Mô thức nào cho Việt Nam khi nền dân chủ Hoa Kỳ chỉ còn là một ốc đảo và những bức tường? (Chu Tuấn Anh)

 Một mô thức sai và những bước đi lững thững sẽ chỉ khiến chúng ta, thêm 50 năm nữa, rơi vào một tiến trình sụp đổ và tan vỡ. Trong 50 năm qua, chúng ta đã sống trong thảm trạng tụt hậu, với hơn 20 năm phải chịu cảnh nghèo đói; chúng ta chỉ vừa mới thoát nghèo và đạt mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2010. Thế nhưng sau 15 năm, chúng ta đang đối mặt với tình trạng kiệt quệ, một cuộc khủng hoảng về thể chế, mô hình kinh tế, và phải đón nhận những tai họa từ các biến động toàn cầu. Chúng ta sẽ sụp đổ nếu vào thời điểm này không lựa chọn được một mô thức và những định hướng đúng đắn.

********************

US Tariff Barriers

Mọi quốc gia đều có một vấn đề Hoa Kỳ của mình – đó là một điều đã được nhìn nhận trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nói theo cách này có nghĩa là chúng ta nhìn nhận tầm quan trọng của sự hợp tác khăng khít với Hoa Kỳ cả ở bình diện song phương và trên mặt trận châu Á – Thái Bình Dương, nhưng cũng hiểu rằng Hoa Kỳ cũng tạo ra vấn đề nhiều vấn đề cho đất nước Việt Nam và thế giới. Dường như giới trí thức và những người lãnh đạo chế độ ở Việt Nam đã không ý thức được điều này, để ngày hôm nay mô hình kinh tế dựa trên ngoại thương của Việt Nam bỗng chốc sụp đổ trước cuộc chiến tranh thương mại và hàng rào thuế quan Hoa Kỳ đã dựng lên với thế giới. Gần như trong sự kiện thương chiến, thế giới nhìn Việt Nam như một nạn nhân lớn nhất, một nền kinh tế sẽ phải chịu tổn thất nhiều nhất vì duy trì sự lệ thuộc quá đáng vào ngoại thương và xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Nhưng cũng có một vấn đề khác mà chúng ta phải bàn đến đó là một tâm lý sùng bái “mô thức Hoa Kỳ” trong lòng nhiều trí thức và chuyên gia, thậm chí là quan chức có xu hướng cởi mở ở trong bộ máy chính quyền và xã hội dân sự Việt Nam. Đúng là chúng ta cần cởi mở và dân chủ hóa đất nước.  Nhưng một tiến trình dựa trên mô thức Hoa Kỳ có thể là một con đường sai lầm, đưa đất nước Việt Nam lững thững bước vào Kỷ nguyên mới của thế giới, và một lần nữa rơi vào một thảm họa khác.

1. Một nền kinh tế tư doanh bệnh hoạn, thiếu liên đới xã hội

1.1 Một hệ thống thuế yêu thích của giới tài phiệt

Nhiều kinh tế gia cánh hữu thường rất nhấn mạnh vào thâm thủng ngân sách của Hoa Kỳ. Họ cho rằng đây là một vấn đề rất nghiêm trọng cho sự ổn vững vĩ mô của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Vào năm 2024, thâm thủng ngân sách của Hoa Kỳ đạt mức 1.8 ngàn tỷ đô trước áp lực của các khoản chi cho Covid-19 và cuộc chuyển hóa xanh mà họ bắt buộc phải thực hiện. Nhưng có một điều hiển nhiên là tại sao họ không cố gắng bù đắp thâm thủng vào ngân sách thông qua đánh thuế một cách có trách nhiệm với những siêu tập đoàn của Hoa Kỳ. Khi Donald Trump lên làm tổng thống Hoa Kỳ trong năm 2017, ông ta đã ban hành chính sách giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21% doanh thu. Nhưng thực ra vấn đề thuế doanh nghiệp Hoa Kỳ trầm trọng hơn chỉ là ở mức thuế, mà còn là vô vàn những đạo luật được ban hành ra nhằm tạo lỗ hổng cho các tài phiệt trốn thuế. Theo một khảo sát vào năm 2021 thì phần lớn các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ cũng không phải đóng thuế ở mức 21%, cụ thể:

  • 342 doanh nghiệp chỉ phải trả trung bình 14.1% thuế trong vòng 5 năm được nghiên cứu.
  • Trong đó có 87 doanh nghiệp chỉ phải trả thuế ở mức dưới 10% hoặc 1 con số ở chu kỳ 5 năm được nghiên cứu.
  • 55 doanh nghiệp chỉ phải trả ở mức dưới 5%.
  • 23 doanh nghiệp không phải trả bất cứ một đồng thuế nào mặc dù có lãi suất trong cả 5 năm được nghiên cứu. 
  • 100 doanh nghiệp không phải trả một đồng thuế nào trong ít nhất 1 trong 5 năm được nghiên cứu.
  • Có 50 tập đoàn trả nhiều hơn mức thuế 21%, nhưng phần lớn vì họ đã từng được hưởng những mức thuế quá lớn hoặc phải đóng thuế từ những cố gắng trì hoãn thuế từ những năm trước đó. (ITEP, 2022)

Vào năm 2024, người ta cũng ghi nhận 50 công ty (10%) trong nhóm S&P 500 chẳng phải trả một đồng thuế nào, trong đó có Tesla của Elon Musk. Tất cả những chi tiết này chỉ nói lên một sự thực rằng những tập đoàn lớn và giới tài phiệt của Hoa Kỳ đã làm mọi thứ để trốn tránh một trách nhiệm tương xứng với tầm vóc và vai trò của họ trong xã hội và nền kinh tế Hoa Kỳ. Vào năm 2054, sẽ có thêm 37 ngàn tỷ đô la nợ quốc gia sẽ thêm vào nền kinh tế Hoa Kỳ với một tình trạng trốn thuế như hiện tại.

Nhưng giới tài phiệt luôn được cứu nguy khi đã là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vào năm 2008. Giới tài phiệt là người nhận được những khoản lãi khổng lồ từ trên trời (windfall profit) trước một tình trạng khủng hoảng trong xã hội (chẳng hạn như Đại dịch Covid 19 diễn ra vào năm 2019).

1.2 Định nghĩa lại về kinh tế tư nhân trong sinh hoạt dân chủ

Điều này đặt ra một dấu hỏi lớn về sinh hoạt của kinh tế và chính trị Hoa Kỳ. Trong một nền dân chủ thì những người lao động là lực lượng chủ yếu đi bầu cử và nắm đa số đầu phiếu, còn doanh nghiệp không có bất cứ một phiếu nào. Nhưng mọi chính sách cuối cùng cũng làm lợi cho giới tài phiệt và chống lại quyền lợi của người lao động. Và tất nhiên dân chủ cũng cần một lòng yêu nước một cách tự nguyện, trên tinh thần tôn trọng mọi lập trường và mọi tiếng nói, các quyền tự do dân sự và xã hội căn bản. Nhưng một khi chính trị đã bị mua chuộc bởi tài phiệt và lá phiếu không còn tác dụng lên chính sách, người ta thấy đồng thuận dân chủ và lòng yêu nước của Hoa Kỳ bỗng sụp đổ trong chóng vánh sau một giai đoạn giảm sút từ từ. Người ta sẵn sàng bầu cho lực lượng dân túy và Donald Trump chỉ để đập phá.

Việc xây dựng một hệ thống thuế một cách trách nhiệm không phải để chống lại một nền tảng kinh tế tư nhân (một nền dân chủ không thể xa vời nền kinh tế tư nhân (private sector)). Nhưng một hệ sinh thái tư nhân không chỉ có những tập đoàn khổng lồ. Nó phải có sự linh hoạt và tính cạnh tranh lành mạnh cùng với sự hợp tác cho các doanh nghiệp địa phương vừa và nhỏ, ở đó cũng có người lao động cần được bảo vệ quyền lợi để có một mối quan hệ hài hòa với chủ các doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc dung túng một nền kinh tế bị tài phiệt chi phối, trong đó mọi cạnh tranh có lợi bị triệt tiêu, dẫn đến độc quyền và độc sỏ tài phiệt với các tập đoàn lớn — những hành động giúp các tập đoàn này không phải trả bất cứ một đồng thuế nào hoặc đóng góp trách nhiệm một cách tối thiểu — xét ở một góc cạnh hẹp, cũng chẳng khác nào sự lũng đoạn của khối doanh nghiệp nhà nước (vừa to lớn về kích cỡ, được ưu đãi về chính sách, chèn ép mọi tính cạnh tranh, và được cứu trợ bằng ngân sách mỗi khi thua lỗ) trong những nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa!

Hơn nữa, một nền kinh tế tư doanh lành mạnh cũng cần một nền dân chủ ổn vững, bao gồm: tư pháp công bằng, những luật minh bạch để bảo vệ quyền tư hữu, những luật quy định về cạnh tranh công bằng, luật thành lập doanh nghiệp, luật phá sản v.v.; cùng các quy chuẩn về môi trường – xã hội và luật về quyền lao động, nghiệp đoàn, để tránh những xung đột và đổ vỡ trong xã hội gây gián đoạn các hoạt động kinh doanh. Các tập đoàn lớn và tài phiệt ở Hoa Kỳ đã từng được hưởng lợi từ một nền dân chủ ổn định ở mức tương đối và vô cùng phóng khoáng, cởi mở (khiến cho nguồn nhập cư và chất xám luôn được duy trì). Họ đã thao túng chính trị với sự tiếp tay của một giới chính trị gia thiếu bản lĩnh và lý tưởng, để đến ngày hôm nay, nền dân chủ Hoa Kỳ đã sa sút và đi xuống đáng kể, nếu không muốn nói là đang lâm bệnh.

1.3 Bài của của mô thức kinh tế Hoa Kỳ

Bài học về mô thức kinh tế của Hoa Kỳ cho chúng ta thấy những gì cần thiết cho một nền kinh tế tư doanh của Việt Nam trong tương lai. Có một điều mà chế độ Cộng sản Việt Nam không thể quy chụp và nói rằng tôi xuyên tạc, đó là khi nhìn nhận rằng Việt Nam sẽ bắt buộc phải tiến đến một nền kinh tế thị trường thực sự — nghĩa là giải tư một bộ phận doanh nghiệp công vốn cồng kềnh và chèn ép lĩnh vực tư. Nhưng chúng ta sẽ lựa chọn một nền kinh tế tư nhân năng động, với một hệ sinh thái đa dạng, một hệ thống pháp trị minh bạch, những quy chuẩn thông minh, đầy đủ nhưng không quá khắt khe; hay chúng ta sẽ để cho quá trình giải tư (hoặc cổ phần hóa) diễn ra một cách nhôm nhoam, để hình thành nên những đầu sỏ tài phiệt mua lại các tài sản bị bán tháo với giá trị không đáng kể, giết chết một nền kinh tế tư doanh lành mạnh trước khi nó được hình thành, và thao túng chính trị?

Tất nhiên, với một nước đang cởi mở, chúng ta không thể thu những khoản thuế doanh nghiệp ở mức độ quá cao. Nhưng chúng ta sẽ có đủ ngân sách nhà nước để thực hiện cho những chi tiêu công cần thiết và liên đới xã hội thông qua việc đưa những doanh nghiệp quốc nội tham gia vào chuỗi cung ứng (thay vì các doanh nghiệp FDI chiếm đa số như hiện nay), một mức thuế khóa hợp lý nhưng phải được thực hiện đúng, chuẩn mực về ngôn từ và tinh thần của văn bản (by letter and spirit of the law), và những cố gắng chống tham nhũng, bên cạnh nguồn lợi tức dồi dào từ đầu tư nước ngoài và viện trợ quốc tế mà Việt Nam vẫn có thể nhận được nếu là một nước dân chủ trong thập kỷ tới.

Nói đến đây, chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng một nền kinh tế thị trường và tự do là cần thiết. Nhưng dù sao, nó cũng chỉ là một công cụ để tạo ra tài sản và của cải trong xã hội, đồng thời đóng góp một phần vào ngân sách nhà nước để đầu tư công cho những gì thực sự cần thiết nhằm bảo đảm một tương lai cho đất nước và đáp ứng nhu cầu liên đới xã hội, cũng như tái phân bổ tài sản (thông qua y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội). Một mô thức kinh tế dân chủ đa nguyên sẽ bắt nguồn từ triết lý rằng nền kinh tế là động lực của sự ổn vững, là nguồn lực để liên đới và thúc đẩy những tiến bộ xã hội; hơn là để duy trì một bộ máy cồng kềnh hay một chính quyền toàn trị.

Và để bắt đầu tiến trình chuyển đổi mô thức kinh tế, chúng ta phải kiên quyết chống lại tài phiệt hóa trong một giai đoạn giải tư nền kinh tế.

2. Sức hút dân chủ đã chiến thắng kỹ trị và sức mạnh của quy mô

2.1 Kỹ trị là kẻ thù của đổi mới sáng tạo

“Dân chủ tài phiệt” của Hoa Kỳ ban đầu vẫn là một nền dân chủ sáng suốt và giữ được một tinh thần dân chủ. Tuy nhiên, mô thức dân chủ Hoa Kỳ bất chợt ngã quỵ trước một thế giới gia tốc hơn bao giờ hết từ năm 2016.

Trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ HaiTập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã cổ võ cho một nền kinh tế thị trường lấy tư doanh làm nền tảng; và trong tinh thần đó cũng cần phải có tự do để phát huy óc sáng tạo và tinh thần cầu tiến. Thực vậy, nền kinh tế Hoa Kỳ đã chỉ thực sự thành công rực rỡ nhờ vào một khả năng đổi mới, sáng tạo vô tận đến từ xã hội Hoa Kỳ – mà một phần lớn đến từ sự cởi mở và sức hút lớn của thị trường tiêu thụ – tài chính và làn sóng di cư. Trong bài viết Phát Triển Khoa Học – Kỹ Thuật Cần Một Tinh Thần Và Một Thể Chế Dân Chủ, tôi cũng chỉ ra khả năng đổi mới và sáng tạo của Hoa Kỳ sẽ suy giảm nghiêm trọng vì một tinh thần bất dung của chính quyền Donald Trump, được khuyến khích bởi óc kỹ trị của Elon Musk và thế lực tài phiệt thao túng chính trị – bao gồm những sự phá hoại và tấn công vào thể chế dân chủ Hoa Kỳ: triệt thoái khỏi viện trợ phát triển và các nỗ lực nghiên cứu quốc tế, công kích các đại học và các định chế nghiên cứu (trong đó có đại học Harvard), nhục mạ giới chuyên gia – vốn có một thẩm quyền riêng trong thể chế dân chủ – làm cho sức hút Hoa Kỳ giảm dần với đỉnh điểm là 75% các nhà khoa học muốn rời bỏ Hoa Kỳ.

Cũng cần phải nhắc lại là trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2024, liên minh Trump và Vance đã chọn Elon Musk như một người đồng minh để tạo một bộ mặt kỹ trị và chính quyền hiệu suất cho chính quyền mới của ông ta (với một mặc định dân túy là những người lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ sẽ thúc đẩy được sự đổi mới – sáng tạo và giải quyết được những vấn đề phức tạp về AI, công nghệ, và năng lượng). Tuy nhiên, Elon Musk đã sớm phá hoạt mọi sự hiệu quả thông qua DOGE với những kế hoạch sa thải bừa bãi – trong đó có nhiều nhân sự quan trọng của chính quyền Hoa Kỳ, đưa những con người tồi dở nhất lên nắm những vị trí quan trọng, và tạo điều kiện cho những “thân hữu” của chế độ mới tham ô từ chính sách. Như vậy thì chính quyền mới của Trump với sự tham gia của Elon Musk cũng chẳng có lấy một sự hiệu suất nào ngoài sự vụng về một cách thô thiển. Hơn nữa, người ta cũng sớm chỉ ra rằng giới lãnh đạo tập đoàn như Elon Musk chỉ làm tốt vai trò marketing và đem công nghệ ứng dụng vào các sản phẩm đi ra thị trường tiêu dùng thôi; còn thành quả của đổi mới công nghệ thuộc về những nhà khoa học và những người làm công tác nghiên cứu trong xã hội. Những người lãnh đạo dù là quốc gia hay khối doanh nghiệp phải khiêm tốn và biết ơn giới khoa học chứ không phải một thái độ “hợm hĩnh” một cách kỹ trị và vơ vét hết mọi công lao về phía mình.

Ở đây, chúng ta thấy một điều rằng đã có một thời điểm sức mạnh về kinh tế, thị trường tiêu dùng, và thị trường tài chính đã là cơ sở để thu hút nhân tài cho Hoa Kỳ – nghĩa là một sức mạnh về kinh tế và một mức độ phóng khoáng đã tạo ra sự hấp dẫn. Ngày nay, có lẽ kinh tế Hoa Kỳ vẫn sẽ là một nền kinh tế mạnh nhất thế giới trong phần lớn thập kỷ tới, nhưng nền dân chủ cho đến nay thì đã suy sụp về nội dung. Thế giới đã đi đến một cao điểm của dân chủ hóa và khiến thể chế dân chủ, sự phóng khoáng và bao dung vì những thực hành chính trị lương thiện trong xã hội mới là sức hút lớn hơn cả để thu hút những nguồn nhân lực cần thiết để phát triển một nền kinh tế. Với thời gian và nhân thức của thế giới, dân chủ đã đi lên, và đã cho thấy nó quan trọng hơn sức mạnh về vật chất.

2.2 Mô thức Việt Nam không thể là chủ nghĩa kỹ trị

Cho nên, chúng ta phải rút kinh nghiệm từ sai lầm của mô thức Hoa Kỳ. Trước tiên, chúng ta cần một nền dân chủ lương thiện, một thái độ khiêm tốn và bao dung, cùng với những cố gắng vun đắp về thể chế dân chủ và những thực hành đúng. Những nền tảng đó thôi sẽ là một sức hút lớn hơn bao giờ hết và là động lực để mở ra những nguồn lực về con người, nhân tâm cho một Kỷ nguyên mới. Một mô thức Việt Nam không thể là sự nối tiếp của một thái độ kỹ trị mà giới cầm quyền tỏ ra để che giấu sự lũng loạn và vụng về của mình.

Nói đến đây, những hành xử kỹ trị của ông Tô Lâm – thông qua việc “cách mạng hóa” tinh giản biên chế, bộ máy hành chính; sát nhập và tinh giản các đơn vị hành chính được thực hiện một cách lộn xộn; nói nhiều tới công nghệ, khoa học – kỹ thuật nhưng vẫn muốn duy trì toàn trị và những chính sách hà khắc, bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận và xã hội dân sự – liệu có thể đưa đất nước đi vào một kỷ nguyên mới? Chắc chắn là không. Đất nước sẽ ngã gục vì sự tàn bạo và lối cai trị độc đoán được duy trì quá lâu.

Nhưng “kỹ trị” của ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính cũng cần một thành tích cụ thể, hay một liều thuốc trợ tim trong tình thế nguy cấp. Sự cứu nguy đầu tiên của họ chính là viễn tượng về một tiểu cường quốc sản xuất đất hiếm, chip bán dẫn, cùng với một nguồn điện vô tận từ các nhà máy hạt nhân phục vụ cho dự án này. Tuy nhiên, những dự án đó đã đi đến hồi phá sản khi Hoa Kỳ kết luận rằng Việt Nam không có một nguồn đất hiếm đáng kể (chỉ khoảng 3,5 triệu tấn và ở mức độ loãng, khó khai thác).

Một chính sách gần đây họ có thể theo đuổi là mô hình đặc khu kinh tế, có nghĩa là duy trì sự cởi mở và các chính sách đặc biệt về thuế và tự do kinh tế trong một không gian địa lý hữu hạn. Nhưng trong một bối cảnh mà nguồn vốn phát triển và đầu tư nước ngoài đã dần suy giảm đáng kể như hiện nay, thì việc đầu tư cho các đặc khu kinh tế cũng chẳng có những cơ sở nào đáng tin cậy. Hơn nữa, những nguồn vốn, cùng doanh nghiệp nước ngoài có trách nhiệm, sẽ nhận thấy rằng việc đầu tư vào đặc khu cũng chẳng có một nguồn lợi như quy mô thị trường tiêu thụ và không gian phát triển ngoài những rủi ro lớn về an ninh và chính trị. Đặc khu sẽ làm đất nước bị chia cắt về địa lý và tiềm ẩn những rủi ro về chính trị khiến những tiếng nói phản kháng trong xã hội bùng lên và chỉ làm đất nước thêm bất ổn, hoặc đưa Việt Nam rơi vào tình trạng mất an ninh hoàn toàn như Campuchia. Một nền kinh tế tự do, hài hòa, không có rào cản về địa lý và đảm bảo tự do trung chuyển giản dị là một lựa chọn đáng kể hơn nhiều.

Hay họ mong muốn tạo dấu ấn đầu tư công với chuỗi dự án Vành đai – Con đường bao gồm tuyến đường sắt cao tốc liên kết với Trung Quốc và tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Nếu thực sự bám vào đường sắt cao tốc là một cứu nguy thì Lào đã không lâm vào tình trạng sụp đổ và vỡ nợ như ngày hôm nay.

Mọi con đường kỹ trị đều bế tắc. Nhưng tại sao lại gọi những chính sách đó là một con đường kỹ trị? Vì nó đề cao một sáng kiến cá nhân của người lãnh đạo để tập trung nguồn lực cho một hoạt động phát triển với mong muốn cứu nguy tình tế mà họ hoàn toàn lảng tránh các vấn đề về những ưu tư cho một nền kinh tế tri thức, những nỗ lực nghiên cứu và sáng tạo được thúc đẩy thông qua một thể chế dân chủ và lành mạnh. Một mô thức Việt Nam mới hoàn toàn không có chỗ cho chủ nghĩa kỹ trị!

3. Vấn đề của Hoa Kỳ với thế giới và Việt Nam

3.1 Bức tường và ốc đảo Hoa Kỳ

Trước sự suy giảm lớn về dân chủ của Hoa Kỳ, họ đã dựng lên những bức tường lớn và xây dựng một ốc đảo như một cố gắng vừa để triệt thoái, vừa để che đậy một thực tại tồi tệ của mô thức chính trị và xã hội Hoa Kỳ. Đầu tiên là bức tường thuế quan, nhằm đưa sản xuất và gia công trở lại Hoa Kỳ — dù hiện nay Hoa Kỳ đã trở thành một nền kinh tế dịch vụ và công nghệ cao, nơi mà chẳng ai còn muốn quay lại phục vụ cho các dây chuyền nhà máy nữa.

Tuy dựng lên một bức tường thuế quan — một loại thuế lẽ ra cần phải được lược bỏ để mang lại hàng hóa rẻ cho dân chúng và thúc đẩy sự phân công lao động một cách hợp lý giữa các khối nền kinh tế, quốc gia trên thế giới — chính quyền Donald Trump lại dung túng cho sự thiếu trách nhiệm và hành vi trốn thuế của các siêu tập đoàn đa quốc gia. Họ cũng sẵn sàng giảm thuế cho những người giàu có và các chủ doanh nghiệp thành công. Hoa Kỳ đã triệt thoái khỏi Hiệp ước Khung về Hợp tác Thuế Quốc tế — vốn nhằm bảo đảm các cam kết chống lại việc trốn tránh nghĩa vụ thuế của các tập đoàn đa quốc gia (bên cạnh đó là nỗ lực yêu cầu các tập đoàn này phải đóng tối thiểu 15% thuế doanh nghiệp tại nước sở tại, điều có lợi và bảo vệ các nền kinh tế còn đang cởi mở, không bị chèn ép) — cũng như các tiêu chuẩn thuế của OECD. Những hành vi thô thiển đó đã biến Hoa Kỳ trở thành một ốc đảo trốn thuế, tiếp tục giữ chân các tập đoàn và nguồn vốn tư bản nhờ các chính sách thuế dễ dãi và đầy lỗ hổng. Họ cũng loại bỏ những quy định đối với đồng tiền ảo, trong khi thực chất tiền ảo có giá trị chủ yếu vì nó là kênh phục vụ các giao dịch phạm pháp và các dòng tiền bất chính. Tiền ảo không có ưu thế gì so với các đồng tiền truyền thống trong các hoạt động kinh tế và đầu tư. (JOSEPH E. STIGLITZ, 2025).

Khi thể chế dân chủ đã suy giảm và không còn một tinh thần phóng khoáng và bao dung, Hoa Kỳ đã dựng lên một bức tường và tự biến mình thành ốc đảo: bức tường thuế quan và ốc đảo của sự hoang dại về thuế và sự thiếu minh bạch. Chúng ta mong muốn Hoa Kỳ đóng một vai trò tối đa những buộc phải chuẩn bị cho một Hoa Kỳ đóng một vai trò tối thiểu. Và chúng ta cũng sẽ phải nhìn nhận rằng chúng ta sẽ có thêm nhiều vấn đề Hoa Kỳ với thế giới.

3.2 Vấn đề của Hoa Kỳ đối với Việt Nam

Chắc chắn rằng nhiều người nhìn thấy vấn đề xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là vấn đề Hoa Kỳ lớn nhất và cấp bách nhất của đất nước Việt Nam ngày hôm nay. Nhưng thực tế, chúng ta có một vấn đề cấp bách hơn là cần xóa bỏ tâm thức áp đặt mô thức Hoa Kỳ của một bộ phận trí thức, chuyên gia lên đất nước Việt Nam mà tôi đã trình bày một phần trong bài viết Con đường tổng thống chế là lựa chọn chống lại tương lai đất nướcHay nói cách khác, chúng ta không dại gì mà lựa chọn một mô hình tổng thống chế khiếm khuyết của Hoa Kỳ (trong khi đó dân chủ đại nghị là một mô hình ổn vững hơn cả), một mô thức đang trong một cuộc khủng hoảng về Hiến Pháp và thể chế, một xã hội đang chia rẽ về mọi mặt, và tinh thần dân chủ đã sa sút nghiêm trọng. Đất nước Việt Nam xứng đáng có một mô thức và những định hướng lớn để dân chủ hóa một cách lương thiện và lành mạnh, mà những gì đã được trình bày trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là một lựa chọn rõ ràng nhất ở thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, tại sao chúng ta cần bàn đến câu chuyện mô thức và tầm quan trọng của nó vào thời điểm này? Vào thời điểm xuất bản Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ HaiTập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng đã trình bày về một cuộc chuyển hóa của Nhật Bản — từ một xã hội truyền thống sang một nếp sống tiên tiến — đã khiến họ mất ba thập kỷ để bối rối và xét lại, từ quan hệ công nhân – công ty, từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế sáng tạo và phẩm chất, từ việc ứng dụng kỹ thuật hiện đại đến chỗ làm chủ các phát minh kỹ thuật mới. Nghĩa là, từ một nền kinh tế trung bình cao dựa vào sản xuất, Nhật Bản đã chuyển sang một nền kinh tế bậc cao của dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Nhưng xuất phát điểm của Việt Nam vẫn là một nước có thu nhập trung bình thấp (ở mức dưới 5.000 đô la), vậy liệu chúng ta có thể tự tin rằng mình hiệu suất hơn Nhật Bản và có thể đi nhanh hơn, dù xuất phát điểm thấp hơn? Nếu chúng ta cần phải đi nhanh để cứu lấy đất nước, thì càng không thể dễ dãi trong việc lựa chọn một mô thức cho quốc gia. Việc lựa chọn sai ở thời điểm này chính là một thái độ vô trách nhiệm và đi ngược lại tương lai của đất nước!

Đoạn tuyệt với một nền kinh tế của tài phiệt và sự sùng bái quy mô; đoạn tuyệt với chủ nghĩa kỹ trị, hay với những khuyết tật của mô thức Hoa Kỳ — để chúng ta có được một mô thức thực sự đúng đắn, cùng với những thực hành chính trị thực sự chính xác và hiệu quả, trên nền tảng tinh thần bao dung, đa nguyên, và một triết lý hòa giải dân tộc nhằm nhanh chóng mở ra những nguồn lực mới.

Một mô thức sai và những bước đi lững thững sẽ chỉ khiến chúng ta, thêm 50 năm nữa, rơi vào một tiến trình sụp đổ và tan vỡ. Trong 50 năm qua, chúng ta đã sống trong thảm trạng tụt hậu, với hơn 20 năm phải chịu cảnh nghèo đói; chúng ta chỉ vừa mới thoát nghèo và đạt mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2010. Thế nhưng sau 15 năm, chúng ta đang đối mặt với tình trạng kiệt quệ, một cuộc khủng hoảng về thể chế, mô hình kinh tế, và phải đón nhận những tai họa từ các biến động toàn cầu. Chúng ta sẽ sụp đổ nếu vào thời điểm này không lựa chọn được một mô thức và những định hướng đúng đắn.

Đất nước Việt Nam hôm nay của chúng ta xứng đáng có một tương lai, nếu chúng ta cùng nhau phấn đấu vì nó. Những người đảng viên của chế độ cộng sản, các lực lượng công an, tuyên giáo hiện nay vẫn coi Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một thế lực thù địch; họ kiên quyết giữ lập trường thủ cựu và đàn áp chúng tôi — những người có thiện chí, mong muốn đất nước đi theo một con đường đúng đắn, chuyển tiếp về dân chủ trong trật tự, trên tinh thần hòa giải và với một quyết tâm không để đất nước tiếp tục rơi vào đổ vỡ và thêm những nạn nhân. Những anh em nhân sĩ, trí thức, vì tâm lý cũ, vẫn tin vào những giải pháp ngắn hạn, những giải pháp “dễ dàng”, “cá nhân”, để cổ vũ cho một mô thức sai lầm. Nếu chúng ta tiếp tục như vậy, thật buồn khi phải nói rằng đất nước sẽ không còn một tương lai đáng kể nào.

Chu Tuấn Anh

(24/04/2025)