Báo cáo 2024 về án tử hình : trường hợp Việt Nam (VOA tiếng Việt)
Báo cáo 2024 của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về án tử hình nêu trường hợp Việt Nam
Báo cáo 2024 của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về án tử hình chỉ ra rằng Việt Nam là một trong số vài quốc gia còn lại vẫn tiếp tục sử dụng hình phạt này, với ít nhất 34 người bị kết án tử hình trong năm 2023.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tổ chức phiên thảo luận trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát đối với Việt Nam, tháng 5/2024. Photo UN Web TV.
Việt Nam được nhắc đến trong báo cáo đề ngày 16/7/2024, vừa được Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố hôm 31/8/2024 để chuẩn bị cho phiên họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền diễn ra từ ngày 9/9 đến 11/10 sắp tới.
Trong đề mục về tính minh bạch và việc sử dụng hình phạt tử hình, báo cáo viết rằng Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục "xếp các dữ liệu về việc sử dụng hình phạt tử hình vào diện bí mật nhà nước".
Theo bản báo cáo, Việt Nam được cho là đã kết án tử hình ít nhất 34 người vì các tội liên quan đến ma túy vào năm 2023.
Ngoài ra, báo cáo nhận định rằng các tội phạm phi bạo lực khác ở Việt Nam cũng dẫn đến án tử hình bao gồm hành vi gian lận của một nhà phát triển bất động sản ở nước này. Báo cáo dẫn tham chiếu đến bản tin của BBC tiếng Anh về án tử hình tuyên hồi tháng 4/2024 đối với nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, về tội "tham ô tài sản".
Trên thế giới đã có 170 quốc gia không còn áp dụng án tử hình hoặc đã dừng thi hành án tử hình trong hơn 10 năm qua, báo cáo cho biết.
Báo báo dẫn số liệu của tổ chức Ân xá Quốc tế ghi lại 883 vụ hành quyết ở 20 quốc gia trong năm 2022, tăng 53% so với năm 2021. Trong năm 2023, có đến 1.153 vụ hành quyết ở 16 quốc gia, tăng 31% so với năm 2022.
Những con số này phản ánh xu hướng toàn cầu theo đó số lượng các quốc gia theo chủ nghĩa duy trì án tử hình đang giảm dần nhưng số vụ tử hình lại gia tăng đáng kể, báo cáo nhận định.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về phúc trình nêu trên của Liên Hiệp Quốc, nhưng chưa được phản hồi.
Luật sư Ngô Ngọc Trai ở Hà Nội nêu nhận định với VOA trong một cuộc phỏng vấn trước đây rằng "từ lâu nay, tôi quan tâm tới vấn đề án tử hình và thúc đẩy cho việc tiết giảm và tiến tới bãi bỏ hoàn toàn án tử hình" tại Việt Nam.
"Chúng ta cùng hy vọng rằng Việt Nam sẽ ngày càng ít đi số án tử hình để tạo lập một môi trường pháp lý nhân văn", luật sư Trai kỳ vọng.
Trong nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam không công bố số liệu án tử hình vì "liên quan đến bí mật nhà nước", theo báo cáo hồi tháng 5/2023 của tổ chức Ân xá Quốc tế.
"Các quy định của pháp luật Việt Nam về án tử hình hoàn toàn tương thích với luật pháp quốc tế ; phù hợp với xu hướng của thế giới và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay", truyền thông nhà nước đăng tải.
Ngoài Việt Nam, báo cáo của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ ra các nước khác còn áp dụng án tử hình cao như Iran, Ả rập Xê út, Pakistan, Belarus, Trung Quốc, Myanmar.
Hồi tháng 10/2023, một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, hãy công bố thông tin về việc sử dụng hình phạt tử hình, trong đó nêu số người bị kết án tử hình, số vụ hành quyết, số tử tù được ân xá...
Ông Morris Tidball-Binz, Báo cáo viên đặc biệt về các vụ hành quyết ngoài vòng pháp luật, hoặc tùy tiện, kêu gọi chính phủ Việt Nam xem xét việc tạm dừng sử dụng hình phạt tử hình và tiến hành rà soát một cách có hệ thống tất cả các trường hợp chịu hình phạt tử hình.
Ở Việt Nam, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 18 tội danh có mức phạt cao nhất là tử hình, trong số này có tội phạm về ma túy, lật đổ chính quyền, khủng bố.
Các trang báo nhà nước nói rằng Việt Nam là một trong số các nước vẫn áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với một số tội danh "nhằm trừng trị kẻ phạm tội, loại trừ mối nguy hiểm cho xã hội, người dân và đáp ứng yêu cầu răn đe, phòng, chống tội phạm".
Việt Nam đứng thứ tám trên bảng xếp hạng các nước tuyên án tử hình nhiều nhất trong năm 2022 với ít nhất 102 người bị kết án tử hình, theo báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế. Tổ chức này cho hay Việt Nam cùng với Trung Quốc và Triều Tiên là những quốc gia còn che giấu số liệu về án tử hình.
Nguồn : VOA, 05/09/2024