Liên Âu tăng cường khả năng quân sự và yểm trợ Ukraina (RFI Tiếng Việt)

Tăng cường khả năng quân sự và yểm trợ Ukraina, trọng tâm thượng đỉnh Liên Âu

Thanh Hà

Liên Hiệp Châu Âu hôm nay, 06/03/2025 họp thượng đỉnh bất thường tại Bruxelles, Bỉ, với 2 hồ sơ lớn : Ukraina và an ninh của Liên Âu trước mối đe dọa xuất phát từ Nga và viễn cảnh Mỹ không còn bảo đảm an ninh cho châu Âu. Tổng thống Ukraina được mời tham dự hội nghị.

Liên Âu cảm thấy bị đe dọa từ khi Mỹ và Nga trực tiếp đối thoại xích lại gần nhau và Washington đòi các thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương « phải có trách nhiệm hơn với an ninh » của chính mình.

Trước giờ hội nghị Bruxelles khai mạc, từ trụ sở Liên Hiệp Châu Âu thông tín viên Jean Jacques Hery cho biết rõ hơn về chương trình cuộc họp :

« Liên Âu giờ đây phải tự lo liệu đảm nhiệm chính sách phòng thủ về lâu dài của chính mình. Về điểm này, hầu hết trong số 27 thành viên đều đồng ý, nhưng để thực hiện thì phải có những phương tiện tài chính để trang bị vũ khí. Kế hoạch được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen công bố hôm Thứ Ba vừa qua sẽ kim chỉ nam trong nỗ lực này.

Nhìn chung 27 nước trong Liên Âu tán đồng sáng kiến này và sẽ thảo luận về vế an ninh, quốc phòng chung nhân hội nghị hôm nay. Chương trình sẽ được tài trợ nhờ các khoản tín dụng, huy động quỹ của châu Âu và việc nới lỏng các quy định về thâm hụt ngân sách sẽ cho phép các thành viên chi nhanh chóng chi thêm để tái vũ trang.

Ủy Ban Châu Âu kỳ vọng hy động được 800 tỷ euro cho lĩnh vực quốc phòng. Các thành viên cũng sẽ phải xác định rõ những lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Một số lĩnh vực cũng đã được ít nhiều biết đến như phòng không, phát triển drone và hệ thống chống drone, phát triển trí tuệ nhân tạo.

Theo một nguồn tin ngoại giao châu Âu, mục tiêu tái vũ trang này trực tiếp gắn liền với vấn đề Ukraina. Cho dù không có một khoản viện trợ quân sự hay tài chính nào cho Ukraina sẽ được đưa ra nhân thượng đỉnh bất thường này, nhưng các kết luận của hội nghị, được ghi rõ ràng trên giấy trắng mực đen, sẽ khẳng định quyết tâm của châu Âu tiếp tục hỗ trợ Ukraina và giúp đỡ nước này có được những bảo đảm về an ninh hướng tới một nền hòa bình bền vững.

Hungary và Slovakia, hai tiếng nói bất đồng trong Liên Âu

Thượng đỉnh bất thường tại Bruxelles hôm nay có hai tiếng nói bất đồng : Hungary và Slovakia chống đối việc Liên Âu tăng viện trợ quân sự cho Ukraina. Thủ tướng Hungary Viktor Oraban, người có lập trường thân Nga và tự nhận là một « người bạn » của tổng thống Mỹ Donald Trump, đe dọa « chận » kế hoạch của Liên Âu hỗ trợ Ukraina, đồng thời Budapest chủ trương Liên Âu cần đàm phán trực tiếp với Nga.

Hãng tin Anh Reuters trích lời thủ tướng Slovakia, Robert Fico cho rằng hội nghị có thể thất bại nếu 27 thành viên « không đạt được đồng thuận về Ukraina »

Nguồn : RFI Tiếng Việt

7/3/2025

Đường dẫn bài gốc


TT Pháp Macron khẳng định Nga là mối đe dọa an ninh châu Âu, đề nghị mở rộng răn đe hạt nhân

Minh Anh

Ngày 05/03/2025, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu ngắn trên truyền hình, cảnh báo rằng « cần phải có những cải cách, các quyết định, lòng dũng cảm » trong kỷ nguyên mới trước việc Nga – Mỹ xích lại gần hơn. Nguyên thủ Pháp, khi báo động về « mối đe dọa » Nga đối với an ninh quốc gia và châu Âu, đề xuất mở rộng răn đe hạt nhân Pháp cho các nước đồng minh châu Âu.

AFP lưu ý, bài phát biểu của tổng thống Macron diễn ra một ngày trước khi có cuộc họp thượng đỉnh bất thường của Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles, thảo luận về an ninh Ukraina và châu Âu. Bài diễn văn của ông Macron, lãnh đạo một trong hai cường quốc hạt nhân duy nhất tại châu Âu, được đưa ra vào lúc tân chính quyền Donald Trump gây nhiều lo lắng tại Lục địa già về nguy cơ Mỹ giảm cam kết tại Ukraina và một sự đoạn tuyệt chưa từng có trong lịch sử liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Cũng theo ông Macron, « mối đe dọa Nga đang ở đó và ảnh hưởng đến nhiều nước châu Âu, và cả nước Pháp ». Ông khẳng định, Nga đã biến « cuộc xung đột Ukraina thành một xung đột thế giới », « vi phạm các đường biên giới của chúng ta để ám sát các nhà đối lập, thao túng các cuộc bầu cử tại Rumani, Moldova » và « tìm cách thao túng công luận với những luận điệu dối trá phát tán trên các mạng xã hội ».

Trong toàn cảnh này, trên kênh truyền hình nhà nước France 2, tổng thống Pháp đề nghị mở rộng « lá chắn hạt nhân » cho các nước đồng minh :

« Vào lúc cần phải hành động như hiện nay, Pháp có một quy chế đặc biệt. Chúng ta có quân đội hiệu quả nhất châu Âu. Nhờ sự chọn lựa của những bậc tiền bối, sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, chúng ta được trang bị các năng lực răn đe hạt nhân. Vũ khí này bảo vệ chúng ta tốt hơn so với nhiều nước láng giềng.

Năng lực răn đe hạt nhân này đang bảo vệ đất nước. Năng lực này là hoàn chỉnh, độc lập, và hoàn toàn thuộc về Pháp. Từ năm 1964, năng lực này rõ ràng luôn giữ một vai trò gìn giữ hòa bình và an ninh tại châu Âu. Nhưng giờ đây, đáp lời kêu gọi lịch sử từ thủ tướng Đức tương lai, tôi quyết định mở cuộc tranh luận chiến lược về việc bảo vệ các đồng minh tại lục địa châu Âu bằng chính năng lực răn đe của chúng ta.

Bất kể ra sao, quyết định dùng vũ khí nguyên tử đã và luôn nằm trong tay tổng thống Pháp, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang ».

Theo AFP, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, trong buổi họp báo hôm nay, 06/03/2025, xem các phát biểu của tổng thống Pháp về việc chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân như là « một lời đe dọa nhắm vào Nga ».

Nguồn : RFI Tiếng Việt

7/3/2025

Đường dẫn bài gốc