Đông Nam Á lưỡng nan (Nguyễn Xuân Nghĩa)
Hội
nghị cấp cao tại Hoa Kỳ giữa lãnh đạo hai cường quốc kinh tế số một thế
giới trên hai bờ Thái Bình Dương đã kết thúc tuần trước mà chưa có kết
quả đột phá. Ít ai ngạc nhiên về chuyện ấy, nhưng ta nên tự hỏi là các
nước Đông Nam Á xử trí ra sao trước mâu thuẫn đa diện giữa Hoa Kỳ và
Trung Quốc ?
Nguyên Lam : Ban
Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh
tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, kỳ trước, khi nói về buổi tiếp xúc đầu
tiên giữa lãnh đạo Hoa Kỳ là Tổng thống Donald Trump với lãnh tụ Trung
Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình, ông có dự đoán là mâu thuẫn kinh tế giữa
hai nước năm nay sẽ chưa bùng nổ thành một trận chiến mậu dịch mà thế
giới lo ngại. Nhưng ông cũng nói rằng lãnh đạo Bắc Kinh có thể nhượng bộ
Hoa Kỳ một phần có tính chất biểu kiến hay tượng trưng về kinh tế.
Thượng đỉnh mà chúng ta có thể gọi là Mỹ-Hoa đó đã kết thúc trong khung
cảnh khá bất ngờ về một biến cố quân sự tại Syria ở Trung Đông, nhưng
ông kết luận thế nào về cuộc gặp gỡ đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng
ta có thể nghĩ đến một cuộc cờ đa diện giữa hai cường quốc từ hai bờ
Thái Bình Dương khi lãnh đạo gặp nhau lần đầu và không thể chờ đợi bước
đột phá. Thứ hai, yếu tố về an ninh cũng chi phối quan hệ giữa hai nước
cho nên mâu thuẫn không chỉ thu hẹp vào kinh tế. Kết thúc hội nghị khá
bất thường ấy thì đôi bên cùng đồng ý sẽ nâng cấp đối thoại và cố gắng
giải quyết mâu thuẫn về kinh tế trong vòng 100 ngày tới.
Tôi xin
được nhắc lại rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có ba mâu
thuẫn lớn mà không duy nhất 1/ tình trạng bất lợi kinh tế về phía Mỹ ;
2/ hành vi khiêu khích của chế độ Bắc Hàn khi cứ thử nghiệm hỏa tiễn
trong dự án sử dụng võ khí hạch tâm mà Bắc Kinh không can ngăn ; 3/ việc
Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển Đông Nam Á là một trục giao lưu then
chốt cho cả khu vực. Chi tiết tôi chú ý là sau hội nghị khi Tổng thống
Mỹ nói là chưa có kết quả gì lớn, thì Tổng trưởng Ngân Khố là Bộ Tài
Chánh Hoa Kỳ cho biết là phía Bắc Kinh lại xác nhận rằng việc đạt xuất
siêu, là bán nhiều hơn mua với Mỹ, cũng gây bất lợi về tiền tệ và lạm
phát cho Trung Quốc. Tôi nghĩ chuyện ấy hơn là quyết định của Bắc Kinh
về vụ nhập thịt bò Mỹ mới là sự nhượng bộ kín đáo từ phía Trung Quốc, họ
bắn tiếng là sẽ tìm cách hạ mức xuất siêu như Hoa Kỳ đòi hỏi. Chúng ta
sẽ còn thời giờ theo dõi chuyện này trong suốt năm nay.
Thảm kịch Đông Á
Nguyên Lam : Bây
giờ chúng ta đi vào tiết mục chính. Thưa ông, các nước Đông Nam Á đều
nín thở theo dõi tình trạng đối thoại và có thể là đối đầu giữa Trung
Quốc và Hoa Kỳ. Qua chuyện đó, phải chăng người ta thấy một nghịch lý là
vì quyền lợi kinh tế, các nước trong khu vực đều muốn làm ăn với Bắc
Kinh, nhưng lại trông cậy vào Hoa Kỳ ở bên kia Thái Bình Dương để bảo vệ
quyền lợi an ninh của họ. Ông nghĩ sao về nghịch lý này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi
thiển nghĩ rằng đáng lẽ ta phải thấy nghịch lý đó sớm hơn vậy. Sáu năm
trước, Chính quyền Barack Obama nói đến việc chuyển trục về Đông Á nhưng
chẳng làm gì cụ thể trước sự hung hăng của Bắc Kinh trên hai vùng biển
mà họ gọi là Hoa Đông và Hoa Nam. Ngày nay, khi ông Trump lên làm Tổng
thống thì mọi người đều lo sợ Hoa Kỳ lui về chánh sách bảo hộ mậu dịch
và gây ra chiến tranh ngoại thương khiến các nước khó làm ăn và dường
như Mỹ còn chủ trương tự cô lập là mặc cho các nước phải tự lo lấy về
quốc phòng.
Nhưng
nếu nhìn từ phía Hoa Kỳ thì dân Mỹ có thể tự hỏi rằng họ bị thiệt hại
trong giao dịch kinh tế với Trung Quốc trong khi xứ nào cũng muốn kiếm
ăn nhờ Bắc Kinh mà lại trông cậy vào lá chắn quân sự của Hoa Kỳ. Tôi cho
rằng đấy mới là bài toán nan giải hay lưỡng nan vì cả hai ngả đều khó
của các nước Đông Á mà người ta nên nhìn ra.
Nguyên Lam : Có
lẽ khán thính giả của chúng ta thấy là ta đang đi vào chủ điểm của vấn
đề. Thưa ông, sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, qủa thật là
nhiều người lo sợ hai việc. Thứ nhất là Hoa Kỳ từ bỏ chủ trương tự do
thương mại mà lui về chế độ bảo hộ mậu dịch. Thứ hai là Hoa Kỳ sẽ tự cô
lập và không còn muốn lo cho an ninh của xứ nào khác. Thế thì khi cần
làm ăn với Bắc Kinh mà lại cũng dưới tầm đạn của Trung Quốc, các nước
Đông Á nên nghĩ sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật
ra đấy mới là thảm kịch Đông Á vì khu vực này mới chỉ theo kinh tế thị
trường từ 60 năm khi Hoa Kỳ đã thấy ra nhiều bất toàn của tự do mậu dịch
và nay hoài nghi chủ nghĩa toàn cầu hóa. Một nước đi sau và tăng trưởng
mạnh nhờ kinh tế thị trường là Trung Quốc lại làm như vô địch thế giới
về toàn cầu hóa dù thực chất vẫn duy trì chế độ bảo hộ mậu dịch để bảo
vệ khu vực kinh tế nhà nước và các tập đoàn quốc doanh.
Truyền
thông cứ nhìn sai chứ Trung Quốc vẫn bảo vệ tập đoàn kinh tế nhà nước
và phát huy chủ nghĩa tư bản thân tộc cho đảng viên chứ không mấy quan
tâm đến dân nghèo, trừ phi là dân họ nổi loạn. Trong khi đó, nhờ kinh tế
tăng trưởng, Bắc Kinh có thêm phương tiện quân sự để khuynh đảo các lân
bang và dùng quyền lợi kinh tế để tranh thủ hậu thuẫn của các nước hầu
gạt Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Đông Á. Chúng ta phải trở lại bối cảnh sâu xa
mới hiểu ra sự thể này.
Nguyên Lam : Như vậy, xin đề nghị ông trình bày cho cái bối cảnh sâu xa ấy.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Về
bối cảnh xa, Hoa Kỳ là thành cường quốc Á Châu từ đầu Thế kỷ 20 sau khi
đánh bại Đế quốc Tây Ban Nha và lấy đất Phi Luật Tân của Tây Ban Nha
làm thuộc địa. Trong thế kỷ 20, Hoa Kỳ ba lần tham chiến tại Châu Á và
sau Thế chiến II khi đã trao trả độc lập cho Phi Luật Tân thì sát nhập
thêm hai tiểu bang trọng yếu là Alaska và Hawaii vào năm 1959.
Kể
từ 1983, giao dịch của Mỹ với Châu Á qua Thái Bình Dương đã vượt giao
dịch xuyên Đại Tây Dương với Châu Âu cho nên nước Mỹ không thể buông
vùng Đông Á hay Tây Thái Bình Dương như Bắc Kinh mơ ước. Nhưng cũng từ
Thế chiến II các nước Đông Á thoát dần khỏi ách thuộc địa – ngoại lệ là
Việt Nam vì vẫn quá lệ thuộc vào Trung Quốc – và các nước phát triển
kinh tế là nhờ thị trường và quyền tự do giao lưu do Hoa Kỳ bảo vệ.
Nói
về bối cảnh gần thì các nước Đông Á gồm có Nam Hàn, Đài Loan, Nhật, Úc,
New Zealand và 10 quốc gia trong Hiệp hội ASEAN. Ngần ấy quốc gia đều
lấy ngoại thương làm đòn bẩy kinh tế. Họ buôn bán với nhau và với Trung
Quốc, Âu Châu hay Hoa Kỳ. Nếu nhìn vào luồng giao dịch hàng hóa, các
nước ASEAN buôn bán với nhau tới gần 25% lượng ngoại thương, với Tầu thì
19% và với Mỹ thì chỉ có 10%. Trường hợp kia là Nam Hàn, với 30% xuất
khẩu là qua Tầu và Hong Kong, cao gấp đôi nếu so với Mỹ. Úc hay New
Zealand cũng thế….
Nguyên Lam : Như thế, phải chăng các nước đó có thể nghĩ là quyền lợi kinh tế của họ gắn bó với Trung Quốc hơn là với Hoa Kỳ hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Họ
có thể nghĩ như vậy nên cố đu dây ở giữa để khỏi chọn Hoa Kỳ hay Trung
Quốc. Điển hình là hai nước Thái Lan và Phi Luật Tân đã có hiệp ước hỗ
tương quân sự với Hoa Kỳ nhưng chính quyền hiện tại lại sẵn sàng có
chánh sách thân Tầu. Tức là họ muốn ôm két bạc của Bắc Kinh nhưng vẫn
được lá chắn của Mỹ che chở.
Bây
giờ, khi thấy Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương
TPP thì các nước có thể nghĩ là nên gần Trung Quốc hơn thì bảo vệ được
quyền lợi kinh tế nhưng lại nơm nớp sợ bị Bắc Kinh uy hiếp mà chẳng được
Hoa Kỳ bênh vực khi lãnh đạo lại là ông Donald Trump với chủ trương xét
lại về mậu dịch và ưu tiên là bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ. Nhưng sự
thật lại khác.
Sự
thật kinh tế ở đây là các nước Đông Á có thể buôn bán với nhau nhiều
hơn với Hoa Kỳ nhưng sở dĩ buôn bán được như vậy là nhờ có quyền tự do
hàng hải được Hải đội Mỹ bảo vệ. Sự thật chính trị ở đây là nếu Trung
Quốc thực hiện được tham vọng bá quyền tại Đông Á, là đẩy Hoa Kỳ ra
ngoài, thì các nước Đông Á sẽ chẳng còn tự do. Trong hiện tại, Đông Á
chưa nhìn ra chuyện ấy mà cứ lo chiến tranh mậu dịch Mỹ-Hoa bùng nổ thì
họ sẽ khó làm ăn ở giữa. Nhưng cũng vì vậy, sau khi Tổng trưởng Quốc
phòng Jim Mattis đã ưu tiên thăm Nam Hàn và Nhật Bản hồi Tháng Hai,
trong tháng này, từ ngày 15 tới 25, Phó Tổng thống Mike Pence cũng sẽ
thăm viếng các nước Đông Á như Nam Hàn, Nhật Bản, Indonesia và Úc trong
tinh thần thuyết phục và trấn an các nước. Ta cũng không quên năm nay có
lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội ASEAN, nên có thể là một cơ hội để
Hoa Kỳ và các nước nhìn ra thực tế này.
Việt Nam nên làm gì ?
Nguyên Lam : Chúng
ta trở lại với mối quan tâm của Việt Nam. Thưa ông, Việt Nam nên làm gì
trong tình thế mà ông gọi là lưỡng nan, giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ
nhất, Việt Nam ở vào hoàn cảnh bất lợi về địa dư vì tiếp cận với lãnh
thổ Trung Quốc nên dễ bị uy hiếp hơn các nước kia sau khi đã bị cướp một
số quần đảo. Việt Nam lại còn nằm dưới sự cai trị của một đảng độc
quyền coi đảng Cộng sản Trung Quốc là đồng chí. Thứ hai, đa số các nước
Đông Á buôn bán nhiều với Trung Quốc hơn Hoa Kỳ nên có thể tính khác,
chứ Việt Nam bị kẹt ở hai đầu : Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất
của Việt Nam nên quyền lợi kinh tế cũng gắn bó với Mỹ, nhưng đạt xuất
siêu với Hoa Kỳ bao nhiêu thì Việt Nam lại bị nhập siêu bấy nhiêu với
Trung Quốc.
Trong
khung cảnh éo le ấy, có lẽ ta nên thấy vài sự thật. Số nhập siêu về
hàng hóa của Hoa Kỳ với Trung Quốc lên tới hơn 300 tỷ đô la, cao gấp 10
số xuất siêu của Việt Nam với Mỹ, nghĩa là Trung Quốc mới là ưu tiên mà
nước Mỹ cần quan tâm. Đã vậy, người ta cứ sợ Hoa Kỳ có chánh sách bảo hộ
mậu dịch bất lợi cho Việt Nam, nhưng sự thể nó không đơn giản như vậy.
Chính
quyền Trump chỉ đòi xét lại mối giao thương với các nền kinh tế lớn đã
trục lợi bất chính chứ không hẳn là trở về chủ trương bảo hộ hoặc đồng
loạt tăng thuế nhập nội trên hàng hóa của các nước vì điều ấy cũng gây
bất lợi cho kinh tế Mỹ. Vì vậy, Việt Nam vẫn còn khả năng thương thảo
với Mỹ và nên sớm chuẩn bị việc đó, với điều kiện là chứng tỏ kinh tế
Việt Nam không là vệ tinh của Trung Quốc để giúp Bắc Kinh chiếm lợi thế
gián tiếp với Hoa Kỳ. Sau cùng, nếu nhìn trong trường kỳ thì Việt Nam
cũng nên giảm dần sự lệ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của nước
ngoài mà tìm cách nâng cao khả năng sản xuất và tiêu thụ nội địa. Đấy
mới thật sự là bảo vệ độc lập và tránh được ảnh hưởng của nước ngoài.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 12/04/2017