Những điểm yếu của Phong trào Dân chủ Việt Nam (Việt Hoàng) (Phần 2a)

Đặc tính của một người có văn hóa tổ chức là cảm thấy có nhu cầu tham gia vào một tổ chức và chấp nhận một cách dễ dàng những bó buộc của sinh hoạt tổ chức.


 
Thiếu tổ chức.

(Các bài viết này được tóm tắt từ một tài liệu nội bộ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có tên gọi là “Văn Hóa Tổ Chức”)

Thế nào là một tổ chức? Định nghĩa đơn giản nhất đó là: “Tổ chức là tập hợp của một nhóm người cùng theo đuổi một lý tưởng hay những mục tiêu chung. Trong tổ chức có sự phân công và có cấp bậc không bình đẳng”.

Tổ chức chính trị là một tổ chức phức tạp nhất và cao nhất trong các hình thái của các tổ chức vì nó có nhiều mục tiêu khác nhau và có tham vọng cầm quyền để nhằm thực thi một dự án chính trị đã đề nghị trước đó.

Hiện tại VN có khoảng 22 tổ chức thuộc “xã hội dân sự”, trong tương lai sẽ có những tổ chức thoát thai để trở thành các tổ chức chính trị. Vấn đề tổ chức khi đó và kể cả hiện nay sẽ là yếu tố quyết định để tổ chức tồn tại và phát triển. 

Một tổ chức muốn phát triển thì bắt buộc phải có “Văn hóa tổ chức”. Người Việt rất thiếu và có ít hiểu biết về văn hóa tổ chức vì vậy người Việt không có những tổ chức hay công ty lớn tầm cỡ thế giới. Vậy “văn hóa tổ chức” là gì? Văn hóa có nhiều nghĩa:

1. Văn hóa được hiểu như kiến thức hay học thức (thí dụ : trình độ văn hóa)

2. Văn hóa được dùng để chỉ toàn thể các bộ môn liên quan đến văn học, nghệ thuật (thí dụ : trung tâm văn hóa, tuần lễ văn hóa)

3. Văn hóa được dùng thay cho văn minh (thí dụ : văn hóa Đông Sơn)

4. Văn hóa là toàn bộ các giá trị được coi là đúng và quyết định cách ứng xử của những con người trong một xã hội (thí dụ : văn hóa Khổng Giáo)

5. Văn hóa là toàn bộ những thói quen và phản xạ trong việc tìm giải đáp cho các vấn đề (thí dụ : một số nhà xã hội học châu Âu phê phán giới chủ nhân Mỹ là theo "văn hóa sa thải" hay "văn hóa lợi nhuận").

Trong cụm từ "văn hóa tổ chức", từ "văn hóa" được hiểu theo nghĩa thứ 4 và thứ 5, hai nghĩa này khá gần với nhau.

Một người chỉ có thể sinh hoạt lâu dài trong một tổ chức nếu hiểu và chấp nhận được “văn hóa tổ chức” của tổ chức. Cũng chỉ có những người có hoài bão, mục tiêu và ý chí lớn lao mới có thể có “văn hóa tổ chức”. Những người hời hợt hoặc không có “căn cước thật”, tức là tham gia vào tổ chức vì lợi ích và mục tiêu cá nhân thì không thể có được “văn hóa tổ chức” và sớm muộn cũng bỏ cuộc. Chúng ta vẫn nhớ câu “Muốn đi nhanh thì hãy đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi chung với những người khác”.

Chúng ta cũng cần biết một điều rất giản dị đó là một người có kiến thức chuyên môn cao không đồng nghĩa với việc người đó có “văn hóa tổ chức”. Các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới cũng như các tập đoàn lớn đều không phải là các nhà khoa bảng như giáo sư, tiến sĩ…

ĐCSVN “thành công” cũng nhờ vào “văn hóa tổ chức” dù đó là thứ “văn hóa khủng bố”. 

Theo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì tổ chức là một tập thể với ít nhất năm đặc tính:

1           1. Có một hay nhiều mục tiêu rõ rệt.

2. Có qui định một hệ thống không bình đẳng về thẩm quyền quyết định, và hệ thống quyền lực này được thực sự áp dụng (một tập thể trong đó mọi người đều có mọi quyền như nhau không phải là một tổ chức).

3. Có sinh hoạt liên tục và kéo dài trong nhiều thời gian (một khóa hội thảo cũng có mục tiêu, có chủ tọa, thư ký nhưng không phải là một tổ chức)

4. Có một số thành viên tương đối đông đảo, trên 20. (Từ 8 người trở xuống là một nhóm nhỏ không cần một cơ chế nào, mọi việc cần làm đều có thể quyết định một cách trực tiếp và dân chủ. Từ 8 đến 20 người là một tổ chức đang thành hình).

5. Có một mức độ tự quyết lớn, thí dụ như có quyền lấy quyết định tự giải thể (một tiểu đoàn quân đội không phải là một tổ chức).

Cũng theo quan điểm của chúng tôi thì một chính đảng hoặc các tổ chức tương đương là những liên kết có mục đích tạo ra một lực lượng tranh đấu cho một số mục tiêu chung. Có mục đích rõ rệt, đồng thuận cao, khả năng tự quyết cao, kỷ luật vừa phải và chủ yếu dựa trên tự giác, sinh hoạt một cách dân chủ, đại bộ phận thành viên không đươc trả lương mà còn phải đóng góp.

“Văn hóa tổ chức” cũng khác với “kỹ thuật tổ chức”. Văn hóa tổ chức giúp ta giữ gìn và phát triển tổ chức trong khi kỹ thuật tổ chức cho phép thực hiện tốt một công tác cụ thể nào đó, thí dụ như tổ chức một đám cưới, một khóa hội thảo, một đêm văn nghệ hay điều khiển một nha sở trong một cơ quan hoặc công ty. Một người có thể rất giỏi về kỹ thuật tổ chức những đêm văn nghệ hoặc có thể là một giám đốc tốt trong một công ty nhưng thiếu văn hóa tổ chức và không thấy nhu cầu phải tham gia một tổ chức nào ngoài những tập thể bắt buộc để sinh sống (gia đình, cơ quan, xí nghiệp, v.v.).

Đặc tính của một người có văn hóa tổ chức là cảm thấy có nhu cầu tham gia vào một tổ chức và chấp nhận một cách dễ dàng những bó buộc của sinh hoạt tổ chức.

Những người không có, hoặc thiếu, văn hóa tổ chức thì hoặc không thể tham gia, hoặc không thể chịu đựng lâu dài những gò bó, bực bội và thất vọng không tránh khỏi trong một tổ chức.

Càng năng động bao nhiêu, cá nhân càng có nhu cầu hội nhập với các tổ chức bấy nhiêu. Sự hội nhập này thường là hội nhập ít nhiều tự nguyện và có chủ đích, vì thế thành viên không những chỉ chấp nhận những mục tiêu, giá trị và chuẩn mực của tổ chức mà còn tác động lên tổ chức để thay đổi ít nhiều các mục tiêu, giá trị và chuẩn mực này theo ý mình. Nhờ những đụng chạm này, có khi ôn hòa có khi căng thẳng, mà thành viên vừa phát triển về trí tuệ và nhận thức vừa tâm đắc hơn với những giá trị và chuẩn mực của tổ chức. Ở một mức độ hội nhập cao hơn, thành viên đồng hóa mình với mẫu người của tổ chức (thể hiện qua một số thành viên có uy tín) và với lý tưởng của tổ chức.

Hai lý do hội nhập (hội nhập bằng cách thích nghi và hội nhập vì nhu cầu) luôn luôn đi song song với nhau nhưng với kết quả là tạo ra những con người hiểu biết nhau, theo đuổi cùng một mục tiêu, chia sẻ những giá trị chung, sử dụng cùng một ngôn ngữ, và có cách suy nghĩ gần giống nhau. Họ dễ đi đến một quan điểm chung trước cùng một vấn đề và hành động chung một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đó chính là sức mạnh của tổ chức.

Tổ chức đồng thời cũng là “môi trường phân biệt”. Tổ chức càng lớn bao nhiêu thì sự cám dỗ, đối với mọi thành viên, để chứng tỏ sự khác biệt của mình càng lớn. Nhu cầu phân biệt này tự nó là một điều tốt vì tạo ra sự tranh đua về khả năng cũng như trong những đóng góp cho tổ chức, nhưng nhiều khi được thể hiện một cách tai hại cho tổ chức như đòi hỏi được giữ những chức vụ hay đảm nhiệm những vai trò vượt quá khả năng của mình.

Như vậy tổ chức phải giải quyết được biện chứng căn bản là, một mặt hội nhập các thành viên để có sức mạnh, mặt khác giải quyết được nhu cầu phân biệt mình với người khác của mỗi thành viên.

Một tổ chức dân chủ, nếu thể hiện một cách triệt để tinh thần bình đẳng và tình anh em có thể giảm thiểu mâu thuẫn này, nhưng bù lại việc duy trì kỷ luật và bảo đảm hiệu quả sẽ tế nhị hơn.

Đây là một bài toán khó khăn, không phải lúc nào cũng giải quyết được. Nếu nhu cầu phân biệt quá mạnh, xuất phát từ ý muốn vượt lên trên các thành viên khác bằng cách chứng tỏ sự kiệt xuất của mình trong khi khả năng của mình không ngang tầm với tham vọng này, thành viên có thể đi từ thất vọng này đến thất vọng khác, mất dần uy tín trong tổ chức và mất sự gắn bó với tổ chức, sau cùng cũng có thể rời bỏ tổ chức. Nhu cầu này cũng là lý do khiến nhiều người đi tới một chọn lựa không thuần lý là chẳng thà làm thành viên của một tổ chức nhỏ và lỏng lẻo không có một tương lai nào nhưng trong đó mình được coi là xuất sắc và giữ một vai trò quan trọng chứ không gia nhập, hoặc ở lại, một tổ chức đầy triển vọng nhưng trong đó mình khó có thể có vai trò nổi bật.

Tình trạng phe nhóm trong cùng một tổ chức vô cùng độc hại do tác dụng của hiệu ứng phân biệt này. Tình trạng phe nhóm trong một tổ chức cũng tương tự như tình trạng một liên minh của nhiều tổ chức, càng gần nhau sự xung đột càng mạnh. Mọi hành động và phát biểu của những người trong các phe nhóm sẽ không còn dựa trên tiêu chuẩn đúng hay sai, có lợi hay có hại cho tổ chức mà dựa trên sự liên đới phe nhóm; một đề nghị không còn là hay hay dở mà trước hết là của "phe ta" hay "phe địch".

Trong trường hợp cụ thể của một phe nhóm chống lại ban lãnh đạo, nhóm này sẽ không thể tranh thủ được những thành viên hay cảm tình viên mới cho tổ chức vì không thể thuyết phục một người tham gia tổ chức để chống lãnh đạo, hay ngay cả một bộ phận khác của tổ chức. Tâm lý chung là người ta chỉ tham gia một tổ chức nếu ủng hộ mục tiêu, tán thành cách sinh hoạt và tín nhiệm lãnh đạo; và người ta cũng chỉ gia nhập các tổ chức có đoàn kết nội bộ. Như vậy phe này chỉ có thể tranh thủ những người trong tổ chức vào phe mình bằng cách khai thác những bất mãn, và muốn thế phải tạo thêm bất mãn nếu cần. Có hai trường hợp có thể xẩy ra: 

-Một là nếu tổ chức không đủ lành mạnh, bất mãn và xung đột nội bộ sẽ gia tăng và đưa tổ chức đến tan rã, trừ khi phe bất mãn đủ mạnh để loại bỏ ban lãnh đạo và sau đó đủ bản lãnh để phục hưng tổ chức; 

-Hai là nếu tổ chức đủ lành mạnh nhóm chống đối sẽ ngày càng cô lập, một nhóm thành viên của nhóm sẽ rời tổ chức vì thấy không còn tương lai trong tổ chức; nhóm teo lại và càng teo lại thì có khuynh hương cực đoan hơn trong sự chống phá.      

Sự xuất hiện của những phe nhóm có thể là chính đáng, và là lối thoát cho tổ chức, khi tổ chức đã đi theo một định hướng sai lầm hay ngoan cố trong một định hướng có thể đúng lúc ban đầu nhưng đã trở thành lỗi thời, hay đã vi phạm đạo đức, đã hành động không lương thiên. Trong trường hợp này sự hình thành của những nhóm chống đối chỉ là phản xạ của một tổ chức bị dồn vào bế tắc. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp hiện tượng phe nhóm là do tham vọng quyền lực của một số cá nhân muốn có đồng minh để có thế lực trong tổ chức. Tình trạng phe nhóm đôi khi cũng bắt đầu một cách tự nhiên do hoàn cảnh một số thành viên quen làm việc với nhau rồi trở thành gắn bó với nhau hơn với những thành viên khác, sau cùng do thiếu cảnh giác hay do sự vận dụng của một số người có tham vọng mà biến thành một phe nhóm. 

Dù thế nào đi nữa tình trạng phe nhóm cũng rất có hại cho tổ chức. Mọi tổ chức đều phải cảnh giác để các ban chuyên môn, các phân bộ, các nhóm công tác không biến thành những tổ chức nhỏ trong tổ chức.

Lý do hiện hữu và ý nghĩa thực sự của tổ chức là để thay đổi xã hội. Gia nhập một tổ chức là một biến cố vượt thoát diễn ra vào một thời điểm mà bỗng dưng con người nhìn thấy một khả năng biến mơ ước thành sự thực.

Định nghĩa thực sự của tổ chức: “Tổ chức là một nhịp cầu nối liền một thực tại không thể chấp nhận và một tương lai đáng mong muốn”. (Một cách tương tự, tổ chức cũng có thể là phương tiện để ngăn cản một đe dọa thay đổi theo một hướng không thể chấp nhận).

Một hệ luận: Chính vì tổ chức, nhất là một tổ chức chính trị, trong bản chất thực sự của nó, là dụng cụ của thay đổi xã hội mà những người không thực sự quyết tâm thay đổi xã hội khó có thể tham gia lâu dài vào một tổ chức chính trị.

Có ba điều kiện để hình thành, duy trì và phát triển tổ chức, đó là :

1. Một thực tại không thể chấp nhận đã kéo dài quá lâu.

2. Một ý thức ngày càng rõ rệt rằng các giải pháp cá nhân không những không thay đổi được thực tại mà còn đóng góp củng cố nó.

3. Sự hiện diện của một hay nhiều lực lượng cố gắng duy trì thực tại này vì quyền lợi phe nhóm.

Kết hợp thành tổ chức là để tìm lối thoát chung, biến những người cùng nguyện vọng thành đồng đội thay vì đối thủ.      

 Đó là quyết định thay đổi lịch sử thay vì chịu đựng lịch sử, thay đổi xã hội như ý mình muốn thay vì chịu đựng một xã hội mà mình không muốn.

(Còn tiếp)

Việt Hoàng
(5/12/2016)