Hai mươi lăm năm sau ngày 30-4-1975: Đừng để lịch sử lặp lại (TL 137) (Nguyễn Gia Kiểng)

"...vào thời điểm đó [30/4/1975] về mặt tư tưởng, chủ nghĩa này [chủ nghĩa cộng sản] đã gần như bị bác bỏ. Những tiếng nói phản kháng đã xuất hiện ngay tại Liên Xô và đã có mùa xuân Tiệp Khắc. Một lần nữa sự lạc hậu thê thảm về tư tưởng của Việt Nam lại được phơi bày. Những biến cố đáng buồn trong gần bốn thế kỷ qua kế tiếp nhau như một chuỗi hột mà sợi dây xuyến vẫn là sự kém cỏi về nhận thức chính trị. Có bao nhiêu người Việt Nam ý thức được như vậy?.."

 
Hai mươi lăm năm sau ngày 30-4-1975: Đừng để lịch sử lặp lại (TL 137) (Nguyễn Gia Kiểng)

Từ hai mươi lăm năm qua, tháng 4 năm nào cũng là dịp cho nhiều suy nghĩ và hồi tưởng. Nhưng có lẽ từ nay ngày 30-4 sẽ không còn gợi nhiều xúc cảm như trước nữa. Nó sẽ không bao giờ là một ngày bình thường như mọi ngày nhưng nó sẽ mất đi tính thời sự để đi vào lịch sử. Hai mươi lăm năm là chiều dài của một thế hệ, và cũng là cột mốc, để khép lại một giai đoạn và mở ra một giai đoạn mới. Một sự tình cờ là cột mốc một phần tư thế kỷ đó lại trùng hợp với sự bắt đầu của một thế kỷ và một thiên niên kỷ mới. Sự kiện đó càng thêm tác dụng đẩy mạnh hơn ngày 30-4 vào quá khứ. Như vậy đây chính là lúc để nhận diện lại ngày 30-4 trước khi nó đi vào chỗ đứng an bài của nó trong lịch sử.

Ngày 30-4-1975, Bùi Tín tiến vào Dinh Độc Lập đại diện phe cộng sản nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, còn tôi là một viên chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa vừa sụp đổ. Con đường trước mặt Bùi Tín thênh thang, đầy hoa và rực nắng. Tương lai đang chờ đợi tôi là một bóng đêm dày dặc đầy đe dọa, văng vẳng như có những tiếng lách cách không phân biệt là tiếng ổ khóa của nhà tù hay tiếng lên đạn của đội hành quyết. Bùi Tín là một anh hùng có công lớn và có chỗ đứng quan trọng sau chiến thắng oai hùng, tôi bị coi như một kẻ phản quốc vừa thất bại nhục nhã. Khoảng cách giữa chúng tôi là cả một vũ trụ. Nhưng ngày nay chúng tôi là chí hữu trong cùng một trận tuyến. Rất nhiều điều đã thay đổi trong hai mươi lăm năm qua.

Nhiều thay đổi tâm lý đã là những thay đổi rất tích cực. Người Việt Nam đã đạt tới đồng thuận trên rất nhiều điều cơ bản : phải có dân chủ đa nguyên, phải từ bỏ bạo lực, phải dân chủ hóa trong hòa bình và ổn định, phải phát triển đất nước dựa trên kinh tế thị trường, phải xóa bỏ hận thù để cùng bắt tay nhau đưa đất nước đi lên, v.v... Đó là một đồng thuận đủ để xây dựng một tương lai Việt Nam chung.

Những thay đổi cụ thể cũng rất đáng kể. Đất nước đã có hòa bình và một hòa bình dù tồi tệ đến đâu đi nữa cũng vẫn không tai hại bằng chiến tranh. Đất nước cũng đã thống nhất, dù sự thống nhất đó chỉ mới là thống nhất về mặt chính quyền và không đi đôi với phồn vinh nó cũng vẫn rất quan trọng nếu chúng ta ý thức rằng trong hơn bốn thế kỷ qua chúng ta chỉ có khoảng một trăm năm thống nhất.

Sự hình thành của cộng đồng người Việt hải ngoại cũng là một biến cố rất trọng đại và cần được đánh giá đúng mức. Chúng ta là một dân tộc khá đông đảo nhưng cho tới ngày 30-4-1975 chúng ta chưa có một cộng đồng hải ngoại trong khi dân tộc nào cũng cần một cộng đồng hải ngoại để nhìn và học hỏi thế giới. Một dân tộc không có cộng đồng hải ngoại không khác bao nhiêu một người mù. Có lẽ chính vì thế mà chúng ta đã sờ soạng, mò mẫm và đi vào những ngõ cụt bi thảm.

Di sản của cuộc chiến

Tuy vậy, di sản của cuộc chiến vẫn còn rất nặng nề và điều này chỉ là một lẽ tự nhiên. Cuộc chiến chấm dưt ngày 30-4-1975 đã là cuộc chiến dữ dội nhất và thảm khốc nhất. Nó cũng là cuộc chiến đặc biệt nhất trong lịch sử nước ta. Nó là một cuộc nội chiến nhưng đồng thời cũng là một cuộc thế chiến thu hẹp với sự tham gia của nhiều nước thuộc hai khối xung đột. Nó cũng là cuộc chiến tranh ý thức hệ đầu tiên, và hy vọng là cuối cùng, tại nước ta. Trong hơn hai ngàn năm lịch sử, chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến nhưng đó chỉ là những cuộc chiến để giữ nước, để giành độc lập hay để giành quyền lực giữa những người cùng chia sẻ một ý thức hệ Nho Giáo. Đây là lần đầu mà chúng ta phân tranh để giành quyền áp đặt hai mô thức chính trị đối nghịch nhau. Trong ba mươi năm chúng ta không những chỉ tàn sát nhau mà còn được huấn luyện để thù ghét và phủ nhận nhau trong văn hóa và trong nhân sinh quan. Chính vì vậy mà những đổ vỡ về tình cảm đã lớn không kém những đổ vỡ về vật chất. Di sản chính của cuộc chiến thảm khốc này là một sự kiệt quệ toàn diện về cả thể xác lẫn ý chí. Đó chính là lý do khiến trong suốt hai mươi lăm năm qua đảng cộng sản đã không bị một chống đối đáng kể nào mặc dầu đã thất bại trên tất cả mọi phương diện và trong tất cả mọi địa hạt. Nhiều bạn ngoại quốc thường hỏi tôi tại sao một dân tộc đã từng chứng tỏ ý chí bất khuất và khả năng chiến đấu phi thường như dân tộc Việt Nam lại có thể chịu đựng một cách thụ động một chế độ vô lý đến thế. Họ không thể hiểu chúng ta đã mệt mỏi đến mức nào.

Cách đây không lâu, trong một trong nhiều lần thẩm vấn, một sĩ quan công an đã dằn mặt Vũ Huy Cương : ''Các anh chỉ là một nhóm nhỏ đếm trên đầu ngón tay''. Lời nói đó có thể là đúng, những người dám công khai đấu tranh cho dân chủ quả là rất ít. Nhưng anh sĩ quan công an kia quên rằng những người dám liều thân cho đảng và chủ nghĩa cộng sản còn ít hơn, nếu không muốn nói là không còn ai. Những người dân chủ tuy ít nhưng họ là tất cả ý chí còn lại của dân tộc.

Những lấn cấn...

Có lẽ một phần lớn do kiệt quệ tinh thần mà chúng ta vẫn còn lấn cấn trong cách nhìn cuộc chiến và cách nhìn ngày 30-4-1975.

Ngay cả những người dân chủ dũng cảm nhất xuất phát từ hàng ngũ cộng sản vẫn phát biểu một cách rất tự nhiên rằng cuộc chiến chống Mỹ là vinh quang và sự tham gia của họ là một điều đáng tự hào. Nhưng cuộc chiến này có cần thiết không ? Nó có thể tránh được không ? Người Mỹ đã đến để gây chiến với Việt Nam hay chỉ để đương đầu với một cuộc chiến mà họ không muốn ? Đảng Cộng Sản Việt Nam đã áp đặt những hy sinh to lớn như vậy lên dân tộc vì quyền lợi của dân tộc hay vì tham vọng quyền lực và vì chủ trương mở rộng khối cộng sản ? Những câu trả lời tùy thuộc mỗi người và thực ra không quan trọng nhưng đó là những câu hỏi cần được đặt ra và chỉ một sự kiện chúng đáng được đặt ra cũng đủ để đánh tan tất cả mọi ''chính nghĩa'' của cuộc chiến này. Các thế hệ mai sau sẽ chỉ nhớ lại cụm từ ''cuộc chiến đấu thần thánh'' như là dấu tích của một sự mê cuồng.

Nhưng cuộc chiến này đã đem lại cho nước Việt Nam những gì ngoài một sự kiệt quệ toàn diện, về cả thể xác lẫn tinh thần ? Vinh quang vì đã thắng Mỹ ? Nhưng ai hãnh diện làm người Việt Nam hiện nay xin dơ tay !

Không thể biện luận rằng ngày 30-4-1975 là một cột mốc ngăn cách hai đảng cộng sản, một đảng cộng sản đảng khâm phục trước đó và một đảng cộng sản đáng phê phán sau đó. Nếu đảng cộng sản đã tỏ ra tồi dở sau chiến tranh là vì nó đã tồi dở từ trước.

Nếu nó đã không thích nghi được với thế giới tiến bộ trong suốt hai mươi lăm năm qua là vì trước đó nó vốn đã không thông minh. Thực ra nếu lấy ngày 30-4-1975 làm cột mốc đánh giá đảng cộng sản thì phải nói đảng cộng sản đã tiến bộ nhiều. Họ không còn, hay ít còn, sử dựng những biện pháp bắt cóc, ám sát nữa, họ đã bắt đầu ý thức được vai trò của luật pháp, họ cũng đã học hỏi được khá nhiều kiến thức về kinh tế, tài chính. Họ đã văn minh hơn nhưng chưa văn minh đủ và họ cũng đã đem lại cho đất nước một số tiến bộ, nhưng quá chậm và quá ít so với thế giới.

Cũng không thể biện luận rằng chủ nghĩa cộng sản là một lý tưởng đẹp, chỉ có sự áp dụng cúa nó là dở. Thực ra chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ có chiều cao của một triết lý. Nó chỉ là sự góp nhặt những nghiên cứu có sẵn hòa trộn lại để tạo ra một tổng hợp mị dân sau khi đã bóp méo nội dung. Ngay trong lý thuyết của nó, chủ nghĩa cộng sản chủ trương tiêu diệt một số giai cấp ; trong thế giới văn minh hiện nay, chủ trương tiêu diệt một số người chỉ vì thành phần xã hội của họ là, trên giấy trắng mực đen, một tội ác đối với loài người. Chủ nghĩa cộng sản có bản chất tội ác. Chính vì thế mà ở khắp mọi nơi được thử nghiệm, nó đã chỉ sản sinh ra các chế độ độc tài bạo ngược.

Những dòng trên đây có thể là rất nặng nề đối với những người đã tham gia hàng ngũ cộng sản do sự thôi thúc của lòng yêu nước. Mong họ bỏ qua cho người viết, nhưng cũng mong họ đủ khiêm tốn để nhìn nhận rằng tuy họ là đa số nhưng đã hoàn toàn không có một vai trò chủ động nào. Họ chỉ là thành phần bị lôi kéo và bị lợi dụng. Càng nhắc tới những vinh quang của quá khứ cộng sản, họ càng cản trở sự hình thành của một tập hợp dân chủ mới.

Ngược lại, những thất bại của chế độ cộng sản cũng không hề chứng minh sự đứng đắn của các chính quyền quốc gia. Người ta có thể nghĩ rằng với một chính quyền kiểu chính quyền miền Nam cũ thì trong hai mươi lăm năm qua dù sao đất nước cũng khá hơn. Nhưng đó là một giả thuyết sẽ không bao giờ kiểm chứng được. Điều chắc chắn là các chính quyền quốc gia không có chính nghĩa. Dân chủ và tự do là những giá trị cao quí và đã có thể đem lại cho các chính quyền quốc gia, đặc biệt là chế độ Việt Nam Cộng Hòa, một chính nghĩa thực sự. Nhưng thực tế là tất cả mọi người và mọi tập đoàn đã kế tiếp nhau cầm quyền tại miền Nam đều chống dân chủ và đều đã vận dụng mọi sáng kiến để chống dân chủ. Tệ hơn nữa, trong đại bộ phận họ không có một ý thức quốc gia dân tộc nào cả. Những người dân chủ và yêu nước, tuy là đa số trong hàng ngũ quốc gia, cũng chưa bao giờ nắm được thế chủ động, họa hiếm lắm là một vài bộ trưởng, thứ trưởng, đại tá... có tư cách nhưng mẫu số chung vẫn là thiếu hoặc không có ý thức chính trị, và nhất là không có tổ chức. Chính vì thế mà các chính quyền quốc gia đã không được hậu thuẫn của nhân dân và mặc dù đã nhận được một khối lượng viện trợ hơn hẳn phe cộng sản cuối cùng đã thảm bại. Những người có thiện chí đã từng đứng trong hàng ngũ quốc gia cần nhận thức rõ vị trí của họ : thực ra họ đã chỉ chọn hàng ngũ quốc gia để chống lại cộng sản với hy vọng thiết lập sau đó một chính quyền khác. Sự chọn lựa này thực ra chỉ là một hợp đồng tạm thời và bất đắc dĩ, nhưng hợp đồng đó đã thất bại. Vậy thì từ nay họ không còn hy vọng nào để quyến luyến với các chế độ quốc gia nữa.

Những người dân chủ và yêu nước thuộc cả hai phía sẽ không bao giờ tạo được một sức mạnh đổi đời chừng nào họ vẫn chưa nhìn nhau như những người anh em bình đẳng trong sự bẽ bàng. Còn tranh giành nhau sự phải trái, hơn thua, họ vẫn còn bất lực. Sự cao cả của họ chỉ ở cái nhìn về tương lai và quyết tâm xây dựng một tương lai Việt Nam chung. Nó ở phía trước chứ không ở đằng sau.

Một lấn cấn khác là hòa giải và hòa hợp dân tộc. Tuy mọi người đều đồng ý rằng tiến trình dân chủ hóa của Việt Nam sẽ phải diễn ra trong hòa bình và trong tinh thần bao dung, nhưng vẫn còn khá nhiều người dị ứng khi nghe nói tới hòa giải dân tộc. Hòa giải dĩ nhiên là rất gai góc. Chẳng hạn làm sao có thể dễ quên thái độ đắc thắng, chính sách chiếm đóng, hạ nhục và bỏ tù tập thể được áp dụng một cách thô bạo trên toàn miền Nam. Nhưng vấn đề thực ra khá giản dị : một dân tộc cũng như một gia đình sau một đổ vỡ lớn chỉ có hai chọn lựa, một là hòa giải để tiếp tục, hai là chấp nhận tan vỡ. Vấn đề thực sự đặt ra không phải là hòa giải hay không hòa giải mà chỉ là chúng ta còn muốn Việt Nam tiếp tục tồn tại hay không.

Và một yếu kém vẫn còn nguyên vẹn

Một câu hỏi lớn cần được đặt ra là tại sao khối người có thiện chí đông đảo như vậy trong cả hai phía lại có thể bị chế ngự bởi một thiểu số chẳng ra gì để rồi phải chịu đựng những hy sinh khủng khiếp và đóng góp được gì khi không tiếp tay đập phá đất nước ? Tại sao lại có sự bất lực bi đát đến thế ? Những mất mát ghê gớm của cuộc chiến này với những chấn động mà nó gây ra đã có một tác động phản tỉnh đúng mức hay chưa ? Nhưng ở đây phải bùi ngùi mà nhìn nhận rằng chưa có câu trả lời. Nguyên nhân chính của những khổ đau đã qua và của tình trạng thua kém bế tắc hiện nay vẫn chưa được nhận diện rõ rệt : đó là sự thiếu vắng về tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị. Và đã không có tư tưởng chính trị thì chúng ta cũng không thể có nhân sự chính trị được. Chúng ta vẫn chưa thấy điều đó. Chúng ta đã trả giá rất cao nhưng vẫn chưa rút được kết luận.

Trong hầu hết mọi cuộc gặp gỡ và vận động, những người đấu tranh cho dân chủ vẫn gặp cùng một câu hỏi : có hành động cụ thể nào không hay chỉ có lý luận ? Đa số chúng ta vẫn chưa hiểu rằng tất cả phải bắt đầu từ tư tưởng và một phong trào hành động phải được một phong trào tư tưởng đi trước và dọn đường, còn nếu không hoặc sẽ thất bại, hoặc sẽ gây đổ vỡ, hoặc thất bại sau khi gây đổ vỡ.

Chúng ta tự hào có bốn ngàn năm văn hiến, nhưng chúng ta không có nổi một tác phẩm tư tưởng lớn và thực ra cũng chưa có ai xứng đáng được gọi là một nhà tư tưởng. Trong suốt thế kỷ 20, thế kỷ nở rộ của tư tưởng, chúng ta chưa có nổi một tác phẩm nghị luận có giá trị. Hình ảnh của ông Hồ Chí Minh, do chính ông thuật lại, vừa đọc xong một tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản Pháp đứng dậy, đi lại bồn chồn trong phòng và nói một cách gần như mê sảng : ''Đây rồi ! Đây rồi ! Đây chính là con đường cứu nước !'', tố giác một cách tàn nhẫn sự thấp kém về trí tuệ của chúng ta. Chúng ta không có những nhà tư tưởng để hướng dẫn trong những khúc quanh lớn của lịch sử thì làm sao tránh khỏi suy nghĩ nông nỗi và hành động mù quáng ? Và đã không có đồng thuận về tư tưởng thì chúng ta lấy gì làm mẫu số chung để kết hợp thành lực lượng ? Như thế làm sao chúng ta tránh khỏi bị khống chế bởi một thiểu số có được sự hướng dẫn hoặc đỡ đầu của một thế lực bên ngoài ?

Cuộc chiến này đã xảy ra và đã kéo dài như vậy chính vì chúng ta đã không giải đáp nổi bài toán dân chủ hóa. Ý thức hệ Khổng Giáo sụp đổ để lại một khoảng trống và chúng ta đã bâng khuâng giữa hai khuôn mẫu : một bên là khuôn mẫu dân chủ, một bên là khuôn mẫu cộng sản.

Khuôn mẫu dân chủ dĩ nhiên là hơn hẳn, nhưng nó đã không có một lực lượng thực sự dân chủ bảo vệ và do đó không tranh thủ nổi sự ủng hộ của quần chúng. Vả lại nó đã do các thế lực ngoại quốc áp đặt đồng thời với những người lãnh đạo vừa không tin tưởng ở dân chủ vừa không có ý thức dân tộc. Cuối cùng nó chỉ là dân chủ hình thức, bệnh hoạn và gian trá, hoàn toàn xa lạ với quần chúng.

Ngược lại, khuôn mẫu cộng sản có một đội ngũ cán bộ kiên trì. Nhưng ưu điểm lớn nhất của nó là ở chỗ về bản chất nó là một phong trào thủ cựu. Sự kiện không có nhà chính trị Việt Nam nào nhìn thấy điều này cũng một lần nữa tố giác sự yếu kém về tư tưởng chính trị của Việt Nam. Tuy cũng xuất phát từ phương Tây nhưng chủ nghĩa cộng sản cũng chỉ là một thứ Khổng Giáo cải tiến. Nó cũng giáo điều, độc tôn, cũng chủ trương độc tài tuyệt đối, cũng khống chế tư tưởng, cũng phủ nhận chỗ đứng của cá nhân và xã hội dân sự, cũng cấm đoán khắc nghiệt mọi xét lại, cũng phân chia giai cấp, cũng bài xích thương mại, cũng vừa là một hệ thống chính trị vừa giống như một tôn giáo. Cả hai hệ thống cũng đều chỉ sản sinh ra các chế độ bạo ngược và cuối cùng cũng giống nhau ở lời biện hộ sau khi thất bại : đó là áp dụng sai chứ không phải lý thuyết sai. Sự cải tiến từ Khổng Giáo tới chủ nghĩa cộng sản là ở chỗ chủ nghĩa cộng sản bênh vực và tôn trọng những người cùng khổ hơn và sự tôn trọng này không phải là hoàn toàn giả dối và mị dân như những người chống cộng cực đoan không ngừng rêu rao. Nó cũng không chà đạp nhân quyền bằng Khổng Giáo, nó kỳ thị ba đời nhưng không tru di tam tộc. Nó cũng văn minh hơn, mở rộng sự quan tâm đến các vấn đề khoa học, kỹ thuật, kinh tế. Chính vì nó gần gũi với văn hóa Khổng Giáo truyền thống và lại còn hơn Khổng Giáo mà nó dễ tranh thủ được quần chúng hơn, trong khi những người lãnh đạo phe quốc gia xuất hiện dưới mắt quần chúng như những con người lai căng và mất gốc. Thật là khờ khạo khi mọi trí thức quốc gia, trong cũng như ngoài chính quyền, đều đề cao Khổng Giáo mà không ý thức được rằng họ đang gián tiếp tuyên truyền cho cộng sản, bởi vì nếu Khổng Giáo được coi là đúng và tốt thì chủ nghĩa cộng sản, một thứ Khổng Giáo đã được cải thiện, phải được coi là rất đúng và rất tốt.

Nhưng lý do đã khiến phe quốc gia không có được một lực lượng dân chủ và những nhà lý luận dân chủ có sức thuyết phục ? Không phải vì dân chủ là một khái niệm quá phức tạp, vả lại đã có nhiều người Việt Nam hấp thụ được một cách nhanh chóng những kiến thức rất phức tạp. Lý do thực sự là vì dân chủ trước hết là một nếp sống và một văn hóa trong khi tất cả trí thức Việt Nam đều được đào tạo theo nếp sống và văn hóa Khổng Giáo, càng trí thức bao nhiêu ảnh hưởng Khổng Giáo càng nặng bấy nhiêu, mà một khi đã mang nặng ảnh hưởng của Khổng Giáo rồi thì những biện luận về dân chủ và phê phán chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể là gượng gạo. Giữa dân chủ và Khổng Giáo phải dứt khoát chọn một. Không phải là một ngẫu nhiên nếu các chế độ cộng sản Châu Á hiện nay muốn phục hồi chỗ đứng của Khổng Giáo.

Vào lúc này, di sản cụ thể nhất của Khổng Giáo là gì ? Đó là cái tâm lý ở ẩn, cầu an, tránh gian nguy, nhân sĩ, chờ thời, thủ cựu, vệ đạo, thù ghét nghĩ lại và xét lại, những tính xấu đã được Khổng Giáo trong hàng ngàn năm tôn lên làm những giá trị đạo đức và đã ăn rễ vào con người. Tâm lý đó đang ngăn cản sự hình thành một kết hợp dân chủ để đương đầu và đánh bại chế độ độc tài đảng trị. Nhưng hình như một số rất đông trí thức Việt Nam vẫn còn chưa nhận thức được sự cần thiết của một cố gắng tư tưởng mãnh liệt để vượt qua rào cản của quán lực văn hóa và tâm lý. Cơn chấn động 30-4-1975 đã giúp chúng ta rút ra được một số kết luận đúng nhưng chúng ta vẫn chưa rút ra được kết luận quan trọng nhất.

Đừng để lịch sử lặp lại

Sau thế chiến II, tại Đông Á đã có hai nước, Việt Nam và Hàn Quốc, có tầm cỡ và văn hóa gần như nhau bị chia cắt bởi cùng một lằn ranh ý thức hệ. Trong cả hai nước chế độ cộng sản miền Bắc đã tấn công để thôn tính chế độ dân chủ non trẻ ở miền Nam. Trong cả hai trường hợp, Hoa Kỳ đã can thiệp mạnh mẽ bảo vệ miền Nam. Nhưng kết quả hai cuộc chiến đã kết thúc khác hẳn nhau và ngày nay chắc không còn ai đủ ngụy biện để cho rằng kết thúc Việt Nam có lợi cho người Việt hơn là kết thúc Hàn Quốc cho người Hàn. Điều này đủ để những người đã đóng góp cho ''chiến thắng chống Mỹ'' có một thái độ khiêm tốn hơn. Nhưng một câu hỏi khác, đặt ra cho mọi người, là tại sao hai cuộc chiến rất giống nhau đó lại kết thúc một cách khác hẳn nhau ? Ở đây câu hỏi, quan trọng hơn câu trả lời, và cũng đủ để khiến mọi người có thái độ khiêm tốn hơn.

Kẻ viết bài này chỉ xin đính chính một số ngộ nhận. Trái với một quan niệm rất lan tràn, Hàn Quốc không giống Việt Nam. Ảnh hưởng của Trung Quốc và Khổng Giáo kém hẳn Việt Nam. Họ độc lập trong gần suốt dòng lịch sử từ hai mươi thế kỷ nay. Họ đã có một nền văn hóa dân tộc riêng từ rất lâu đời. Mức phát triển về khoa học, kỹ thuật của họ hơn hẳn chúng ta. Nhưng nét nổi bật nhất là về cố gắng tư tưởng thì từ lâu họ hơn ta rất xa. Chính vì thế mà sự hưởng ứng đối với phong trào c_ộng sản đã yếu hơn, sức đề kháng đối với cộng sản đã cao hơn và ý chí đấu tranh cho dân chủ cũng mạnh hơn hẳn. Người Hàn Quốc đã không tình cờ may mắn mà giữ được nền dân chủ và ngày nay trở thành cường quốc kinh tế thứ 11 trên thế giới. Ngược lại chế độ cộng sản và tình trạng bế tắc hiện nay của Việt Nam cũng không phải là một sự ngẫu nhiên mà là hậu quả hầu như tất yếu của sự thiếu vắng tư tưởng nói chung và tư tưởng chính trị nói riêng.

Không, tư tưởng chính trị không phải là một xa xỉ phẩm mà là một nhu yếu phẩm đối với một dân tộc. Cố gắng tư tưởng chỉ bắt đầu một cách giản dị như sự chấp nhận tự do phát biểu và không nóng mặt nổi giận trước một ý kiến khác lạ. Nó cũng không trừu tượng mà chỉ cụ thể như một phương châm chắc nịch cần được đưa vào hiến pháp Việt Nam sau này là ở Việt Nam không có những ý kiến cấm nêu ra và cũng không những đề tài cấm bàn đến.

Đừng để lịch sử lặp lại.

Năm 1533 người giáo sĩ phương Tây đầu tiên tới Việt Nam truyền bá thông điệp Ki-Tô. Tiếp đó là những giáo sĩ khác và những thương nhân đem theo hàng hóa và, cùng với hàng hóa, một nếp sống mới và một văn hóa mới. Cuối thế kỷ 17 số người theo đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, đã lên tới 10%, điều này cần được nhắc lại cho những người thường phỉ báng đạo công giáo là đã đến Việt Nam theo gót giày của quân xâm lược Pháp, bởi vì người Pháp đã chỉ áp đặt ách đô hộ lên Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 sau một cuộc chinh phục khá nhanh chóng và từ đó tỷ lệ người Việt Nam theo đạo công giáo (8% hiện nay) đã giảm hẳn đi chứ không tăng lên, nhưng điều này cũng cần được nhắc lại để ý thức được rằng ảnh hưởng của văn hóa phương Tây tại nước ta đã khá mạnh vào cuối thế kỷ 17. Khổng Giáo, nền tảng của chế độ quân quyền tuyệt đối đã lung lay và không còn khả năng để bảo vệ sự bền vững của trật tự cũ nữa. Nhưng sự yếu kém về tư tưởng của chúng ta đã không cho phép chúng ta thích ứng được với tình huống mới và nhìn ra một hướng đi phù hợp với mình. Chế độ quân chủ chuyên chế vẫn còn tồn tại trên cả hai miền Nam-Bắc, nhưng ngày càng mất nội dung và sức mạnh, cuối cùng chỉ còn là những hư cấu trong lúc, vẫn do sự thiếu vắng tư tưởng chính trị, chúng ta không tìm ra được giải pháp thay thế. Trong cả hai xã hội phân rã đó loạn lạc nổi lên khắp nơi, đạo đức sa sút và lòng người ly tán. Khoảng trống chính trị đã cho phép loạn quân Tây Sơn, một đám loạn quân thuần túy, không có bất cứ một dự án chính trị nào dựa vào tổ chức và sự táo bạo mà nắm được chính quyền, cai trị một cách tàn bạo để rồi sau cùng cũng bị tiêu diệt một cách tàn bạo. Vua quan nhà Nguyễn cũng không đủ trí tuệ để nhận thức được rằng họ tiếp thu một đất nước tan hoang và đang sống trong một khúc quanh lịch sử trọng đại. Họ đã chỉ biết đi theo đường xưa lối cũ, ngoan cố theo đuổi một ý thức hệ Khổng Giáo đã hoàn toàn phá sản. Kịch bản suy sụp và phân rã lại tái diễn một lần nữa. Chúng ta đều biết những gì đã xảy ra sau đó : ngoại thuộc, chiến tranh, rồi cộng sản, nghèo đói, lạc hậu và bế tắc.

Chúng ta không phải là nước Châu Á duy nhất bỡ ngỡ và phản ứng vụng về trước người phương Tây vào thế kỷ 17 nhưng ít ra họ đã biết rút ra một số nhận định, đã biết thích nghi chế độ với thực tại xã hội đã không sụp đổ trong bạo loạn như nước ta để rồi sau đó còn có thể tiếp tục tìm hiểu thêm. Chúng ta đã quá yếu kém về nhận thức chính trị. Có thể một phần là do cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn đã làm kiệt quệ mọi sinh lực nhưng nguyên nhân chính vẫn là nền văn hóa ngâm vịnh nhàn dư, trong đó tư tưởng chính trị hoàn toàn vắng mặt. Ba mươi năm Tây Sơn đã là một đại họa cho nước ta : đói kém, giết chóc, các thương nhân nước ngoài bỏ đi hết và chúng ta rơi trở lại vào bóng tối dày dặc. Điều này giải thích tại sao sau này vua quan nhà Nguyễn vào cuối thế kỷ 19 đã phản ứng một cách mù quáng như chưa từng hiểu biết gì về phương Tây, khác hẳn với các chính quyền Châu Á khác.

Ngày hôm nay chúng ta đang ở trong một tình trạng tương tự như thời cuối Trịnh-Nguyễn và thời cuối triều Nguyễn : một chế độ dựa trên một ý thức đã bị đào thải đang dần dần mất hết nội dung và đang đi dần đến khủng hoảng. Khủng hoảng kinh tế, xã hội và cả khủng hoảng nội bộ. Tuy vậy chế độ này sẽ không sụp đổ vì khủng hoảng kinh tế, nó cũng sẽ không sụp đổ vì khủng hoảng nội bộ. Tình hình sẽ chỉ thay đổi nếu có một lực lượng xuất hiện như một giải pháp thay thế. Nếu không chế độ sẽ chỉ mục nát thêm kéo theo sự suy sụp và phân rã của chính đất nước. Đến một lúc nào đó khi chính quyền hoàn toàn chỉ còn là một hư cấu thì tất cả có thể xảy ra. Một băng đảng nào đó nhờ thủ đoạn và táo bạo hay được sự yểm trợ của một thế lực ngoại bang có thể lại nắm được chính quyền và mở đầu một giai đoạn hỗn loạn có thể kéo dài rất lâu.

Ngày 30-4-1975, những biểu ngữ ''Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng muôn năm'' được dựng lên khắp đường phố Sài Gòn trong những tiếng reo mừng của những người cộng sản vừa chiến thắng. Nhưng vào thời điểm đó, về mặt tư tưởng, chủ nghĩa này đã gần như bị bác bỏ. Những tiếng nói phản kháng đã xuất hiện ngay tại Liên Xô và đã có mùa xuân Tiệp Khắc. Một lần nữa sự lạc hậu thê thảm về tư tưởng của Việt Nam lại được phơi bày. Những biến cố đáng buồn trong gần bốn thế kỷ qua kế tiếp nhau như một chuỗi hột mà sợi dây xuyến vẫn là sự kém cỏi về nhận thức chính trị. Có bao nhiêu người Việt Nam ý thức được như vậy ?

Kỷ niệm hai mươi lăm năm ngày 30-4 là dịp để chúng ta nhìn lại đất nước và suy tư để tránh cho những thảm kịch đừng lặp lại. Trong lịch sử của các dân tộc, những nguy cơ được dự báo trước thường ít xảy ra, chính vì chúng đã được dự báo trước.  
Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận 137, tháng 5-2000)

Những bài khác trong Một Ngày Lễ Lớn Của Mai Sau - Tuyển tập Nguyễn Gia Kiểng

Bài viết khác của tác giả Nguyễn Gia Kiểng