Châu Âu triển hạn 6 tháng lệnh trừng phạt Nga (Thanh Hà-RFI)

Trả lời báo chí, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk giải thích : Bãi bỏ lệnh trừng phạt Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée và can thiệp tại miền đông Ukraina vào thời điểm này sẽ là một « tín hiệu xấu » mà châu Âu gửi đến tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump.

 
Châu Âu triển hạn 6 tháng lệnh trừng phạt Nga (Thanh Hà-RFI)


Nhân cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng trong năm tại Bruxelles ngày 15/12/2016, 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu gia hạn thêm 6 tháng, tức đến giữa năm tới, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga vì vai trò của Matxcơva trong xung đột tại Ukraina.
Hiện tại các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu nhắm vào một số lĩnh vực nhạy cảm đối với nước Nga như năng lượng, quốc phòng và tài chính. Trên nguyên tắc, thủ tục triển hạn lệnh cấm vận Nga sẽ được tiến hành vào tuần tới.

Trả lời báo chí, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk giải thích : Bãi bỏ lệnh trừng phạt Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée và can thiệp tại miền đông Ukraina vào thời điểm này sẽ là một « tín hiệu xấu » mà châu Âu gửi đến tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump.

Tổng thống Pháp François Hollande một lần nữa kêu gọi Nga và tất cả các bên tôn trọng thỏa thuận Minsk để nhanh chóng chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraina.

Về hồ sơ Brexit, Liên Hiệp Châu Âu không đưa ra các biện pháp cụ thể, nhưng đồng ý « có chung một lập trường » để thương thuyết với Luân Đôn về tiến trình Anh Quốc chia tay Bruxelles.

Pháp - Đức bất đồng về Hy Lạp

Một chủ đề nổi bật khác được chú ý tại Bruxelles hôm qua liên quan đến Hy Lạp : Paris bênh vực Athens trước thái độ cứng nhắc của Berlin. Cách nay hai ngày, nhóm Eurogroupe, dưới áp lực của Đức, thông báo ngưng tiếp tục giải ngân gói hỗ trợ Hy Lạp sau khi chính quyền của thủ tướng Tsipras đưa ra hai quyết định quan trọng. Một là tăng trợ cấp cho người về hưu có thu nhập quá thấp, và hai là hoãn áp dụng biện pháp tăng thuế TVA cho những hòn đảo trong vùng biển Egée đang phải đón nhận các làn sóng người nhập cư.

Các nhà tài trợ châu Âu lo ngại hai biện pháp nói trên đi ngược lại với cam kết cắt giảm chi tiêu của Hy Lạp để đổi lấy các gói viện trợ của châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.

Đức tiếp tục đòi Hy Lạp triệt để cắt giảm chi tiêu, giảm nợ công và thu hẹp thâm hụt ngân sách Nhà nước. Ngược lại, Pháp nhấn mạnh là các biện pháp mang tính xã hội của nội các Alexis Tsipras không ảnh hưởng đến những cam kết cơ bản của Athens với các nhà tài trợ.

Tổng thống François Hollande tại Bruxelles hôm qua tuyên bố « không thể tiếp tục bắt người dân Hy Lạp phải hy sinh thêm ». Nhiều quan chức của Liên Hiệp Châu Âu giữ khoảng cách với Berlin khi cho rằng, lập trường cứng rắn của Đức là « một tiếng nói riêng lẻ » trong Eurogroupe.