Người Việt Nam không cần lựa chọn một giấc mơ khiêm tốn và một cuộc đời trung bình (Chu Tuấn Anh)

 Chúng ta hoàn toàn có quyền mơ một giấc mơ lớn, thực hiện một dự án chính trị tham vọng; chúng ta không cần phải mơ một giấc mơ khiêm tốn, sống một cuộc đời dưới mức trung bình nếu chúng ta lựa chọn tin vào những con người lương thiện và lòng yêu nước vẫn đang tồn tại trong mỗi người Việt Nam.


Tôi viết bài này như một lời kết cho một loạt bài mang tên Tại sao là Con đường Dân Chủ Đa Nguyên? bao gồm một cố gắng nêu ra những nội hàm, vấn đề nổi bật nhất của lộ trình dân chủ hóa của đất nước (dù nó không thực sự đầy đủ và cần những bổ sung). Tuy vậy, loạt bài là một cố gắng nêu bật khái niệm dân chủ đa nguyên, một sáng tạo của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho đất nước Việt Nam với những ngôn ngữ và nội hàm riêng biệt mà chúng tôi đã trình bày trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Haiđược ra mắt công chúng vào năm 2015. Một thập kỷ đã trôi qua, chúng ta hoàn toàn có quyền ước mơ và kỳ vọng rằng đất nước sẽ bước vào Kỷ Nguyên Thứ Hai, và những ý kiến của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ trở thành những điều chúng ta thực hiện để đất nước vươn lên trong những thập kỷ tới.

Cuộc tranh luận về dân chủ và độc tài tại thế giới đang phát triển đã đi đến hồi kết

Điều đầu tiên, tôi xin mở đầu với một thực trạng về cuộc đua giữa các siêu cường như Trung Quốc và Hoa Kỳ – hay phương Tây. Thực tế cho thấy, thu nhập trung bình của Trung Quốc chỉ ở mức 12.000 đô la mỗi năm, nghĩa là thuộc nhóm trung bình cao. Nhưng họ cần phải vươn lên để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tức là cần một sự chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất, gia công sang nền kinh tế dịch vụ và tri thức. Tuy vậy, những phân tích về kinh tế và xã hội cơ bản cho thấy rằng Trung Quốc khó có thể thành công trong quá trình chuyển hóa này: các khoản tiền khổng lồ dùng để kích cầu không còn phát huy tác dụng; sự phá sản của các ngành xây dựng – cầu đường và bong bóng bất động sản; cuộc khủng hoảng giảm phát cùng với sự suy giảm sức tiêu dùng; hàng hóa sản xuất ế ẩm, và sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong bối cảnh thương chiến leo thang; dân số già hóa, giới trẻ mất động lực làm việc và rơi vào tình trạng thất nghiệp; bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn, cũng như giữa các vùng miền; đồng thời là những chi phí khổng lồ phải bỏ ra cho các vấn đề về nguồn nước và môi sinh.

Như vậy, thực ra là chỉ có cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và thế giới các nước đang phát triển. Ở giai đoạn đầu, Trung Quốc thực sự đã nhỉnh hơn vì sức vóc và tiềm lực khổng lồ của mình. Trung Quốc đã dùng tầm vóc và sự dễ dãi trong tiếp cận tín dụng của nền kinh tế sản xuất lớn nhất thế giới để đổ vào dự án Vành đai – Con đường, và thuyết phục những nước đang phát triển và cởi mở rằng dân chủ hóa không phải sự lựa chọn duy nhất (mà chi tiết xin đọc lại bài viết Những người cộng sản hãy từ bỏ “Vành đai – Con đường” trong chính mình). Đó là một xu hướng có hại vì nó cản trở xu hướng dân chủ hóa một cách lương thiện và quả quyết, và gây ra sự lấn cấn trong tâm lý của giới cầm quyền thiếu lý tưởng, dễ bị mua chuộc bằng lợi ích ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, phong trào toàn cầu hóa xô bồ cũng phá hoại các cố gắng về xây dựng thể chế chính trị và duy trì bình đẳng trong xã hội khi đặt những kết hợp và hội nhập về kinh tế lên trên những nguyên tắc căn bản về dân chủ và nhân quyền. Xu hướng này dù gì cũng đã chấm dứt (có thể đọc lại bài viết Dân chủ phản công để giành thế chủ động để hiểu thêm về điều này)

Và có một thực tế lớn là phần lớn các nước đang phát triển, hoặc những nền kinh tế cởi mở đã chấp nhận dân chủ từ ban đầu, cũng đã bỏ ra 2–3 thập kỷ nhưng vẫn chưa thể chuyển hóa thành nền kinh tế bậc cao, hoặc trở thành một nước có thu nhập cao, vì những thực tế như chúng tôi đã trình bày trong dự án của mình:

“Trỗi dậy hoặc tiêu vong là định mệnh của các nước tụt hậu. Các quốc gia chậm tiến không hiểu điều này chắc chắn sẽ không thể tồn tại. Vươn lên là bắt buộc sống còn nhưng cũng là con đường đầy chông gai và cạm bẫy.”

Trong đó, cũng có nhiều nước chưa kịp đạt được những thành công đáng kể thì đã gặp phải tai nạn đảo chính và nội chiến, khiến quá trình dân chủ bị đảo ngược, điển hình là trường hợp Myanmar. Cũng có những trường hợp dù có một nền dân chủ tương đối ổn ngay từ đầu, nhưng lại đi lững thững giữa di sản hoàng gia, chính quyền quân phiệt và các thế lực tài phiệt, để rồi cũng tiến rất chậm so với dự kiến, như Thái Lan; hay một nền dân chủ sao chép mô hình tổng thống chế một cách máy móc theo kiểu Hoa Kỳ, được lãnh đạo bởi những chính trị gia tồi tệ, cũng góp phần khiến tiến bộ kinh tế chậm hơn kỳ vọng, như Philippines. Dù vậy, cũng có những điểm sáng như Malaysia – hiện đang chuẩn bị vượt qua mức trung bình cao của thế giới, với một nền kinh tế khá cân đối và vẫn có dấu hiệu bùng nổ, khiến người ta có thể hy vọng rằng dân chủ sẽ dẫn đến sự thịnh vượng. Hai nước hậu cộng sản như Ba Lan và Estonia cũng đã trở thành những quốc gia có thu nhập cao, với Ba Lan là nền kinh tế năng động nhất của EU và Estonia đang bước vào kỷ nguyên số hóa với một mức độ đổi mới sáng tạo đáng kinh ngạc.

Thời đại cũng sắp giải quyết cuộc đua này, vì những nền kinh tế mới nổi đã có một thể chế dân chủ ổn vững và các quyền con người được mở rộng sẽ tiếp tục tăng trưởng; trong khi mô hình Trung Quốc sẽ suy giảm ngay cả khi Hoa Kỳ tự triệt thoái và tự cô lập mình. Dân chủ hóa cần được hiểu là một tiến trình bắt đầu bằng những cuộc vận động về tư tưởng trong lòng các chế độ độc tài, giành được thắng thế và nắm quyền thông qua những cuộc bầu cử tự do và lương thiện, để từ đó khởi đầu cho những nỗ lực không ngừng nhằm lành mạnh hóa thể chế, mở rộng các quyền tự do dân sự và chính trị của người dân. Và thực ra, tiến trình đó cũng rất gian nan, và có thể sẽ thất bại hoặc bị triệt thoái, dù nó là lựa chọn duy nhất để vươn lên.

Những lập luận từ lực lượng tuyên giáo của chế độ cho rằng Myanmar và Thái Lan đã bất ổn chính trị vì dân chủ là hoàn toàn sai. Thái Lan đã rất chậm chễ trong tiến trình dân chủ hóa và đã không có những cố gắng lớn để cải thiện thể chế, loại bỏ các thế lực quân phiệt và di sản hoàng gia bù nhìn, cùng với thế lực tài phiệt ra khỏi sinh hoạt chính trị; Myanmar đã tiến về dân chủ trong một tinh thần thiếu lương thiện, được dàn xếp bởi một lực lượng quân phiệt muốn cởi mở về kinh tế nên đã cho phép một số cởi mở về dân chủ, nhưng vẫn muốn dành quyền kiểm soát chính trị và hành xử chà đạp lên luật pháp (như tôi đã trình bày trong bài viết Myanmar là một bài học cho thái độ thủ cựu và chống lại lập trường dân chủ hóa). Nói đến đây, chúng ta cần quả quyết rằng tiến trình này phải được dẫn dắt bởi những người với một dự án chính trị tuyệt đối lương thiện.

Chuyển đổi kinh tế để vươn mình cần sự thay đổi về thể chế chính trị

Một giai đoạn toàn cầu hóa xô bồ và dễ dãi cũng đã đi đến hồi kết; thế giới sẽ trở nên phân mảnh hơn, với đỉnh điểm là cuộc thương chiến mà Trump đã khơi mào với thế giới. Trong một thời gian ngắn, thế giới sẽ phải tăng cường các mối quan hệ đa phương, hoặc nhanh chóng tổ chức lại một trật tự đa phương về thương mại để cứu nguy cho viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu lên đến 7% trong dài hạn. Ít nhất, tổng khối lượng các chuỗi cung ứng toàn cầu không có Hoa Kỳ cũng sẽ đủ lớn để đảm bảo rằng nền kinh tế thế giới chỉ trải qua một đợt suy thoái nhẹ trong một đến hai năm đầu, trước khi tiếp tục tăng trưởng. Tôi cũng đã nhiều lần trình bày rằng thái độ chống lại dân chủ và nhân quyền của một nền kinh tế phụ thuộc hơn 200% GDP vào ngoại thương, 30% GDP vào thị trường tiêu thụ Hoa Kỳ, và chỉ chiếm vỏn vẹn chưa đến 1% tổng lượng kinh tế thế giới dù dân số đứng hàng thứ 15, là một cách hành xử duy trì chủ nghĩa đơn phương và sẽ dẫn đến việc đánh mất thế giới. Nhưng đánh mất thế giới và cơ hội hội nhập cũng có nghĩa là đánh mất một nguồn lực chắc chắn không dễ dãi và đang ngày càng hạn hẹp hơn để đổi mới đất nước.

Thêm nữa, đổi mới về khoa học – kỹ thuật cũng là lựa chọn duy nhất để chuyển hóa nền kinh tế sản xuất sang dịch vụ. Nghĩa là thế hệ lao động tương lai sẽ kỳ vọng làm ít hơn với chế độ phúc lợi cao hơn; nhưng cũng cần một năng suất cao hơn và do đó phải áp dụng những thành tựu của khoa học – kỹ thuật. Nhưng tôi cũng đã chứng minh rằng, vấn đề trao đổi và tiếp nhận khoa học – kỹ thuật là một vấn đề địa chính trị. Người ta chỉ chia sẻ các bí quyết và tài nguyên khoa học – kỹ thuật cho đồng minh và các quốc gia không có vấn đề rủi ro về an ninh và không khác biệt về nền tảng thể chế với mình mà thôi. Vấn đề triển khai và ứng dụng như thành tựu khoa học – kỹ thuật lại là một vấn đề về thể chế, đòi hỏi một tinh thần dân chủ (mời đọc lại bài viết Phát triển Khoa học Kỹ Thuật cần một tinh thần, một thể chế dân chủ). Như vậy, không thể duy trì chế độ độc tài toàn trị nếu muốn đổi mới khoa học – kỹ thuật.

Mặt khác, chế độ độc tài toàn trị ngăn cấm thực hành mọi quyền tự do dân chủ, đàn áp mọi tiếng nói đối lập dù chỉ là nêu lên ý kiến – như hai chí hữu của THDCĐN Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang – thì làm sao khơi dậy được tinh thần năng động và sáng tạo của người Việt, đặc biệt là lớp trẻ. Trong bài viết Con đường dân chủ đa nguyên là giải pháp cho một tình trạng khẩn cấp quốc gia, tôi cũng đã mô tả về một giấc mơ khá giả của thế hệ lao động thứ hai đã tan vỡ vì lạm phát và giá nhà ở leo thang; và thế hệ lao động thứ ba sẽ lựa chọn bỏ cuộc vì các quyền con người đã bị tước đoạt – dù đó là công cụ lao động quan trọng nhất để thế hệ mới có thể đổi mới sáng tạo. Làm sao có thể tước đoạt các quyền dân chủ và quyền con người – những công cụ lao động cần thiết trong một bối cảnh xã hội mới nhưng lại gượng ép đặt ra mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo? Đó là một điều không thể thực hiện được.

Gần đây, vấn đề kinh tế tư nhân cũng được đặt ra; nhưng kinh tế tư doanh cũng cần có sự cạnh tranh công bằng để tránh sự hình thành của các đầu sỏ tài phiệt, cần một nền dân chủ pháp trị để giải quyết những mâu thuẫn thường xuyên trong kinh tế, và cần một triết lý hòa giải, liên đới xã hội để tránh những đổ vỡ, cũng như nâng đỡ những người yếu thế trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nó cũng cần những chính sách về tản quyền và tổ chức vùng, nhằm đảm bảo dân số được tái phân bố để các khu công nghiệp ven biển có thể mở ra cùng với nguồn lực con người, hướng tới một sự phát triển bao trùm. Như vậy, có thể chuyển đổi kinh tế mà vẫn giữ nguyên một thể chế độc tài, toàn trị hay không?

Một nền kinh tế tư doanh, một thị trường nội địa mạnh và tự tin, một nền kinh tế hội nhập với thế giới, và một nền kinh tế của tri thức và đổi mới sáng tạo chỉ được mở ra khi tiến trình dân chủ hóa và con đường dân chủ đa nguyên được bắt đầu. Duy trì một thể chế độc tài sẽ làm mọi cố gắng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp trở nên vô vọng. Trong cuộc thương chiến, ông Tô Lâm chắc cũng thấy được mình phải đi cầu cạnh Hoa Kỳ, chấp nhận sự sỉ nhục để đổi lấy thị trường tiêu thụ cho một nền kinh tế quá lệ thuộc vào ngoại thương và thị trường nội địa què quặt. Họ đã mong chờ vào Hoa Kỳ – một cường quốc nhưng đã muốn triệt thoái, và vào bức tường giấy Trung Quốc, với khả năng gần như chắc chắn sẽ bị bỏ lại trong cuộc đua thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành một nền kinh tế thu nhập cao (như đã trình bày ở trên).

Lý do là những nguồn lực mà chính người Việt Nam và nền kinh tế có thể mở ra đã bị chế độ tước đoạt với sự toàn trị và độc đoán. Những người tuyên giáo của chế độ không nên ấm ức khi tôi nói đảng Cộng Sản Việt Nam không đủ ngôn ngữ và nền tảng để đưa đất nước vào Kỷ nguyên mới!

Con đường chuyển đổi kinh tế cũng cần quản lý những sự kỳ vọng của quần chúng

Chúng ta cũng học tập kinh nghiệm của Đông Âu rằng, khi mở cửa kinh tế, nhiều quốc gia đã kỳ vọng có thể bắt kịp Tây Âu trong vòng 5 năm. Một phong trào dân chủ hóa lương thiện và thành thực đã diễn ra tại hầu hết các nước Đông Âu, từ Ba Lan, Tiệp Khắc, đến Đông Đức (ngoại lệ là Romania, nơi đã để xảy ra bạo lực). Tuy nhiên, họ đã không có một lớp chính trị gia đủ kiến thức và thời gian để xác định lộ trình phục hưng đất nước, vốn đòi hỏi một khoảng thời gian tương đối dài, cũng như cần có những kỳ vọng rõ ràng cho từng giai đoạn cụ thể. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến làn sóng dân túy và sự bất mãn đang diễn ra gần đây tại các nước Đông Âu, mà điển hình nhất là Hungary.

Tuy vậy, ông Tô Lâm hay lãnh đạo chế độ có nên mong đợi rằng dân tộc Việt Nam phải chịu đựng sự bạo ngược của một chế độ công an trị và không có các quyền dân chủ – trong đó có quyền tự do bầu cử, ứng cử, quyền tự do ngôn luận – để đổi lại một giai đoạn lãnh đạo thống nhất nhằm phát triển kinh tế hay không? Quần chúng sẽ bỏ cuộc trước sự tàn bạo của chế độ độc tài toàn trị.

Thực ra, một người luôn chỉ làm trong ngành công an và với bộ óc đàn áp như ông Tô Lâm chắc hẳn không ký ức gì về những cuộc thảo luận của đất nước trong đó chủ nghĩa kinh tế đã bị chúng tôi bài bác rất lâu rồi.

“Chúng ta cũng cần phải cực lực bác bỏ một thứ “chủ nghĩa kinh tế” mà một số chính quyền, trong đó có chính quyền cộng sản Việt Nam, đã lấy làm lý cớ để phủ nhận hoặc giới hạn tự do, dân chủ và nhân quyền. Kinh tế không phải là tất cả, và ngay cả trên địa hạt thuần túy kinh tế tỷ lệ tăng trưởng cũng không phải là tất cả. Một thành tích tăng trưởng kinh tế 10% không cho phép một chính quyền tự mãn là có công rồi áp đặt một chế độ độc tài lên dân chúng, nhất là khi sự tăng trưởng đó chỉ là rút ngắn một phần sự tụt hậu do chính họ gây ra và đất nước phải trả bằng một giá rất đắt về văn hóa, đạo đức, môi trường. Mục tiêu quốc gia mà chúng ta phấn đấu để toàn dân Việt Nam chia sẻ là một xã hội phồn vinh, có văn hóa cao, có sự phân phối hợp tình hợp lý lợi tức quốc gia, có cơ hội thăng tiến công bằng cho mọi người, có liên đới giữa người và người và giữa mọi người với đất nước, có bảo đảm tự do và phẩm giá cho mọi người, có khả năng không ngừng vươn lên, có môi trường thiên nhiên được bảo vệ và liên tục cải thiện”.

Như đã trình bày, ngay cả khi quần chúng không nổi dậy chống lại chính quyền bạo ngược, họ sẽ bỏ cuộc khi nhận ra rằng những kỳ vọng và sự đánh đổi về nhân quyền, hay sự hy sinh ở hiện tại, sẽ không mang lại bất kỳ tương lai nào đáng mơ ước. Tôi cũng từng chỉ ra, qua chỉ số GDP-B và các giá trị 0 trong bài Cùng nhìn lại loạt bài: Chuyển đổi kinh tế để đi vào Kỷ Nguyên thứ hai (phần 1), để chứng minh rằng ngay cả khi hai nền kinh tế tương đương về dân số và quy mô GDP, thì một xã hội dân chủ – với sự tôn trọng phẩm giá và quyền con người – vẫn sẽ mang lại cảm nhận tốt hơn về sự hài lòng, sự sung túc và nhiều động lực để vươn lên, so với một xã hội duy trì thể chế độc tài và chối bỏ các giá trị dân chủ, nhân quyền. Và trong một bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế dịch vụ, đổi mới sáng tạo, cũng không có chỗ cho kỹ trị hay “độc tài sáng suốt”. Trên thực tế, những cố gắng cải thiện dân chủ và mở rộng nhân quyền chỉ làm cho chỉ số GDP-B tăng trưởng, qua đó thúc đẩy sự chuyển hóa xã hội theo hướng dịch vụ và đạt đến một trình độ tri thức cao hơn.

Và trên hết, kỳ vọng của quần chúng chỉ được quản lý khi cố gắng về kinh tế được đặt dưới một truyện thuyết quốc gia và lòng yêu nước. Và lòng yêu nước và truyện thuyết quốc gia cũng cần được cụ thể hóa bằng việc không nhượng bộ về vấn đề điều kiện sống của quần chúng và người lao động, vấn đề môi sinh, và liên đới xã hội, ngay cả trong những điều kiện phát triển ngắt nghèo nhất. Điều đó đã được tuyên ngôn trong định hướng Xây dựng một hạnh phúc quốc gia phẩm chất ngay trong cố gắng trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

Chúng ta không nên mơ một giấc mơ trung bình

Tuy nhiên, chúng tôi bàn những vấn đề bế tắc về kinh tế và địa chính trị không phải để dồn chế độ đến chân tường hay để “kích động” như ngôn ngữ quy chụp của lực lượng tuyên giáo. Chúng tôi cũng không bao giờ lợi dụng một tình trạng khẩn cấp hay khủng hoảng của đất nước để “âm mưu” bất cứ điều gì ngoài cố gắng thuyết phục và tranh thủ những cảm tình của người Việt Nam với đất nước Việt Nam để chuẩn bị cho một hành trình dựng lại đất nước, một giai đoạn thay đổi bắt buộc phải đến. Hiện nay, đất nước chúng ta đang ở ngã ba đường trước một bối cảnh địa chính trị mới và một nhu cầu chuyển đổi kinh tế cấp bách để đảm bảo một tương lai đáng kể cho đất nước Việt Nam. Trong đó chúng ta nhìn thấy các lựa chọn:

Lựa chọn thủ cựu và kiên quyết chống lại dân chủ hóa sẽ chỉ làm cho đất nước chìm sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội. Thế hệ lao động trẻ sẽ bỏ cuộc với đất nước, và người dân Việt Nam sẽ mất niềm tin và đường hướng. Chúng ta sẽ trượt dài và có nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn, và trở thành một failed state (một đất nước không thành).

Lựa chọn thứ hai là đi về một chế độ dân chủ tạm bợ. Những cố gắng đi về tổng thống chế hay chế độ dân chủ tài phiệt từ chế độ độc tài trị cũng đều sẽ gây cho đất nước những đổ vỡ. Ngay cả khi các chế độ nửa vời đó có RẤT MAY MẮN tìm cách thích nghi và tồn tại, người Việt Nam cũng chỉ có quyền mơ một giấc mơ trung bình, sống một cuộc đời khiêm tốn nếu không muốn nói là nhỏ bé.

Nhưng chúng ta cũng có một lựa chọn khác đáng phấn đấu và khao khát hơn nhiều là con đường dân chủ đa nguyênTập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức của những con người dám mơ một giấc mơ lớn và dám có những dự án chính trị tham vọng cho đất nước Việt Nam, vì anh em chúng tôi đã lựa chọn tin vào đất nước Việt Nam và người Việt Nam – các thế hệ hôm nay và những thế hệ nối tiếp mai sau, tin vào thiện chí và lòng yêu nước của mọi thành phần trong dân tộc. Nếu con đường dân chủ đa nguyên là lựa chọn của đa số trong dân tộc Việt Nam, chúng ta sẽ cố gắng trong một vài thập kỷ để đạt được một vị trí xứng đáng, một tiếng nói đáng kể hơn trên thế giới, và một quốc gia thực sự hạnh phúc – thông qua một mô thức và những định hướng đúng đắn cho đất nước Việt Nam. Chúng ta không có lý do gì để thủ cựu, cũng không có lý do gì để chọn một con đường nửa vời chỉ để được phép mơ một giấc mơ trung bình. Chúng ta có quyền mơ một giấc mơ lớn cùng đất nước Việt Nam.

Vào 10 năm trước, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đã ra đời và nhiều anh em trẻ thuộc các thế hệ đã tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, nhưng chúng tôi hiểu với nhau rằng chúng tôi chưa bao giờ đấu tranh cho một con đường dân chủ hóa nào khác nếu đó không phải là con đường dân chủ đa nguyên được dẫn dắt bởi Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

Chúng tôi hiểu rằng nếu con đường dân chủ đa nguyên không được nhìn nhận và không giành chiến thắng trong thập kỷ này, bối cảnh thế giới sẽ rất khác, và chúng ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội dân chủ hóa và phục hưng đất nước. Các cơ hội tiếp theo cũng chỉ là những cơ hội thiếu tham vọng và trung bình mà thôi; sự dồn dập của cách mạng kỹ nghệ sẽ khiến anh em chúng tôi phải chỉnh sửa lại những mục tiêu lớn trong dự án đấu tranh của mình một cách khiêm tốn và thiếu chắc chắn hơn. Lúc đó, có lẽ ưu tiên hàng đầu chỉ có thể là lo cho đất nước không trượt dài vào đà tiêu vong, chứ chúng ta không còn một thực tế, một nền tảng đất nước để hy vọng khi những điều kiện tốt nhất đã qua đi (như dân số già hóa, niềm tin và đồng thuận, sự bất bình đẳng và phân tầng không còn có thể sửa chữa những xung đột và thù hận chưa được hòa giải).

Do đó, anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ quyết liệt đi trên con đường dân chủ đa nguyên và sẽ đặt dân chủ vào thế tiến công ngay cả trong những điều kiện ngặt nghèo và đàn áp nhất, để đất nước đi vào một quỹ đạo, một con đường đúng đắn. Nhưng sự quyết liệt và thế tiến công sẽ không tạo ra kẻ thù – chúng tôi không bao giờ là “thế lực thù địch” nếu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên kêu gọi thứ tha và hòa giải dân tộc, muốn đất nước không có thêm bất kỳ nạn nhân nào nữa. Điều mà những người anh em, đồng bào trong lực lượng an ninh có thể làm ngay bây giờ để trở thành tác nhân, thay vì nạn nhân của lịch sử, là thuyết phục nhau để đưa ra quyết định chấm dứt sự đàn áp đối với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Hãy để cuộc thảo luận quốc gia về dân chủ hóa, cũng là cuộc thảo luận về tương lai đất nước, tiếp tục diễn ra trên tinh thần cởi mở nhất, không có bạo lực, đàn áp, và được dẫn dắt bởi tinh thần đồng bào và tương kính nhất.

Người Việt Nam sẽ hòa giải để đất nước đi lên. Cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới sẽ chỉ là một đà chậm lại trong một hoặc hai năm, để rồi đất nước tiếp tục cất cánh, vì Con đường dân chủ đa nguyên sẽ khơi dậy nội lực của đất nước Việt Nam, niềm tin của người Việt với đất nước Việt Nam (dù là người sống trong đất nước hay cộng đồng người Việt hải ngoại), và những nguồn lực mới do chính người Việt gửi gắm cho đất nước. Chúng ta hoàn toàn có quyền mơ một giấc mơ lớn, thực hiện một dự án chính trị tham vọng; chúng ta không cần phải mơ một giấc mơ khiêm tốn, sống một cuộc đời dưới mức trung bình nếu chúng ta lựa chọn tin vào những con người lương thiện và lòng yêu nước vẫn đang tồn tại trong mỗi người Việt Nam.

Chu Tuấn Anh

(12/04/2025)