Những điểm yếu của Phong trào dân chủ Việt Nam (Việt Hoàng) (Phần 2d)

Phản ứng cá nhân là tránh xung đột, cố gắng luồn lách để giải quyết các vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân, từ bỏ tập thể có căn cước bất lợi để cố gắng hội nhập vào tập thể thượng lưu. Như trong thời Pháp thuộc đã có nhiều người từ bỏ căn cước Việt Nam, sống như người Pháp và cố gắng để có quốc tịch Pháp hoặc được người Pháp tin dùng.




Thiếu tổ chức - Những nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa các tập thể.

Phần tiếp theo trong tài liệu “Văn hóa tổ chức” của THDCĐN đó là những phân tích về “những nguyên nhân gây ra xung đột giữa các tập thể”. Đây là những khái niệm cơ bản mà các tổ chức chính trị và những người hoạt động chính trị nên quan tâm.

Nói đến đấu tranh là nói đến xung đột, bởi vì đấu tranh là nhằm xây dựng hay đề xướng một cái gì đó mà có thể nhiều người chống lại hoặc để phản bác một điều mà một số người khác, vì chính kiến hay vì quyền lợi, muốn duy trì. Xung đột giữa các thành phần xã hội với lập trường trái ngược là không tránh khỏi. Tất cả vấn đề chỉ là xung đột được giải quyết như thế nào, một cách ôn hòa qua thỏa hiệp trong khuôn khổ một luật pháp được mọi người chấp nhận hay bằng sự đàn áp của kẻ có bạo lực. Dân chủ là một phương thức tổ chức xã hội trong đó các xung đột được giải quyết một cách văn minh, ngược lại độc tài là một cách giải quyết hung bạo.

Một tổ chức, dù là tổ chức chính trị hay phi chính trị, đều nhắm thay đổi một hiện trạng. Một hội từ thiện nhắm thay đổi số phận của những người xấu số; các nhóm áp lực vận động để thay đổi một số chính sách hoặc biện pháp; một tổ chức chính trị nhắm thay đổi cách quản trị xã hội, hoặc bằng cách gây áp lực buộc nhà nước phải thực hiện những thay đổi mong muốn nếu không đủ mạnh, hoặc bằng cách giành lấy chính quyền để thực hiện mô hình xã hội và chính sách của của mình. 

Như vậy một tổ chức chính trị đúng nghĩa phải được quan niệm như một dụng cụ để thực hiện một dự án chính trị. Tổ chức phấn đấu giành chính quyền để thực hiện dự án chính trị của mình. Đấu tranh chính trị cam go và tiêu biểu nhất là đấu tranh để thay đổi chế độ chính trị, nghĩa là một cuộc cách mạng. Trong cuộc đấu tranh này đối thủ của tổ chức là đảng cầm quyền nhưng cũng có thể là những chính đảng khác, vì khác biệt chính kiến hay chỉ vì tranh giành ảnh hưởng.  Điều đầu tiên cần được ghi nhận là đấu tranh chính trị bao giờ cũng là đấu tranh có tổ chức. 

Phương thức giành chính quyền đi qua nhiều giai đoạn nhưng cuối cùng hậu thuẫn quần chúng vẫn là yếu tố quyết định. 

Quần chúng được hiểu là khối đông đảo những người không dành cho hoạt động chính trị một quan tâm bền bỉ nào và cũng không tham gia một tổ chức chính trị nào. Một tiến sĩ chính trị học cũng thuộc thành phần quần chúng nếu không đứng trong một tổ chức chính trị nào và không có ý định hoạt động chính trị. Đặc điểm của quần chúng là không gắn bó, mỗi người sống riêng lẻ, bình thường bất lực, khi được động viên thì ứng xử giống như một đám đông, nghĩa là một khối nhiều người không biết nhau đi theo sự hướng dẫn của những người cầm đầu.

Đâu là những nguyên nhân xung đột giữa các tập thể? Có ba nguyên nhân chính đưa đến mâu thuẫn và xung đột giữa các tâp thể:

1. Nguyên nhân thứ nhất là văn hóa.

Các thành viên của mỗi tâp thể thường ít nhiều chia sẻ với nhau cùng một cách hình dung các tập thể khác. Cách hình dung này chủ yếu dựa trên hai phương pháp: xếp loại và định hình.

- Xếp loại (categorization, catégorisation): phân chia các đối tượng thành những thành phần theo một số tiêu chuẩn.

- Định hình (stereotype): toàn bộ những điều được coi là những đặc tính chung về lối sống, thái độ, cách ứng xử v.v. của các thành viên của một tập thể  nào đó.

- Thành kiến (prejudice, préjugé): một lập trường hay một thái độ có sẵn đối với một tập thể nào đó, thường thường không thuận lợi cho tập thể này.

- Tập thể (group, groupe) : một khối người nhân định rằng mình có những điểm chung và ít hay nhiều cảm thấy gắn bó với nhau về những điểm chung đó.

Xếp loại là điều bắt buộc cho tiến bộ, kể cả tiến bộ khoa học, cho phép tiến tới từ những kết quả đã đạt được thay vì phải lập lại mỗi lần những cố gắng trí tuệ. Thí dụ như khi khám phá ra một loại động vật ăn cỏ mới thì người ta có nhiều lý do để tin rằng nó cũng có những đặc tính của các loài vật ăn cỏ đã được biết. Điều cần cảnh giác là xếp loại thường hay đi đôi với định hình và thành kiến và dễ dẫn tới kỳ thị và xung đột.

Định hình cũng là một điều cần thiết cho hoạt động trí tuệ và cho đời sống. Không có bộ óc nào đủ mạnh để lý luận lại từ đầu trong mọi trường hợp, chúng ta luôn luôn cần một có kết luận có sẵn để giản dị hóa cách suy nghĩ và hành động. Thí dụ như thấy đèn đỏ thì phải dừng xe mà không cần lý luận, ở nơi vắng vẻ thì nên tránh xa những người có bộ điệu hung dữ v.v. Ngay trong khoa học cũng cần dựa trên các định lý, định luật mà nhiều khi người ta đã quên cách chứng minh.

Tuy vậy đặc tính của những định hình trong quan hệ xã hội là chúng thường chủ quan và thiên lệch. Một mặt chúng có khuynh hướng đồng nhất hóa các thành viên của một tập thể khác bằng cách chú trọng tới những điểm giống nhau và coi nhẹ những điểm khác nhau; đây là khuynh hướng đánh đồng, cào bằng. Mặt khác chúng thường có khuynh hướng đánh giá thuận lợi cho tập thể mình và bất lợi cho các tập thể khác (không thiếu những người cho rằng dân tộc mình là tinh hoa nhất, như người Do Thái tự coi là dân tộc được Thượng Đế chọn, người Việt Nam cho rằng văn hóa Việt Nam tinh hoa bậc nhất thế giới v.v.)

Mỗi tập thể có thể có những thành kiến và định hình khác nhau về những tập thể khác. Thí dụ một số đông đảo người Châu Âu nhìn người Do Thái như là người thông minh, kinh doanh giỏi nhưng keo kiệt; một số người Việt Nam nhìn các ca sĩ như là lớp người phóng túng trong quan hệ nam nữ v.v. Nếu những định hình này gợi ý một cách tiêu cực chúng có thể tạo ra một tâm lý chống đối, thể hiện qua thái độ và cách ứng xử, dần dần tạo ra một thế xung đột thực sự.

Như vậy, ngay do sự kiện hiển nhiên là có những tập thể khác nhau trong xã hội mầm mống xung đột đã bắt đầu.

2.  Nguyên nhân thứ hai là mâu thuẫn quyền lợi.

Sự tranh giành quyền lợi và chỗ đứng gần như là tự nhiên giữa các tập thể. Quyền lợi có thể là một tài nguyên thiên nhiên, một thị trường, một ưu thế kinh tế, hay quyền lực chính trị. Chỗ đứng có thể là sự kính nể và những ưu tiên mà một tập thể được hưởng trong xã hội, thí dụ như những người có bằng cấp cao thường được dành một chỗ đứng cao trong xã hội Việt Nam. Sau cùng, xã hội càng văn minh thì các quyền tự do căn bản càng trở thành những quyền lợi phải được bảo vệ.

Trong các đối tượng tranh giành thì quyền lực là điều tạo ra sự tranh giành gay go nhất. Tranh giành quyền lực diễn ra giữa các tập thể cũng như ngay trong nội bộ các tập thể. Trong suốt quá trình tiến hóa của loài người, trừ ở những nước văn minh trong một thời gian gần đây, quyền lực đồng nghĩa với ưu tiên sử dụng thực phẩm và khả năng quyết định trên tính mạng của người khác cho nên quyền lực gắn liền với an ninh và phúc lợi. Dần dần tìm kiếm quyền lực trở thành một bản năng và quyền lực trở thành điều tự nó đáng mơ ước.

Ngay trong các xã hội văn minh quyền lực chính trị cũng là quyền lực cao nhất và là đầu mối của nhiều quyền lợi vật chất cũng như tinh thần nhất, do đó cũng là nguyên nhân của những tranh giành mạnh mẽ và khốc liệt nhất.

Một giải thích đầu tiên cho các xung đột giữa các tập thể là lý thuyết thường được gọi là "lý thuyết các xung đột thực sự" cho rằng mọi xung đột giữ các tập thể đều có thể giải thích bằng sự tranh giành một quyền lợi. Mọi tập thể đều hành động một các thuần lý để giành phần hơn về mình. Xung đột xẩy ra khi quyền lợi của một tập thể chỉ có thể được bảo đảm với sự xóa bỏ hoặc giảm thiểu quyền lợi của một tập thể khác. Một thí dụ là nguồn nước Mékong. Lượng nước của Cam-bốt và Việt Nam bị đe dọa nếu Trung Quốc và Thái Lan thẳng tay xây dựng các công trình giữ nước trên thượng nguồn. Một thí dụ khác là các chính quyền tham nhũng. Quyền lợi của người dân chỉ có thể cải thiện nếu sự bóc lột giảm bớt, nhưng bản chất của sự bóc lột là  tăng lên thay vì giảm xuống cho nên chống đối chính quyền gần như là một bắt buộc của quần chúng nếu muốn đẩy lùi tham nhũng.

Hậu quả không tránh khỏi của xung đột quyền lợi là:

- Tập thể tự coi là bị thua thiệt nhìn tập thể đối nghịch với con mắt thù ghét. Sự thù ghét này tăng lên với thời gian nếu lý do xung đột kéo dài; trong trường hợp lý do không còn xung đột thì sự xung đột cũng còn tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài sau đó.

- Cảm giác bị thua thiệt làm gia tăng mức độ liên đới giữa các thành viên trong tập thể nạn nhân.

- Với thời gian những định hình bất lợi về tập thể đối nghịch xuất hiện và được tăng cường trong cả hai tập thể. Cả hai bên đều ngày càng ghét nhau, người đáng quí nhất trong phe ta là người gần nhất với mẫu người của phe ta trong khi kẻ đáng ghét nhất trong phe địch là kẻ tiêu biểu nhất trong phe địch.

Một lý thuyết khác, được gọi là "lý thuyết các thiệt thòi tương đối" phản bác và bổ túc lý thuyết trên. Theo lý thuyết này thì nguyên nhân chính của xung đột không phải do mâu thuẫn quyền lợi, có thành phần được ưu đãi và thành phần bị ngược đãi, có những người bóc lột và những người bị bóc lột, mà ở chỗ thực tại không phù hợp với mong đợi, những ước vọng chính đáng không được thỏa mãn.

Lý thuyết này đã được lịch sử kiểm chứng. Có những dân tộc bị ức hiếp dã man trong hàng ngàn năm mà không bao giờ nổi dậy đấu tranh để tự giải phóng. Ngược lại các cuộc cách mạng lớn đều do tầng lớp khá giả cho rằng đáng lẽ mình phải có một chỗ đứng cao hơn và vùng dậy lật đổ giai cấp thống trị. Trong sinh hoạt xã hội người ta cũng thấy là những thành phần tương đối được ưu đãi thường dễ cảm thấy bất mãn và tranh đấu tích cực hơn là những thành phần thực sự thiếu may mắn. Lý do là vì thành phần này tự so sánh với thành phần có khả năng và có đóng góp tương đương với mình nhưng được quyền lợi nhiều hơn và cảm thấy đó là một bất công không thể chấp nhận. Tóm lại lý thuyết này cho rằng mâu thuẫn quyền lợi tuy là là điều kiện cần nhưng không phải là động cơ thực sự của đấu tranh; động cơ của đấu tranh là những mong đợi không được thỏa mãn. Những người không mong muốn một số phận khác không bao giờ nổi dậy. Vẫn theo lý thuyết này, yếu tố quan trọng nhất, vượt hẳn lên mọi yếu tố khác là nhận thức rằng có một chênh lệch quyền lợi và chỗ đứng quá đáng và không thể chấp nhận giữa tập thể mình và một tập thể khác. Chỉ có trong trường hợp này mới có thể xẩy ra đấu tranh quyết liệt.

Nhưng tại sao có những bất công quá đáng, thậm chí rất dã man như trường hợp các pharaon Ai Cập bắt dân xây kim tự tháp mà không bị chống đối? Đó là vì tầng lớp bị ức hiếp có một lý do nào đó để nghĩ rằng sự bất công đó là bình thường, hoặc là vì người ức hiếp mình quá cao, hoặc là vì chính mình quá thấp. Thí dụ người Ai Cập coi các pharaon không phải là người mà là thần thánh, người Trung Quốc coi vua là được mệnh trời v.v. Điểm chung của các tập đoàn bạo ngược là chúng thường tạo ra một huyền thoại nào đó để chứng minh rằng họ là một loại người đặc biệt hoặc có công lao đặc biệt. Kẻ độc tài nào cũng bắt các nạn nhân phải ghi ơn mình, hoặc tạo ra cho người dân mặc cảm của kẻ có tội chỉ sống yên nhờ được tha thứ. Chỉ có tranh đấu khi những nạn nhân tin rằng mình cũng không kém gì những kẻ thống trị mình và phải được đối xử bình đẳng.

3. Nguyên nhân thứ ba là để bảo vệ hoặc thăng tiến căn cước xã hội.

Một lý thuyết quan trọng khác về đấu tranh xã hội, và đấu tranh chính trị nói riêng, coi xung đột là phương tiện để thăng tiến căn cước xã hội, bằng cách thay đổi chỗ đứng tương đối giữa hai tập thể trên một tiêu chuẩn so sánh quan trọng.

Căn cước xã hội (social identity, identité sociale), hay căn cước tập thể, là một phần của mỗi người và gồm hai thành tố, một là ý thức rằng mình là thành viên của một tập thể nào đó, hai là giá trị, ý nghĩa và sự gắn bó mà ta dành cho tư cách thành viên này.

Căn cước xã hội vì thế rất quan trọng trong cái nhìn của xã hội, với những hậu quả tinh thần và vật chất đi cùng với cái nhìn này. Một cách tự nhiên mọi người đều muốn nâng cao căn cước xã hội để được quý trọng. Để hiểu lý thuyết này cần nhấn mạnh hai điểm:

Một là xung đột gay go dẫn đến tranh đấu chỉ xẩy ra trong sự tranh đua giữa hai tập thể. Nếu một tập thể nào đó muốn cải thiện căn cước xã hội của mình so với nhiều tập thể khác, nghĩa là muốn tiến nhanh hơn hoặc vượt qua nhiều thành phần xã hội, thì đó chỉ là cố gắng thăng tiến bình thường không tạo ra xung đột gay gắt.

Hai là tiêu chuẩn so sánh phải quan trọng. Mọi sự so sánh đều phải dựa trên một tiêu chuẩn nào đó và sự hơn kém giữa hai tập thể thay đổi tùy theo tiêu chuẩn so sánh. Nếu tiêu chuẩn là kiến thức thì thành phần trí thức hơn thành phần lao động, nhưng vị trí tương đối sẽ ngược lại nếu sức bắp thịt được chọn làm tiêu chuẩn. Trong thí dụ này cả hai tiêu chuẩn đều không đủ quan trọng để tạo ra xung đột. Xung đột chỉ có thể có khi tiêu chuẩn so sánh quan trọng đến nỗi tập thể thua kém không thể chấp nhận sự thua kém trong khi tập thể được ưu đãi cũng khó từ bỏ. Những tiêu chuẩn nhạy cảm và có sức động viên nhất là nhân phẩm, quyền lợi kinh tế và nhất là quyền lực chính tri.

Căn cước xã hội không trừu tượng như người ta có thể lầm tưởng. Nó là một phần của chính con người cho nên người ta rất đau nhức khi nó bị chà đạp. Hơn nữa cái nhìn của xã hội cũng luôn luôn đi kèm với những quyền lợi rất cụ thể như khả năng tìm công ăn việc làm, khả năng thăng tiến v.v. Căn cước xã hội là động cơ đấu tranh mạnh nhất. Trong lịch sử Việt Nam chưa có giai đoạn nào nước ta phát triển mạnh bằng thời kỳ Pháp thuộc. Văn hoá, kinh tế, hạ tầng cơ sở, dân sinh, dân quyền đều được cải thiện một cách ngoạn mục như chưa bao giờ thấy; người Pháp còn mở mang lãnh thổ và giành được cho chúng ta những thỏa ước biên giới với Trung Quốc rất thuận lợi cả trên đất liền lẫn trên biển. Dù vậy, đa số người Việt đã sẵn sàng hy sinh, kể cả hy sinh tính mạng, để chấm dứt chế độ Pháp thuộc và giành lại độc lập. Đó là vì căn cước dân tộc bị xúc phạm; người Việt Nam bị coi như là thấp kém so với người Pháp.

Trước một căn cước xã hội bất lợi con người có thể có hai cách phản ứng: phản ứng cá nhân hay phản ứng tập thể.

Phản ứng cá nhân là tránh xung đột, cố gắng luồn lách để giải quyết các vấn đề cá nhân bằng những giải pháp cá nhân, từ bỏ tập thể có căn cước bất lợi để cố gắng hội nhập vào tập thể thượng lưu. Như trong thời Pháp thuộc đã có nhiều người từ bỏ căn cước Việt Nam, sống như người Pháp và cố gắng để có quốc tịch Pháp hoặc được người Pháp tin dùng. Như hiện nay nhiều người cố gắng để được kết nạp vào đảng cộng sản hoặc được đảng cộng sản chấp nhận.

Tuy nhiên, chiến lược luồn lách chỉ giải quyết được mâu thuẫn và tránh được xung đột giữa hai tập thể nếu nó có khả năng thỏa mãn được tất cả hoặc đa số thành viên của tập thể bị bạc đãi. Muốn như vậy thì phải có hai điều kiện. Một là tập thể thượng lưu phải đủ cởi mở để sẵn sàng chấp nhận tất cả thành viên của tập thể thua thiệt (người Pháp phải sẵn sàng để mọi người Đông Dương trở thành công dân Pháp và đảng cộng sản phải sẵn sàng chấp nhận mọi người Việt Nam vào đảng). Hai là tất cả hoặc đa số thành viên của tập thể thua thiệt phải vừa chấp nhận từ bỏ căn cước của mình, nghĩa là một phần của chính mình, để bị đồng hóa vừa có khả năng hội nhập vào tập thể thượng lưu. Cả hai điều kiện này đều rất khó, hội đủ cả hai cùng một lúc là điều không thể có. Cho nên chủ nghĩa luồn lách chỉ là giải pháp cho một số rất ít người.

Tuy vậy, phản ứng tập thể không nhất thiết đưa đến xung đột và đấu tranh. Nó cũng có thể là cam chịu hoặc đặt vấn đề một cách khác để tránh xung đột. Đạo Phật, đặc biệt là Phật Giáo Tiểu Thừa, là cách giải quyết vấn đề nghèo khổ và ức hiếp bằng cách không quan tâm tới cuộc đời và tìm hạnh phúc trong sự triệt thoái về nội tâm và ngay trong chính sự nghèo khổ. Giai cấp sĩ phu Trung Quốc và Việt Nam trước đây lấy văn thơ và kinh sách thánh hiền làm thước đo giá trị con người để hãnh diện an bần lạc đạo và được coi là giai cấp đứng đầu xã hội, trong khi giai cấp thương nhân bị đánh giá thấp nhất trong xã hội lại lấy sự giầu có làm tiêu chuẩn so sánh để thấy mình là giai cấp thoải mái nhất. Các chiến lược tập thể nhắm tránh né xung đột này đã khiến con người chấp nhận thân phận mình và tạo ra một giai đoạn ổn định kéo dài rất lâu trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam.

Đấu tranh chỉ xẩy ra nếu một mặt giai cấp bị thua thiệt không thể tìm ra một tiêu chuẩn so sánh nào khác để thay thế tiêu chuẩn đã phơi bày sự thua thiệt của họ và, mặt khác, nếu các thành viên của tập thể thua thiệt ý thức rằng phải có một giải pháp chung cho cả tập thể chứ không thể luồn lách để tìm giải pháp cá nhân cho từng người một.

(Còn tiếp)

Việt Hoàng
(12/2016)