Chính quyền dân chủ trong tương lai sẽ “xử lý” đảng cộng sản Việt Nam như thế nào? (Việt Hoàng)

 “…sau khi chế độ cộng sản đã cáo chung và một chế độ dân chủ đã được thiết lập sẽ không có những vụ án chính trị, nghĩa là sẽ không có ai bị truy tố vì những chức vụ mà họ đã giữ dưới chế độ cộng sản…”


Chính quyền dân chủ trong tương lai sẽ “xử lý” đảng cộng sản Việt Nam như thế nào? (Việt Hoàng)

Nhân bài viết Thời điểm để nhìn rõ đảng cộng sảncủa ông Nguyễn Gia Kiểng, một độc giả thân hữu của báo Thông Luận có đặt câu hỏi rằng: “Trong một chính quyền tương lai mà đảng THDCĐN nắm đa số, với chính sách hoà giải hoà hợp dân tộc và trong “tinh thần đồng bào và anh em”, một tòa án công lý sẽ phán như thế nào đối với những lãnh đạo cộng sản trong tất cả cấp bậc hiện hành đã nhúng máu và tàn độc đối với dân? Và biện pháp ra sao đối với những gia sản ngàn tỷ của họ khi tiền ăn cướp, bẩn, và máu đã được rửa tẩy sạch, xấy khô mùi ô uế, sang tên cho con cháu, và nằm phát phì ở những trương mục hay bất động sản ở ngoại quốc?”.

Thiển nghĩ đây là một câu hỏi rất nhạy cảm, không chỉ với những người Việt Nam hải ngoại, với đa số người dân Việt Nam mà còn với cả chính những người cộng sản và gia đình họ.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) là một tổ chức chính trị dân chủ đối lập có tham vọng trở thành đảng cầm quyền trong tương lai, vì thế chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến và đưa ra câu trả lời cho tất cả mọi thắc mắc đó. Chúng tôi sẽ không tránh né bất cứ điều gì và chúng tôi sẽ trả lời rất thành thật, thẳng thắn, không quanh co hay dối trá và quan trọng hơn cả là chúng tôi sẽ làm đúng như vậy khi trở thành đảng cầm quyền. (Tất nhiên là nếu chúng tôi được người dân Việt Nam lựa chọn, thông qua một cuộc bầu cử dân chủ, đàng hoàng và minh bạch).

Nói về những sai lầm và tội lỗi mà đảng CSVN gây ra cho đất nước và con người Việt Nam suốt 70 năm qua thì quả thật không bao giờ hết. Một tổng kết ngắn gọn và đầy đủ nhất về chủ đề này mà chúng tôi đã nói đến chính là bài “Thời điểm để nhìn rõ đảng cộng sản”. Có lẽ đến giờ này, với những tiến bộ của kỹ thuật “nghe nhìn đọc” thì hầu như đa số người dân Việt Nam đều hiểu rõ những sai lầm của đảng CSVN. Chúng tôi sẽ không nhắc lại chuyện đó mà sẽ đưa ra cách giải quyết của mình.

Trong chương 8: “Chuyển tiếp thành công về dân chủ” của Dự án Chính trị 2015- Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, chúng tôi đã đưa ra những đề nghị rõ ràng và cụ thể về những việc cần phải làm cho giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn này. Tuy nhiên không phải ai cũng có thời gian và sự kiên nhẫn để đọc DACT 2015 nên chúng tôi tiếp tục trả lời và giải thích cho từng câu hỏi mà mỗi độc giả quan tâm.

Trở lại câu hỏi trên thì chúng tôi đồng ý và ai cũng thấy được là có chuyện đó nhưng “cách xử lý” mà chúng tôi đề nghị có thể khiến một số người không hài lòng nhưng đó là cách giải quyết duy nhất mà một chính quyền dân chủ trong tương lai nên làm và cần làm để không gây ra những đổ vỡ mới và để có được sự đoàn kết dân tộc.

Khái Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (DACT 2015) có viết: “Nhà nước Việt Nam tương lai sẽ phải phục hồi danh dự cho những người đã bị hạ nhục, phải bồi thường thiệt hại, dù chỉ là một cách không đầy đủ, cho những nạn nhân mà không tạo ra những nạn nhân mới. Xóa bỏ hận thù có nghĩa là sẽ không có những vụ án chính trị, ngược lại sẽ có một đạo luật cấm nhà nước truy tố bất cứ ai vì chức vụ mà họ đã giữ, trừ khi họ đã vi phạm một cách rất nghiêm trọng ngay chính những luật lệ đương hành lúc họ tại chức. Mọi công dân có quyền tố cáo những hà hiếp mà mình đã là nạn nhân, và nhà nước sẽ xử lý những tranh tụng đó như những tranh tụng giữa những công dân bình đẳng trước pháp luật trong tinh thần hòa giải dân tộc”.

Như vậy có nghĩa là sẽ không có bất cứ một tòa án nào được lập ra (bởi chính quyền) để truy tố bất cứ một quan chức cộng sản nào cả. Các cấp tòa án từ tòa án địa phương đến tòa án tối cao đều hoạt động độc lập theo nguyên tắc “tam quyền phân lập” và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhân danh sự liên tục của quốc gia mà chính quyền mới sẽ ân xá cho tất cả mọi quan chức cộng sản. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là công lý sẽ không được thực thi. Những người dân là nạn nhân của các quan chức cộng sản đều có quyền tố cáo vụ việc của mình lên tòa án và tòa án sẽ xét xử các tranh tụng đó như giữa những công dân bình đẳng. Nhà nước sẽ nghiêm cấm mọi hành vi trả thù báo oán.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng cần làm nhưng với điều kiện là có bằng chứng rõ ràng và có người đứng ra tố cáo, nhà nước sẽ không làm việc tố cáo hay truy bức bất cứ ai. Tinh thần chủ đạo của giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ là tinh thần “hòa giải và hòa hợp dân tộc”: “Thực thi hòa giải dân tộc không phải chỉ đơn thuần là một tình cảm mà còn đòi hỏi những biện pháp cụ thể.  Nhà nước Việt Nam tương lai sẽ đặt con người tự do làm đối tượng phục vụ cao nhất. Nhà nước Việt Nam tương lai sẽ coi đa nguyên như một giá trị tuyệt đối. Đa nguyên về mọi mặt tâm linh, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội. Nhà nước Việt Nam tương lai sẽ chế tài nghiêm khắc mọi ngôn ngữ và thái độ xúc phạm với mọi sắc tộc, mọi cộng đồng, mọi tín ngưỡng, mọi quan điểm.  Ngược lại nhà nước sẽ khuyến khích và giúp đỡ tận tình mọi sáng kiến và cố gắng đem mọi người Việt Nam thuộc mọi vùng, mọi sắc tộc, mọi tôn giáo, mọi nhân sinh quan, mọi chính kiến đến gần nhau hơn trong tinh thần tôn trọng mọi khác biệt”.

Trước mắt chúng ta có nhiều việc để làm, “Một cố gắng khác, rất quan trọng, là thuyết phục mọi đảng viên cộng sản và viên chức nhà nước rằng họ hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để lo ngại sự cáo chung của chế độ độc tài đảng trị cả, trái lại họ còn có mọi lý do để vui mừng trước những thắng lợi của dân chủ. Danh dự, nhân phẩm và những quyền lợi hợp pháp của họ sẽ được tôn trọng. Hơn thế nữa, họ còn trút bỏ được mặc cảm tội lỗi tiếp tay cho một chế độ tồi dở và gian trá. Họ sẽ có niềm tự hào đóng góp đưa đất nước tiến lên với phúc lợi càng ngày càng lớn cho mọi người, kể cả chính họ.

Cố gắng tranh thủ sự hưởng ứng của những cán bộ đảng viên cộng sản không khó về mặt lý luận vì trong đại bộ phận họ cũng đều là nạn nhân của chế độ và cũng rất bất mãn. Khó khăn là ở di sản tâm lý do cuộc chiến và cách cai trị thô bạo của đảng cộng sản để lại. Nhiều người không tin rằng hận thù có thể xóa bỏ dễ dàng, trong khi đó thì vẫn còn những luận điệu cực đoan của một thiểu số vô ý thức và vô trách nhiệm gây thêm sự lo ngại. Bởi vậy cuộc vận động dân chủ, một mặt, phải khẳng định một cách thật quả quyết tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc và, mặt khác, phải cam kết một cách hùng hồn rằng sẽ không có bất cứ một biện pháp phân biệt đối xử nào. Muốn như thế hàng ngũ dân chủ phải qui tụ mọi người xuất phát từ mọi quá khứ chính trị. Một tập hợp chính trị dù có thiện chí và đường lối đứng đắn đến đâu mà chỉ gồm những người xuất phát từ một trong hai phe quốc gia cũ hay cộng sản cũ cũng vô vọng”.

Ông Nguyễn Gia Kiểng cũng đã trả lời cho câu hỏi trên của vị thân hữu rằng: “Theo quan điểm của THDCĐN thì sau khi chế độ cộng sản đã cáo chung và một chế độ dân chủ đã được thiết lập sẽ không có những vụ án chính trị, nghĩa là sẽ không có ai bị truy tố vì những chức vụ mà họ đã giữ dưới chế độ cộng sản. Tuy vậy mọi công dân vẫn có quyền tố cáo trước công lý những bất công mà họ đã là nạn nhân và tòa án sẽ xét xử như là những tranh tụng giữa các công dân bình đẳng trước pháp luật. Nói cách khác ông Trương Tấn Sang sẽ không bị truy tố vì đã là chủ tịch nước nhưng một công dân X vẫn có quyền kiện một sĩ quan công an nào đó đã đánh đập mình hoặc thân nhân mình tại trụ sở công an.

Về các gia tài của các quan chức cộng sản thì chúng tôi nghĩ như sau: GDP của chúng ta hiện nay vào khoảng 150 tỷ USD. Nếu chúng ta tổ chức lại và quản lý đất nước một cách đúng đắn thì sau một thời gian đất nước sẽ vươn lên mạnh mẽ và GDP của chúng ta sẽ lớn gấp nhiều lần. Đó mới là điều quan trọng, không nên mất thì giờ để tịch thu tài sản của người này người nọ. Sẽ chẳng được bao nhiêu, như kinh nghiệm của nhiều nước đã chứng tỏ. Tuy vậy nếu một công dân A kiện một công dân B vì trong quá khứ đã lợi dụng chức quyền cướp đoạt tài sản thì đó là chuyện giữa hai người”.


Như vậy có nghĩa là sẽ không có bất cứ sự trả thù, tịch thu tài sản hay hạ nhục bất cứ một viên chức hay đảng viên đảng cộng sản nào. Suy cho cùng họ cũng là nạn nhân của chế độ. Họ cũng là con người, khi khơi dậy được tính người trong họ bằng sự bao dung và tôn trọng của xã hội thì họ sẽ có nhiều đóng góp cho hiện tại lẫn tương lai. Cuộc nội chiến tương tàn từ năm 1954 đến năm 1975 và vẫn tiếp diễn sau đó đã để lại di chấn quá nặng nề cho dân tộc Việt Nam. Một chế độ dân chủ trong tương lai dứt khoát phải làm khác với những gì mà đảng CSVN đã làm trước đây. Đất nước Việt Nam là của chung của tất cả mọi người Việt Nam. Sẽ không có bất cứ ai bị hắt hủi và bị chà đạp ngay chính trên quê hương mình.

Có dân chủ và tự do thì chúng ta sẽ làm ra rất nhiều của cải mới và cuộc đời sẽ thay đổi rất rõ nét. Chúng tôi tin rằng: “Trả lại tự do kinh doanh thực sự cho dân chúng là ta đã khai thông được nhiều sinh lực mới và có thể chờ đợi những đóng góp mới. Chính sách kinh tế đứng đắn và lương thiện của ta cũng sẽ có khả năng động viên nguồn tài chính còn lại trong nhân dân. Không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh mà chúng ta sẽ có nhờ giải tỏa và động viên sinh lực của một dân tộc gần 100 triệu người cần mẫn. Chúng ta có quyền chờ đợi những thành quả nhanh chóng và to lớn. Mục tiêu tăng gấp đôi tổng sản lượng quốc gia trong vòng năm năm của giai đoạn chuyển tiếp đòi hỏi một tỷ lệ tăng trưởng 15% mỗi năm nhưng đó là một mục tiêu trong tầm tay vì chúng ta là một nước bờ biển với một vị trí thuận lợi và một dân tộc cần mẫn, khả năng lôi kéo đầu tư nước ngoài rất lớn. Đó là tỷ lệ mà ngay cả các tỉnh duyên hải của Trung Quốc cũng đã đạt được dù dưới chế độ cộng sản. Hơn nữa nước ta còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác. Chúng ta tụt hậu không phải vì khó khăn khách quan mà vì sự tồi dở và tham nhũng của chính quyền cộng sản”.

Việt Hoàng