Doanh nghiệp và trách nhiệm thông tin (Vương Tú Huệ)

Vì sao nói doanh nghiệp phải có trách nhiệm thông tin? Bởi vì từ trước tới nay các doanh nghiệp Việt Nam gần như không có ý niệm nào về việc mình nên chủ động cung cấp thông tin ra thị trường, công chúng. Thói quen kinh doanh, tư duy đó nay đã trở nên lỗi thời và gây thiệt thòi cho chính doanh nghiệp.


Nhìn chung, các chiến lược và hành vi của mỗi doanh nghiệp thường được quyết định bởi các quy tắc kinh doanh, văn hóa của doanh nghiệp cũng như yếu tố tâm lý của người sở hữu, điều hành. Thói quen kinh doanh dựa trên quan hệ cá nhân và gia đình trong các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chẳng những khiến các doanh nghiệp trong nước khó lòng có cơ hội vươn ra khỏi mạng lưới hoạt động nhỏ bé hiện tại, mà còn khiến họ không nhìn nhận được tầm quan trọng và tính cần thiết của việc giải trình và cung cấp thông tin cho bên ngoài khi có yêu cầu. Do đó, lượng thông tin chảy trong cộng đồng kinh doanh thường xuyên trong tình trạng khan hiếm và lạc hậu, và trong nhiều trường hợp, chỉ có thể có được thông qua các cơ quan chính phủ. Chính điều này đã khiến mối quan hệ giữa các bên cung - cầu trên thị trường thông tin trở nên vô cùng đặc trưng, hay nói cách khác là một sự mất cân đối về “quyền lực” giữa người bán, kẻ mua trong riêng lĩnh vực này.

Mặt khác, với quan điểm như vậy, các doanh nghiệp trong nước cũng gần như không có nhu cầu tìm kiếm thông tin về đối tác của mình. Hay nói cách khác, đối tượng sử dụng “thông tin kinh doanh” hiện nay vẫn chỉ là các công ty nước ngoài với mục đích thẩm định và quản lý rủi ro khi giao dịch với đối tác trong nước. Cũng vì vậy mà trong quá khứ đã từng xảy ra nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào “bẫy”: sau khi xuất hàng đi cho đối tác (không thẩm định thông tin), hàng bị lưu tại cảng khi đối tác “trở mặt” chê không đúng quy cách. Để tránh tiêu tốn thêm chi phí lưu cảng, lưu kho bãi và các chi phí khác, doanh nghiệp sẵn sàng bán lô hàng với giá rẻ hơn khi có một đối tác khác tại cảng đến chào mua. Trên thực tế, hai công ty đối tác trên có quan hệ mật thiết với nhau.

Nhưng đáng nói hơn, thời điểm này, rất nhiều tập đoàn lớn, khi bắt đầu “để mắt” đến thị trường Việt Nam, thì chỉ tìm được những thông tin chung về kinh tế vĩ mô, và một ít dữ liệu của một số ngành. Còn nếu muốn tìm hiểu riêng về các doanh nghiệp trong nước nhằm mục đích tìm kiếm cơ hội hợp tác thì sẽ tìm được rất ít, thậm chí là không có thông tin gì. Thông tin ít ỏi có được cũng hầu như không thể kiểm tra tính chính xác. Đây chính là lý do khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất đi rất nhiều cơ hội được hợp tác đầu tư, hay như người trong ngành chúng tôi vẫn thường nói, là họ đã đánh mất cơ hội “được thế giới nhìn thấy”.

Đổi chiều tư duy về thông tin

Những thông tin tài chính hay phi tài chính, nếu đạt tính minh bạch và độ tin cậy cao, một khi được cung cấp trong cộng đồng sẽ không những giúp ích cho doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường (lên kế hoạch tiếp thị và kinh doanh, tiếp cận đúng đối tượng khách hàng, đối tác tiềm năng) cũng như quản lý rủi ro (xem xét các điều khoản thanh toán, thẩm định chi tiết), mà còn giúp duy trì một môi trường kinh doanh lành mạnh thông qua sự đảm bảo tính ổn định, hiệu quả và mức độ tín nhiệm của nền kinh tế nói chung.

Trong một nền kinh tế mà trách nhiệm giải trình thông tin bị coi nhẹ, thì vô số tình huống xấu có thể xảy ra cho doanh nghiệp. Trước hết, mức độ hiểu biết thấp đồng nghĩa với rủi ro cao trong tất cả các mối quan hệ cộng tác, khi mà bản chất xung đột về lợi ích và những giá trị mang tính loại trừ nhau sẽ dẫn đến động cơ phá vỡ những nguyên tắc đạo đức trong kinh doanh, bao gồm cả việc giả mạo thông tin nhằm mục đích thao túng hay thậm chí là lừa đảo. Những hành động này không những gây ảnh hưởng xấu đến “sức khỏe” của nền kinh tế, hay uy tín của quốc gia nói chung, mà còn gây thiệt hại trực tiếp cho các doanh nghiệp lẫn nhân viên của họ.

Vậy nên, gánh nặng cung cấp thông tin thuộc tất cả các bên: doanh nghiệp hoạt động trong ngành thông tin; bản thân các doanh nghiệp cung cấp thông tin của chính mình; và các cơ quan chủ quản quản lý nguồn thông tin này. Cả ba bên cần nhìn xa hơn phạm vi nghĩa vụ pháp lý và kinh tế hạn hẹp, vượt ra khỏi những lợi ích kinh tế trước mắt của mình để hành động vì lợi ích của quốc gia và nền kinh tế nói chung. Khi đó, một chiến lược cụ thể về trách nhiệm xã hội là vô cùng cần thiết để làm kim chỉ nam trong những tình huống khi khó khăn thử thách xuất hiện.

Thách thức

Thách thức đến cũng từ chính sự tham gia của tất cả các đối tượng có tác động đến thông tin. Trong một nền kinh tế non trẻ, với các yếu tố lịch sử và xã hội có phần đặc trưng như Việt Nam, khi mà thông tin là thứ cực kỳ khó thu thập và xác minh, thì sự chế tài của nhà chức trách đóng một vai trò quyết định. Mặc dù tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thông tin là một đề tài đã tốn không biết bao nhiêu công sức, giấy mực của các nhà nghiên cứu lẫn các nhà làm luật trên khắp thế giới, thì dường như ở Việt Nam, cộng đồng kinh doanh vẫn chưa thực sự hành động gì. Hầu như chưa có nỗ lực đáng kể nào được bỏ ra cho ba công đoạn lớn của quá trình tạo lập thông tin hữu ích, đó là xây dựng, kiểm soát và công bố.

Xây dựng thông tin - về phía cơ quan chủ quản, việc bộ máy vận hành có phần trì trệ cùng với hệ thống công nghệ không được cập nhật và các quy trình thủ công đã góp phần khiến việc thu thập thông tin trở nên kém hiệu quả, xét về cả tốc độ lẫn chất lượng thông tin thu thập được.

Mặt khác, đối với các doanh nghiệp, trừ một số doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài vốn đã quen thuộc với khái niệm “thông tin trong kinh doanh”, phần còn lại, kể cả một số doanh nghiệp đại chúng, hầu như không quan tâm nhiều đến việc xây dựng thông tin về bản thân mình hay thu thập thông tin của đối tác.

Việc kiểm soát thông tin, một khi đã không được nhìn nhận và đầu tư đúng mức, thì thông tin theo đó cũng được kiểm soát rất lỏng lẻo, như một lẽ đương nhiên. Do bản chất thủ công của quá trình thu thập và lưu trữ, việc kiểm tra hay cập nhật định kỳ cũng hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, sự trì trệ và kém hiệu quả của hệ thống quản lý, từ các quy định đến phương thức cưỡng chế, đã làm giảm đáng kể tốc độ của dòng chảy thông tin từ doanh nghiệp đến các cơ sở dữ liệu chính thống.

Việc công bố thông tin hiện nay không chỉ ít ỏi và lỗi thời, mà trong nhiều trường hợp, một số thông tin là hoàn toàn không thể tìm được. Một bộ phận lớn doanh nghiệp trong nước vốn có truyền thống thiết lập quan hệ kinh doanh dựa trên sự tin tưởng chủ quan đến từ các mối quan hệ cá nhân, do đó, các hình thức đánh giá hay thẩm định khách quan có thể bị xem là không cần thiết, không phù hợp, hoặc thậm chí gây cảm giác khó chịu. Họ quan niệm rằng các yêu cầu cung cấp thông tin, nhất là thông tin tài chính, là dấu hiệu của sự nghi ngờ và thiếu thiện chí hợp tác. Bên cạnh đó, một số vấn đề phức tạp “khó giải thích” của doanh nghiệp, thường có liên quan đến các xung đột quyền lợi trong cơ cấu điều hành hay việc kê khai thuế, cũng là nguyên nhân khiến chủ doanh nghiệp thường không mấy mặn mà với việc chia sẻ thông tin tài chính chính xác của họ. May mắn thay, “truyền thống” này đang dần dà  được thay đổi dưới áp lực từ các tập đoàn đa quốc gia với chính sách bắt buộc phải thẩm định và tái thẩm định đối tác thông qua báo cáo thông tin doanh nghiệp được cập nhật mỗi sáu hay mười hai tháng. Trong nhiều lĩnh vực trọng yếu, như thương mại, sản xuất, hàng tiêu dùng, dệt may... thông lệ này đang ngày càng trở nên phổ biến cùng với sự gia tăng tiếp xúc của Việt Nam với thị trường quốc tế.

Theo TBKTSG