VN thúc đẩy kinh doanh trong bất ổn thể chế (Phạm Quí Thọ)
Trong vòng chưa đầy hai năm, kể từ
sau Đại hội Đảng Cộng sản tháng 1 năm 2016, người dân Việt Nam đã phải
chứng kiến sự gia tăng của bất ổn thể chế.
Một mặt, đây là hiện
tượng xảy ra do chiến dịch chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực lên
đến cao điểm, hướng tới cải cách chính trị theo triết lý của đảng.
Mặt khác, nó bắt nguồn từ hậu quả nặng nề gây nên bởi sự yếu kém trong điều hành của chính phủ tiền nhiệm.
Khi mô hình tăng trưởng nóng theo chiều rộng bị gián đoạn, các điều kiện kinh tế và chính trị cũng đi xuống nhanh chóng.
Thủ
tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc đang lựa chọn thúc đẩy kinh doanh
với phương châm: 'Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ
người dân và doanh nghiệp'.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế
nào cải thiện tăng trưởng nhờ thúc đẩy tự do kinh doanh trở thành chính
sách có hiệu quả khi rào cản lớn từ chậm cải cách thể chế, nguồn lực hạn
hẹp và quan hệ quốc tế không thuận lợi?
Hậu quả của quản lý kinh tế yếu kém
Hệ thống tài chính - ngân hàng được coi mà huyết mạch của nền kinh tế.
Nợ
xấu của nó trước kia được che giấu, nay được 'minh bạch' hơn về số
liệu, lên đến 600.000 tỷ, chiếm 10% tổng dư nợ, khoảng 70% nằm trong bất
động sản, được coi là 'cục máu đông' gây tắc nghẽn.
Hệ thống ngân
hàng đang trong quá trình 'sắp xếp' và 12 đại án trong lĩnh vực này
đang được Ban chỉ đạo chống tham nhũng trung ương thúc đẩy.
Vụ án
ngân hàng Xây Dựng - Phạm Công Danh, ngân hàng Đại dương - Hà Văn Thắm
đã và đang xét xử, mới đây Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch ngân hàng
Sacombank cũng đã bị khởi tố, mở màn cho những điều tra liên quan tới
Ngân hàng Nhà nước.
Dư luận đồn đoán danh sách không chỉ dừng ở 12 vụ án này.
Nợ công dâng cao
Nợ
công cao và tăng nhanh là một chỉ báo bất ổn kinh tế. Số nợ báo cáo của
chính phủ hiện thời sát mức trần 65% GDP được Quốc hội thông qua.
Tuy
nhiên, theo tính toán của một số chuyên gia, chỉ tính riêng nợ của
3.200 doanh nghiệp nhà nước năm 2016 khoảng 324 tỷ đô la, bằng 158%
GDP.
Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà
nước sau khi trừ đi phần chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm
2016 là $431 tỷ, lên đến 210% GDP.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước
(DNNN) - từng được coi là 'quả đấm thép' đang sản xuất kinh doanh khó
khăn, không ít trong số đó đã và đang trên bờ phá sản, trong đó danh
sách 12 doanh nghiệp lớn, chủ yếu do bộ Công thương quản lý, được đưa
vào nghị sự của Bộ Chính trị, giao cho một ủy viên, phó thủ tướng đặc
trách giải quyết, song chưa có phương án khả thi, ngoài việc đưa ra lộ
trình 'cổ phần hóa' các doanh nghiệp nhà nước nói chung đến năm 2020.
Trong
tình thế khó khăn, nguồn thu ngân sách nhà nước từ khối DNNN đang sụt
giảm mạnh, chỉ đạt 33,2% kế hoạch năm 2017, khoảng 95.000 tỷ đồng.
Theo
số liệu của Tổng Cục Thống Kê, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm
đến thời điểm ngày 15/7/2017 ước đạt 584.600 tỷ đồng, chỉ bằng 48.2% dự
toán năm, thấp hơn mọi năm, làm lo ngại về hụt thu có thể lên tới 11%.
Chi
thường xuyên lớn gấp 5 lần chi cho phát triển. Ngân sách eo hẹp làm
giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và cải cách thể chế.
BOT - ví dụ của sự yếu kém
Quản lý kinh tế yếu kém trong hai nhiệm kỳ trước đang để lại những
hậu quả nặng nề và tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài đến phát
triển kinh tế - xã hội.
BOT là một minh chứng nổi bật. BOT - là
từ viết tắt của tiếng Anh: Build-Operate-Transfer, có nghĩa: Xây
dựng-Vận hành-Chuyển giao.
Về bản chất là một chính sách đầu tư
công, khi Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng trước
(build), sau đó khai thác vận hành một thời gian (operate) và sau cùng
là chuyển giao (transfer) lại cho nhà nước.
Trong tháng 8 năm nay, báo chí nhà nước đã 'bung ra' với chủ đề BOT, bắt đầu từ sự cố 'Cai Lậy'.
Các
'tài xế' thể hiện 'bất tuân dân sự', thu gom tiền lẻ, tiền xu để trả
tiền vé khi qua trạm thu phí Cai Lạy tỉnh Tiền Giang nhằm phản đối việc
đặt sai trạm thu phí và giá phí cao.
Hậu quả là tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, có thời
điểm phải ngừng thu phí để giải tỏa. Nhờ báo chí mà chính quyền các cấp,
các cơ quan chuyên môn và thanh tra phải 'vào cuộc'.
Một chủ
trương đúng nhưng đã bị lạm dụng. Kết luận của thanh tra Chính phủ cho
thấy, 100% các dự án BOT về giao thông trên cả nước là chỉ định thầu,
trong đó nhiều nhà thầu không đủ năng lực, vay vốn ngân hàng đến 90%.
Chỉ
trong đợt kiểm toán đầu tiên 27 dự án BOT, đoàn giám sát của Quốc hội
với Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu 22 dự án phải giảm thời gian thu phí
tổng cộng lên đến… 100 năm. Chỉ riêng ở Tp. HCM, Thanh tra cũng đã phát
hiện ra sai phạm ở 6 dự án BOT lên đến 2.200 tỷ đồng…
Các tít báo
khả 'cởi mở' và đang thu hút được công luận rộng rãi: "Cai Lậy: BOT để
ngỏ khả năng khởi kiện và thế lưỡng nan của Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ
đang bảo vệ lợi ích của ai trong bài toán BOT?; BOT - lợi ích nhóm;
''Ăn chặn' tiền dân!; 'BOT chứa rủi ro tham nhũng lớn nhất'; BOT và áp
lực kiến tạo liêm chính…" với yêu cầu điều tra làm rõ, công khai minh
bạch và trách nhiệm giải trình.
Chống tham nhũng và 'nhốt quyền lực'
Chống tham nhũng, cải cách bộ máy và bàn giao thế hệ lãnh đạo cao cấp
nhất của Đảng là những vấn đề cải cách thể chế trọng tâm, được dư luận
hết sức quan tâm.
Tham nhũng là hậu quả tất yếu của tình hình, và nguyên nhân của mọi nguyên nhân gắn với thể chế là tha hóa quyền lực.
Tham
nhũng lớn và lan rộng là do quyền lực tha hóa nghiêm trọng. Đảng Cộng
sản Việt Nam nhận ra thực trạng này và đang nỗ lực 'nhốt vào lồng thể
chế', bắt đầu bằng chống tham nhũng.
'Chiến dịch này' được Tổng bí
thư Nguyễn Phú Trọng phát động, bắt đầu từ Trịnh Xuân Thanh - nguyên
phó chủ tịch tỉnh, người đã trốn ra nước ngoài vào tháng 4 năm 2016,
được ví như 'con voi chui lọt lỗ kim', nay đã 'về nước đầu thú' vào cuối
tháng 7 vừa qua.
Trong thời gian này, ngoài các Vụ án Ngân hàng nêu
trên, các 'chiến hữu' cùng ông Thanh tại Tổng công ty xây lắp dầu khí
(PVC), như Nguyễn Xuân Sơn, Vũ Đức Thuận… cũng bị bắt giam, kỷ luật
nguyên Bí thư và Phó bí thư Hậu Giang, kỷ luật cách chức Bí thư Đảng
đoàn và chức nguyên Bộ trưởng bộ Công thương của ông Vũ Huy Hoàng, kỷ
luật các thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên phó Ban tổ chức Trung ương, cách
chức Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh của ông
Đinh La Thăng, miễm nhiệm chức thứ trưởng của bà Hồ Thị Kim Thoa…
Mọi
vụ tham nhũng đều do chiếm đoạt tài sản công, mọi hành vi tham nhũng
cuối cùng kết thúc bằng việc gia tăng tài sản bất minh.
Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc trong một đợt công tác lên các tỉnh miền núi phía Bắc
đã cảm thán, rằng các biệt thự xa hoa của quan chức tỉnh tạo hình ảnh
phản cảm khi dân còn khó khăn, thiếu đói.
Ngày 23/05/2017, Bộ
Chính trị quyết định phổ biến quy định kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ
cao cấp, kể cả ủy viên Bộ Chính trị.
Có thể thấy chiến dịch
chống tham nhũng đã quyết định đi tới bước cuối cùng. Nhưng chính công
tác cán bộ của đảng đang bộc lộ hạn chế, yếu kém.
Sau Đại hội 12 Đảng chủ trương 'nhốt quyền lực', Tổng Bí thư Đảng
Nguyễn Phú Trọng đề ra nhiệm vụ: "Nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế
lập pháp".
Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 nêu 27 biểu hiện 'tự diễn
biến, tự chuyển hóa, suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống' của đảng
viên.
Mới đây ông Trọng lại vừa ký ban hành Quy định số 89 -
QĐ/TW "Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá
cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp" và Quy định số 90 -QĐ/TW "Về tiêu
chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý".
Trong thời gian ngắn
nhiều cán bộ đảng bị xử lý kỷ luật, ngoài nguyên nhân tham nhũng, liên
quan tới buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, bổ nhiệm cán bộ sai quy
trình… gây hậu quả nghiêm trọng, điển hình là nguyên bộ trưởng Nguyễn
Minh Quang và một số lãnh đạo bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Võ Kim Cự
và một số lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, nơi xảy ra thảm họa môi trường
'Formosa'…
Các nhà quan sát cho rằng cần bổ sung các căn cứ pháp
luật để các án kỷ luật, giống kiểu 'phạt các nhà quý tộc thời Trung cổ'
khi Đảng cộng sản và chính phủ xóa bỏ 'hàm, chức' trong quá khứ của các
cán bộ cao cấp, sao cho 'đúng người, đúng tội', đủ sức răn đe, mang
thuyết phục và bình đẳng cho mọi người dân trước pháp luật.
Nhà
báo Nhị Lê - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, khi trả lời phỏng vấn
Báo điện tử VTC News mong có 'lồng nhốt quyền lực' được thiết lập từ
"Đức trị" tới "Pháp trị" và "Dân chủ hóa". Hoàn thiện thể chế cần thực
chất hơn theo hướng thị trường với những giá trị và chuẩn mực phổ quát.
Thúc đẩy tự do kinh doanh cần tầm nhìn dài hạn
Chính phủ thúc đẩy kinh doanh trong điều kiện hết sức khó khăn, mặc
dù đảng đã 'nới' cho kinh tế tư nhân, khi coi khu vực này là 'động lực
quan trọng' trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12.
Thử thách lớn
nhất đối với Thủ tướng Phúc là mục tiêu tăng trưởng GDP, kế hoạch trong
nhiệm kỳ là 6,5-7%/năm, năm 2017 là 6,7%, nhưng thực hiện năm 2016 chỉ
là 5,48% và 6 tháng đầu năm 2017 ước tính 5,73%. Ông đang chỉ đạo với ý
chí và quyết tâm cao.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng mối tương quan giữa gia tăng
bất ổn thể chế và hiệu suất kinh tế giảm. Những nỗ lực động viên tinh
thần kinh doanh, gặp gỡ các doanh nghiệp lắng nghe để tháo gỡ rào cản
của chính phủ được ghi nhận.
Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác để thúc đẩy hành động của các cơ quan và các thành viên Chính phủ.
Tuy
nhiên, càng ngày càng lộ rõ những bất cập lớn từ cơ chế tập trung quan
liêu: Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo; Lợi ích nhóm nặng nề, cục bộ địa
phương; Cán bộ công chức làm việc kém hiệu quả; Chủ nghĩa cơ hội chính
trị và chủ nghĩa cơ hội của người đại diện lan rộng…
Nhiều năm
nay, sự tồn tại các giấy phép và điều kiện kinh doanh là minh chứng rõ
nét về rào cản hữu hinh. Hiện còn trên 4000 các loại giấy phép, trong đó
trên 2000 đang được kiến nghị bãi bỏ.
Mới đây, chiều 16/8, tại
trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi làm việc với Hội đồng
tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính,
đã nhận định rằng, người dân, doanh nghiệp vẫn kêu ca về sự phiền hà,
rắc rối, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, còn không ít cán
bộ 'thờ ơ' với cải cách, làm nản lòng nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Ông bức xúc phát biểu: 'Loại khỏi bộ máy cán bộ không chịu cải cách'. Trong cơ chế này thực hiện thông điệp này là bài toán khó.
Sức
ép đối với chính phủ có thể gia tăng khi vừa phải duy trì các khuyến
khích và sự năng động của nền kinh tế, vừa phải tiến hành cải cách thể
chế.
Sự dai dẳng chống đối cải cách gây khó về thực thi chính sách, cản trở lớn cho đầu tư, kinh doanh.
Trong
tình thế này Chính phủ cần xây dựng sự đồng thuận quanh một tầm nhìn xa
về tăng trưởng bền vững cũng như những chính sách hỗ trợ cho mục tiêu
này.
Tư duy nhiệm kỳ có thể tác động đến các nhà lãnh đạo hiệu quả trong dài hạn.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi đến từ Hà Nội hôm 25/8/2017.