Nhà nước vẫn còn nghiện quản (Tư Giang)

Theo cơ chế hiện nay, các bộ, ngành tự rà soát, đánh giá và đề xuất kiến nghị sửa đổi các điều kiện kinh doanh là chính chứ không có bộ nào chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc công việc này. Sẽ chẳng có ai chịu “lấy đá ghè chân mình” để tự động cắt bỏ điều kiện kinh doanh của chính ngành mình. “Như vậy, kết quả thành công hay thất bại phụ thuộc chủ yếu vào sự tự giác của các bộ”, ông Nguyễn Đình Cung nhận xét. Kết quả, các đợt rà soát, cải cách về điều kiện đầu tư kinh doanh thường không đạt được kết quả như mục tiêu của Chính phủ và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.


Dưới sự thúc hối của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh đang được đẩy lên cao trào ở nhiều bộ, ngành. Kết quả cuối cùng, tuy vậy, vẫn cần thêm thời gian để đánh giá.

Khi nhận ghế Bộ trưởng Công Thương, ông Trần Tuấn Anh khẳng định xây dựng thể chế là một trong những ưu tiên của ông. Phải gần một năm rưỡi sau ông mới ra văn bản cam kết cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh, bằng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của bộ. “Đó không phải là quyết định qua một đêm mà là kết quả của cả quá trình rà soát từ đầu nhiệm kỳ”, ông nói.

Con số cắt giảm này vượt qua mục tiêu ban đầu của Bộ trưởng là 35%, điều mà Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng “là một tin tốt lành”. Trong suốt cả thập kỷ qua, ông Cung và nhiều người khác đã làm hết sức, kêu hết mình mà không được lắng nghe và hưởng ứng. “Rất nhiều bộ trưởng phản đối, hay thờ ơ không hợp tác (trong cắt bỏ điều kiện kinh doanh)”, ông Cung nhớ lại.

Bộ Y tế đã lên tiếng có thể cắt giảm từ 90-99 lượng hàng phải kiểm tra an toàn thực phẩm, nếu sửa luật. Bộ Giao thông Vận tải và một số bộ khác đang, hay nhờ các chuyên gia pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giúp rà soát danh sách điều kiện kinh doanh của ngành. Động thái này cho thấy tiến trình cắt giảm điều kiện kinh doanh mà Thủ tướng Phan Văn Khải khởi động lần đầu năm 2000 đang được khôi phục lại sau thời gian rất dài bị bỏ qua.

Song, mọi chuyện hoàn toàn không dễ dàng. Ngay trước cuộc gặp với nhiều lời lẽ khen Bộ Công Thương, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108 về quản lý phân bón (thuộc quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Thật đáng tiếc, văn bản này vẫn tiếp tục thêm vào hàng loạt điều kiện kinh doanh, chẳng hạn, người bán phân bón phải thành lập doanh nghiệp, phải có bằng cấp chuyên môn về phân bón, có biển hiệu...

Quy định như vậy rõ ràng là coi trọng tiền kiểm với hàng loạt rào cản gia nhập thị trường trong khi coi nhẹ hậu kiểm, yếu tố quan trọng hơn để kiểm tra, giám sát chất lượng phân bón đang trở thành vấn nạn trong ngành nông nghiệp. Một người nông dân muốn mở quầy bán phân bón, bên cạnh việc trồng lúa, để kiếm thêm thu nhập mà phải lập doanh nghiệp thì quá rầy rà. Với tấm bằng được cấp, làm sao họ có thể phân biệt đâu là phân bón thật, giả chỉ bằng mắt thường?

Quy định như trên liệu có gây ra tình trạng khan hiếm phân bón và thậm chí đẩy nhiều nông dân đang bán phân bón đối diện với tòa án, hay phá sản? Lẽ ra, Nghị định này cần nhấn mạnh về hậu kiểm, có chế tài thật nặng đối với các nhà máy sản xuất phân bón kém chất lượng, thay vì tập trung vào khâu cấp phép cho người bán. Trước mắt, vụ công ty Thuận Phong làm phân bón giả, như đã được kết luận, cần phải làm nghiêm để làm gương.

Điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt quy mô doanh nghiệp, như Nghị định 108 vừa thông qua, là rất phổ biến và có ở nhiều nghị định thuộc chức năng quản lý nhà nước của nhiều ngành, theo Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, người đề nghị bãi bỏ một số lượng kỷ lục 2.000 điều kiện kinh doanh trong phiên họp về xây dựng pháp luật của Chính phủ gần đây, cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư, các bộ, ngành phải xây dựng, đề xuất, sửa đổi, bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện đầu tư kinh doanh và gửi lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, bộ này chưa nhận được bất kỳ một danh sách nào.

Theo cơ chế hiện nay, các bộ, ngành tự rà soát, đánh giá và đề xuất kiến nghị sửa đổi các điều kiện kinh doanh là chính chứ không có bộ nào chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc công việc này. Sẽ chẳng có ai chịu “lấy đá ghè chân mình” để tự động cắt bỏ điều kiện kinh doanh của chính ngành mình. “Như vậy, kết quả thành công hay thất bại phụ thuộc chủ yếu vào sự tự giác của các bộ”, ông Nguyễn Đình Cung nhận xét. Kết quả, các đợt rà soát, cải cách về điều kiện đầu tư kinh doanh thường không đạt được kết quả như mục tiêu của Chính phủ và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.

Cách đây gần một năm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tự động bỏ thủ tục khai báo hóa chất - một trong vài cải cách đầu tiên. Song, Hiệp hội Gas phản ánh, cam kết này vẫn “không thực hiện” và mọi lô hàng khí hóa lỏng đều phải qua thủ tục này. Hệ quả là rõ. Doanh nghiệp phải lên Cục Hóa chất hai lần chỉ để được xác nhận đã khai báo mất bảy ngày, theo quy định trên. Song, ngành hải quan lại quy định phải xuất trình ngay giấy xác nhận. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ có 24 tiếng để dỡ hàng, nếu chậm thì tàu 1.000 tấn sẽ bị chủ tàu phạt từ 6.000-9.000 đô la Mỹ một ngày. Và do đó số tiền phạt lên đến 42.000-63.000 đô la cho bảy ngày làm thủ tục. Vì sao mà tiến trình cải cách điều kiện kinh doanh chậm chạp đến thế.

TBKTSG