Cuộc chiến chống tham nhũng trong tuyệt vọng (Việt Hoàng)

Đã đến lúc những người đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ, nhất là các bạn trẻ phải thay đổi tư duy… tranh đấu. Chúng ta dấn thân là để thay đổi xã hội và mở ra một trang sử mới cho dân tộc chứ không phải đấu tranh để nổi tiếng, hay để trở thành các "ngôi sao" dân chủ…  


"Nhóm lửa và đốt lò" làm cho lò nóng lên để củi tươi cho vào cũng phải cháy, một cách diễn đạt đầy quyết tâm của ông tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng về cuộc chiến chống tham nhũng. 
Cuộc chiến chống tham những mà ông Trọng và ban lãnh đạo đảng đang tiến hành sẽ đi về đâu? Nhất là sau khi vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã không được giải quyết thấu đáo khiến quan hệ Việt-Đức tiếp tục xấu đi, khi Đức trục xuất thêm một quan chức ngoại giao và hạ thấp quan hệ ngoại giao hai nước?
Sự việc chưa thể dừng lại ở đây. Hiệp ước thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu (EU) có thể sẽ đổ bể. Hậu quả trước mắt là các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam sẽ bị EU đóng cửa, dừng nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản vào thị trường tiềm năng này.
Nguyễn Xuân Anh, bí thư Đà Nẵng ngã ngựa với những cáo buộc hết sức sơ sài mà bất cứ một quan chức cấp huyện nào cũng có thể mắc phải như việc sở hữu xe, nhà của các doanh nghiệp biếu tặng... Trong khi chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng, mặc dù trước đó từng bị tố cáo có rất nhiều tài sản khủng.
Việc ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu giám đốc Oceanbank bị đề nghị án tử hình cũng rất khiên cưỡng, một mình ông ta không thể tự thò tay vào két lấy được chừng ấy tiền mà phải là sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước và Bộ tài chính ở đâu trong vụ này? Hơn nữa việc kết án tử hình một tội phạm kinh tế là không thuyết phục.
Trong khi các sai phạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được cơ quan điều tra chiếu cố một cách nhiệt tình -với vụ bắt giữ mới nhất ông Lê Đình Mậu, kế toán trưởng của PVN- thì ngược lại, vụ điều tra về ông giám đốc sở Tài nguyên môi trường Yên Bái, nhờ bán chổi đót mà xây được biệt phủ nguy nga hàng triệu đô vẫn im lặng một cách ngạc nhiên, giống như vụ công ty dược VN Pharma nhập thuốc chống ung thư giả.
Ông Nguyễn Văn Oai thuộc nhóm Thanh niên Công giáo Nghệ An vừa bị bắt và kết án lần thứ hai (hôm 18/9) với tội danh "không chấp hành án và chống người thi hành công vụ" với 5 năm tù và 4 năm quản chế. Lần trước ông bị kết án vì tội "lật đổ chính quyền nhân dân" và vừa ra tù năm 2015.
Các trạm BOT bị phanh phui cho thấy rõ đây là một hình thức mãi lộ, trấn lột người dân một cách công khai và trắng trợn của các nhóm lợi ích, là sân sau của các quan chức, mà nổi tiếng nhất có lẽ là của "thứ phi" cựu vương Nông Đức Mạnh, bà Đỗ Thị Huyền Tâm với BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ. Quốc lộ 1A là con đường huyết mạch của đất nước vì vậy phải lấy ngân sách nhà nước để cải tạo, mở rộng và nâng cấp còn BOT chỉ áp dụng với các con đường nhỏ như tỉnh lộ, huyện lộ, xã lộ. (Nếu không có tiền thì lấy tiền ở các dự án xây tượng đài).
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông lại tiếp tục trễ hẹn, không thể chạy thử vào đầu tháng 10/2017 vì Trung Quốc không giải ngân tiếp 250 triệu USD, dự án Metro ở Sài Gòn cũng vì không được giải ngân vốn đúng cam kết (lần này là do phía Việt Nam) nên tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên không thể hoàn thành vào năm 2020. Dự án này theo tính toán ban đầu là hơn 1 tỉ USD nhưng được "điều chỉnh" lên 2,5 tỉ USD, trong đó gần 90% là vốn ODA của Nhật Bản, còn lại là từ ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 200 triệu USD).
Chúng ta có thể nhận thấy là gần đây báo chí Việt Nam bắt đầu công khai các khoản nợ của chính quyền và các doanh nghiệp nhà nước, ví dụ như mới đây Bộ Tài chính cho biết là Việt Nam đang nợ nước ngoài 93 tỉ USD… Nhưng theo một tờ báo khác, dựa trên tính toán của tiến sĩ Vũ Quang Việt thì :
"Nợ của khoảng 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỷ đồng (231 tỷ USD), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỷ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỷ USD, bằng 158% GDP. Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỷ USD, bằng 210% GDP".
Sỡ dĩ chính quyền ông Nguyễn Xuân Phúc công bố những thông tin mà trước đây luôn bị giấu kín, chắc hẳn không vì trách nhiệm và muốn minh bạch hóa, mà chỉ để cho công chúng biết rằng người gây ra những tai họa đó là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chính phủ trước. Ông Dũng là người "ăn ốc" nhưng ông Phúc không chịu làm người "đổ vỏ".
Việc xử lý mạnh tay các vụ án trọng điểm cũng vì mục đích đó. Một mũi tên trúng nhiều đích. Vừa trình diễn cho người dân xem quyết tâm chống tham nhũng của đảng, vừa cơ cấu và sắp xếp lại cán cân quyền lực trong đảng, loại bỏ những phe nhóm không cùng vây cánh, vừa thu hồi được tiền từ các nhóm "ăn ốc" trước đó, vừa lấy cớ để tăng dồn dập các loại thuế phí khác như thuế xăng, thuế VAT…
Theo dự đoán thì sắp tới đây sẽ còn rất nhiều "tai to mặt lớn" khác trong đảng cũng như các doanh nhân "có số má" phải lên thớt như ông Nguyễn Anh Dũng, chủ tịch Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), chủ tịch Tập đoàn Than-Khoáng sản…
Cuộc chiến trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam lần này sẽ rất khốc liệt và không thể khoan nhượng. Ngoài lý do đấu đá giữa các phe nhóm, ông Trọng cũng có thể muốn vực đảng cộng sản dậy để không bị suy sụp. Nhưng muốn là một chuyện, còn làm được hay không lại là chuyện khác.
Ông Trọng nếu thật lòng muốn cứu đảng cộng sản thì chắc chắn cũng là một điều vô ích vì một sự thật hiển nhiên, đó là không thể nào cải tiến và thay đổi được một chế độ tham nhũng đã ăn sâu bám rễ vào lục phủ ngũ tạng của cơ thể Việt Nam. Lịch sử thế giới chưa có một trường hợp nào làm được điều đó và cũng chưa có một chế độ cộng sản nào có thể cải tổ để trở thành một chế độ dân chủ. Các vụ bắt giữ liên quan đến tham nhũng đều có chọn lọc, vì một lý do giản dị, đúng như ông cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói, đó là "nếu kỷ luật hết cán bộ có sai phạm thì lấy ai làm việc ?".
Một bằng chứng hùng hồn nữa là chính phủ của "ông Phúc, ông Trọng" đã và đang đàn áp khốc liệt và dã man các tiếng nói bất đồng chính kiến, với những bản án kinh hoàng : 10 năm tù cho Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và 9 năm tù cho Trần Thị Nga, hai người mẹ đơn thân đang nuôi con nhỏ hay Nguyễn Văn Túc và Nguyễn Văn Oai mới đây.
Tất cả đều có thể trở thành nạn nhân của ông Trọng từ quan chức cao cấp của chính phủ kể cả những người đã về hưu vài năm cho đến giới bất đồng chính kiến. Càng khủng hoảng nặng thì đàn áp càng lên ngôi, càng sợ hãi thì càng phải tăng cường trấn áp.
Việt Nam như con tàu sắp đắm, không ai tin là đảng có thể tồn tại "muôn năm" và không ai có thể làm được gì. Những người lãnh đạo như ông Trọng đang cố gắng trong tuyệt vọng để giữ cho con tàu không đắm quá nhanh nên sẽ không còn tinh thần để giải quyết bất cứ một sự việc gì nữa. Vụ Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ, không có ai đứng ra giải quyết việc này. Tập thể ban lãnh đạo chỉ còn là một hư cấu vì không thể lấy được bất cứ một quyết định quan trọng nào. Vụ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch gây áp lực buộc cả Bộ chính trị phải rút lui các giàn thăm dò dầu khí khỏi bãi Tư Chính dưới sự đe dọa của Trung Quốc là một ví dụ nữa…
Điều đáng nói hơn cả là, trong khi chính quyền bế tắc như vậy thì phong trào dân chủ Việt Nam đang ở đâu và đang làm gì ?
Chính quyền Việt Nam hành động bất chấp đạo đức và luật pháp nhưng không hề vấp phải một sự phản ứng nào từ dân chúng, nếu có thì cũng không đáng kể, đề kháng của người Việt đã không còn? Thật ra các "phản ứng cá nhân" trên các trang mạng xã hội rất cao và rất nhiều, nhưng vì là những tiếng nói "cá nhân" nên chúng đã không gây ra được hiệu ứng gì và không tạo ra được áp lực nào. Trong khi đó, chỉ cần một 1.000 bloggers tập hợp lại với nhau trong một tổ chức và thống nhất với nhau trên cùng một lập trường và phát biểu trên cùng một "ngôn ngữ" thì câu chuyện có thể hoàn toàn khác.
Các mạng xã hội là những công cụ kết nối tuyệt vời, chúng có thể giúp chúng ta tạo ra các tổ chức gồm các thành viên ở trên khắp thế giới mà không cần gặp mặt hàng ngày. Chúng cũng là công cụ để chúng ta tương tác với nhau, học hỏi và trao đổi trực tiếp với nhau. Tóm lại, mạng xã hội có thể giúp chúng ta tập hợp và kết hợp lại với nhau thành một tổ chức đối lập lớn mạnh.
Rất tiếc là nhiều cá nhân tranh đấu lại dùng mạng xã hội để tranh đấu theo kiểu nhân sĩ, tức là hoạt động một mình bằng cách đánh bóng bản thân và hy vọng một ngày nào đó có được uy tín và sẽ được ai đó trọng dụng, hoặc trở thành "anh hùng dân tộc" trên mạng ? Đây là một ngộ nhận lớn, một ca sĩ cần có hàng vạn fan hâm mộ để mua vé và xem họ biểu diễn nhưng tranh đấu trong chính trị là để thay đổi xã hội và chiến thắng cộng sản, cái giá của nó rất cao mà người dân lại rất thực dụng. Họ chỉ tin và nghe theo một tổ chức hùng mạnh, có tầm vóc và có khả năng mang lại chiến thắng.
Đã đến lúc những người đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ, nhất là các bạn trẻ phải thay đổi tư duy… tranh đấu. Chúng ta dấn thân là để thay đổi xã hội và mở ra một trang sử mới cho dân tộc chứ không phải đấu tranh để nổi tiếng, hay để trở thành các "ngôi sao" dân chủ…
Khi đã xác định tinh thần như vậy thì chúng ta phải khiêm tốn và bình tĩnh để nhìn nhận rõ mình là ai ? Khả năng của mình đến đâu ? Rồi từ đó có thể hòa mình vào một tổ chức, tập sống chung với "văn hóa tổ chức", học tập kiến thức về chính trị và cách làm việc chung với những người có cùng chính kiến và cả với những người không cùng chính kiến.
Chính trị là "làm việc cùng nhau" vì vậy nếu một người không thể tham gia và chịu đựng được văn hóa của một tổ chức thì không thể làm được chính trị và không đi được xa. Sau này khi đất nước có dân chủ hoặc trước khi có dân chủ, hoặc vào một thời điểm nào đó thì sẽ cần đến sự liên minh của các tổ chức chính trị. Để có được liên minh chính trị đó thì khả năng thỏa hiệp, bao dung và tương nhượng lẫn nhau là rất cần thiết và nếu không có tổ chức và không có "văn hóa tổ chức" thì không thể tạo ra được các liên minh đó.
Phải làm gì trong lúc này ? Phải hành động ra sao để chiến thắng cộng sản và mang lại dân chủ cho Việt Nam ?
Có lẽ câu trả lời đúng nhất và cần thiết nhất trong lúc này với những người còn ưu tư với đất nước là hãy tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức chính trị đối lập dân chủ đứng đắn. Nếu không thể tham gia được vào các tổ chức chính trị thì hãy lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức mà mình thấy là đứng đắn và có tương lai nhất.
Hãy nói "không" với các hoạt động cá nhân kiểu nhân sĩ và ngôi sao, vì chúng sẽ không đi đến đâu.
Đừng mất thì giờ cho những việc mà bạn biết rõ là nó sẽ vô ích.
Đừng hành động nông nổi và thiếu suy nghĩ để tạo cớ cho chính quyền bắt bớ và đàn áp nhất là trong lúc họ đang tuyệt vọng.
Việt Hoàng (27/9/2017)