Tillerson: quan hệ Mỹ-Nga ‘đang ở mức thấp’ (VOA)
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho kênh truyền hình Nga Mir TV, ông
Putin đồng ý với nhận định đó, ông nói các quan hệ với Mỹ đã trở nên tệ
hại hơn từ khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức.
Những cuộc họp kéo dài nhiều giờ đồng hồ ở Moscow hôm thứ Tư giữa Bộ
trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson, Tổng Thống Vladimir Putin và
Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov, dường như chỉ củng cố thêm những sự chia
rẽ giữa hai nước. Từ Moscow, Thông tín viên Daniel Schearf của VOA
tường thuật rằng hai bên vẫn tiếp tục lời qua tiếng lại về vấn đề Syria,
và ai là kẻ chịu trách nhiệm về cuộc tấn công bằng khí độc thần kinh đã
giết chết nhiều thường dân. Mời quý vị theo dõi chi tiết.
Sau một cuộc họp giờ chót, sau cánh cửa đóng kín với Tổng Thống Nga
Vladimir Putin, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson mở một cuộc
họp báo chung với Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov.
Sau khi rời điện Kremlin, ông đưa ra một nhận định bi quan về các mối quan hệ Nga-Mỹ:
“Tình trạng hiện tại của các quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức thấp. Hiện mức
độ tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước chúng ta rất thấp. Hai cường quốc
hạt nhân hàng đầu thế giới không thể có một mối quan hệ như thế này.”
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho kênh truyền hình Nga Mir TV, ông
Putin đồng ý với nhận định đó, ông nói các quan hệ với Mỹ đã trở nên tệ
hại hơn từ khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức.
“Có thể nói mức độ tin cậy lẫn nhau, trên căn bản cùng làm việc, đặc
biệt là ở cấp độ quân sự, đã không cải thiện, mà thay vào đó, còn tệ hại
hơn.”
Căng thẳng đã leo thang về những cáo buộc cho rằng Syria đã sử dụng
vũ khí hoá học chết người tấn công thường dân, đưa đến phản ứng của Hoa
Kỳ thực hiện các cuộc không kích nhắm vào một căn cứ không quân của
Syria.
Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov nói các cuộc không kích của Mỹ là bất
hợp pháp và miêu tả hành động của Mỹ là “không lường trước được”.
Nhưng hai bên đồng thuận với nhau sẽ điều tra cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học ở Syria. Ông Lavrov nói:
“Chúng tôi nhận thấy các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi cũng ủng hộ một
cuộc điều tra như vậy, và chúng tôi trông chờ ở Liên Hiệp Quốc và Tổ
chức Cấm Vũ khí hoá học tức thời sử dụng các quyền hạn mà họ đang có
trong tay.”
Nga quy lỗi cho thành phần nổi dậy Syria về việc dùng khí độc đã giết
hơn 80 người, Moscow phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên
Hiệp Quốc đòi lên án Damascus.
Về phần mình, Ngoại Trưởng Mỹ tuyên bố thời đại thống trị của gia
đình Tổng Thống Bashar al-Assad đã đến hồi kết thúc, và ông yêu cầu
Moscow hãy rút lại sự hậu thuẫn dành cho ông Assad, một động thái mà các
nhà phân tích nhận định là khó xảy ra.
Ông Alexander Baunov, nhà phân tích thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow nhận định:
“Làm như vậy sẽ giảm uy tín và ảnh hưởng của Nga. Thế cho nên Nga sẽ
không chấp nhận điều đó, trừ phi họ có những lý do rất quan trọng để làm
như vậy.”
Nga cho biết sẽ tái lập thoả thuận an toàn hàng không với Mỹ ở Syria
mà Moscow đã đình chỉ sau các cuộc không kích của Mỹ, nhưng với điều
kiện là Washington hứa sẽ không nhắm tấn công các lực lượng của ông
Assad, mà theo Moscow, chỉ chiến đấu chống các phần tử khủng bố.
Giới phân tích nói tình trạng thiếu phối hợp trên các vùng không phận
Syria, nơi nhiều máy bay qua lại đã tăng nguy cơ xảy ra một cuộc xung
đột lớn hơn.
Ông Victor Mizin thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Moscow, nói:
“Điều quan trọng bây giờ là phải tránh tất cả các vụ đối đầu quân sự
trực tiếp dù dười bất cứ hình thức nào. Và lạy Thượng đế, bất cứ vụ đụng
độ quân sự nào… Các bạn biết đấy, những chạm trán giữa không lực Nga và
Mỹ tại Syria.”
Xét những sự cố xảy ra gần đây, vấn đề lớn nhất vẫn là liệu có tiềm
năng hai siêu cường có thể cải thiện các mối quan hệ song phương?