Hãy dám có tri thức và sự can đảm để thoát khỏi toàn trị (Lữ Hành Gia)

Nếu thiếu tri thức thì dẫu có can đảm cũng trở nên mù quáng vì chẳng có nền tảng hiểu biết vững chắc về những điều mà ta phải đấu tranh cho chúng, còn có tri thức mà không có can đảm thì tri thức cũng lạc lõng bởi vì những điều tiến bộ mà ta dày công nghiên cứu được sẽ không được có chỗ lưu hành trong đời sống chính trị - xã hội của mọi người và mục tiêu cho sự tiến bộ của Việt Nam cũng còn lâu mới có được vì nó không được dần dần hé mở bởi những người có tri thức và có tư tưởng cấp tiến trong xã hội.

 
Hãy dám có tri thức và sự can đảm để thoát khỏi toàn trị (Lữ Hành Gia)


Sự toàn trị không phải tự dưng mà nó đến, không phải nó thích neo đậu ở nước nào thì neo mà đó còn là do điều kiện hoàn cảnh lịch sử chính trị kiến tạo nên, trong đó sự toàn trị “ám” vào quốc gia nào là bởi vì trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể của quốc gia đó đã có chỗ cho nó, đã nảy sinh những điều kiện cho những thể chế không mấy tốt đẹp cho tương lai tự do dân chủ của người dân, thậm chí thể chế đó có thể đến từ việc nhân danh Tự do nữa, ví như sự bất mãn dồn nén của nhân dân Pháp đã tạo điều kiện cho cách mạng Pháp nổ ra kết liễu vương quyền của vua Louis XVI thì ngay sau đó cái chế độ được lập nên đã hiện nguyên hình là một chế độ sắt máu.

Hãy nhìn vào quá khứ đến hiện tại, sẽ thấy rằng lịch sử Việt Nam là một chuỗi dài chìm mình trong thể chế chính trị tập quyền từ vương quyền đến Đảng quyền thời hiện đại, có thể nói Việt Nam hay Á Đông nói chung đã trót mang theo mình gánh nặng quyền lực từ trên áp xuống đã quá lâu nên bây giờ muốn thoát khỏi nó cũng không phải chuyện dễ dàng mà muốn thoát khỏi toàn trị thì có hai việc quan trọng cần phải thực hiện: thứ nhất là phải có tri thức, thứ hai là can đảm.

Tại sao lại cần có tri thức? Vào thế kỷ 19, nhà Triết hoc chính trị người Anh J.S.Mill đã có những luận điểm nổi tiếng trong tác phẩm “Chính thể Đại diện” (Representative government) nhấn mạnh đến sự tương quan giữa thiết chế chính trị và tình trạng của nhân dân, trong đó đòi hỏi bản thân người dân cũng phải có đủ năng lực để vận hành một thiết chế chính trị bảo đảm sự Tự do cho nhân dân, nếu tình trạng của nhân dân bị khiếm khuyết về năng lực thì họ không thể có được thiết chế Tự do đó, dù có thể may mắn được thụ hưởng sự Tự do đi nữa thì cũng không thể có nó một cách lâu dài.

Tại Việt Nam thì lộ trình cho sự tự do dân chủ cũng sẽ do cái hoàn cảnh điều kiện lịch sử quy định mà nên. Thiết nghĩ thể chế chính trị được lập thành là xuất phát từ chính cái thao thức, nguyện vọng, trí lực, nhận thức đối với chính trị ở quốc nội và thế giới của nhân dân trong một thời kỳ nhất định, thế nên muốn thoát khỏi toàn trị, sự tập quyền chuyên chính của thế chế thì phải hiểu được tự do dân chủ trong chính trị là như thế nào đã, hãy tìm hiểu cơ chế, cách thức vận hành và xây dựng một thể chế dân chủ là như thế nào và mối tương quan của người dân đối với thể chế đó, quyền lực trong thể chế đó phải được tổ chức ra sao để bảo đảm sự tự do của nhân dân, đó chính là cách hiệu quả nhằm cải biến và tạo nên hoàn cảnh thuận lợi cho những xu hướng tiến bộ của chính trị Việt Nam.

Tại sao lại cần có sự can đảm? Bởi vì chỉ có tri thức không thôi mà không công khai lên tiếng đấu tranh cho những quyền chính trị cơ bản mà bản thân và những người xung quanh xứng đáng phải có thì tri thức dẫu có cũng chẳng để làm gì mà phải chịu để cho sự toàn trị áp chế mãi.

Lịch sử nước ta và thế giới cũng đã cho ta thấy rất nhiều những gương mặt tiêu biểu vì đấu tranh cho dân quyền mà phải chịu lao đao với nhà cầm quyền. Sự dám cất lên tiếng nói là một điều vô cùng quan trọng cho việc giành lấy những quyền cơ bản của con người, tức là công khai những điều mình hiểu biết về những xu thế tiến bộ trong chính trị, lấy sự bảo vệ quyền con người và sự tự do dân chủ làm nền tảng cho những luận điểm của bản thân và dám phản biện từ ôn hòa đến gay gắt đối với những luận điểm đi ngược lại với những giá trị đó. Vị Triết gia nổi tiếng người Đức Immanuel Kant đã từng nói về sự công khai như là một điều kiện của tính người, tính nhân văn, ông đòi hỏi mọi người phải sử dụng lý trí của mình công khai trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và ông còn cho rằng nếu là một binh sĩ thì phải biết tuân lệnh cấp trên còn những người học giả thì để bản thân không bị biến thành công cụ mù quáng thì họ phải được quyền công khai phát biểu những sai lầm của bộ máy hành chính và quân sự. Có thể nói những tư tưởng của Kant đã phát biểu cách đây 3 thế kỷ phải khiến cho những người Việt Nam chúng ta hôm nay cùng suy ngẫm.
 
Nếu thiếu tri thức thì dẫu có can đảm cũng trở nên mù quáng vì chẳng có nền tảng hiểu biết vững chắc về những điều mà ta phải đấu tranh cho chúng, còn có tri thức mà không có can đảm thì tri thức cũng lạc lỏng bởi vì những điều tiến bộ mà ta dày công nghiên cứu được sẽ không được có chỗ lưu hành trong đời sống chính trị - xã hội của mọi người và mục tiêu cho sự tiến bộ của Việt Nam cũng còn lâu mới có được vì nó không được dần dần hé mở bởi những người có tri thức và có tư tưởng cấp tiến trong xã hội. Tóm lại, tri thức và sự can đảm đối với hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam là đang trầm luân trong thể chế tập quyền toàn trị thì nó vừa là giá đỡ, vừa là động lực quan trọng cho việc dần dần đi ra khỏi sự toàn trị mà hướng đến sự tự do dân chủ về chính trị trong tương lai của Việt Nam.

(Theo Dân Luận)