Nên giao việc mở đường cho tư nhân (PLO)

Sẽ lý tưởng nếu các sở, ban ngành phối hợp nhau làm, còn nếu Nhà nước không làm được thì nên đấu giá cho tư nhân làm. Ở Việt Nam hay có tư duy việc mở đường phải là do Nhà nước, trong khi ở nước ngoài, như ở Mỹ chẳng hạn, chủ yếu tư nhân làm đường chứ nhà nước chỉ tạo cơ chế. Theo tôi, sắp tới nên đấu giá giao cho tư nhân cải tạo con đường và khu vực hai bên đường, đảm bảo Nhà nước không mất tiền mà được con đường rộng thoáng, người dân tại chỗ không thiệt mà có nơi ở khang trang hơn và nhà đầu tư sau khi trang trải các chi phí vẫn có mức lời cao hấp dẫn.

 
Thưa ông, ông nghĩ sao về ý tưởng bán đấu giá đất hai bên đường mới mở để vừa có tiền vừa tạo bộ mặt đẹp cho con đường?

+ TS KH-KTS Ngô Viết Nam Sơn: Đây là điều mà tôi thấy lấn cấn nhiều năm qua. Theo phương thức này khi làm đường Nhà nước bỏ tiền, sau khi bán đấu giá có tiền trang trải mà còn có lời, tức là vừa cải tạo hạ tầng đẹp, dùng kinh phí ban đầu để làm dự án chuyển đổi, theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”. TP.HCM có những con đường mới mở như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng… đều có cơ hội để làm mà người ta không làm.

Cơ chế phải trung ương đi xuống hoặc một TP muốn làm, người lãnh đạo phải rất mạnh dạn, cơ chế này đến nay vẫn chưa trở thành chính sách chung nhưng đây không phải chuyện xa vời.

Bên giao thông chỉ quan tâm chuyện giải tỏa để mở đường mà thôi

 . Theo ông, những lý do nào khiến ý tưởng này quá chậm để đi vào thực tiễn?

+ Đầu tiên là phải có tư duy đa ngành nhưng từ giáo dục đại học, sinh viên khi ra trường chỉ có tư duy đơn ngành. Họ học trường đại học nào chỉ biết trường đó, bộ nào cũng chỉ có trường đại học theo chuyên ngành đó. Trong khi ở nước ngoài nếu học giao thông vận tải là phải học tổng hợp nên khi ra trường, các giải pháp sẽ nhìn từ góc độ đa ngành.

Trong khi ở Việt Nam, đi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường vẫn mang nặng cách quản lý đơn ngành. Khi mở rộng giải tỏa đường, bên giao thông chỉ quan tâm điều duy nhất là giải tỏa để mở đường mà thôi. Không thể để một “ông” giao thông làm mà cần sự phối hợp cả kiến trúc, tài chính... do UBND đứng đầu. Ban đầu Nhà nước chỉ ứng vốn, còn quy hoạch chung do bên kiến trúc, Sở Xây dựng cấp phép, các bộ phận ráp nối với nhau… nhưng đến nay UBND hoặc Thành ủy vẫn chưa chính thức đứng ra lãnh trách nhiệm này.

Thứ hai, một người bạn của tôi - TS Huỳnh Thế Du đã làm một nghiên cứu xã hội thú vị, cho thấy tư duy của cán bộ nhà nước hiện nay để thăng tiến, để cấp trên đề bạt không cần sáng tạo mà chỉ cần không làm sai là được.

Nếu làm cái mới như trên, tuy ích nước lợi dân nhưng chỉ cần sai sót thì ảnh hưởng lớn đến thăng tiến. Điều này dẫn đến nếu có sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước, cho dân thì không được gì nhưng chỉ cần có sự cố là rầy rà, nên họ chỉ tìm cách chắc ăn dù cách đấy không có lợi.

Nếu giao cho tư nhân, Nhà nước không mất tiền mà đường lại đẹp...

 . Theo ông, cần phối hợp nhiều ban ngành, đơn vị với nhau nhưng thực tế cho thấy nhiều đơn vị hay giẫm chân lên nhau, hoặc trống đánh xuôi kèn thổi ngược, thiếu sự phối hợp đồng bộ, mạnh ai nấy làm, như chuyện đào đường với làm đường chẳng hạn…

 + Sẽ lý tưởng nếu các sở, ban ngành phối hợp nhau làm, còn nếu Nhà nước không làm được thì nên đấu giá cho tư nhân làm. Ở Việt Nam hay có tư duy việc mở đường phải là do Nhà nước, trong khi ở nước ngoài, như ở Mỹ chẳng hạn, chủ yếu tư nhân làm đường chứ nhà nước chỉ tạo cơ chế. Theo tôi, sắp tới nên đấu giá giao cho tư nhân cải tạo con đường và khu vực hai bên đường, đảm bảo Nhà nước không mất tiền mà được con đường rộng thoáng, người dân tại chỗ không thiệt mà có nơi ở khang trang hơn và nhà đầu tư sau khi trang trải các chi phí vẫn có mức lời cao hấp dẫn.

Nhà nước đưa ra giá ban đầu rồi đấu thầu, giao thầu cho tư nhân, kêu gọi đầu tư, ký quỹ, quản lý về mặt thời gian thực hiện. Nhà nước chỉ giúp chuyện giải tỏa hoặc đứng ra làm trọng tài vì ở Việt Nam tư nhân giải tỏa sẽ hơi khó. Việc giải tỏa phải phù hợp với giá thị trường thực tế, lấy trung bình của giá mua bán trong khu vực, không ép giá dân nhưng cũng không để một số cá nhân nâng ép giá vô lý.

 PHẠM TRƯỜNG GIANG