Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm sắp mất? (Hòa Ái)
“Hiện nay Cha xứ là Cha Lê Đăng Niêm, mặc dù sức khỏe của Ngài rất
kém do bị tai biến nhưng Ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ tài
sản, bảo vệ đoàn chiên. Ngài là tấm gương sáng cho giáo dân noi theo.
Thành ra, chúng tôi cũng cương quyết gìn giữ và bảo vệ được nhà thờ,
không cho bất kỳ một thế lực hay nhóm lợi ích nào xâm hại đến nhà thờ.”
Thăm dò dư luận
Dư luận và nhiều người Công giáo tại Việt Nam bày tỏ sự hoang mang
trước thông tin, được báo chí truyền tải vào ngày 1 tháng 5, về Ủy ban
Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án
di dời những cơ sở tôn giáo tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có
Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm và thu hồi đất của
Trường tiểu học Thủ Thiêm, để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến
đường ven sông và công viên bờ sông đúng tiến độ.
Dư luận không chỉ hoang mang mà còn bức xúc khi một ngày sau đó trong
cuộc họp báo, người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh, ông Võ Văn Hoan cho biết bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc và
các bộ ngành có liên quan trong vòng 20 năm qua vẫn chưa tìm thấy bản
gốc.
Vào ngày 3 tháng 5, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, thuộc Thanh
tra Chính phủ, ông Nguyễn Hồng Điệp lên tiếng với truyền thông rằng
Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm trả lời cho người dân biết là không có bản
đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vì ngay cả Cục Văn thư và Lưu trữ
Nhà nước cũng không có.
Dư luận thắc mắc rằng dựa vào đâu mà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh ra quyết định di dời Nhà thờ Thủ Thiêm, có giá trị lịch sử lâu đời
hơn 160 năm, và phải chăng có sự khuất tất ẩn giấu nào liên quan đến
quyết định này của Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh?
Linh mục An-tôn Lê Ngọc Thanh, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế cho rằng Ủy
ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang dùng truyền thông để dọn đường
dư luận cho ý đồ giải tỏa Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ
Thiêm của họ. Linh mục An-Tôn Lê Ngọc Thanh còn nhấn mạnh truyền thông
liên tục đăng tin đồn thổi về Hội thánh Đức Chúa Trời trong thời gian
qua cũng nhằm chủ ý này:
“Họ cố tình thổi Hội thánh Đức Chúa Trời, lúc thì gọi như vậy lúc
thì gọi là Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, để cho người ta thấy tôn giáo nói
chung và theo tinh thần Ki-tô giáo như Công giáo nói riêng là xấu, bậy
bạ khiến cho những người không có tôn giáo ở Việt Nam tin theo và dẫn
đến chính quyền quyết định giải tỏa nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh
giá Thủ Thiêm được dân chúng ủng hộ bởi vì đó là một thứ đạo tào lao.”
Đạt được mục đích di dời?
Đài RFA ghi nhận Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá Thủ Thiêm
là hai cơ sở tồn tại hơn một thế kỷ tại Thủ Thiêm, thuộc quận 2 thành
phố Hồ Chí Minh. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, một số ngôi trường của
nhà dòng bị Nhà nước trưng thu làm cơ sở giáo dục. Một trường được sử
dụng làm trường tiểu học đã bị đập phá và Chính quyền thành phố Hồ Chí
Minh thương lượng bồi thường 50 tỷ đồng cho nhà dòng. Tuy nhiên, Dòng
Mến Thánh giá Thủ Thiêm cho biết nếu ngôi trường không được chính quyền
tiếp tục dùng vào mục đích giáo dục thì hãy trả lại cho nhà dòng và nhà
dòng từ chối nhận số tiền bồi thường đó. Một ngôi trường khác đập phá
hồi hạ tuần tháng 10 năm 2015, nhưng phải tạm dừng do gặp phải sự phản
đối của nhà dòng và dư luận.
Thêm vào đó, nghĩa trang của giáo xứ Thủ Thiêm, rộng hơn 2 héc-ta
cũng bị giải tỏa cách nay 2 năm, nhưng Chính quyền đã không đền bù một
đồng nào cho nhà thờ. Thông tin mới nhất chúng tôi được nghe từ người
phụ trách pháp lý của Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá Thủ
Thiêm là Chính quyền thành phố gây áp lực lên một số vị tại Tòa Tổng
Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh vận động nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá
Thủ Thiêm tự nguyện di dời.
Liên quan đến tin tức Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu
các đơn vị liên quan có phương án di dời Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện
Mến Thánh giá Thủ Thiêm vừa được truyền thông loan đi, một nữ tu trong
Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm cho biết không nhận được thông báo chính
thức nào từ phía chính quyền. Vị nữ tu này cho biết:
“Cả chục năm nay qua trao đổi (với Chính quyền thành phố Hồ Chí
Minh) thì mấy soeur nói cứ để nguyên hiện trạng như vậy, mấy soeur không
đồng ý. Trước sau mấy soeur vẫn giữ lập trường như thế. Còn báo chí
đăng thì kệ họ cứ đăng vì đó là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Cho đến bây giờ vẫn chưa có gì hết.”
Giáo dân Giuse-Cao Thăng Ca, người người phụ trách pháp lý của Nhà
thờ Thủ Thiêm và Tu viện Mến Thánh giá Thủ Thiêm, khẳng định với RFA
rằng không có việc di dời xảy ra vì:
“Thực chất nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm theo
quy hoạch của thành phố Hồ Chí Minh đến giờ phút này vẫn còn được phép
tồn tại. Hiện nay vấn đề pháp lý về quy hoạch đối với hội dòng và nhà
thờ không thể chối cãi và phủ nhận được. Nếu bất kỳ một người nào muốn
tìm thông tin về quy hoạch về Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh giá
Thủ Thiêm chỉ cần vào trang web ‘Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh’ thì
thấy bản vẽ cho đến năm 2018 nhà thờ và nhà dòng vẫn tồn tại. Mới nhất
đây, ông Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh đồng ý cho công ty của Hàn Quốc
là Công ty Lotte để đầu tư làm khu lõi trung tâm thành phố-khu thành phố
văn minh, thì trong bản vẽ này vẫn vẽ nhà thờ và nhà dòng tồn tại.”
Ông Cao Thăng Ca cho biết thêm có khoảng 3000 giáo dân tại giáo xứ
Thủ Thiêm và hiện chỉ còn khoảng 400 đến 500 giáo dân vì số còn lại đã
bị giải tỏa, di dời. Tuy nhiên, các gia đình giáo dân vẫn kiên trì đòi
công lý, bảo vệ đất đai nhà cửa của họ và Nhà thờ Thủ Thiêm cùng Dòng
Mến Thánh giá Thủ Thiêm.
“Hiện nay Cha xứ là Cha Lê Đăng Niêm, mặc dù sức khỏe của Ngài rất
kém do bị tai biến nhưng Ngài sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ tài
sản, bảo vệ đoàn chiên. Ngài là tấm gương sáng cho giáo dân noi theo.
Thành ra, chúng tôi cũng cương quyết gìn giữ và bảo vệ được nhà thờ,
không cho bất kỳ một thế lực hay nhóm lợi ích nào xâm hại đến nhà thờ.”
Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận truyền thông mạng xã hội mấy ngày qua
tiếp tục có những ý kiến gửi đến Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cần
phải gìn giữ Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm vì đó không
chỉ là công trình tôn giáo mang giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc
nghệ thuật mà còn là biểu tượng nối liền quá khứ và hiện tại của thành
phố.
RFA