Trung Quốc vừa lén lút đặt tên lửa chống hạm tầm xa 500 km trên 3 cơ sở ở Trường Sa (Một Thế Giới)

Nguồn tin tình báo đề nghị giấu tên khẳng định các tên lửa này được đưa ra Trường Sa chỉ trong vòng 30 ngày trở lại đây. Ba địa điểm mà Trung Quốc lén lút triển khai tên lửa là đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập, tất cả đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp.





Theo CNBC trích nguồn tình báo Mỹ, Trung Quốc vừa lén lút triển khai hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không có tầm bắn hàng trăm hải lý trên 3 cơ sở thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.


Trong bản tin rạng sáng nay (theo giờ VN), hãng truyền thông CNBC (Mỹ) trích dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc vừa âm thầm triển khai hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không trên 3 cở sở ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Do hành động triển khai này hoàn toàn phi pháp mà lại thực hiện một cách âm thầm nên chúng ta có thể gọi cách làm như vậy là lén lút.

Nguồn tin tình báo đề nghị giấu tên khẳng định các tên lửa này được đưa ra Trường Sa chỉ trong vòng 30 ngày trở lại đây. Ba địa điểm mà Trung Quốc lén lút triển khai tên lửa là đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập, tất cả đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp.

Cũng theo CNBC, hệ thống tên lửa chống hạm mà Trung Quốc lén lút triển khai là YJ-12B cho phép tấn công các tàu nổi trong phạm vi 295 hải lý (gần 550 km). Trong khi đó, các tên lửa phòng không là HQ-9B, được tính toán có khả năng nhắm mục tiêu là máy bay, kể cả máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 160 hải lý (gần 300 km).

Việc lắp đặt tên lửa của Trung Quốc dường như là bước đi có tính toán sau thời điểm có thông tin họ lắp đặt các thiết bị quân sự gây nhiễu radar trên Trường Sa. Wall Street Journal có một bức ảnh do công ty vệ tinh thương mại DigitalGlobe chụp hồi tháng 3. Bức ảnh cho thấy một thiết bị có ăng ten, được cho là hệ thống làm nhiễu, được lắp đặt trên đá Vành Khăn. Theo các thông tin tình báo của Mỹ cách đây 1 tháng, các thiết bị làm nghẽn sóng được lắp đặt trong vòng 3 tháng đầu năm tại đá Chữ Thập và đá Vành Khăn.

Không phải ngẫu nhiên mà tuần trước, Đô đốc Hải quân Mỹ Philip Davidson, người dự kiến sẽ thay thế Harry Harris làm Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, đã mô tả việc Trung Quốc ngày càng gia tăng hiện diện tại Biển Đông là "một thách thức lớn đối với các hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực này".

Trong báo cáo gửi cho Ủy ban quân vụ của Thượng viện Mỹ, Davidson cho biết việc đẩy mạnh phát triển các cơ sở quân sự của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp nóng trên biển dường như đã hoàn tất.

"Điều duy nhất còn thiếu là triển khai các lực lượng. Một khi hoàn tất, Trung Quốc có thể mở sẽ rộng ảnh hưởng sức mạnh quân sự hàng ngàn dặm về phía nam", Davidson viết. "Tóm lại, Trung Quốc giờ đây có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống có chiến tranh với Mỹ".

Những lời cảnh báo của Davidson như tiếp lời với những lời cảnh báo liên tục của Tư lệnh Harris về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Đầu năm nay, Harris trình bày với Quốc hội Mỹ rằng việc củng cố sức mạnh quân sự ấn tượng của Bắc Kinh, bao gồm cả việc theo đuổi vũ khí siêu âm, có thể thách thức Mỹ trên hầu hết mọi phương diện".

"Trong khi một số người suy nghĩ rằng hành động Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông là kiểu chủ nghĩa cơ hội, còn tôi thì không. Tôi xem chúng như là hành động có sự phối hợp, có phương pháp và có chiến lược, sử dụng sức mạnh quân sự và quyền lực kinh tế của họ để xóa bỏ trật tự quốc tế tự do và cởi mở". Harris phát biểu trước Ủy ban quân vụ của thượng viện.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 24.4 khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mạnh mẽ lên án các hành động của Trung Quốc.

TTXVN dẫn lời bà Hằng cho hay Trung Quốc gần đây tiến hành một số hoạt động như: cho tàu You Lian Tuo 9 tiến hành thi công dưới nước, tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 6 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cũng như cho cài đặt các thiết bị tác chiến điện tử mới gây nhiễu sóng trên đá Chữ Thập và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Những hành động này "đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo này; trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); gây phức tạp tình hình và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông", người phát ngôn nói.

Anh Tú