Indonesia đổi tên một phần Biển Đông, TQ phản đối

Trung Quốc hôm thứ Sáu tuyên bố việc đổi tên Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) là hành động vô nghĩa, sau khi Indonesia đổi tên khu vực phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế của mình ở nơi này thành Biển Bắc Natuna.


Đây là hành động mới nhất nhằm tỏ ‎ý phản kháng của các quốc gia vùng Đông Nam Á trước tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Được các nhà phân tích coi là hành động nhằm xác qu‎yết chủ quyền lãnh thổ của Indonesia, phần biển mà Indonesia đặt lại tên là nơi Trung Quốc đang tuyên bố nằm bên trong đường chín đoạn, tức vùng biển mà Bắc Kinh coi là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Hôm thứ Sáu, khi công bố bản đồ chính thức mới, Thứ trưởng Hàng hải phụ trách vấn đề chủ quyền trên biển của Indonesia, Arif Havas Oegroseno nói rằng vùng biển được đặt lại tên là nơi có các hoạt động dầu khí.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói ông không biết chi tiết về chuyện này, nhưng nói cái tên biển Nam Trung Hoa đã được quốc tế thừa nhận.

"Tôi thấy rằng việc một số quốc gia làm cái việc được gọi là 'đặt lại tên' là chuyện hoàn toàn vô nghĩa, không có ích cho các nỗ lực chuẩn hóa các địa danh," ông Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo thường lệ.

"Chúng tôi hy vọng là quốc gia có liên quan sẽ nhìn về cùng hướng với Trung Quốc và tiếp tục duy trì thích hợp tình thế thuận lợi hiện nay tại vùng biển Nam Trung Hoa, điều không dễ gì đạt được."

Indonesia nói rằng họ không phải là một quốc gia tranh chấp tại Biển Đông, nhưng đã có các cuộc đụng độ với Trung Quốc về quyền đánh bắt cá quanh khu vực Quần đảo Natuna.

Nước này đã bắt giữ các ngư dân Trung Quốc, đồng thời tăng hiện diện quân sự tại khu vực này trong thời gian 18 tháng qua, Reuters tường thuật.
Nên dùng tên gọi nào cho Biển Đông?

Đây không phải là lần đầu tiên Indonesia tiến hành đổi tên một phần vùng biển thuộc Biển Đông. Hồi tháng Tám 2016, Jakarta đã lên kế hoạch đổi tên vùng biển quanh Quần đảo Natuna, khu vực ở phía tây bắc Borneo của Indonesia và vẫn nằm trong phạm vi 200 hải l‎í đặc quyền kinh tế của Jakarta.

Khi đó, báo South China Morning Post dẫn lời một quan chức chống đánh bắt cá lậu của indonesia nói rằng nước này sẽ "nộp đề xuất lên Liên hợp quốc" và nói "nếu không ai phản đối... khu vực đó sẽ có tên chính thức là Biển Natuna".

Việc đổi tên cũng không phải là hành động tiên phong của Indonesia. Việt Nam từ lâu nay đã gọi vùng biển có tên quốc tế là South China Sea (tức biển Nam Trung Hoa) là Biển Đông, còn Philippines gọi là Biển Tây Philipines. Trong những năm gần đây, một số học giả ASEAN đề xuất việc đổi tên thành Biển ASEAN.

Một số quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, và đang cạnh tranh với Trung Quốc trong việc khai thác dầu khí và nguồn hải sản ở Biển Đông. Trung Quốc đã tỏ rõ quyết tâm ở đây với việc triển khai sức mạnh quân sự trên các đảo mà Bắc Kinh đã cho bồi đắp nhân tạo trên các bãi cạn và các bãi đá có tranh chấp.

Hồi tuần trước, Việt Nam đã gia hạn hợp đồng hoạt động khai thác dầu khí cho liên doanh hợp tác giữa Ấn Độ và hãng dầu khí quốc gia PetroVietnam trên thềm lục địa của Việt Nam, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố là nằm trong đường chín đoạn.

Hôm thứ Tư, Philippines tuyên bố sẽ khởi động trở lại hoạt động khai thác dầu khí ở Bãi Cỏ rong vào tháng Mười Hai, địa điểm nằm cách bờ biển Philippines 85 hải l‎ý và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

BBC