Triều Tiên: Một quốc gia ngoài sức tưởng tượng! (Nguyễn Đoàn)
Những miêu tả dưới đây có lẽ không xa lạ gì với nhiều người, tuy
nhiên, việc nó vẫn còn tiếp tục tồn tại giữa thời đại này khiến nó trở
nên kỳ lạ.
Quốc gia
này cấm mặc quần bò, cấm mặc áo T-shirt có chữ tiếng Anh, vì đây là
khuynh hướng theo chủ nghĩa tư bản; họ không cho phép để tóc dài, luật
pháp quy định tóc của nam giới không dài quá 5cm, nhưng nếu ai đầu hói
thì được để dài 7cm, làm trái những quy định này sẽ bị bắt giam.
Triều
Tiên cấm dùng điện quá định mức, bóng đèn điện không được quá 40W, không
được dùng nồi cơm điện và bếp điện, chắc hẳn không ai được thấy qua lò
vi sóng, không có máy tính cá nhân, chỉ có một số ít quan chức được dùng
điện thoại cá nhân ở nhà, kể từ sau năm 2004 mọi người không được phép
dùng điện thoại cầm tay. Đài phát thanh chỉ có thể nghe được ở tần số cố
định, truyền hình thu được tín hiệu cố định. Cảnh sát thường xuyên quấy
nhiễu nhà dân để kiểm tra xem có ai vi phạm những điều luật kể trên hay
không.
Quốc gia
này cũng cấm đi du lịch tùy tiện, người nước ngoài muốn đến du lịch
phải xin phép, chỉ khi có giấy chứng thực cho phép mới được trú lại, ai
muốn trú lại nhà người thân cũng phải có giấy chứng nhận. Từ ngoại ô
thành phố vào nội thành cũng phải có giấy chứng nhận. Cảnh sát thường
xuyên đột kích kiểm tra vào ban đêm, nếu phát hiện có người ở lại không
có giấy chứng nhận thì người đó sẽ bị bắt.
Triều
Tiên khuyến khích mật báo, mỗi người phải có nghĩa vụ tố giác người khác
vi phạm. Họ có tổ chức tên là “Ban Nhân dân”, trưởng ban có trách nhiệm
theo dõi tình hình ngôn luận tại khu vực phụ trách, có khi người này
chủ động nói những lời lẽ chống lại chế độ để gài bẫy, ai trúng kế sẽ bị
bắt. Báo chí thường tuyên dương những người con dám tố giác cha mẹ nếu
cha mẹ phạm luật, họ gọi đó là những tiểu anh hùng dũng cảm.
Cư dân
của quốc gia này đa số mặc đồng phục, các màu sắc chính là xám tro, đen
và xanh da trời, do Chính phủ tổ chức sản xuất và cấp phát, mỗi người
được hai bộ hàng năm: mùa hè và mùa đông. Ngày phát quần áo là ngày sinh
nhật của nguyên thủ, ý nghĩa là biểu thị ân đức của lãnh tụ. Giày là
sản phẩm khan hiếm, đa số người dân chỉ mang giầy vải, vì giầy da là xa
xỉ phẩm.
Đa số nữ
giới Triều Tiên không dùng qua băng vệ sinh. Ai có gia cảnh tốt thì
dùng vải xô hoặc băng vải, còn người nghèo chỉ có thể dùng vải bình
thường, không phải dùng một lần mà phải dùng đi dùng lại. Trong thời
gian nghỉ ngơi hàng ngày họ phải đi giặt miếng vải vệ sinh cá nhân. Mùa
đông tại quốc gia này rất lạnh nhưng đa số nơi không có thiết bị sưởi
ấm, khu ký túc xá của nữ sinh viên hoặc công nhân đều có thể trông thấy
rõ những miếng vải vệ sinh phơi ngoài trời bị kết băng.
Đa số
nam giới tại quốc gia này không có dao cạo râu riêng. Nếu một ai đó có
một con dao cạo râu thì thường những người hàng xóm hay đến nhà anh ta
cạo nhờ.
Hàng năm
mọi người được cấp phát rau cải trắng, người lớn được 140 cân, trẻ nhỏ
được 100 cân. Mọi người làm thành dưa chua chôn dưới đất hoặc giấu trong
phòng kín, vì thường có kẻ trộm hay đi ăn trộm dưa chua.
Lãnh tụ
của quốc gia này được xem như thiên tài, không có gì không biết, từ
triết học, toán học, vật lý đến tâm lý học và thiên văn học. Sau khi
lãnh tụ thị sát trại nuôi dê núi sẽ được báo chí đưa tin: “Lãnh tụ ghé thăm và chỉ đạo sẽ giúp cho sản lượng sữa và dê núi sinh sôi phát triển mạnh mẽ”.
Triều
Tiên là quốc gia chuẩn mực về quân sự, không có bạn bè nhưng có vô số kẻ
thù, dường như tất cả các nước láng giềng đều bị xem như kẻ thù. Đầu tư
cho quốc phòng chiếm 1/4 tổng giá trị sản xuất quốc gia. Khẩu hiệu của
họ là: Quân đội là trọng tâm quốc sách, quân sự đi trước tất cả. Cho dù
vô số người dân bị chết đói nhưng quốc gia này vẫn chú trọng nghiên cứu
tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Thiếu
lương thực nghiêm trọng là vấn nạn của quốc gia này, thường xuyên bị mất
mùa trong hơn 20 năm qua. Không ai biết rõ đã có bao nhiêu người bị
chết đói, có thông tin là vài trăm ngàn người, có thông tin là vài triệu
người, tương đương 1/10 dân số. Đa số mọi người sống trong trạng thái
dinh dưỡng tồi tệ. Ở quốc gia này, chịu đói là một nghĩa vụ yêu nước,
trong khi người dân tại nhiều nước phải tìm cách giảm béo thì thủ đô của
quốc gia này có treo một biểu ngữ lớn: làm sao để mỗi ngày chúng ta có
thể ăn hai bữa. Mỗi khi biết tin có truyền thông nước ngoài đưa tin về
nạn thiếu lương thực của Triều Tiên thì truyền thông của nước này sẽ
phản ứng thể hiện phẫn nộ và lên án.
Quốc gia này từng làm một bộ phim nói về ước mơ của nhiều người, trong phim có người vì ăn quá nhiều cơm mà bị vỡ dạ dày. Tại đây hầu như không có ai nuôi thú cưng, vì nếu nuôi trước sau gì cũng có kẻ trộm để ăn thịt.
Triều
Tiên có vô số “em bé đầu to”, có nghiên cứu cho rằng người thiếu thốn
dinh dưỡng thì chất dinh dưỡng sẽ ưu tiên chuyển vận lên não, tiếp theo
là thân thể, thứ nữa mới là tứ chi. Theo Báo cáo nghiên cứu của Quỹ phát
triển trẻ em Liên Hiệp Quốc, có 42% trẻ em của quốc gia này bị suy dinh
dưỡng gây khiếm khuyết trong phát triển cơ thể. Đa số trở thành người
của thời đại trẻ đầu to. Tổ chức Lương thực Thế giới đã thực hiện thống
kê về quốc gia này, theo đó có đến 2/3 số gia đình phải ăn cỏ và vỏ cây.
Nếu hỏi họ: Bữa sau sẽ ăn gì? Họ sẽ vui vẻ trả lời: Hy vọng thông gia
sẽ gửi cho chút khoai tây. Tình hình này hiện vẫn chưa thể thay đổi.
Đa số ăn
trộm ở quốc gia này là ăn trộm lương thực, một phần nhỏ đi trộm thứ
khác để đổi lấy lương thực. Cũng có thể nói, đây toàn là trộm chống đói.
Một số người ở Triều Tiên đang sản xuất và buôn bán ma túy đá vì thứ này giúp bớt cảm giác đói, cũng có người đem bán ở biên giới với Trung Quốc.
Khoảng
50 năm trước, chiều cao trung bình của người dân Triều Tiên tương đương
các nước láng giềng. Nhưng hiện nay chiều cao trung bình của họ thấp hơn
chiều cao trung bình người dân nước láng giềng 13cm. Quốc gia này cấm
buôn bán, đặc biệt là gạo, ngô, và đậu nành. Chính phủ của họ lo lắng
những thứ này có thể rơi vào tay địch thủ. Họ cũng cấm tảo hôn vì cho
rằng: mỗi người phải cống hiến đủ cho tổ quốc mới được phép kết hôn.
Trên các phố xá của quốc gia này có nhiều bảng tuyên truyền vẽ hình chân dung lãnh tụ cùng dòng chữ: “Những gì Đảng quyết định, mọi người phải làm theo”.
Đa số người dân của quốc gia này đều căm thù nước Mỹ, gọi Mỹ là nước
tạp chủng. Có những trường học, học trò bị yêu cầu viết thư máu thề nếu
có chiến tranh sẽ gia nhập quân đội vô điều kiện, hy sinh thân mình “vì
nước”.
Quốc gia
này cũng vô cùng căm hận Trung Quốc, nói Trung Quốc là nước theo chủ
nghĩa tu chính, mức thù hận Trung Quốc của họ không thua gì thù hận Mỹ,
Nhật.
Các đô
thị tại Triều Tiên thường xuyên bị mất nước, đến nay tình trạng này vẫn
chưa thể khắc phục được. Khi đi lấy nước, người ta phải mang theo tất cả
các đồ chứa, thường xuyên phải ra sông hoặc giếng lấy nước.
Vì không
có xà bông, cũng không có thuốc kháng sinh, nước bẩn thường gây dịch
bệnh nên có một giai đoạn vào cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21, bệnh
thương hàn rất phổ biến.
Trường
học của quốc gia này không có tài liệu, rất thiếu thốn giấy, chỉ những
gia đình giàu có mới mua được giấy sao chép tài liệu. Nguyên thủ của
quốc gia này ép người dân phải gọi là “cha”, có khi gọi là “cha nhân
từ”. Nguyên thủ đầu tiên của quốc gia này từng viết hơn chục quyển sách,
còn nguyên thủ thứ hai viết được hàng chục quyển sách.
Nội dung
giảng dạy trong nhà trường ở Triều Tiên chủ yếu liên quan đến lãnh tụ,
mỗi người phải thuộc lòng một số câu nói của lãnh tụ. Giáo dục ý thức hệ
và thù hận xuyên suốt với nhau từ đầu đến cuối, một bài toán lớp một có
nội dung như sau: 3 binh sĩ giết chết 30 lính Mỹ, nếu họ giết được gấp
đôi thì số lính Mỹ bị giết chết là bao nhiêu?
Lịch pháp của quốc gia này lấy năm sinh của nguyên thủ đầu tiên là năm 1912 là năm đầu kỷ nguyên, đến nay là hơn 100 năm.
Thủ đô
của Triều Tiên là cánh cửa duy nhất được mở. Người nước ngoài khi đến
thủ đô sẽ bị những hạn chế, trong một số ngày đặc biệt mức hạn chế
nghiêm ngặt hơn. Để bảo vệ hình ảnh của quốc gia, những người tàn tật,
người tâm thần và quá lùn bị trục xuất khỏi thủ đô. Cho dù cha mẹ bình
thường nhưng nếu con cái tật nguyền thì cũng phải di dân ra ngoài. Quốc
gia này có rất nhiều tội bị xử tử hình, vào thập niên 1990 những ai
chống lệnh hay làm trở ngại cho trật tự xã hội đều bị xử tử hình.
Từng có
bốn sinh viên say rượu chạy khỏa thân đã bị tử hình. Có người vì trộm
dây điện (để bán lõi đồng) bị xử tử hình. Nhưng nghiêm trọng nhất là tội
phản quốc: người dân nào chạy trốn ra nước ngoài hoặc nước thù địch,
hoặc đi cầu cứu đại sứ nước ngoài, hoặc giúp đỡ tổ chức hay công dân
nước thù địch làm hướng dẫn du lịch hay phiên dịch, hoặc hỗ trợ tinh
thần hay vật chất… đều bị xử tử hình.
Quốc gia
này luôn tổ chức xử công khai, trong khi xét xử mọi người dân được yêu
cầu phải tới xem. Trên bục có quan kiểm sát, luật sư và thẩm phán, quan
kiểm sát đọc tội danh, luật sư biểu thị đồng ý với quan kiểm sát, cuối
cùng thẩm phán tuyên án. Phạm nhân tử hình bị mọi người cùng hành hình,
bị bắn ba phát đạn vào đầu, ngực và chân, phạm nhân bị trói trên cọc gỗ,
dáng vẻ khi chết sẽ giống như tạ lỗi với quần chúng.
Tội phạm
của Triều Tiên không chỉ bị tước đoạt mọi quyền lợi về chính trị mà
dường như không còn bất cứ quyền lợi gì. Họ phải sống trong trại cưỡng
bức lao động, họ không có mền đắp nên phải chen vào nhau, đầu người này
kê lên chân người kia. Ngày ngày đều có người chết trong trại cưỡng bức
lao động, có khi vài thi thể được khiêng ra cùng thời điểm trong cùng
một phòng trong tâm trạng thản nhiên của người chứng kiến vì đã quá
quen.
Bài hát thịnh hành nhất của quốc gia này là bài “Trên thế giới này, chúng ta hạnh phúc nhất”,
ca từ được viết rằng: Cha của chúng ta, trên thế giới này, chúng ta
hạnh phúc nhất. Gia đình của chúng ta nằm trong che chở của Đảng. Chúng
ta tình thân như thủ túc, cho dù biển lửa bên cạnh, trẻ em hạnh phúc
không phải sợ hãi, đã có cha chúng ta ở nơi đây. Trên thế giới này,
chúng ta hạnh phúc nhất.
Nguyễn Đoàn (T/H)