Đa số các nước chậm trễ trong việc đưa ra lộ trình mới về chống biến đổi khí hậu (Phan Minh)
Chỉ có khoảng 10 quốc gia đã tuân thủ hạn chót 10/02/2025 mà Liên Hiệp Quốc đề ra để nộp lộ trình mới về chống biến đổi khí hậu. Trong số những quốc gia chậm trễ, phần lớn là các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước thành viên Liên Hiệp châu Âu (EU).
Theo cơ sở dữ liệu của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu, được AFP trích dẫn, chỉ có 10 trong số gần 200 quốc gia ký kết hiệp định Paris năm 2015 đã nộp trước hạn chót kế hoạch đã cập nhật của họ đối với việc giảm phát thải khí nhà kính từ giờ đến năm 2035. Chính quyền tiền nhiệm của Hoa Kỳ dưới thời cựu tổng thống Joe Biden đã nộp kế hoạch của Washington cho Liên Hiệp Quốc, nhưng kế hoạch này nhiều khả năng sẽ không được thực hiện do tổng thống Donald Trump đã một lần nữa tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp định Paris.
Hơn 170 quốc gia đã khẳng định sẽ nộp kế hoạch của họ trong năm nay, và phần lớn trong số đó dự kiến sẽ làm trước COP30, diễn ra vào tháng 11/2025. Tuy nhiên, trong số những kế hoạch đã được nộp trước hạn chót, có rất ít lộ trình được đánh giá là đạt yêu cầu.
Theo nền tảng chuyên đánh giá và theo dõi các cam kết, hành động và chính sách khí hậu Climate Action Tracker, các bản cập nhật gần đây của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Hoa Kỳ, New Zealand và Thụy Sĩ bị chỉ trích, trong khi chỉ có Vương Quốc Anh được khen ngợi vì những nỗ lực đáng kể của mình.
Hiệp định Paris yêu cầu các quốc gia ký kết thường xuyên xem xét lại các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, được gọi là "các đóng góp do quốc gia tự xác định" - CDN. Các đóng góp này mô tả cách mà mỗi quốc gia dự định phát triển năng lượng tái tạo hoặc từ bỏ than đá, nhằm kiềm chế sự nóng lên ở mức dưới 2°C và cố gắng giữ nhiệt độ tăng ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Phan Minh - RFI Tiếng Việt
11/02/2025