Họ lẫn lộn lối thoát và mối nguy (Nguyễn Gia Kiểng)
Cho tới gần đây Đảng Cộng Sản chỉ nhìn Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên như một tổ chức đối lập ôn hòa. Bình thường thôi vì bất bạo động và hòa giải dân tộc là phương châm nền tảng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ ngày thành lập; nếu chính quyền cộng sản sụp đổ thì không phải do chúng tôi mà do chính họ.
Sáu tháng sau khi bắt giam Trần Khắc Đức với cáo buộc tùy tiện “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, ngày 18/03 chính quyền cộng sản lại vừa bắt thêm một chí hữu khác của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Lần này là Quách Gia Khang với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Đức, Khang và những thanh niên yêu nước
Phải nói ngay, tất cả chỉ là những cáo buộc tùy tiện của kẻ cậy mình có bạo lực.
Cũng như Đức, Khang là một thanh niên thông minh, cần mẫn, cầu tiến, dũng cảm và đầy ý chí dù rất hiền hậu và bao dung. Cả hai đều đã đến với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ hơn mười năm nay khi chưa đầy 20 tuổi vì tình người và tình dân tộc, vì lý tưởng đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc bằng những phương thức bất bạo động. Cáo buộc Đức là “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là hoàn toàn vô lý. Đức chỉ phát biểu một cách ôn hòa những ý kiến mà mình nghĩ là đúng và cần cho đất nước, chỉ sử dụng một cách chừng mực quyền tự do ngôn luận, một quyền con người căn bản trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập của Liên Hiệp Quốc mà chính quyền cộng sản Việt Nam cũng đã cam kết tôn trọng. Vả lại trong cả 20 bài viết được công an cộng sản viện dẫn để buộc tội Đức – trong đó có 13 bài của tôi, 4 bài của Đức và 3 bài khác của anh em THDCĐN – không hề có bài nào nhắc đến Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính quyền cộng sản bắt Đức chỉ vì nghĩ những bài viết đó có sức thuyết phục và không có lợi cho họ.

Cáo buộc Khang là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” còn thô bỉ hơn nhiều. Khang chỉ thuần túy nghiên cứu và lý luận. Tôi trao đổi với Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang từ hơn mười năm nay khi họ mới vào đại học, tôi thấy họ khá giống nhau và quý mến cả hai nhưng càng ngày Đức càng tỏ ra sắc sảo và thực tiễn hơn trong khi Khang uyên bác và lý thuyết hơn. Tôi nhìn Đức như một cấp lãnh đạo tương lai và Khang như một nhà tư tưởng của nước ta sau này. Cả hai đều là những thanh niên mà đất nước nào cũng phải rất mong muốn có được.
Cần nhấn mạnh thêm là Đức và Khang chỉ là hai trong số hàng trăm hàng ngàn thanh niên Việt Nam ưu tú khác đã bị chế độ cộng sản bắt giam và bỏ tù. Bách hại họ Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phạm một tội lớn, rất lớn, là phá hoại tương lai đất nước.
Thực thà không nhất thiết là tốt
Một số bạn tôi nhận xét là ông Tô Lâm tỏ ra cởi mở hơn người tiền nhiệm. Đúng là khác với ông Nguyễn Phú Trọng lúc nào cũng khoe khoang thành tích của Đảng Cộng Sản là đẹp, đường lối của Đảng là đúng, chủ nghĩa Mác – Lênin là cao siêu, đất nước chưa bao giờ có cơ ngơi như bây giờ v.v., ông Tô Lâm đã phê phán bộ máy chính quyền cộng sản là kềnh càng, chồng chéo và bế tắc, cấp trên đẩy trách nhiệm xuống cấp dưới, cấp dưới đẩy lên cấp trên, quan chức chỉ lo kiếm lợi cho riêng mình, Việt Nam tụt hậu xa so với các nước láng giềng, công nghiệp chủ yếu là gia công và lắp ráp, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn v.v. Một người bình thường chỉ cần viết hoặc nói ra một nửa những gì Tô Lâm đã nói cũng đủ để vào tù. Ông cũng ít nhắc tới chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tô Lâm quả nhiên thực thà hơn Nguyễn Phú Trọng nhiều. Nhưng thực thà tự nó chưa chắc đã là tốt nếu không đi kèm với lòng tốt, sự sáng suốt và mục tiêu lương thiện. Anh em chúng tôi trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang bị buộc phải nhận định như thế.
Cho tới nay, qua nhiều tổng bí thư, chủ tịch nước và thủ tướng, chế độ cộng sản vẫn có một cái nhìn ôn hòa đối với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Chưa bao giờ họ gọi chúng tôi là đảng khủng bố hay “thế lực thù địch”. Họ còn vài lần đề nghị tôi về thăm đất nước. Trong một trường hợp tôi đã chuẩn bị lên đường. Đó là vào đầu hè năm 2010, khi anh Đặng Phong -giáo sư kinh tế, tác giả nhiều cuốn sách giá trị về lịch sử kinh tế Việt Nam và chí hữu của chúng tôi- thông báo cho tôi là anh không thể sang Paris như dự trù được nữa -để thảo luận với tôi về bộ sử mà anh đang biên soạn và muốn tôi viết cuốn tổng luận dẫn nhập- vì lý do sức khỏe. Chỉ còn một giải pháp là tôi về Việt Nam để thảo luận với anh. Anh đã tới gặp thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng thứ trưởng bộ công an và ông này cho hay là chính quyền lúc nào cũng sẵn sàng để tôi về thăm quê hương. Hai bên đã đồng ý trên 6 điểm, kể cả đề nghị tôi sẽ gặp vài cấp lãnh đạo đảng và nhà nước. Không may là bệnh tình anh đột ngột trở thành nghiêm trọng rồi anh qua đời. Tôi vẫn còn nhận được vài đề nghị sau đó nhưng không thể về vì lý do nguyên tắc : nhiều người mà tôi quý mến còn đang ở tù dù chỉ nói lên lập trường của mình. Trong một lần thăm viếng Bắc Kinh, tôi cũng đã tình cờ gặp phái đoàn Việt Nam sang thảo luận về chương trình hợp tác hàng năm. Chúng tôi uống nước và nói chuyện với nhau trong không khí thân mật và họ cho hay đã đọc cuốn sách Tổ Quốc Ăn Năn của tôi và đồng ý trên rất nhiều điểm.
Những chuyện tôi nhắc lại trên đây chứng tỏ rằng cho tới gần đây Đảng Cộng Sản chỉ nhìn Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên như một tổ chức đối lập ôn hòa. Bình thường thôi, vì bất bạo động và hòa giải dân tộc là phương châm nền tảng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ ngày thành lập ; nếu chính quyền cộng sản sụp đổ thì không phải do chúng tôi mà do chính họ, và chúng tôi là những người cố gắng để cuộc chuyển hóa về dân chủ diễn ra trong hòa bình và không tạo ra một nạn nhân nào. Đối với chế độ cộng sản, chúng tôi là một lối thoát chứ không phải một mối nguy.
Thay đổi đã đến từ giữa năm 2023 khi chính quyền cộng sản thình lình đàn áp anh em chúng tôi trong nước. Họ bắt đến đồn công an để thẩm vấn gần 20 người, mỗi người nhiều lần, họ gây áp lực với các công ty nơi các anh chị em này làm việc và với các chủ nhà nơi các anh chị em này cư trú, họ hăm dọa cả các gia đình, ba người đã bị đánh trong đồn công an. Trần Khắc Đức bị bắt giam từ tháng 9/2024, Quách Gia Khang bị bắt 6 tháng sau, Nguyễn Trần Đặng phải trốn khỏi Việt Nam vì chỉ được chọn lựa giữa phản bội Tập Hợp và làm chỉ điểm cho công an hoặc bị bắt như Đức mà chính Đặng đã giới thiệu vào Tập Hợp. Công an Sài Gòn tỏ ra đặc biệt hung bạo, những anh em bị đánh và bị bắt đều ở vùng Sài Gòn.
Nhưng tại sao chính quyền cộng sản lại thay đổi thái độ như vậy ? Chúng tôi đã phân tích tình hình và đi đến kết luận rằng đó là vì Tô Lâm đã làm chủ được tình thế trong Đảng Cộng Sản. Tô Lâm là cánh tay mặt của Nguyễn Phú Trọng trong vai trò phó Ban Chỉ Đạo Trung Ương Phòng Chống Tham Nhũng từ năm 2013. Do tình trạng rất đặc biệt của chính quyền cộng sản trong đó bất cứ cấp lãnh đạo nào cũng tham nhũng –không có quan chức nào từ cấp bí thư huyện ủy, cục trưởng hay vụ trưởng trở lên mà lại không là triệu phú đô la- bất cứ ai bị điều tra cũng có tội lớn. Vấn đề chỉ là chọn điều tra ai mà thôi và quyền chọn lựa này thuộc Ban Chỉ Đạo Trung Ương Phòng Chống Tham Nhũng. Ban này vì vậy trở thành cơ quan quyền lực nhất trong đảng và nhà nước, nhất là khi nó lại được quyền điều tra “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Sau đó nó lại được mở rộng quyền hạn với tên gọi mới là Ban Chỉ Đạo Trung Ương Phòng Chống Tham Nhũng, Tiêu Cực, Lãng Phí. Nó có quyền quyết định số phận của mọi cấp lãnh đạo vì mọi lý do. Ban này do ông Nguyễn Phú Trọng điều khiển và ông Tô Lâm là cánh tay mặt của ông Trọng trong vai trò phó ban. Thế rồi năm 2019 bất ngờ ông Trọng bị đột quỵ và mất dần khả năng, Tô Lâm dần dần trở thành người lấy quyết định. Từ đó Tô Lâm nhận ra là mình có thể loại trừ bất cứ ai để kế vị Nguyễn Phú Trọng. Đại Hội 13 của Đảng Cộng Sản, tháng 01/2021, đã chứng kiến một cuộc đảo chính nội bộ. Đại hội này đã biểu quyết giữ nguyên bản điều lệ đảng theo đó tổng bí thư chỉ tại chức hai nhiệm kỳ, nghĩa là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ về hưu. Ông Trần Quốc Vượng cũng đã được chọn lựa để thay thế ông Trọng. Tuy vậy sau đó đại hội lại bất chấp bản điều lệ để tiếp tục giữ ông Trọng làm tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba. Sự kiện vô lý này chỉ có thể giải thích là ông Trần Quốc Vượng đã bị ép phải rút lui nếu không muốn bị tố giác và người duy nhất có thể hăm dọa ông Vượng là Tô Lâm.

Từ sau Đại Hội 13 Nguyễn Phú Trọng chỉ còn là một hình nộm để Tô Lâm nhân danh hành động theo ý mình. Quyền lực thực sự nằm trong tay Tô Lâm và cuộc khủng hoảng quyền lực bắt đầu. Nếu Nguyễn Phú Trọng không bị đột quỵ thì chắc chắn vấn đề Tô Lâm thống lĩnh quyền lực đã không đặt ra. Nguyễn Phú Trọng, trước khi mất hết khả năng, chọn điều tra những người tham nhũng nhất nhưng Tô Lâm chọn điều tra những người có thể cạnh tranh với mình hoặc ủng hộ những người cạnh tranh với mình như Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai, Trần Tuấn Anh v.v. Sự chuẩn bị để chính thức nắm trọn quyền của Tô Lâm sau Đại Hội 13 khá lộ liễu. Ông bắt đầu đi thăm nhiều nước để biết về thế giới, kể cả trong những chuyến công du của thủ tướng không liên quan gì tới chức bộ trưởng công an như hội nghị về khí hậu tại Anh, hội nghị hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Indonesia, hay hội nghị hợp tác Mỹ – ASEAN tại Mỹ. Trong những chuyến đi này tác phong của Tô Lâm bên cạnh thủ tướng Phạm Minh Chính không giống như một bộ trưởng bên cạnh thủ tướng mà như một cấp trên. Phạm Minh Chính có vẻ đã hiểu đó là cái giá phải trả nếu không muốn chịu số phận hẩm hiu.
Năm 2023 có lẽ đã là năm mà quyền lực của Tô Lâm đã được khẳng định rõ ràng và ông bắt đầu thực sự cầm đầu đảng và nhà nước cộng sản. Nguyễn Phú Trọng chỉ còn là một bệnh nhân đã mất tất cả mọi khả năng và đang sống những ngày cuối đời. Khi Nguyễn Phú Trọng qua đời Tô Lâm chính thức cầm quyền để chỉ nhận ra là chế độ đã quá bế tắc và phải thay đổi toàn diện, tức khắc, “không thể chần chừ được nữa” như chính ông thú nhận. Và ông đã cai trị đất nước theo bản năng của ông, bản năng của một người mà cả sự nghiệp chỉ là đàn áp những tiếng nói bất phục tùng. Đàn áp là một phản xạ tự nhiên của Tô Lâm.
Không chỉ riêng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mà rất nhiều trí thức cũng đã bị trấn áp. Điển hình là hai ông Trần Đình Triển và Huy Đức. Hai người này hoàn toàn không đối lập với chế độ mà là những người của chế độ. Họ chỉ góp ý trong lòng mong muốn là giúp chính quyền cộng sản lành mạnh hơn để tiếp tục tồn tại. Trần Đình Triển góp ý để cải thiện bộ máy tư pháp, Huy Đức để chính quyền đừng bị nhân dân Việt Nam và thế giới nhìn như một chế độ công an trị. Cả hai đều đã bị bắt và bị xử án tù vì đã viết những điều đụng chạm đến quyền lực của công an và vì thế không vừa ý Tô Lâm. Tô Lâm nhìn những người dân chủ như kẻ thù thay vì những người cứu nguy Đảng Cộng Sản. Ông lẫn lộn lối thoát và mối nguy. Ông đàn áp bất cứ ai mà ông nhìn như một người không thuận với ông và đàn áp một cách thực thà, nhưng sự thực thà của ông còn tệ hơn sự giả dối vì chỉ là thực thà trong cái sai và sự ngoan cố mù quáng.
Tương lai sẽ ra sao ?
Tô Lâm chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn vì ông không có những khả năng mà một người lãnh đạo quốc gia bắt buộc phải có. Ông nhìn thấy sự bế tắc của chế độ nhưng nhìn thấy vấn đề là một chuyện tìm ra giải pháp đúng là một chuyện khác. Vả lại Tô Lâm cũng không nhìn rõ vấn đề, tuy nói “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” nhưng ông lại chỉ hiểu thế chế như là quy định và thủ tục. Ông được đào tạo để thừa hành chứ không phải để lấy quyết định, để đàn áp chứ không phải để phục vụ, để trấn áp và hù dọa chứ không phải để bênh vực và khuyến khích, để gây đau khổ chứ không phải để tạo hạnh phúc. Tô Lâm chắc chắn là hơn so với Nguyễn Phú Trọng. Ông biết ít nhưng còn biết những điều tương đối đúng, Nguyễn Phú Trọng biết toàn những điều sai không nên biết, như Chủ Nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguyễn Phú Trọng chỉ biết quyền lợi của Đảng Cộng Sản, dành tất cả mọi chức vụ từ cấp phó phòng trở lên trong bộ máy nhà nước và các công ty quốc doanh cho các đảng viên cộng sản và biến Đảng Cộng Sản thành một lực lượng chiếm đóng mà không ý thức được hậu quả. Tô Lâm ít ra còn tỏ ra quan tâm tới đất nước và nhân dân.
Tuy vậy, cũng như Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm không biết hai điều rất căn bản :
Một là khi tham nhũng đã đạt tới một mức độ nghiêm trọng nào đó thì chỉ có thể thay thế chế độ chứ không thể cải thiện được nữa. Lý do là vì tham nhũng chủ yếu là sự thiếu vắng các giá trị đạo đức, các giá trị mà người ta hoặc có hoặc không có chứ không thể được thuyết phục để có. Mức độ nghiêm trọng này chế độ cộng sản đã vượt rất xa.
Hai là các chế độ cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không thể cải tổ. Lý do là vì chúng không khác một tôn giáo lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm thánh kinh. Khi kinh thánh đã bị vất bỏ thì tôn giáo phải bốc hơi. Điều này cả Gorbachev lẫn Yeltsin khi lên cầm quyền tại Nga đã nhìn nhận.
Sự thiếu chuẩn bị để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo quốc gia của Tô Lâm thể hiện rõ ràng qua hai sự kiện.
Cuộc “cách mạng tinh gọn bộ máy”, trong đó ông tưởng có thể nhanh chóng tổ chức lại hoàn toàn bộ máy đảng và nhà nước trong vài tháng dù nghị quyết 18 đã có từ năm 2017 mà không thực hiện được chứng tỏ ông không nhìn thấy những khó khăn của tổ chức chính quyền. Nó sẽ chi gây rối loạn và tê liệt vào giữa lúc đất nước đang phải đối đầu với một bối cảnh quốc tế sôi động.
Mục tiêu tăng trưởng hai con số để vào năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển với thu nhập cao chứng tỏ ông thiếu những kiến thức kinh tế sơ đẳng nhất. Làm sao có thể lên kế hoạch trong một bối cảnh quốc tế đầy đe dọa, hơn nữa Việt Nam lại lệ thuộc một cách bệnh hoạn vào bối cảnh quốc tế với xuất nhập khẩu bằng 200% GDP, nghĩa là gấp bốn lần mức báo động ? Những kế hoạch xây dựng ồ ạt xa lộ cao tốc, đường sắt cao tốc, nhà máy điện hạt nhân, khai thác đất hiếm, gia tăng thêm 100 tỷ USD tín dụng v.v. trong mục tiêu tạo tăng trưởng giả tạo còn có nguy cơ tạo ra khủng hoảng lớn.
Tô Lâm buộc chúng ta phải nhớ lại kinh nghiệm lịch sử Hồ Quý Ly. Cũng như Tô Lâm mới đầu chỉ là cánh tay mặt của Nguyễn Phú Trọng, Hồ Quý Ly mới đầu chỉ là cận thần của vua Trần Nghệ Tông nhưng vua Trần Nghệ Tông dần dần yếu bệnh và mất trí rồi chỉ còn biết nghe theo Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly nhờ vậy đã nẩy ra tham vọng làm vua, đã lợi dụng sự suy nhược của Trần Nghệ Tông để nhân danh vua loại trừ hết các trung thần, kể cả các hoàng tử, rồi cướp ngôi vua. Hồ Quý Ly đã làm những cải cách táo bạo mà ông ta không nhìn thấy sự phức tạp. Kết quả là nhà Hồ sụp đổ sau bảy năm và nước ta bị Trung Quốc đô hộ.

Chúng ta phải rất cảnh giác nhưng cũng không có lý do để mất niềm tin.
Lịch sử của các dân tộc trong thời đại gần đây đã cho thấy là các chế độ độc tài lâm nguy vào lúc chúng bắt buộc phải cải tiến và chính cố gắng cải tiến bắt buộc này khiến chúng sụp đổ. Chúng ta đang sống thời điểm này. Tương lai chỉ có thể tươi sáng hơn.
Điều cần nhất trong lúc này là những người mong muốn một tương lai dân chủ cho đất nước phải thuyết phục được các đảng viên cộng sản rằng chúng ta là lối thoát chứ không phải mối nguy cho họ. Và chuẩn bị để cuộc chuyển hóa về dân chủ -nhất định sắp đến- diễn ra trong hòa bình và trong tình anh em để ngay sau đó cùng nhau mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thứ hai trong lịch sử dân tộc.
Nguyễn Gia Kiểng
(01/04/2025)