Sự Chối Bỏ Của Trí Thức Việt - Bích Ngà (Ngà Voi)

Họ chối bỏ trách nhiệm của một trí thức bởi lười biếng, hèn nhát, ích kỷ, cơ hội, tuân phục quyền lực… Trong trường hợp này thì không thể hy vọng họ sẽ thực hiện trách nhiệm của họ. Ta thấy không ít trí thức tuân phục quyền lực, dùng kiến thức để phục vụ cho độc tài thông qua các bài viết định hướng, dẫn dắt dư luận, làm cho đám đông không thể nhận ra được bản chất vấn đề. Đó là những kẻ làm cho ta thực sự phẫn nộ.



Mỗi khi tôi viết bài liên quan đến giới trí thức Việt, tôi thường gặp các tranh luận rất gay gắt chia làm hai chiều phản ứng: Nhóm một cho rằng tôi dùng từ trí thức là sai bởi Việt Nam không có trí thức (hoặc có rất ít trí thức thực thụ nên không đủ để hình thành một giới.) Nhóm hai thì bảo rằng Việt Nam có nhiều trí thức nhưng họ chưa làm đúng trách nhiệm mình mà thôi. Đây là cuộc tranh luận không có hồi kết, mỗi người hiểu một ngã và thường nhầm lẫn định nghĩa khái niệm giữa tên gọi và trách nhiệm.


Wikipedia định nghĩa “Trí thức là người có kiến thức sâu xa về một hay nhiều lĩnh vực hơn sự hiểu biết của mặt bằng chung của xã hội vào từng thời kỳ. Sự xuất hiện của từ “trí thức” khi một văn bản kháng nghị công bố năm 1906 – do nhà văn Zola ký tên đầu – lại được Thủ tướng Pháp Clemenceau (tiến sĩ, nhà báo) gọi là Tuyên ngôn của Trí thức (Manifeste Des Intellectuels). Thế là một tính từ trở thành danh từ mới, chưa hề có trong các từ điển lớn trước đó như Larousse 1866-1878 hay Đại từ điển Bách khoa 1885-1902. Ngay sau đó, thế giới đã chấp nhận một từ ngữ mới. “Trí thức” có thể được dùng để chỉ ba loại người sau đây: (1) Một (người) trí thức là một người sử dụng tư tưởng và suy luận, trí thông minh và các suy luận có tính phản biện và phân tích, trong một ngành nghề nào đó hay là trong tư cách cá nhân và là một người có liên hệ với các ý tưởng và các lý thuyết trừu tượng; (2) Một người mà với ngành của mình (ví dụ triết học, phê bình văn học, xã hội học, luật, phân tích chính trị, khoa học lý thuyết v.v.) tạo ra và truyền bá các ý tưởng mới; (3) Một người với kiến thức sâu rộng về văn hóa nghệ thuật đã làm cho tiếng nói của họ có ảnh hưởng trong công chúng” (Hết trích).


Từ định nghĩa trên, tôi có vài suy nghĩ về trách nhiệm của trí thức. Trí thức có trách nhiệm là những người:

  1. Thi hành nghiên cứu và làm việc một cách trung thực, khách quan.
  2. Tạo quyền lực cho dân chúng qua công cuộc khai trí; giải thích về tác động của chính sách nhà nước đối với đời sống của họ.
  3. Góp phần giải quyết khó khăn trong xã hội, tạo một xã hội đoàn kết và hoà đồng.
  4. Giúp xã hội xoá tan những thói tật, thành kiến và tư duy hủ lậu.
  5. Giáo dục thế hệ trẻ có tinh thần sáng tạo, tư duy độc lập và vượt mốc tiến bộ của thế hệ đi trước.
  6. Lắng nghe quần chúng, kể cả những tiếng nói chỉ trích từ mọi phía để cải thiện và định hướng công việc của mình.
  7. Đóng góp vào việc cải thiện xã hội và guồng máy chính phủ.
  8. Bênh vực công lý, phơi bày giả dối, phản đối bạo quyền và lạm quyền bất kể nguồn gốc.

Khi nghe tôi hỏi “Bạn có phải là trí thức không?”, những người bạn trí thức của tôi thường chối, “Tôi không phải là một trí thức”. Rất nhiều trí thức Việt mà tôi từng gặp gỡ đều hiểu biết sâu sắc về tình hình xã hội nhưng họ đều viện cớ để chối bỏ trách nhiệm dẫn đạo tư duy của mình. Nhiều người cho rằng khi trí thức chối bỏ trách nhiệm thì họ không xứng đáng được gọi là trí thức nữa. Và tiện quá, các trí thức vin luôn vào đó để phủ nhận chính mình “tôi không phải là trí thức” một cách dễ dàng, chẳng đau đớn gì. Vì sao?


Vì sao trí thức chối bỏ mình không phải là trí thức? Có hai cách trả lời:


– Vì họ cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm của một trí thức nên không dám nhận là mình là trí thức? Nếu đúng thế thì có thể hiểu được rằng, cùng với hy vọng rằng, một ngày đó, họ sẽ thực hiện trách nhiệm của họ.


– Họ chối bỏ trách nhiệm của một trí thức bởi lười biếng, hèn nhát, ích kỷ, cơ hội, tuân phục quyền lực… Trong trường hợp này thì không thể hy vọng họ sẽ thực hiện trách nhiệm của họ. Ta thấy không ít trí thức tuân phục quyền lực, dùng kiến thức để phục vụ cho độc tài thông qua các bài viết định hướng, dẫn dắt dư luận, làm cho đám đông không thể nhận ra được bản chất vấn đề. Đó là những kẻ làm cho ta thực sự phẫn nộ.


Khi đất nước đói nghèo, tụt hậu, lệ thuộc ngoại bang, bất công tràn lan, các giá trị xã hội đảo lộn, đạo đức xuống cấp, bạo lực lên ngôi, mà trí thức vẫn bịt tai bịt mắt bịt mồm và thậm chí phủ nhận, chối bỏ chính mình thì không thể nào thông cảm được. Khi nhìn thực trạng, rất nhiều người bảo, “Việt Nam làm gì có giới trí thức.” Có. Chỉ là trí thức không dám lên tiếng thôi. Thậm chí còn có một số trí thức Việt ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài, vẫn từ chối trách nhiệm. Họ bảo, “Sợ viết hoặc nói rồi không về Việt Nam được nữa!”. Điều này làm tôi suy nghĩ, phải chăng thuộc tính của người Việt mình hèn kém tới vậy? Không phải. Chúng ta đã có Nguyễn Trãi, Phan Chu Trinh, Trần Đức Thảo, Trần Huỳnh Duy Thức… Tại sao giới trí thức Việt Nam hiện nay lại thui chột đến vậy?


Đã có nhiều bài viết chửi mắng giới trí thức Việt, khích tướng đủ kiểu, nhưng trí thức Việt vẫn im lặng và khăng khăng khước từ trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm công dân. Họ thường tự an ủi rằng “Lo cho chính mình và gia đình mình, cố gắng sống tốt là đủ”. Khi thấy giáo dục be bét, họ ráng kiếm tiền để con cháu được học trường quốc tế với học phí cao ngất ngưỡng. Khi thấy những trí thức dám lên tiếng bị bắt bỏ tù, họ bảo, “Đấy, lên tiếng rồi bị bỏ tù chứ có thay đổi được gì đâu.” Họ nghĩ ngoài kia mọi thứ không ảnh hưởng đến mình ư? Họ biết chắc là có. Họ chỉ chối bỏ thực tại mà thôi. Việt Nam có một nhóm nhỏ những người lên tiếng, đấu tranh vì xã hội, trong đó có rất ít trí thức. Vì vậy bức tranh do giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam vẽ lên là một bức tranh nguệch ngoạc, chưa thể định hình, do thiếu và yếu về kiến thức. Những lý luận, đường lối, phương hướng đều không rõ ràng, trừ mỗi lòng nhiệt huyết. Một số trí thức khác có kiến thức thì lại im bặt mặc kệ, thậm chí có khi họ còn chê bai và mượn thêm cớ để càng lánh xa: “Tại bọn đấu tranh dân chủ chẳng ra gì nên ta không thèm tham gia”. Đó có phải là sự biện minh cho hành vi chui rúc vào đầu vào cát của mình?


Trí thức Việt cho dù chối bỏ, phủ nhận chính mình, đổ thừa loanh quanh thì vẫn là trí thức. Người ta vẫn nhìn ra và coi thường việc chối bỏ đó của các vị. Nỗi sợ bị trù dập, bị tù đày, bị tước mất tự do làm sao có thể lớn hơn nỗi nhục chối bỏ, phủ nhận chính con người mình? Làm sao một người trí thức có thể sống, hưởng thụ và cảm thấy hạnh phúc khi mà ngoài kia xã hội đang nháo nhào đảo lộn? Hôm nay, các anh chị có thể chối bỏ vai trò, trách nhiệm trí thức của mình, nhưng thế hệ con cháu của chính anh chị sẽ đặt câu hỏi, “Ngày này, năm đó ông bà ba mẹ đã làm gì?”. Các anh chị trả lời sao đây?


Tác giả gửi Trí Việt News