài. Nhưng ngay sau khi Khối Soviet sụp đổ, một
ngân lượng cực lớn tài sản của Đảng, gồm hàng chục tỷ đô-la Mỹ, đã từng
được di tản ra nước ngoài để chuẩn bị cho sự lưu vong của bộ máy trung
ương của nó. Mới đây nhất, việc Luật An ninh Mạng cùng bộ nghị định để
thực hiện nó được vội vã thông qua, siết chặt các quyền tự do tự nhiên
và căn bản của nhân dân, đã cáo giác sự hoảng loạn của ban lãnh đạo
ĐCSVN trước tiền đồ của chính nó. Toàn Đảng, đặc biệt là bộ phận trung
ương của nó, đang ở trong trạng thái bất an tuyệt đối.
Phạm Thị Hoài: Nếu ĐCSVN đã suy yếu như vậy, bạn có tin vào một phong trào bỏ Đảng rầm rộ trong tương lai không xa?
La Thành: Chắc chắn là không. Đoạn tuyệt hay dứt
khoát rũ bỏ di sản quá khứ không phải là năng lực tính cách điển hình
của người Việt, càng không phải là của những người đã bước chân vào ngôi
nhà của Đảng, cho dù di sản đó có tồi tệ và vô giá trị đến đâu, và ngay
cả khi họ không còn một lợi ích gì đáng kể gắn liền với tấm thẻ Đảng.
Để đoạn tuyệt với một di sản quá khứ tồi tệ, con người cần một năng lực
tư duy tự do, óc phê phán và lương tri thuần khiết. Đây là những phẩm
chất lý tính khá hiếm hoi trong đời sống tinh thần của người Việt, càng
hiếm trong đời sống tinh thần của các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 11/2018- ĐỨC