Ai mới là “phản động”? (Việt Thủy)




Và như vậy, trong mắt họ, những người yêu nước, thương nòi, những con người hy sinh vì một tương lai của dân tộc, hay những con người đấu tranh vì những giá trị tiến bộ như tự do, dân chủ, hòa giải và hòa hợp dân tộc, thậm chí chỉ đơn giản đề cập đến những khái niệm như ''tam quyền phân lập, xã hội dân sự, đa nguyên đa đảng, tự do dân chủ''…mặc định được gán mác ''Phản Động'' theo cái tư duy của họ.





 
Có một từ mà ban tuyên giáo Đảng cộng sản, cũng như các cơ quan thuộc cấp của họ, rất hay dùng, đó là từ ''phản động''.

Ở đây, với giới hạn kiến thức của bản thân và bằng những gì đã tìm hiểu sau một quá trình, tôi xin đưa ra những dẫn chứng ở các ngôn ngữ khác, đã có định nghĩa về từ này.

Từ ''Phản Động'' trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung. Người Trung Hoa vay mượn từ đó từ tiếng Nhật. Phản động trong tiếng Nhật được gọi là ''handō'' là từ người Nhật dùng để dịch từ tiếng Anh "reactionary". Từ phản động trong tiếng Anh "reactionary" bắt nguồn từ từ tiếng Pháp "réactionnaire". Vậy ta thử xem trong tiếng Pháp, là ''quê hương'' của từ ''Phản động'', người ta diễn giải nó như thế nào ? 

Từ ''phản động'' lần đầu tiên xuất hiện từ sau cách mạng Pháp (1789) để ám chỉ chính sách ca ngợi hoặc thực hiện một sự đảo ngược nhằm hướng đất nước, xã hội...quay trở về tình trạng trước kia trong quá khứ. Đối lập với từ này là từ “Cách Mạng”, là thay đổi cả chế độ lẫn chính quyền, thay đổi cách đặt và giải quyết các vấn đề, thay đổi văn hóa chính trị. Một cuộc cách mạng bao giờ cũng hướng đến những giá trị mới tiến bộ với cứu cánh là thay đổi xã hội theo chiều hướng tích cực. Nhìn từ đây, ta có thể thấy nghĩa của từ ''Phản Động'' rất giản dị: là hành động, tư tưởng hoặc chính sách của một tổ chức, một chính quyền...đi ngược lại những giá trị tiến bộ của một cộng đồng chung, nhằm một mục đích nào đó. 

Thời đó, vào năm 1789 ở Pháp, những người ủng hộ chế độ quân chủ bị xem là phản động, tức đi ngược "trào lưu tiến hóa" . Sau này nhiều người theo chủ nghĩa xã hội, hay cộng sản, coi những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản là "phản động" vì lý thuyết của họ cho rằng nhân loại tiến lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu của lịch sử. Vậy là, họ, những người cộng sản, mặc định và xác quyết rằng chủ nghĩa xã hội là sự tiến bộ của loài người! 

Nhưng hiện nay, bằng những bài học xương máu và kinh nghiệm của lịch sử, từ những ngày tháng của thế chiến hai cho đến chiến tranh lạnh, rồi đỉnh điểm là sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại các nước cộng sản Đông Âu (Ba Lan, Liên Xô, Tiệp Khắc, Đông Đức...) và sự thịnh vượng, phát triển của các quốc gia ở châu Á mà hoàn toàn vắng bóng chủ nghĩa cộng sản (Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia, Malaysia...) đã là bằng chứng sống động nhất về cái chết dưới đủ mọi hình thức của chủ nghĩa cộng sản và mớ học thuyết của Marx, Lenin.

Một ví dụ khác về từ này. Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa, phản động biểu hiện ở những việc làm chống lại các phong trào cách mạng, dân chủ và giải phóng dân tộc; hăm doạ, săn lùng và đàn áp các tổ chức và cá nhân hoạt động chính trị, đàn áp nhân dân lao động; tệ phân biệt chủng tộc, nhen nhóm và khích lệ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa chống cộng...Nhưng, đảng cộng sản Việt Nam cũng dùng "phản động" để lên án bất cứ ai chống lại đảng cộng sản Việt Nam kể cả những tập hợp cộng sản khác, chẳng hạn như đảng cộng sản Trung Quốc, Khmer đỏ, dù là tất cả đều chung một cái họ ''Cộng Sản''. Nghiễm nhiên, chính họ, dù cố tình hay vô ý, đã tự đưa thêm một nghĩa khác cho từ phản động: ''bất kỳ cá nhân, tổ chức nào...có tư tưởng, hành động đối lập, chống lại chủ nghĩa cộng sản '' 

Và như vậy, trong mắt họ, những người yêu nước, thương nòi, những con người hy sinh vì một tương lai của dân tộc, hay những con người đấu tranh vì những giá trị tiến bộ như tự do, dân chủ, hòa giải và hòa hợp dân tộc, thậm chí chỉ đơn giản đề cập đến những khái niệm như ''tam quyền phân lập, xã hội dân sự, đa nguyên đa đảng, tự do dân chủ''…mặc định được gán mác ''Phản Động'' theo cái tư duy của họ.

Nhưng nếu theo nghĩa gốc của từ ''Phản Động'', trong một bối cảnh xã hội toàn cầu hóa, nơi mà con người càng xích lại gần nhau hơn, cố gắng đấu tranh và củng cố vì tự do dân chủ, thì họ - đảng cộng sản Việt Nam, với những người mong muốn và đấu tranh vì tiến bộ của đất nước, dân tộc kia, ai mới thật sự là ''Phản Động''? 

Câu hỏi này, tôi để dành cho nhân dân, những trí thức Việt Nam, và toàn bộ cán bộ đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, cùng xem lại và suy nghĩ!

Việt Thủy (1/3/2018)