Những điểm yếu của Phong trào dân chủ Việt Nam (Việt Hoàng) (Phần 2c).

Chính vì thế mà chứng bệnh ghen tương thường thấy nơi những dân tộc nghèo khổ và bị thống trị và ít thấy hơn trong các dân tộc độc lập và giàu có. Nó là chứng bệnh của sự thấp kém.



Thiếu tổ chức - Vai trò của truyền thông trong nội bộ các tổ chức chính trị.

Các tổ chức chính trị của người Việt tại hải ngoại đổ vỡ vì nhiều lý do trong đó có một lý do hết sức “lãng xẹt” đó là do những tranh cãi và bất đồng trong nội bộ mà đôi khi xuất phát chỉ từ những thư điện tử trao đổi qua lại giữa các thành viên với nhau. Thiếu thông tin nội bộ và cấp dưới thay vì đặt câu hỏi trực tiếp cho lãnh đạo lại đi tìm kiếm thông tin qua những nguồn không rõ ràng và rồi nảy sinh nghi ngờ vào tổ chức. 

Sự ghen tị giữa các thành viên cũng gây ra nhiều sóng gió cho tổ chức. Những người có tính ghen tị thường là thiếu tài năng hoặc thiếu kiên nhẫn. Họ quên đi một điều căn bản trong mọi tổ chức và trong xã hội đó là mỗi người đều có một vị trí xứng đáng và phù hợp với khả năng của người đó. Mọi người ngồi nhầm chổ đều phải trả lại chổ không sớm thì muộn. Vị trí của mỗi người trong tổ chức hay trong xã hội không phải do bản thân người đó quyết định mà là do người khác nhìn nhận và đánh giá. Mỗi người chỉ có thể làm tất cả những gì cần làm với khả năng cao nhất của mình, còn việc “xếp chỗ” là việc của tập thể.

Phần này chúng tôi đề cập đến vai trò của truyền thông trong nội bộ của các tổ chức chính trị.  

Trong mọi tổ chức thì luôn có những “quyết định cá nhân và quyết định tập thể” và các thử nghiệm trong mọi tổ chức đều đưa đến những kết quả trùng hợp và khiến các nhà nghiên cứu đồng ý rằng:

- Các quyết định của một ủy ban hay hơn quyết định cá nhân trên những vấn đề quan trọng hoặc nghiêm trọng.

- Ngược lại các quyết định tập thể dở hơn các quyết định cá nhân trên những vấn đề không quan trọng hoặc không nghiêm trọng.

Lý do: Trong những vấn đề quan trọng và nghiêm trọng vượt lên trên những ưu tư và tính toán cá nhân, mọi người bắt buộc phải suy nghĩ và chọn lựa một cách nghiêm chỉnh, khách quan và có trách nhiệm vì sự sống còn của tổ chức, và qua tổ chức sự thành bại hay sống còn của mỗi người, quyền lợi chung cũng là quyền lợi riêng; mọi người cần những ý kiến hay nên sẵn sàng lắng nghe những ý kiến hay, và cũng sẵn sàng ủng hộ những ý kiến hay. Càng nhiều ý kiến đưa ra thì càng có khả năng có nhiều ý kiến hay.

Trái lại, khi vấn đề phải quyết định không quan trọng và không nghiêm trọng thì nhiều yếu tố tâm lý tiêu cực có thể can thiệp làm giảm phẩm chất của quyết định: không thấy cần phải suy nghĩ nhiều vì đàng nào hậu quả cũng không trầm trọng và trách nhiệm đàng nào cũng là trách nhiệm chung mà cha chung thì không ai khóc; không thấy cần phải đi ra ngoài đường xưa lối cũ; không muốn bị tập thể nhìn như một kẻ phá đám; ủng hộ một ý kiến vì có cảm tình với người đưa ra ý kiến đó, hay ngược lại. v.v. Vả lại, các suy nghĩ và phát biểu bị giới hạn trong những ưu tư thực tiễn vì vấn đề không đủ quan trọng và nghiêm trọng để xét lại nền tảng đạo đức và cứu cánh của tổ chức.

Trong trường hợp này, nếu quyết định thuộc về một người (và trách nhiệm cũng hoàn toàn thuộc về người này) thì vấn đề sẽ được suy nghĩ một cách thấu đáo hơn đưa đến quyết định đúng đắn và trách nhiệm hơn. Cũng có khả năng người quyết định trong sự suy nghĩ thấu đáo và trách nhiệm nhận ra rằng thực ra vấn đề thực ra  quan trọng và nghiêm trọng hơn là  mọi người lầm tưởng lúc ban đầu.

Mỗi cuộc biểu quyết quyết đều làm xuất hiện những bất đồng ý kiến và tạo ra những phe phái. Có phe thắng, có phe bại và hậu quả có thể kéo dài sau cuộc biểu quyết. Bởi vậy tổ chức cũng như các uỷ ban trong tổ chức phải dành cho người lãnh đạo một thẩm quyền quyết định lớn, để chỉ biểu quyết những vấn đề thực sự quan trọng. Ngược lại người lãnh đạo, dù ở cấp tổ chức, uỷ ban hay tiểu ban, cũng phải có can đảm để lấy quyết định và chịu trách nhiệm trên một số vấn đề thay vì che dù bằng cách đem biểu quyết tất cả. Phương thức che dù này an toàn cho người lãnh đạo nhưng rất tai hại cho tổ chức. Không một tổ chức nào có thể tồn tại nếu biểu quyết quá thường xuyên. Trong trường hợp có những quyết định sai thì những phê phán và trách cứ nên tập trung vào một người thay vì vào toàn bộ tổ chức. Rất có thể người lãnh đạo đã chỉ lấy một quyết định phản ánh đồng thuận của tổ chức vào lúc đó nhưng nếu thực tế chứng tỏ đây là một sai lầm thì trách nhiệm nên qui vào một người để tổ chức không bị thương tổn.

Một căn bệnh nguy hiểm luôn tồn tại trong mọi tổ chức và có thể khiến cho tổ chức bị thương tổn nghiêm trọng đó là sự ghen tuông (ghen tương).

Ghen tương là một hoại loạn (perversion) kỳ cục và vô cùng tai hại cho sinh hoạt tổ chức. Nó là sự thù ghét không hướng về kẻ thù hay những kẻ thực sự đáng ghét mà lại dành cho những người gần gũi với mình, như anh em, bè bạn, đồng đội, với những ưu điểm đáng lẽ phải được cảm phục. Người ta không ghen với một kẻ ngu dốt mà ghen với người tài ba, không ghen với kẻ nghèo nàn khổ cực mà ghen với kẻ thành công, không ghen với người xa lạ, ngay cả với kẻ cầm đầu một tổ chức kình địch, mà ghen với những người thân cận mình.

Sự ghen tức thường xảy ra trong một tổ chức giữa những người có vai trò lãnh đạo, hoặc giữa những người cho rằng mình có thể có vai trò lãnh đạo và sự ghen tức càng vô lý bao nhiêu càng nguy hiểm bấy nhiêu. Mới đầu có thể chỉ là do ham muốn một vai trò quan trọng hơn hay một địa vị quan trọng hơn mà một người khác đang có. Nhưng nếu đối tượng của sự ghen tức, nghĩa là người có vai trò quan trọng hơn hoặc được trọng nể hơn thực sự xứng đáng với địa vị đang có thì người ghen tức sẽ đi từ thất vọng này tới thất vọng khác và bình thường thay vì nhìn nhận sự xứng đáng của đối tượng so với mình thì họ mất hết sự sáng suốt, đến độ có thể chấp nhận những thiệt hại cho tổ chức mình nếu  gây được thiệt hại lớn hơn cho người mình ghen tức. Sự đánh phá các đồng đội của mình trở thành một phương tiện để thăng tiến mình và trở thành một cứu cánh. Ghen tức có thể làm tê liệt chức năng của kẻ ghen tức, đến độ mong muốn sự thất bại của tổ chức và người mình ghen tức bị thiệt hại. Tổ chức nào không trừ khử được sự ghen tức trong lãnh đạo thì hầu như thất bại chắc chắn.

Về mặt tâm lý, sự ghen tương có thể là một di sản của quá trình tiến hóa hàng triệu năm trong đó con người không đủ thực phẩm để ăn no, kẻ ăn mất phần của mình chính là kẻ bên cạnh mình, trong cùng một gia đình hay cùng một bộ lạc. Nó cũng có thể là di sản của một tập thể nô lệ bị chà đạp trong sự thiếu thốn chỉ có thể tranh giành những quyền lợi nhỏ bé giữa người đồng cảnh hay đồng bào. Chính vì thế mà chứng bệnh ghen tương thường thấy nơi những dân tộc nghèo khổ và bị thống trị và ít thấy hơn trong các dân tộc độc lập và giàu có. Nó là chứng bệnh của sự thấp kém.
 
Một vấn đề lớn nữa đối với mọi tổ chức đó là vấn đề truyền thông. Trong một thế giới hiện đại thì truyền thông có một vai trò vô cùng quan trọng, điều này càng đúng đối với mọi tổ chức.

Phần lớn những lủng củng nội bộ của các tổ chức là do những thông tin thiếu sót hoặc trái ngược. Khi trong một tổ chức có mâu thuẫn giữa những bộ phận, giữa các cấp lãnh đạo hay giữa lãnh đạo và cơ sở người ta nói "mạch truyền thông không chạy". Trong thực tế các cấp lãnh đạo của các tổ chức -chính đảng, công ty, câu lạc bộ, hội đoàn- dùng phần lớn thời giờ cho truyền thông, thông tin nội bộ cũng như quảng cáo tổ chức đối với bên ngoài. Vả lại, không có hệ thống nào, dù là một bộ máy kỹ thuật như một xe hơi hay tổ chức như chính đảng có thể vận hành được nếu không có truyền thông.

Nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy các cố gắng cải thiện tổ chức đều nhắm mục đích đơn giản hóa mạch truyền thông, gia tăng vận tốc truyền thông, giảm thiểu khối lượng trao đổi cần thiết giữa các bộ phận. Một thí du là soạn thảo ra các cẩm nang (manuel) về phương pháp để mọi người cứ thế mà làm, khỏi phải nhắc lại thường xuyên. 

Các chế độ độc tài cũng là một biện pháp để giải quyết vấn đề truyền thông (hay một thú nhận bất lực trong việc giải quyết những khó khăn của truyền thông). Trên nói dưới nghe để khỏi mất thì giờ trao đổi, cấm đoán thông tin, kiểm duyệt báo chí để tránh những mâu thuẫn do thông tin đa chiều gây ra. 

Đối với các tôn giáo đọc kinh là một phương tiện để duy trì và phổ biến huấn từ của các giáo chủ, vì vậy mà nhu cầu đọc kinh đã giảm sút quan trọng sau sự khám phá ra kỹ thuật in ấn.

Đối với một tổ chức chính trị truyền thông là vấn đề sinh tử. Tài sản lớn nhất  của tổ chức là hình ảnh của nó đối với xã hội. Hình ảnh này được xây dựng bằng truyền thông và cũng bị đả phá bằng truyền thông.

Có những ngộ nhận rất lớn về truyền thông:

- Ảo tưởng rằng truyền thông là dễ, cứ nói là người khác sẽ hiểu. Sự thực thì trong nhiều trường hợp một thông điệp được hiểu ngược hẳn với ý của người nói. Cùng một ý và cùng những người nghe có cách nói khiến ý kiến được chấp nhận và cũng có những cách nói khiến nó bị phản đối. Thông điệp phải được trau chuốt để có phẩm chất.

Ảo tưởng rằng thông điệp gửi đi và thông điệp nhận được là một, trong khi có rất nhiều trường hợp người nhận hiểu thông điệp một cách rất khác với sự chờ đợi của người gửi.

Ảo tưởng rằng chỉ có một cách để truyền thông điệp là ngôn ngữ. Cử chỉ, cách ăn mặc cũng là một cách truyền thông. Sự im lặng cũng là một phương tiện truyền thông.

Thiếu cảnh giác đối với những lạm dụng thông điệp. Mục đích của một thông điệp là khiến người nhận hiểu một điều gì đó hoặc làm một viêc nào đó, nhưng lạm dụng thông điệp là một hiện tượng rất thông thường. Có những trường hợp thông điệp gửi đi chỉ có mục đích gây tổn thương tối đa cho người nhận. Thóa mạ và xuyên tạc không phải là truyền thông mà chỉ là lạm dụng truyền thông. Trong những giao tiếp hàng ngày chỉ có những người thông minh nhất mới hoàn toàn tránh được sự lạm dụng, bình thường người ta vẫn vô tình để lộ những tình cảm chủ quan (thù ghét, ghen tương, say mê, thèm muốn v.v.) và làm thông điệp mất phẩm chất.

Vai trò của truyền thông trong một tổ chức:

1. Truyền thông là một dụng cụ thông tin, điều hành và sinh hoạt tối cần thiết, là phương tiện huấn luyện và đào tạo để cải tiến tổ chức, đồng thời cũng là điều kiện để các thành viên đạt tới một ngôn ngữ và những khái niệm chung, nhờ đó gắn bó với nhau. Vì thế, ngoài những trao đổi thuần túy nhắm mục tiêu nâng cao kiến thức thông thường, phải rất thận trọng với những thông tin liên quan đến tình trạng của tổ chức:

- Các thông tin liên quan đến tổ chức phải chính xác, xuất phát từ những người có thẩm quyền để tránh những hiểu lầm và thiếu sót. Ngoài những người được đặc biệt chỉ định cho công tác truyền thông, cơ chế tổ chức cũng là mạch truyền thông nội bộ. Một tổ chức trong đó bất cứ ai có thể thông báo bất cứ gì về tổ chức không thể sống lâu.

- Các thông tin liên quan đến tổ chức phải nhanh chóng. Cơ chế là một mạch truyền thông dài trong khi những tin đồn và bàn tán đi rất nhanh.


- Truyền thông trung thực có thể bất lợi - những tin không vui có thể làm nản lòng - nhưng vẫn là điều phải làm. Khi truyền thông không trung thực thì sự ngờ vực lan tràn.

2. Truyền thông hướng ngoại là dụng cụ để tạo hình ảnh tốt cho tổ chức với quần chúng (cử tri đối với một chính đảng, hoặc giới tiêu thụ đối với một công ty) và tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng cho những hành động hoặc sản phẩm của tổ chức. Để đảm nhiệm chức năng này, ngoài hành động đúng (hoặc sản phẩm tốt), các thông điệp của tổ chức phải đáp ứng những yêu cầu của truyền thông đại chúng: 

- Rõ ràng, ngắn gọn, gây sốc, cấu tạo chung quanh những "từ khóa" (key words, mots clé) được coi như là thương hiệu của tổ chức;

- Chứa đựng những hình ảnh cụ thể. Quần chúng chỉ dễ tiếp nhận những gì cụ thể không đòi hỏi cố gắng suy luận và càng có hình dáng của một người càng tốt. Đặc biệt đối với một tổ chức chính trị tranh thủ hậu thuẫn quần chúng qua hình ảnh một, hay một vài người, hoặc lãnh tụ dễ hơn nhiều so với sử dụng hình ảnh chung của cả tổ chức;

- Chứng tỏ sự đoàn kết và gắn bó của tổ chức, chứng tỏ sự hãnh diện được là thành viên của tổ chức. Những xung đột nội bộ, những tiếng nói ly khai và những thái độ coi thường tổ chức của chính các thành viên có sức tàn phá đặc biệt.

3. Truyền thông cũng là một nguồn phiền toái và hiểu lầm gây nhiễu loạn trong sinh hoạt nếu những thông tin không chính xác, thiếu sót, hoặc trùng lặp. Một phương pháp để tránh nhắc lại nhiều lần một thông tin là soạn thảo những những tài liệu lập qui (nội qui, cẩm nang, tài liệu hướng dẫn v.v. ) mà mọi người đều có, mọi người đều phải áp dụng và cứ như thế mà làm.

4. Truyền thông cũng có thể là một dụng cụ phá hoại từ bên trong. Nó cho phép phổ biến những thông tin xuyên tạc và những lập luận gây chia rẽ. Mọi tổ chức, dù là công ty, hội đoàn hay chính đảng, đều rất dễ bị thiệt hại lớn vì những tranh cãi nội bộ. Không nhất thiết phải có sự xuyên tạc hay bịa đặt, chỉ cần những lập luận xung đột được phơi bày tổ chức cũng có thể bị tổn thất nặng nếu các thành viên có cảm nhận rằng những xung đột không thể hòa giải.

5. Một cách tương tự, truyền thông thường được sử dụng và lạm dụng cho những tranh chấp nội bộ. Các đại hội bầu lại ban lãnh đạo vì thế thường là những giai đoạn hiểm nghèo cho các chính đảng.

6. Trong mọi tổ chức đã đặt tới một tầm vóc nào đó, hệ thống truyền thông nội bộ cũng như hướng ngoại phải là ưu tư hàng đầu và được tổ chức thật chu đáo. Phải có một bộ phận đặc biệt phụ trách truyền thông. Trong truyền thông đối ngoại bộ phận này lựa chọn những gì cần công bố cũng như thời điểm và cách thức công bố với sự thỏa thuận của người hoặc định chế lãnh đạo cao nhất. Trong truyền thông đối nội cơ cấu tổ chức bình thường cũng là mạch thông tin, những người cầm đầu các đơn vị (phân bộ, chi bộ, uỷ ban v.v.) ngoài nhiệm vụ điều hành chuyên biệt của mình còn là những trung gian truyền thông giữa các thành viên và ban lãnh đạo. Khi một trung gian không đảm nhiệm đúng vai trò của mình, dù do thiếu khả năng hay thiếu thiện chí, là tổ chức bắt đầu lủng củng.

7. Hầu hết các tổ chức, dù là công ty, hiệp hội hay chính đảng đều có một dụng cụ truyền thông dưới dạng một nội san. Nội san này có thể được in ra và phân phối hoặc, như ngày càng thông thường, chỉ phổ biến qua mạng Internet. Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào nội san này vẫn phải do một bộ phận truyền thông của tổ chức đảm nhiệm về nội dung.

8. Một dụng cụ ngày càng lan tràn là các diễn đàn điện tử (e-groups) trong đó toàn bộ các thành viên, hoặc toàn bộ các thành viên thuộc một bộ phận của tổ chức, đều có thể gửi bài. Đây là một nội san mà tất cả mọi độc giả đều là thành viên ban biên tập. Phương thức này vừa tiết kiệm nhân sự quản lý vừa phóng khoáng nên đã nhanh chóng được hoan nghênh như một dụng cụ tuyệt vời để thông tin, học hỏi và đồng nhất hoá tổ chức. 

Tuy nhiên sau một thời gian người ta đã khám phá ra rằng nó rất nguy hiểm. Nhiều tổ chức đã tan vỡ vì những thông tin thiếu sót hoặc xuyên tạc  và những xung khắc hằn học. Diễn đàn trở thành một bãi chiến trường và tổ chức lâm vào tình trạng nội chiến liên tục. Hiện nay các diễn đàn điện tử hầu như chỉ còn được dùng trong những tổ chức hoặc nhỏ hoặc không cần kỷ luật như các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao hay các hội ái hữu v.v. Trong các tổ chức lớn và cần sự gắn bó, trừ trường hợp hiếm hoi của những tổ chức rất tự tin, các e-groups chỉ được dùng trong một số các đơn vị địa phương hoặc chuyên môn dưới sự giám sát của người trưởng đơn vị.

(Còn tiếp)


Việt Hoàng
(12/2016)