Tôi là ai… (Chu Văn)

 

Sự ra đi của Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo tinh thần của hơn một tỷ người công giáo, là một biến cố lớn đối với thế giới. Là một tín hữu công giáo, tôi xem như là một vinh dự được trải qua bảy đời giáo hoàng. Mỗi vị đều để lại một dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời của tôi.

Vị giáo hoàng đầu tiên mà tôi đã thương khóc là Đức Piô XII. Đó là một buổi chiều năm 1958. Năm đó tôi đang học lớp nhất, tức năm cuối bậc tiểu học. Đang vui chơi trên sân cỏ, bọn trẻ chúng tôi phải dừng lại để lắng nghe từng tiếng chuông báo tử vang ra từ tháp chuông nhà thờ. Có người hớt hãi chạy đi khắp làng để báo tin: “giáo hoàng” đã qua đời. Trong làng tôi chỉ có một ông giáo tên “Hoàng” đang dạy ở trường tỉnh, tức trường công lập. Bọn trẻ chúng tôi cãi nhau vì nhiều người mới thấy ông “giáo hoàng” đạp xe đi rong trong làng mà. Mãi một lúc sau, một nguồn tin chính thức từ vị linh mục chính xứ mới được lan truyền đi khắp giáo xứ: “đức giáo hoàng” Piô XII đã từ trần!

Tôi chẳng biết gì về vị giáo hoàng này. Nhưng trong niềm tin của một thiếu niên công giáo như tôi, giáo hoàng nào cũng là “vị cha chung” thông thái và thánh thiện cả, cho nên cùng với cả giáo xứ, tôi cũng đã biết bày tỏ một sự thương tiếc xâu xa.

Đó là lần đầu tiên tôi thương khóc một “vị cha chung”. Vài năm sau tôi lại thương khóc một “vị cha chung” khác là Đức Gioan 23. Đã lên bậc trung học và đã có chút suy nghĩ và trăn trở về đời sống “đức tin”, tôi thực sự ngưỡng mộ vị giáo hoàng này. Trái với vẻ nghiêm nghị và khắt khe của người tiền nhiệm, Đức Gioan 23 đã cho tôi thấy hình ảnh đích thực của một người cha: hiền lành, nhân hậu, yêu thương, gần gũi và nhứt là có óc khôi hài và lạc quan.

Sau Đức Gioan 23, các vị hồng y đã bầu lên một vị giáo hoàng mà có lẽ thế giới nhắc đến nhiều nhứt vì đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên  dám bước ra khỏi bốn bức tường của Vatican để đến với thế giới bên ngoài. Nhưng riêng tôi, về Đức Phaolô VI, tôi thường  chỉ nhớ đến bức thông điệp có tựa đề “Sự sống con người” (Humanae Vitae) vốn gây rất nhiều tranh cãi bởi vì nghiêm cấm các tín hữu công giáo không được sử dụng các phương tiện ngừa thai nhân tạo (thuốc uống, bao cao su (condom), cắt ống dẫn tinh, treo buồng trứng hay ngay cả giao hợp nửa chừng…).

Nếu Đức Phaolô VI đã để lại một sự nghiệp lớn lao như hướng dẫn thực hiện công cuộc canh tân Giáo hội Công giáo qua Công đồng Vatican II, mở rộng cánh cửa của Giáo hội cho thế giới bên ngoài thì người kế vị của ngài là Đức Gioan Phaolô I chỉ là một chiếc bóng mờ ẩn hiện không quá 33 ngày. Nhưng với riêng tôi thì vị giáo hoàng yểu mệnh này lại là một ngôi sao sáng không bao giờ tắt. Thật thế, dù chưa kịp viết một thông điệp nào, ngài đã để lại cho Giáo hội và thế giới một kho báu vô giá: đó là nụ cười không bao giờ tắt lịm của ngài. Thật vậy, vị giáo hoàng này luôn được nhắc đến như “vị giáo hoàng mỉm cười”. Tất cả thông điệp của ngài được gói trọn trong nụ cười của nhân ái, yêu thương, cảm thông, tha thứ. Đó không phải là cốt lõi của Tin Mừng của Chúa Giêsu sao?

Kế vị giáo hoàng Gioan Phaolô I là một người đến từ một nước cộng sản là Ba Lan. Thế giới đã thật sự ngạc nhiên khi một người không những không phải là người Ý mà còn đến từ một nước cộng sản được bầu làm giáo hoàng. Với gần 30 năm lãnh đạo Giáo hội Công giáo, Đức Gioan Phaolô II, nay được chính thức tôn vinh như một vị thánh, là vị giáo hoàng đi “vòng quanh thế giới” nhiều hơn bất cứ nguyên thủ quốc gia nào. Ngài đã để lại không biết bao nhiêu thông điệp. Nhưng thú thật, thông điệp nào của ngài cũng cao siêu và trừu tượng; tôi chưa đọc hết bất cứ một thông điệp nào. Nhưng mỗi lần nghĩ đến ngài, một người tỵ nạn cộng sản như tôi, tôi chỉ nhớ đến lời “hiệu triệu” gởi đến người dân Ba Lan khi ngài về thăm quê hương lần đầu tiên liền sau khi được bầu làm giáo hoàng hồi năm 1979. Đứng giữa Thủ đô Warsaw, ngài đã dõng dạc kêu gọi những người đang sống trong một chế độ xây dựng trên khủng bố và trù dập: “Đừng sợ hãi”. 

Gần 10 năm sau, khi đứng trước bức tường Bá Linh, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cũng đã gióng lên một lời kêu gọi cũng có sức  tạo ra một chấn động mạnh không kém khi ông nói thẳng vào mặt Tổng bí thư Mikhail Gorbachev của Liên Xô: “Ông Gorbachev, hãy đạp đổ bức tường này đi!” Nhiều người trên thế giới tin rằng lời kêu gọi của Đức Gioan Phaolô II ngỏ với toàn dân Ba Lan và lời nói thẳng vào mặt Tổng bí thư Gorbachev của Tổng thống Reagan đã góp phần làm sụp đổ các chế độ cộng sản tại Đông Âu. Thật ra, chủ nghĩa cộng sản, tự nó với những mâu thuẫn nội tại, cũng đã là một gốc cây mục ruỗng chỉ cần một cái lắc mạnh cũng đủ để ngã đổ. Và dĩ nhiên, Đức Gioan Phaolô II đã ít hay nhiều góp phần vào việc khai tử chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu và tại cái nôi sinh ra nó là Liên Xô.

Hình như vị giáo hoàng nào cũng có sức tạo ra một ngạc nhiên lớn cho thế giới. Người kế vị Đức Gioan Phaolô II là Đức Bênêđictô XVI cũng không là một ngoại lệ. Có lẽ bước đột phá lớn nhứt trong lịch sử của Giáo hội Công giáo từ hơn 600 năm qua chính là sự kiện Đức Bênêđictô XVI đã từ chức. Tôi cho đây là cuộc cách mạng vĩ đại nhứt của một vị giáo hoàng trong thời hiện đại. Với quyết định này, vị giáo hoàng người Đức này muốn nói lên rằng giáo hoàng cũng là một con người bất toàn, yếu đuối và có giới hạn như mọi người thôi.

Có lẽ ý tưởng ấy đã đeo đuổi tôi trong suốt 12 năm lãnh đạo Giáo hội của Đức Phanxicô. Dù được nâng lên bệ cao nhứt trong “phẩm trật” của Giáo hội Công giáo, nhưng dường như lúc nào Đức Phanxicô cũng muốn tỏ ra là một con người bình thường, nghĩa là cũng bất toàn, yếu đuối và ngay cả có nhiều khuyết điểm như mọi người. 

Một vài sự kiện cho thấy sự bình dị và bình thường đó. Vừa được bầu làm giáo hoàng, ngài lặng lẽ trở lại nhà trọ để trả tiền phòng. Khi lần đầu tiên ra “trình diện” trước đám đông, ngài đeo một cây thánh giá “rẻ tiền” chứ không được đúc bằng vàng như các vị giáo hoàng tiền nhiệm. Ngài vẫn giữ đôi giày cũ chứ không mang vào chân đôi giày đỏ thẫm riêng biệt dành cho giáo hoàng. Chiếc ghế ngài thường ngồi lên để giáo huấn cũng chỉ là một chiếc ghế gỗ đơn sơ chứ không được mạ vàng như thời các vị tiền nhiệm. Ngài không cư ngụ trong ngôi nhà sang trọng dành riêng cho vị giáo hoàng, mà đến ở trong một chung cư cùng với các chức sắc khác trong điện Vatican. Ngài cũng bãi bỏ truyền thống mỗi năm đến nghỉ mát tại dinh thự mùa hè dành riêng cho các vị giáo hoàng ở Castel Gandolfo, miền Trung Ý. Tóm lại, Đức Phanxicô đã rũ bỏ mọi thứ hào nhoáng, nếu không muốn nói là phù phiếm của một ông “hoàng” để làm một con người bình thường như mọi người.

Cũng như các vị tiền nhiệm, mỗi thứ tư hằng tuần và mỗi trưa chúa nhựt, ngài đều “ban huấn từ” cho khách hành hương và dĩ nhiên cũng đã viết một số thông điệp. Nhưng thú thật, tôi cũng chưa từng nghe các huấn từ hoặc đọc hết bất cứ thông điệp nào của ngài. Dù vậy, nếu phải tóm tắt di sản của ngài dành riêng cho tôi thì có lẽ tôi chỉ muốn cô đọng trong một câu nói của ngài khi được hỏi về quan điểm của ngài đối với những người đồng tính. Dạo tháng Bảy năm 2013, trên chuyến bay từ Ba Tây trở về Roma, khi một ký giả hỏi ngài về lập trường của Giáo hội Công giáo đối với giới đồng tính, Đức Phanxicô đã tuyên bố: “Nếu một người là đồng tính, tìm kiếm Thiên Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai để “đoán xét” họ?”(1)

Hai chữ “đoán xét” (judge) mà Đức Phanxicô sử dụng để nói lên quan điểm của ngài đối với người đồng tính không thể không đưa tôi trở về với  cốt lõi của Tin Mừng như được ghi lại trong  sách tin mừng theo thánh Gioan 8, 2-11. Có lẽ người tín hữu Kitô nào cũng biết hay thuộc nằm lòng đoạn tin mừng này. Một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chỉ có người đàn bà thôi, người đàn ông thì không! Các kinh sư và biệt phái, tức “công an tôn giáo” của thời đó, đưa người đàn bà ra trước đám đông để xét xử. Thật ra, “tòa án nhân dân” này nhắm xét xử chính Chúa Giêsu hơn là người phụ nữ ngoại tình. Nhưng Chúa Giêsu đã lật ngược thế cờ: từ một can phạm, Ngài biến thành quan tòa để xét xử các kinh sư, nhóm biệt phái và cả đám đông khi Ngài đặt một câu hỏi xoáy sâu vào lương tâm của mỗi người: ai trong các ngươi không có tội, hãy ném đá người phụ nữ này trước tiên! Đây chính là giây phút mà mọi người, bắt đầu từ những người lớn tuổi nhứt trong đám đông, bỗng chốc nhận ra con người thực của mình. Họ rút lui bởi vì họ thực sự biết mình là ai.

Tôi tin rằng khi tuyên bố “tôi là ai để đoán xét họ” (những người đồng tính), Đức Phanxicô không thể không nghĩ đến phiên tòa xét xử người đàn bà ngoại tình và sự gần gũi của Chúa Giêsu đối với những người bị tẩy chay và bị đẩy ra bên lề xã hội như các cô gái điếm, những người thu thuế, những người khốn cùng hay thấp cổ bé miệng trong xã hội. Nếu xét theo tiêu chuẩn thông thường của thời đại, có lẽ Đức Phanxicô đã chẳng thực hiện được một sự cải tổ lớn lao và thấy được trước mắt. Nhưng cuộc cách mạng vĩ đại nhứt mà vị giáo hoàng này đã làm được chính là cách mạng bản thân: từ lúc được bầu làm giáo hoàng cho đến lúc chết, ngài chỉ muốn sống và cư xử như một người khiêm tốn, cởi bỏ tất cả những phù phiếm giả tạo đã chồng chất lên khuôn mặt của Giáo hội từ hơn 20 thế kỷ qua. Báo Le Point của Pháp, trong một bài nhận định về vị giáo hoàng tương lai, cho rằng vị giáo hoàng có cuộc sống đơn sơ và khiêm tốn đã chỉ muốn gột bỏ khỏi khuôn mặt của Giáo hội “óc giáo sĩ”, “những phù phiếm thế trần” vốn đã cắm rễ sâu trong những truyền thống và thói quen khiến cho Giáo hội hoàn toàn xa lạ với dung mạo của Chúa Giêsu.

“Tôi là ai?” của Đức Phanxicô không những đưa tôi trở về với cốt lõi của Tin Mừng của Chúa Giêsu, mà cũng dẫn tôi đến cội nguồn của triết học Tây Phương. Thật vậy, khi được hỏi liệu có thể tóm tắt tất cả mọi suy tư triết học thành một câu ngắn không, nhà hiền triết Socrates đã trả lời: “Hãy tự biết mình”. Biết mình thực sự từ đâu đến không phải là điều dễ dàng và hiển nhiên. Nhưng biết mình là một người bất toàn, yếu đuối, đầy dẫy những khuyết điểm là sự hiểu biết mà bất cứ ai cũng có thể và phải có. Có biết mình như thế con người mới biết khoan nhượng, cảm thông, yêu thương và tha thứ. Có biết mình như thế con người mới thực sự có được cuộc sống an bình, vui tươi và dĩ nhiên xã hội cũng sẽ tốt đẹp hơn.

Chú thích

1.Pope Francis: Who am I to judge gay people? BBC 20 July 2013