Đồng Tâm: Dân họp, phản bác công an Hà Nội (BBC)
Ông Hiểu nói: "Hôm đó tôi đi cuối hàng, đang đi thì nghe
phát súng, tôi ngẩng lên thì thấy Trần Thanh Tùng, phó giám đốc công an
huyện đá cụ Kình ngã, cặp đựng tài liệu của cụ văng lên. Họ cũng bắt tôi
nhưng khi đẩy đến gần xe thì tôi giằng ra và bỏ chạy được".
Chiều 8/11, một số người dân xã Đồng
Tâm, Hà Nội tổ chức cuộc họp trực tuyến phản bác lại lời bình luận của
Phó giám đốc Công an TP Hà Nội Đại tá Đào Thanh Hải cho rằng ông Lê Đình
Kình gãy chân "vì giằng co".
Ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, ở thôn
Hoành (Đồng Tâm, Mỹ Đức), được xem là người đứng đầu các gia đình khiếu
nại đất đai ở Đồng Tâm.
Ông Lê Đình Kình bác bỏ tuyên bố nói ông Kình bị gãy chân vì "gia đình giằng co với công an Hà Nội" là không đúng.
Phó giám đốc Công an Hà Nội, Đại tá Đào Thanh Hải hôm 7/11 phát biểu trước Quốc Hội rằng:
"Khi
cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ ông Lê Đình Kình, gia đình nhà ông
Lê Đình Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co
và đã xảy ra cái việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân.
"Không
có vấn đề gì liên quan đến quá trình lực lượng thực thi nhiệm vụ đánh
gây thương tích ông Kình. Ở đây hoàn toàn trong quá trình giằng co giữa
lực lượng thực thi nhiệm vụ và gia đình ông Kình đã xông vào cản trở cơ
quan điều tra, dẫn đến việc đáng tiếc như vậy," ông Hải phát biểu tại
Quốc Hội.
Phản bác qua Facebook
Trong
video phát sóng trực tiếp qua Facebook hôm 8/11, người dân Đồng Tâm
tiến hành cuộc họp hàng tuần, ông Kình thuật lại vụ việc hôm 15/4.
Ông
Kình cho biết hôm 15/4 các cán bộ yêu cầu cụ ra chỉ mốc giới ở khu đất
tranh chấp với chính quyền, tuy nhiên cán bộ sau đó yêu cầu người dân ra
về, chỉ còn lại vài người trong đó có hai ông Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Vệ
và bà Hoàng Thị Thăng.
Theo lời ông Kình, một cán bộ để nổ súng bắn chỉ thiên và ngay sau đó ông bị một cán bộ "đá văng" làm gãy xương đùi.
"Hai
cảnh sát cơ động, mỗi người khiêng tay và chân tôi, quăng lên xe như
một con thú," ông Kình giữ nguyên cáo buộc từng tuyên bố suốt nhiều
tháng qua.
"Lúc đó chỉ có con tôi là Lê Đình Công đã bị bắt trước
cả tôi, còn lại thì ở nhà. Không có chuyện gia đình giằng co làm gẫy
chân tôi.
"Vì vậy lời nói của ông Đào Thanh Hải là không đúng.
Công an Hà Nội vừa đá bóng, vừa thổi kèn và vu khống cho vợ con tôi,"
ông Kình nói
Hai ông Hiểu và Vệ và bà Thăng cũng xuất hiện trong
video phát trực tuyến trên Facebook xác nhận lại lời tường thuật của cụ
Kình.
Ông Hiểu nói: "Hôm đó tôi đi cuối hàng, đang đi thì nghe
phát súng, tôi ngẩng lên thì thấy Trần Thanh Tùng, phó giám đốc công an
huyện đá cụ Kình ngã, cặp đựng tài liệu của cụ văng lên. Họ cũng bắt tôi
nhưng khi đẩy đến gần xe thì tôi giằng ra và bỏ chạy được.
Trong
bài phát biểu trước Quốc Hội, Phó giám đốc Công an Hà Nội nói thanh tra
đã "kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công tác...của lực lượng công an
TP Hà Nội".
Trong clip, ông Lê Đình Công, con trai cụ Kình phản bác thông tin này.
"Kể
từ khi bố tôi bị đánh, chuyển từ bệnh viện về, không có một cán bộ công
an nào đến điều tra, thanh tra về việc bố tôi bị đánh gãy chân như thế
nào!" ông Công nói.
"Chúng tôi mong muốn đại biểu Quốc hội,
Dương Trung Quốc và các đại biểu khác tiếp tục chất vấn ông Đào Thanh
Hải về tuyên bố của người dân trong cuộc họp ngày hôm nay," ông Công đề
nghị.
Tại Quốc hội hôm 7/11, sau phát biểu của đại biểu Đào Thanh Hải, ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, nói:
"Tốt
nhất là các đồng chí phải công khai nói sự việc ấy để người dân bình
luận xem ông già 82 tuổi có thể tự gãy chân không? Ở đây ngay cả quy
định về người cao tuổi chúng ta cũng không tuân thủ."