Câu chuyện cái vỉa hè (Song Chi)
"Nhiều
gia đình có nền nhà cao hơn vỉa hè hơn 1 mét khiến người dân phải dùng
ghế, ván gỗ và đủ loại vật liệu khác để làm thang tạm leo lên nhà. Vất
vả nhất là người già và trẻ nhỏ khi phải leo lên leo xuống khi muốn ra
vào nhà. Nhiều hộ dân khóa trái cửa, chuyển đi nơi khác buôn bán".
Tiếp theo sau ông Hải, một số quận ở Sài Gòn, rồi Hà Nội, Đà Nẵng… cũng xuất quân lập lại trật tự nơi này nơi kia.
Đầu
tiên, công bằng mà nói, cái ý tưởng lập lại trật tự đô thị, chống nạn
lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn của ông Hải là tốt, đáng hoan
nghênh.
Ai
sống ở các thành phố lớn, nhỏ ở Việt Nam cũng phải thừa nhận tình trạng
lấn chiếm vỉa hè, ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn tài sản chung của
đa số người dân đã trở nên không thể chấp nhận được. Cứ nhìn hai thành
phố lớn nhất nước Hà Nội và Sài Gòn chẳng hạn thì thấy, không có một con
đường nào mà không bị lấn chiếm bởi đủ thứ gánh hàng rong, dịch vụ,
quán xá các loại, rồi thì biển quảng cáo, mái bạt căng lên che chắn…
Không
chỉ gánh hàng rong lề đường, những ngôi nhà mặt tiền cho thuê buôn bán,
người kinh doanh cũng tìm cách lấn thêm ra ngoài. Các shop quần áo thời
trang thì treo quần áo, chưng mannequin ra tận lề đường, các cửa hàng
sửa chữa xe máy cũng bày vật liệu sửa chữa vừa lấn chiếm vỉa hè vừa gây ô
nhiễm môi trường, quán ăn thì bày thêm bàn ghế ra ngoài, rồi các điểm
trông giữ xe trái phép trên vỉa hè… Người qua lại cũng góp thêm phần lấn
chiếm không gian công cộng đó khi dừng xe bên đường mua hàng hóa, thức
ăn…
Cả
thành phố riết rồi chẳng còn lại mấy con đường là có vỉa hè thông
thoáng cho người đi bộ. Không chỉ người dân lấn chiếm vỉa hè, các cơ
quan nhà nước, công sở, khách sạn… được sự "bảo kê" của địa phương, cũng
đua nhau xây thêm bốt gác, xây bậc thềm, đặt bồn hoa, tượng, mái che…
lấn ra đường.
Từ
lâu rồi người dân sống ở các thành phố lớn không còn có vỉa hè để mà đi
bộ nữa (nhưng nghĩ cho cùng thì ở nước mình cũng có mấy ai đi bộ, chỉ
trừ khi có việc phải đi một quãng ngắn và trừ lúc sáng sớm vắng vẻ, may
ra có một số người đi bộ để tập thể dục (!). Lý do dễ hiểu, có phải như ở
các thành phố của Châu Âu vỉa hè thoáng rộng, môi trường trong lành,
cho người dân tha hổ đi bộ, ngắm cảnh đâu. Các thành phố lớn ở Việt Nam
ngoài đường thì đông đúc bụi bặm ồn ào ô nhiễm, xe cộ người đi lại đông
như mắc cửi cả ngày, đi bộ thế nào được và đi để làm gì (?). Có nhiều
nơi người dân phải đi bộ dưới lòng đường, vừa thêm chật chội vừa nguy
hiểm, dễ bị tai nạn.
Ngoài
đường lớn đã thế, trong các con hẻm cũng vậy, nhà nào cũng mở cửa làm
ăn buôn bán, đặt một cái xe bánh mì, xe hủ tiếu, quầy thuốc lá, bàn bán
cà phê, kê thêm dăm ba cái ghế cái bàn dọc theo lối đi… Những con hẻm đã
nhỏ, hẹp càng thêm chật.
Cái
tập quán coi thường luật pháp, coi của chung như của chùa, nhà mình thì
sạch còn ngoài hẻm, ngoài đường thì tha hồ xả rác… đó là kết quả của cả
một quá trình dài hàng mấy chục năm, không dễ gì một sớm một chiều mà
bỏ được.
Cho
nên cái ý định ban đầu tưởng là tốt, là đúng, được báo chí nhà nước
hoan nghênh của ông Đoàn Ngọc Hải, sau mấy tuần thực hiện, đã nảy ra đủ
thứ vấn đề. Hăng máu lên, ông Hải dẫn quân đi đập tùm lum, có những nơi
như rạp Công Nhân (Nhà hát kịch thành phố), tức rạp Nguyễn Văn Hảo được
xây dựng từ năm 1940, có mấy bậc thềm lấn ra vỉa hè ông cũng cho quân
đập. (Nhưng theo một số bức ảnh tư liệu chụp nhà hát thời trước năm 1975
thì các bậc tam cấp nằm trong phạm vi nhà hát, cách xa vỉa hè. Sau này,
ban lãnh đạo nhà hát mới đập bỏ bậc tam cấp cũ, xây bậc tam cấp lấn
chiếm vỉa hè).
Khắp
nơi ngổn ngang gạch đá vôi vữa, phóng viên các báo đã ghi lại hình ảnh
nhiều hộ dân có mặt nhà cao hơn lề đường cả thước, hoặc hơn, bây giờ bị
đập bỏ bậc thềm xây lấn ra đường, bà con phải nghĩ ra đủ cách để vào
nhà. Từ kê ghế, kê mấy bao xi măng, miếng gỗ... cho tới làm bậc thang
gỗ, lắp bậc tam cấp ngầm kéo ra kéo vào rất… sáng tạo, rồi thì hạ nền
nhà… ("Người dân Sài Gòn 'vất vả' trèo vào nhà sau khi bậc tam cấp bị
phá dỡ", Phụ Nữ).
"Nhiều
gia đình có nền nhà cao hơn vỉa hè hơn 1 mét khiến người dân phải dùng
ghế, ván gỗ và đủ loại vật liệu khác để làm thang tạm leo lên nhà. Vất
vả nhất là người già và trẻ nhỏ khi phải leo lên leo xuống khi muốn ra
vào nhà. Nhiều hộ dân khóa trái cửa, chuyển đi nơi khác buôn bán.
…Không
có bậc thang lên xuống, xe cộ của các hộ dân phải mang đi gửi nơi khác,
thậm chí có gia đình đã tính đến giải pháp tình thế là dùng nhiều xích,
ổ khóa để khóa và móc xe lại sát vách nhà vào mỗi tối…" ("Dân Quận 1 bắc thang leo vào nhà sau khi dỡ bậc tam cấp cao cả mét", Dân Trí).
Báo
chí cũng đăng hình ảnh các cụ già lom khom leo lên leo xuống hoặc ngồi
luôn trong nhà khỏi xuống vì sợ té ngã. Các đường phố thay vì đẹp hơn
lên, trở thành "một Singapore thu nhỏ" như tham vọng của ông Đoàn Ngọc
Hải thì lại còn xấu xí hơn vì thay vào các bậc thềm được xây đàng hoàng
đẹp đẽ là những vật dụng tạm bợ các kiểu. Thay vào hình ảnh của một
thành phố văn minh thì du khách đến Sài Gòn những ngày này sẽ nhìn thấy
những ngôi nhà cao cách mặt đường cả thước và cách ra vào nhà rất… không
giống ai của người Sài Gòn.
Nỗi
khổ đó chỉ là chuyện nhỏ, nỗi khổ lớn hơn là hàng nghìn hàng vạn người
dân nghèo đang sống bám vào vỉa hè bằng đủ thứ công việc kinh doanh buôn
bán nhỏ lẻ, hàng rong… sẽ sống như thế nào ?
Qua
cái chuyện gọi là "chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ" này
(lại "chiến dịch", ngôn ngữ gợi nhớ thời một thời cách mạng văn hóa,
cách mạng vô sản… nghe cứ rờn rợn), thêm một lần nữa, lại bộc lộ ra rất
nhiều vấn đề trong não trạng, tư duy, tầm nhìn cho tới cách làm việc của
quan chức Việt từ trên xuống dưới. Cái này thì mấy tuần nay rải rác dân
facebooker, dư luận trên các trang mạng xã hội cũng có nói nhiều rồi.
Thứ
nhất, là cái não trạng làm trước nghĩ sau. Không có tầm nhìn, kế hoạch,
chính sách lâu dài và hợp lý. Cứ thấy vỉa hè bị lấn chiếm là ra quân đi
đập cái đã, đập trước sau đó một tuần mới có thông báo chính thức,
khiến người dân không có thời gian tự phá bỏ, tự thu xếp phần lấn chiếm
lề đường của mình. Rồi cứ đập trước mà không tính tới những nỗi khổ của
dân, những hậu quả sau đó, đến khi thấy dân nghèo lao đao mất kế mưu
sinh chẳng hạn, thì mới tính đến chuyện bày một vài địa điểm cho họ buôn
bán trong một khoảng thời gian hạn hẹp.
Nghe
đâu Quận 1 đang có dự tính mở thêm vài khu phố cho người dân buôn bán,
nào khu chợ phiên cuối tuần ở bến Bạch Đằng, có thể kinh doanh 120 gian
hàng, nào khu phố hàng rong ở đường Nguyễn Văn Chiêm cấp phép cho 20 hộ
buôn bán, thời gian hoạt động 6g-9g, 11g-13g, khu phố hàng rong tại công
viên Bách Tùng Diệp, cấp phép cho 15 hộ buôn bán, thời gian hoạt động
6g-9g… ("4 con phố mới của trung tâm Sài Gòn", VnExpress).
Bao nhiêu hàng quán mà chỉ có bấy nhiêu chỗ thì ai được bán, ai không ? Lại xảy ra cảnh "chạy chỗ", đút lót...
Trong
khi lẽ ra phải là ngược lại, muốn lập lại kỷ cương trật tự trong địa
bàn, muốn lấy lại vỉa hè thì phải tổ chức trưng cầu dân ý lấy ý kiến của
dân, của các nhà báo, các nhà xã hội học, kiến trúc, quy hoạch thành
phố cho tới sở thương binh xã hội… xem nên làm như thế nào, cái gì đập,
cái gì thuộc công trình cổ có thể giữ lại, rồi tính toán công ăn việc
làm cho dân ra sao. Nên chăng mỗi quận tìm một vài địa điểm, ví dụ như
một góc công viên, một khu đất trống, tầng trệt của một trung tâm bách
hóa, chợ… để cho bà con trong quận tụ tập về đó tiếp tục kinh doanh,
buôn bán, vừa thu được thuế lại vừa quản lý tốt mà không lấn chiếm lề
đường. Bên cạnh đó, các gia đình có mặt tiền nên khuyến khích họ cho
người dân trước ngồi ở lề đường buôn bán nay được thuê ghé vào bên trong
nhà mà kinh doanh v.v…
Vả
chăng, nếu chỉ có mỗi Quận 1 dẹp vỉa hè mà các quận khác không dẹp thì
thành phố cũng chả đẹp, chả văn minh được. Lẽ ra trước khi làm ông Hải
nên bàn với các ông lãnh đạo các quận khác để cùng tiến hành trên cả
thành phố thì hơn.
Ngay
khi cả Sài Gòn dẹp vỉa hè mà các thành phố lớn nhỏ khác vẫn còn tồn tại
tình trạng này thì cũng không đồng bộ. Chưa kể liệu có xảy ra tình
trạng "bắt cóc bỏ đĩa" như đã từng xảy ra rất nhiều lần trước kia ? Báo
chí cũng đã có hàng loạt bài nêu lên nỗi lo ngại này và cho rằng muốn
tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" không xảy ra thì phải thường xuyên giám sát,
kiểm tra, xử phạt rất nghiêm, thói quen nào rồi cũng cần phải tập một
thời gian dài. ("Lập lại trật tự đô thị : Không xử lý kiểu 'bắt cóc bỏ
đĩa', Pháp Luật Việt Nam).
Chỉ
có điều, khi người dân không có đường mưu sinh thì rồi người ta cũng sẽ
tìm cách này cách khác để bám lấy lề đường mà thôi. Hãy nghe kinh
nghiệm của Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu :
"…Thời
điểm đó ông Lý Quang Diệu cho rằng không thể "làm sạch" thành phố bằng
cách di dời những người bán hàng rong hay những taxi bất hợp pháp trong
nhiều năm. Điều này chỉ xảy ra sau năm 1971, khi chính phủ tạo ra được
nhiều việc làm, luật pháp mới có thể thi hành.
Chúng
tôi cấp giấy phép kinh doanh cho những người bán hàng rong và chuyển họ
từ lề đường vào trung tâm dành cho những người bán hàng rong với hệ
thống nước, cống rãnh và chỗ đổ rác. Mãi đến đầu những năm 1980, chúng
tôi mới tái ổn định tất cả những người bán hàng rong"…
Cũng
có thời báo chí nước ngoài từng nhạo báng lệnh cấm ăn kẹo cao su để giữ
sạch đường phố của Chính phủ Singapore và gọi đây là "nhà nước vú em".
Đáp lại bằng thái độ tự tin, ông Lý Hiển Long cho rằng nếu không nỗ lực
thuyết phục dân chúng thay đổi cách sống thì hẳn Singapore sẽ là một xã
hội thô lỗ hơn, khiếm nhã hơn, tục tĩu hơn.
"Chúng
tôi không được coi là một xã hội có học thức, có văn hóa nếu chúng tôi
không xấu hổ để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn
hóa trong thời gian ngắn nhất có thể. Đầu tiên, chúng tôi giáo dục và
hô hào dân chúng. Sau khi chúng tôi đã thuyết phục và lôi kéo được số
đông, chúng tôi ra luật để trừng phạt những thiểu số ngoan cố. Điều này
đã khiến Singapore trở thành một môi trường sống thú vị hơn. Nếu đây là
một "nhà nước vú em" thì tôi tự hào vì đã được nuôi dưỡng nó", ông viết
trong hồi ký. ("Chuyện Thủ tướng Lý Quang Diệu xử lý bán hàng rong, kinh tế vỉa hè đến bài học cho Việt Nam", CafeF).
(Thật
đáng buồn vì từng có một thời ông Lý Quang Diệu nhìn sang Sài Gòn trước
năm 1975 và ước gì Singopore rộng như Sài Gòn, phát triển như Sài Gòn,
còn bây giờ thì Singapore bỏ xa lắc Việt Nam và đến lượt Việt Nam tối
ngày mơ được như Singapore) !
Thứ
hai, cái não trạng chỉ thấy cái trước mắt, chỉ giải quyết cái gốc mà
không giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Chuyện lấn chiếm vỉa hè do ý thức
tôn trọng luật pháp kém, cái đó có thể uốn nắn, giống như thói quen đốt
pháo hay dừng đèn đỏ đã phải mất một thời gian vậy.
Nhưng
quan trọng hơn người dân lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán vì họ
không có con đường nào khác để mưu sinh. Ở Sài Gòn này dễ cũng có đến
một, hai triệu là ít, người nghèo thành thị sống bám vào cái vỉa hè, vào
gánh hàng rong, dịch vụ nhỏ các loại. Nhất là những người nhập cư từ
các tỉnh thành, vùng quê từ Nam ra Bắc đổ về Sài Gòn để kiếm sống bằng
một gánh đậu hũ, xe mì gõ, xe bắp xào, bánh tráng trộn… và đủ các loại
thức ăn vặt khác.
Phía
sau mỗi một xe bánh mì, xe hủ tiếu gõ, gánh hàng rong là những câu
chuyện, những số phận, là bao nhiêu mảnh đời sống bám vào đó, miếng cơm
miếng thuốc cho cha mẹ già ở quê, chi phí sửa lại mái nhà dột nát ở quê,
tiền sữa cho tới tiền học đại học cho con… tất cả trông vào cái xe bánh
mì, gánh xôi, xe hủ tiếu dạo… nhỏ bé.
Ở
các nước văn minh, tự do dân chủ, nhà nước lo cho dân đủ thứ. Đi học
trung học thì miễn phí. Học đại học thì mượn tiền nhà nước sau ra đi làm
trả. Thất nghiệp thì có các chương trình an sinh xã hội, các chương
trình hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Đau ốm thì vào bệnh viện miễn phí. Già
có tiền già. Tàn tật thì nhà nước nuôi cả đời.
Còn
ở Việt Nam, nhà nước này có lo được cho dân cái gì ? Cho nên người dân
từ già đến trẻ, từ khỏe mạnh đến tàn tật phải tự bươn chải và nếu không
có nghề nghiệp, bằng cấp (mà ngay cử nhân, thạc sĩ… bây giờ cũng thất
nghiệp đầy dẫy), không có vốn lớn, nếu ở quê làm ruộng cũng không đủ
sống, thỉ lẽ đương nhiên là người ta phải đổ về các thành phố lớn và lao
ra đường.
Sống
bám vào vỉa hè chỉ là nghĩa đen. Cái nghĩa bóng trong cách sống phổ
biến của đa số người Việt dưới "triều đại Hồ Chí Minh rực rỡ quang vinh"
là sống ngoài lề. Lương công nhân viên chức không đủ sống thì làm ăn
thêm bên ngoài, đi dạy thêm, kinh doanh thêm, quan chức thì móc ngoặc,
làm ăn trong bóng tối, ngoài luồng… Điều đó càng phản ánh thực tế là hệ
thống kinh tế cho tới khung lương bổng của nước này có vấn đề, và sự bất
lực của nhà cầm quyền đã không thể đem lại cho nhân dân một cuộc sống
no ấm, sống được bằng chính đồng lương và sức lạo động của họ.
Khi đã không lo được cho dân mà chỉ toàn làm khó cho dân thì nhà nước đó là nhà nước gì ?
Trở
lại với chuyện dẹp vỉa hè, như nhiều người cũng đã chỉ ra, trước khi
dẹp vỉa hè phải giải quyết chuyện mưu sinh cho dân. Dẹp vỉa hè không làm
cho Quận 1 hay Sài Gòn trở thành Singapore thu nhỏ được.
Nhà
báo, facebooker Mạnh Kim gay gắt : "Sài Gòn không thể biến thành
Singapore chỉ bằng việc dọn sạch vỉa hè, ngay cả khi chiến dịch dọn dẹp
được thực hiện bằng biện pháp tử tế chứ không phải bằng trò đập phá vô
tội vạ. Thật ngu xuẩn khi cho rằng một căn nhà nát, bằng việc dọn sạch,
có thể biến thành biệt thự. Singapore đã sạch đẹp không chỉ nhờ việc dọn
dẹp sự lôi thôi nhếch nhác mà nó đã trở nên sang trọng và bóng lộn nhờ
một thể chế sạch, một chính quyền sạch, một hệ thống công quyền sạch,
nơi có những công bộc liêm chính không bao giờ đủ giàu để đeo đồng hồ
Patek Philippe và xài điện thoại Vertu. Thật méo mó khi so sánh hoặc lấy
Singapore "làm chuẩn", một khi quan chức còn chưa hiểu luật quản trị
hành chính và chính sách công là cái gì. Muốn trở thành Singapore, hãy
xây dựng một chính quyền như Singapore đi đã. Hãy ngưng cái lối lấy hình
ảnh một chính quyền đàng hoàng để làm hình mẫu bất xứng cho lối hành xử
ngu dốt của một chính quyền ngu dốt !"
Khi
cái gốc rễ của vấn đề là chế độ độc tài tham nhũng thối nát này chưa
được dẹp bỏ thì mọi việc làm lặt vặt khác chỉ là giải quyết cái phần
ngọn, giải quyết tạm thời, dẹp tệ nạn này thì sẽ lại có tệ nạn khác nảy
sinh, thế thôi.
Và
cuối cùng, người viết bài này muốn nói thêm một điều nữa. Việt Nam là
một trong những quốc gia có nền văn hóa ẩm thực vô cùng phong phú, thuộc
hàng ngon trên thế giới. Đã từng đi qua nhiều thành phố thuộc nhiều
quốc gia, người viết cho rằng dân tộc nào còn có chợ, có nền văn hóa ẩm
thực ngon là may mắn, là hạnh phúc. Có những quốc gia như các nước Bắc
Âu chẳng hạn, không có chợ mà cũng chẳng có ẩm thực đường phố.
Dẹp
vỉa hẻ, nhưng nên tìm cách để bà con có chỗ buôn bán, tiếp tục những
món ăn đường phố làm mê hồn du khách khắp nơi, chứ không nên dẹp luôn và
tính chuyện cho người dân kinh doanh qua mạng như một quan chức nào đó
có "sáng kiến". Bởi vì bán hàng online là chuyện khác, còn ẩm thực đường
phố là chuyện khác, có cả một nền văn hóa, lối sống…nằm trong đó. Thay
vì cứ cái gì không làm được, quản được là dẹp, là cấm, hãy suy nghĩ cách
giữ lại những "tài sản" vô hình và hữu hình, ít ỏi của Việt Nam.
Song Chi
Nguồn : RFA, 26/03/2017 (songchi's blog)