Út 'trọc' dùng bằng giả để vào đảng và thăng tiến (BBC)

Một nông dân, dân trí thấp nhưng vẫn có thể mua được các loại bằng và làm đến Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty lớn của quân đội có vốn hàng ngàn tỉ đồng và tham gia nhiều dự án quan trọng...hoàn toàn đúng qui trình nhưng là qui trình khốn nạn của ĐCSVN. Ông Hệ không phải là trường hợp cá biệt, hàng nghìn hàng vạn những kẻ như thế đang tồn tại nhưng chưa bị lộ mà thôi. 





Ông Đinh Ngọc Hệ nói trong phiên tòa hôm 30/7 rằng mình là nông dân, dân trí thấp nên mới mua bằng đại học giả, và rằng ông 'bị vu khống'.


Phiên tòa xét xử ông Đinh Ngọc Hệ, có biệt danh là Út 'trọc', dự kiến diễn ra trong hai ngày 30-31/7.
Cùng hầu tòa với Úc 'trọc' còn có Bùi Văn Tiệp (cựu sư đoàn trường 367, Quân chủng phòng không không quân), Trần Văn Lâm (tổng giám đốc Công ty Thái Sơn), Trần Xuân Sơn (nguyên giám đốc chi nhánh Bình Dương của công ty Thái Sơn), Phùng Danh Thắm (nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty Thái Sơn).

Thượng tá Đinh Ngọc Hệ bị bắt ngày 21/12/2017 trong vụ án kinh tế liên quan đến Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn. 

Ông Hệ nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như khai thác khoáng sản, vận tải hàng hóa, phân phối thức uống, kinh doanh nhà hàng, khách sạn…

Nhưng nổi tiếng nhất là các dự BOT với mức đầu tư lên hàng ngàn tỉ đồng, như dự án cầu Hạc Trì với mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng.

Ông Hệ còn được biết đến là "Út trọc" hay "Út bộ trưởng", theo Tuổi Trẻ.

Ông Hệ bị truy tố hai tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên trong phiên xử ngày 30/7 ông Hệ phủ nhận lời khai của các bị cáo khác và phủ nhận nhiều điểm trong cáo trạng của Viện Kiểm sát, theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.

Dùng bằng giả để lên chức, vào Đảng CS

Theo cáo trạng được công bố tại tòa, Út 'trọc' mua bảng điểm và bằng tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân vào năm 2000 với giá 2,5 triệu đồng.

Nhờ bằng giả này, Út 'trọc được bổ nhiệm, thăng tiến, nâng ngạch và nâng lương nhiều lần. 

Thậm chí, nhờ bằng giả, Úc 'trọc' đã lên được tới chức thượng tá, và được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khoảng thời gian từ 2003 - 2012, theo truyền thông trong nước.

"Toàn bộ hồ sơ đảng viên đều thể hiện Đinh Ngọc Hệ tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế quốc dân", VnExpress cho hay.

Tuy nhiên trước tòa, Đinh Ngọc Hệ nói do "dân trí của bị cáo thấp" nên không nhận thức được việc không đi học mà lại có bằng là vi phạm. 

Út 'trọc' cũng nói rằng vì mình là 'nông dân,' được "một số anh em xã hội" nói rằng "không phải đi học, chỉ cần nộp tiền sẽ có người đi học thay rồi có bằng" nên làm theo, theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.

"Bị cáo chỉ sử dụng đến năm 2005 và không sử dụng nữa" - bị cáo Hệ nói.

Tuy nhiên, chủ tọa công bố tài liệu cho hay, trong các năm 2007, 2010, 2012 ông Hệ đã ba lần chứng thực về tấm bằng trên. Trước chứng cứ này, bị cáo Hệ nói "không biết" và cho rằng "việc truy tố là quá khắc nghiệt", theo VnExpress.

'Bị vu khống'

Trả lời trước tòa, bị cáo Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn và Bùi Văn Tiệp khẳng định tất cả hoạt động của công ty Thái Sơn đều do Đinh Ngọc Hệ quyết định. 

Các bị cáo khai việc thành lập chi nhánh Bình Dương, việc phát hiện 20.000 lít xăng dầu kém chất lượng, đến việc sử dụng xe biển số quân sự và biển xanh 80A ông Hệ đều biết và tự quyết.

Theo cáo trạng được công bố, Út 'trọc' Đinh Ngọc Hệ đã xin mua 38 xe ô tô bằng vốn của công ty và đăng ký biển quân sự và biển xanh 80A. 

29 xe trong số này Út 'trọc' đã chỉ đạo đem đi thế chấp, cho thuê hoặc giao cho cá nhân sử dụng trái quy định, "làm ảnh hưởng uy tín quân đội".

Cũng theo cáo trạng, Út 'trọc' lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp quân đội làm kinh tế quốc phòng, đã câu kết làm giả một số hợp đồng, hợp thức hóa nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng để tránh bị xử phạt, gây thất thu cho ngân sách gần 1,5 tỷ đồng.

Nhưng bị cáo Hệ phủ nhận những cáo buộc của cấp dưới, cho rằng 'bị vu khống'. 

Riêng về việc sử dụng biển xanh và biển quân đội, khi được hỏi có thấy việc này là sai không, ông Hệ nói 'vẫn thấy đúng', theo tường thuật của Vietnamnet.

Ông Hệ cũng nói mình 'từ bên kỹ thuật sang' nên không biết kinh doanh, 'chỉ biết ngoại giao', theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.

"Lời khai của các bị cáo với sự việc là hoàn toàn không có chứng cứ, là vu khống, vì thời điểm xảy ra vi phạm, tôi có biết nhưng không chỉ đạo việc gì. Khi thành lập công ty, bị cáo ở bên kỹ thuật, không biết kinh doanh, chỉ biết quan hệ ngoại giao", ông Hệ nói trước tòa.