Những điểm yếu của Phong trào dân chủ Việt Nam (Việt Hoàng) (Phần 2b)

Lãnh tụ luôn luôn là điểm yếu của tổ chức. Phương thức hiệu nghiệm nhất để đánh phá một tổ chức là đánh vào lãnh tụ. Giải pháp trong chiến tranh là ám sát. Giải pháp thông thường là tố giác và nếu cần vu cáo, bôi bẩn để lãnh tụ mất uy tín. Mọi tổ chức, nhất là các tổ chức chính trị đều phải rất cảnh giác để bảo vệ lãnh tụ.


 
Thiếu tổ chức - Vai trò của người lãnh đạo.

Sau biến cố 1975, 41 năm đã trôi qua nhưng ngay tại hải ngoại thì cộng đồng người Việt vẫn chưa xây dựng được cho mình một vài tổ chức chính trị dân chủ đối lập thực sự có tầm vóc. Nhiều tổ chức ra đời và nhanh chóng tan vỡ. Di hại lớn nhất của sự đổ vỡ này là làm cho nhiều người con ưu tú của Việt Nam mất niềm tin vào sự kết hợp trong cùng một tổ chức và rồi hoặc là họ rút lui hoặc là hoạt động kiểu nhân sĩ. Lý do không phải do tổ chức, cũng không phải do họ mà do người Việt chúng ta chưa chịu dành thì giờ để nghiên cứu về tổ chức và văn hóa tổ chức. Chúng ta tham gia một công việc mà chưa tìm hiểu kỹ về nó, cũng như một bác sĩ, chưa học xong nhưng đã vội hành nghề. Tai nạn và đổ vỡ là không thể tránh khỏi.

Chúng tôi xin mời độc giả theo dõi tiếp phần hai nói về tổ chức và ‘văn hóa tổ chức’. Trong phần này chúng tôi sẽ phân tích về vai trò và sứ mệnh đặc biệt của người lãnh đạo trong một tổ chức.

Muốn thay đổi xã hội theo ‘khuôn mẫu đoạn tuyệt’, tức là ‘một tiến trình cách mạng trước một thực tại quá khác biệt với yêu cầu để có thể cải tổ dần dần, hoặc vì có một thế lực mạnh ngoan cố duy trì hiện trạng. Đây là thay đổi lớn, thay đổi bản chất của xã hội’ phải có những điều kiện sau đây :

1.       Một nhóm nhỏ đồng thuận với nhau về một hình ảnh xã hội, một số mục tiêu để thay đổi xã hội, và những phương thức để thực hiện các mục tiêu.

2.       Nhóm nhỏ này phải tự cô lập với thế giới bên ngoài, để đừng chịu ảnh hưởng của đa số mà mất đi sự độc đáo của mình.

3.       Nhóm này phát triển, hoặc trở thành đa số, hoặc tranh thủ được sự ủng hộ của đa số cho lập trường của mình.

(Tiến trình này cũng là tiến trình tiến hóa của các sinh vật, đặc biệt là tiến hóa từ vượn lên người).

Điều cần phải lưu ý trong mô hình đoạn tuyệt này là nó diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa một thiểu số độc đáo lúc ban đầu và một trật tự có sẵn. Nó kết thúc bằng sự toàn thắng của thiểu số lúc ban đầu với sự xóa bỏ trật tự cũ để thay thế bằng trật tự mới. Điều kiện không có không được là thiểu số chủ trương thay đổi phải tự cô lập để chỉ tác động lên thế giới bên ngoài chứ không để cho thế giới bên ngoài tác động lên mình. Nếu không thì thiểu số sẽ bị hòa tan và mất đi sự độc đáo.

Tổ chức là dụng cụ của thay đổi xã hội, nhưng chính tổ chức cũng cần thay đổi để thích nghi với tình huống. Một tổ chức thường phải gắn bó (cùng mục tiêu, cùng giá trị, cùng chuẩn mực và qui luật) nên thay đổi theo khuôn mẫu đoạn tuyệt không thể thực hiện được. Mọi thay đổi về mục tiêu, chiến lược, nội qui vì vậy phải xuất phát từ ban lãnh đạo nếu không tổ chức sẽ tan vỡ.

Không có mối nguy nào lớn hơn cho một tổ chức là một số thành viên liên kết với nhau thành một tổ chức trong tổ chức để đòi thay đổi. Để tránh tình trạng này thì mỗi đơn vị trong tổ chức chỉ biểu quyết về những vấn đề thuộc phần nhiệm vụ của mình. Các quyết định chung phải do ban lãnh đạo chung đứng ra tổ chức thảo luận và biểu quyết chung, mỗi thành viên phát biểu và biểu quyết với tư cách cá nhân trên những vấn đề chung.

Đòi thay đổi có khi chỉ là lý cớ của một thiểu số để che giấu những bất mãn không tiện nói ra. (Mao Trạch Đông đã nhân danh cách mạng văn hóa để triệt hạ các đối thủ khi cảm thấy bị cô lập, các nhóm Lê Khả Phiêu và Võ Nguyên Giáp đôi khi cũng đòi dân chủ hóa Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ vì bất mãn). Trong trường hợp này, thiểu số này hoặc không đưa những đề nghị thay đổi lên ban lãnh đạo, hoặc chỉ đưa yêu sách lên ban lãnh đạo sau khi đã thành một nhóm. Cũng có khi họ đòi hỏi những thay đổi tai hại hoặc không thể thực hiện.

Phương thức duy nhất để một tổ chức chính trị thích nghi với tình huống, tồn tại và phát triển là thay đổi trong sự liên tục. Muốn như vậy cần một ban lãnh đạo sáng tạo và tài năng.

Ban lãnh đạo cần ý thức rằng chẳng thà khiến các thành viên mệt mỏi vì thay đổi còn hơn là để cho đòi hỏi thay đổi đến từ cơ sở.

Một đòi hỏi thay đổi đến từ bên trong nội bộ tổ chức thường được đón nhận một cách thuận lợi hơn là một đòi hỏi đến từ bên ngoài.

Một cá nhân khi gia nhập tổ chức tâm đắc những giá trị và chuẩn mực của tổ chức để cải tiến chính mình, ngược lại cũng có bản năng muốn thay đổi tổ chức theo ý mình và do đó cải tiến tổ chức. Việc một thành viên muốn thay đổi tổ chức tự nó là tốt, với điều kiện là không có những tổ chức được thành lập trong tổ chức để làm áp lực.

Tổ chức cho phép cá nhân dám có những ý kiến mạnh bạo mà bình thường họ không có. 

Như vậy, tổ chức là nơi sản xuất và chọn lọc ý kiến. Một người dù thông minh và học hỏi nhiều nếu không tham gia một tổ chức nào cũng có rất ít hy vọng có được những ý kiến đặc sắc.

Tổ chức là một lò đào tạo. Một người hoạt động lâu dài trong tổ chức có sự phán đoán và kiến thức chính xác hơn một người có học vị cao mà không sinh hoạt tổ chức.

Tổ chức không chỉ cho phép đạt tới đồng thuận trong những kịch bản chung. Điều cũng quan trọng không kém là tổ chức còn cho phép cải thiện phẩm chất của các kịch bản, nói cách khác là cải tiến khả năng suy nghĩ. Qua trao đổi và thảo luận các kịch bản dở bị nhận diện và loại bỏ, các kịch bản khác được hội nhập để bổ túc cho nhau và cuối cùng kết hợp thành những kịch bản được lưu giữ vì có phẩm chất nhất. Một cá nhân cũng lý luận theo những kịch bản, nhưng đó là những kịch bản chưa được thảo luận và cải tiến ; có rất nhiều triển vọng đây là những khung lý luận sai.

Như vậy, tổ chức là môi trường cần thiết để sản xuất ra những ý kiến và cũng là điều kiện để có những ý kiến đúng.

Một tổ chức dân chủ và cởi mở trong đó mọi ý kiến đều được tự do phát biểu còn có vai trò cải tiến các khái niệm và chính xác hóa ngôn ngữ, bởi vì qua đối đầu và so sánh các định nghĩa sai được sửa đổi, các lý luận thiếu sót được bổ sung và cuối cùng chỉ còn được giữ lại những khái niệm và lý luận đã được thử thách và chọn lọc. Ngược lại, một tổ chức độc đoán và giáo điều, trong đó các thành viên không được phê phán mà chỉ có quyền chấp nhận và minh họa những gì được coi là chính thống, rất dễ đưa tới sự mù quáng tập thể.

Một vai trò quan trọng của tổ chức là giáo dục và đào tạo. Mọi người đều đồng ý rằng hợp quần gây sức mạnh. Khi thực sự muốn thay đổi một thực trạng và người ta nhận ra là các trở ngại rất lớn (vì thực trạng nào cũng có lý do của nó) và cảm thấy không đủ sức làm một mình, vì thế người ta tìm đến với một tổ chức và chấp nhận những hệ lụy của tổ chức như cái giá phải trả để thực hiện sự thay đổi. Điều cần ý thức là đó không phải chỉ là sức mạnh vật chất, như một bức tường có trọng lượng lớn hơn một viên gạch và cũng chắc chắn hơn nhiều viên gạch chồng lên nhau. Đó còn là sức mạnh tinh thần, khiến con người thông minh hơn, sáng suốt hơn, dũng cảm hơn và có kiến thức chính xác hơn.

Vai trò của xã hội dân sự, tức là các tổ chức độc lập không phụ thuộc và chi phối bởi chính quyền có một vai trò hết sức quan trọng trong bất kỳ một xã hội văn minh nào.

Một đất nước không có xã hội dân sự tự do thì sẽ hoặc trì độn và thiếu ý kiến, hoặc không thể có đồng thuận trên những ý kiến đúng đắn. Tiến bộ của một xã hội phải đi qua một xã hội dân sự tự do. Không có xã hội dân sự tự do thì không thể có tiến bộ và giàu mạnh, đó là một điều kiện bắt buộc. Quyền tự do thành lập và tham gia các tổ chức quan trọng không kém tự do ngôn luận và báo chí.

Trong một tổ chức thì vai trò của người lãnh đạo cũng rất quan trọng, thậm chí đôi khi liên quan đến sự sống còn của tổ chức. Trong các tổ chức thiện nguyện (chính đảng, hội từ thiện, câu lạc bộ văn hóa) trong đó các thành viên chỉ đóng góp mà không có lương bổng, và quyền lực của lãnh đạo hoặc không được qui định rõ rệt hoặc không thể sử dụng triệt để, các phương tiện không dồi dào, thì uy tín của người lãnh đạo gần như là tất cả.

Tổ chức càng lớn thì uy tín càng cần thiết vì lãnh tụ càng phải có đôi vai thật vững chắc để gánh chịu thay cho tổ chức những thiệt hại và bất mãn không tránh khỏi trong mọi tổ chức và gia tăng với tầm vóc của tổ chức.

Lãnh đạo thường phải có một trong ba yếu tố sau nhưng thường thì là kết hợp của cả ba yếu tố tạo nên sự chính đáng của một người lãnh đạo:

1. Lãnh đạo thu phục: Người lãnh đạo có sự chính đáng vì được ưa chuộng và mến phục, vì được coi là có những khả năng và phẩm chất đặc biệt. Loại lãnh tụ này rất bất ổn vì nếu uy tín bị mất thì lãnh tụ không còn hành động được. Nó nguy hiểm cho tổ chức vì vừa khó chuyển giao cho một người thừa kế, vừa tạo ta một điểm tập trung những đánh phá chống lại tổ chức. Nó nguy hiểm cho chính lãnh tụ vì mọi tấn công vào tổ chức trước hết nhắm vào lãnh tụ. 

Bù lại nó rất hiệu lực, nhất là đối với một tổ chức chính trị. Một lãnh tụ có uy tín và sức thu hút khiến cho tổ chức được quần chúng chú ý và mến phục, điều kiện tối cần thiết để tổ chức có thể phát triển và thành công. Các tổ chức chính trị vì vậy thường cố tạo ra một hình ảnh lãnh tụ xuất chúng nhiều khi không đúng với sự thực. 

Trong nội bộ, một lãnh tụ uy tín tạo ra sự phấn khởi và bảo đảm sự ổn vững của tổ chức vì ít có nguy cơ xảy ra tranh giành quyền lực, và nếu có cũng giải quyết được nhanh chóng vì lãnh tụ đủ uy tín để kiểm soát được tình thế.

Hơn nữa, tổ chức nào, dù điều hành khôn khéo tới đâu, cũng không tránh khỏi những mất mát và thiệt hại. Một quyết định dù đúng đắn tới đâu cũng không thể làm hài lòng mọi người. Những phê phán và trách cứ nếu không giải tỏa được thì nên và phải hướng vào người lãnh đạo thay vì vào chính tổ chức. Một người lãnh đạo có uy tín lớn sẽ có nhiều hy vọng đảm nhiệm được vai trò hy sinh này mà không gây khủng hoảng cho tổ chức.

2. Lãnh đạo tự nhiên : Sự chính đáng do dòng dõi (con vua thì lại làm vua), do công lao và hy sinh (Vaclav Havel, Nelson Mandela), do có những đặc tính được xã hội có thói quen đánh giá cao (thượng tọa, giám mục, tiến sĩ…). Sonia Gandhi, một cựu nữ tiếp viên hàng không người Ý trở thành chủ tịch đảng Quốc Đại Ấn Độ chỉ vì đã là con dâu gia đình Gandhi-Nehru. Loại chính đáng này dựa trên truyền thống, thành tích trong quá khứ, thành kiến và bất bình đẳng. Lập luận căn bản là "dĩ nhiên là phải thế !". Bù lại lãnh đạo tự nhiên có cái lợi là dựa trên một tiêu chuẩn giản dị mà mọi người hiểu được và do đó tránh được tranh cãi. Các quốc hội mới được bầu trong phiên họp đầu tiên thường dùng lý do tự nhiên để chọn người lớn tuổi nhất làm chủ tọa và người nhỏ tuổi nhất làm thư ký. 

3. Lãnh đạo dân chủ và hợp lý: Sự chính đáng dựa trên bầu cử dân chủ và những văn kiện qui định quyền hạn. Ở những cấp thấp hơn, sự chính đáng là do người lãnh đạo được bổ nhiệm bởi một uy quyền chính đáng. Ở đây chức vụ quan trọng hơn con người. Sự chính đáng dân chủ tùy thuộc ở cách mà người lãnh đạo được chỉ định hơn là những quyền hành được qui định. Một chủ tịch do toàn bộ thành viên bầu ra với những quyền hành giới hạn mạnh hơn là một chủ tịch toàn quyền do ban chấp hành bầu.

Một tổ chức chính trị cần có một lãnh đạo đáp ứng được một lúc hai yêu cầu:

-Là người có khả năng để điều hành tốt công việc của tổ chức (nhu cầu lãnh đạo).

-Là khuôn mặt có uy tín và có sức thu hút để làm biểu tượng cho tổ chức và có khả năng làm hiện thân cho tinh thần của tổ chức (nhu cầu biểu tượng).

Lãnh tụ biểu tượng cần trong những tổ chức cần vận động quần chúng, hay trong các tổ chức có tầm vóc lớn, có số thành viên đủ đông đảo để sự gắn bó trở thành một vấn đề. Trong trường hợp này biểu tượng cần hơn lãnh đạo.

Sự thành công hay thất bại của tổ chức tùy thuộc vào hình ảnh của tổ chức và sự hưởng ứng của quần chúng, mà quần chúng luôn luôn đòi hỏi một khuôn mặt chứ không thể ủng hộ một lý thuyết trừu tượng hay một chương trình phức tạp. Đây là một hiện tượng đã được các nhà phân tâm học nhận diện và gọi là hiện tượng đồng hóa. Một cách tóm tắt, người ta chỉ dấn thân, tham gia hay ủng hộ khi có thể nhìn thấy mình trong một cái gì đó, và con người dễ nhìn thấy mình nhất trong hình ảnh một người khác.

Một vai trò quan trọng của lãnh tụ là giữ gìn gắn bó của tổ chức:

- Điều quan trọng nhất của tổ chức là lãnh tụ (là người vừa là người lãnh đạo vừa là biểu tượng) chứ không phải mục tiêu và lý tưởng vì mục tiêu và lý tưởng cũng phải được thể hiện qua lãnh tụ. Đối với bên ngoài, tổ chức và lãnh tụ là một.

Người ta gia nhập tổ chức vì lãnh tụ, và phản xạ tâm lý tự nhiên là muốn dành lãnh tụ cho riêng mình, hay ít nhất muốn được lãnh tụ đặc biệt chiếu cố mình.

- Đòi hỏi này dĩ nhiên là không thể thỏa mãn, bởi vì lãnh tụ bắt buộc phải quí mến mọi người trong tổ chức như nhau. Kết quả là một sự thất vọng và tức tối, có thể đưa đến những hành động vô trách nhiệm, thậm chí rời bỏ tổ chức.

- Nếu thắng được tâm lý này và hiểu được tình trạng này, thành viên sẽ lấy lãnh tụ làm đối tượng để hướng tới, khiến mình trở thành gần gũi, hay có thể hợp nhất hóa với lãnh tụ. Chính cố gắng hợp nhất hóa này của các thành viên gắn bó họ với nhau và tạo ra sự bền chắc của tổ chức.

Trong một tổ chức chính trị thì vai trò và nhiệm vụ của một người lãnh đạo đó là:

- Người lãnh đạo phải là người thấu hiểu bối cảnh lịch sử, văn hóa, kỹ thuật, kinh tế, tâm lý và các giá trị đang khống chế xã hội, dù để bảo vệ hay để thay đổi hiện trạng xã hội. Người lãnh đạo phải là người hiểu biết.

- Vai trò của "lãnh đạo điều hành" không quan trọng bằng vai trò "lãnh đạo biểu tượng" của các giá trị mà tổ chức bảo vệ hoặc phát huy. (Ngô Đình Diệm giỏi hơn Hồ Chí Minh, nhưng Hồ Chí Minh thể hiện đúng hơn những giá trị của xã hội Khổng giáo Việt Nam và ý chí đấu tranh giành độc lập của người Việt Nam).

Vai trò chính của lãnh đạo là lập qui (lập ra những qui định và phương pháp thực hiện các công tác). Vai trò này không do một người đảm nhận mà do một ban lãnh đạo và một khi đã có các qui định và phương pháp thì chúng có cuộc sống độc lập, mọi người phải phù hợp với chúng.

- Nội qui (qui ước sinh hoạt, bản điều lệ) là hợp đồng làm việc chung của các thành viên và là nền tảng của tổ chức. Mỗi thay đổi nội qui là một lần hủy bỏ hợp đồng cũ và là lý do chính đáng để một thành viên rời bỏ tổ chức. Do đó mà thay đổi nội qui nếu không được tất cả thì cũng phải được một đa số rất lớn đồng tình. Nội qui cần được thay đổi để phù hợp với tình huống mới, nhưng cũng không được thay đổi thường xuyên để tránh gây chao đảo và bối rối cho tổ chức.

- Nội qui và các văn kiện tổ chức tạo ra một quyền lực khách quan và vô hình áp đặt lên mọi người. Chúng có ưu điểm quyết định là khiến mọi thành viên hiểu các hoạt động của tổ chức và giảm bớt xung đột nội bộ (mọi người đều phải tôn trọng qui luật), nhưng nếu quá chi tiết và cứng chắc chúng có nguy cơ làm tê liệt sáng kiến và sự hăng say, đồng thời cũng có thể khiến tổ chức trở thành nặng nề và khó thích nghi với những tình huống mới.

Một lãnh tụ cũng phải đương đầu với rất nhiều sóng gió:

Lãnh tụ luôn luôn là điểm yếu của tổ chức. Phương thức hiệu nghiệm nhất để đánh phá một tổ chức là đánh vào lãnh tụ. Giải pháp trong chiến tranh là ám sát. Giải pháp thông thường là tố giác và nếu cần vu cáo, bôi bẩn để lãnh tụ mất uy tín. Mọi tổ chức, nhất là các tổ chức chính trị đều phải rất cảnh giác để bảo vệ lãnh tụ.

- Lãnh tụ mất uy tín trong nội bộ thì không bảo vệ được tổ chức; lãnh tụ có hình ảnh xấu đối với bên ngoài thì không thu hút được sự hỗ trợ của quần chúng cho tổ chức.

- Một lý tưởng đẹp, những lập trường trong sáng và một đội ngũ lãnh đạo mạnh có tác dụng làm giảm sự cần thiết của lãnh tụ. Muốn giảm tầm quan trọng của lãnh tụ thì cần quán triệt mục tiêu và tinh thần của tổ chức.

- Tổ chức càng chặt chẽ bao nhiêu, nghĩa là các chức vụ và quyền hạn được định nghĩa rõ rệt, thì vai trò lãnh đạo càng dễ và ít gây bất mãn, khả năng duy trì sự gắn bó nội bộ của lãnh tụ càng nhẹ, tổ chức càng bền vững...

(Còn tiếp)

Việt Hoàng
(25/12/2016)