Trước mắt và sau lưng ông Tô Lâm (Phạm Trần)
Một bài viết ngay sau khi được bầu vào chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam cho thấy ông Tô Lâm đã hiện nguyên hình một người giáo điều, bảo thủ và hoài nghi trong "hợp tác quốc tế" với các nước.
Ông Tô Lâm, một Đại tướng Công an chuyên về an ninh nội bộ nghi ngờ cả các nước và tổ chức quốc tế có quan hệ với Việt Nam.
Trước hết ông cáo giác : "Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam".
Lời tố cáo này không mới vì chỉ "nói cho có" và "không trưng ra được bằng chứng cụ thể nào", giống hệt như những người tiền nhiệm.
Ông Tô Lâm, một Đại tướng Công an chuyên về an ninh nội bộ còn nghi ngờ cả các nước và tổ chức quốc tế có quan hệ với Việt Nam.
Ông nói bâng quơ rằng các lực lượng này đang : "Ráo riết tiến hành chiến lược "diễn biến hòa bình" với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc ; triệt để lợi dụng hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để thâm nhập nội bộ, thúc đẩy các yếu tố "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ bên trong" (báo Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 04/08/2024).
Đây là "tố cáo" mạnh nhất của một tân Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước đối với các quốc gia có quan hệ ngoại giao và kinh tế với Việt Nam. Tuy nhiên, tướng Tô Lâm không dám chỉ đích danh nước nào đã thực hiện kế hoạch "diễn biền hòa bình" chống Đảng cộng sản Việt Nam.
Đáng chú ý là trong tuyên bố này, ông Tô Lâm còn cáo buộc nước ngoài đã "thúc đẩy các yếu tố "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ bên trong".
Nên biết "các yếu tố" của tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" đã và đang xẩy ra trong nội bộ Đảng, Công an và Quân đội. Lý do của xoay chiều này là do chính đảng viên đã quay lưng chống lại Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cầm quyền của đảng.
Những đảng viên "chệch hướng" này cho rằng chủ nghĩa cộng sản không đem lại cơm no áo ấm và thịnh vượng cho đất nước. Họ đã trưng dẫn thất bại và tan rã của Nga và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu từ 1988 đến 1991 cho thấy chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời.
Tìm tòi cái không có
Vậy mà, ông Tổng bí thư Tô Lâm vẫn tiếp tục "Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… và không ngừng tìm tòi, mở ra triển vọng mới to lớn để phát triển con người và xã hội".
Nhưng tìm tòi cái gì ? Chính ông cựu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói : "Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa" (24/10/2013).
Thế là ông Tô Lâm lôi dân ra làm "bình phong" che đậy thất bại của đảng trong cống tác "xây dựng, chỉnh đốn đảng vá chống tham nhũng".
Ông nói huyên thuyên : "Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành "dân là gốc", "nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới" ; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu ; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau".
Ông còn rêu rao chủ trương được gọi là "Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo".
Đúng ra là "của Đảng, do Đảng và vì Đảng". Nhân dân chỉ là "hình nộm" của chiêu bài mỵ dân, cầu tài. Nhân dân cũng chỉ là cái bóng mờ sau lưng đảng, không làm gì có chuyện "quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhân dân", hay như câu tuyên truyền "cán bộ đi trước, làng nước theo sau". Có chăng là "cán bộ ăn trước, làng nước theo sau hốt rác".
Chỉnh đốn mệt nghỉ
Cuối cùng, Tổng bí thư Tô Lâm lại ca bài "xây dựng, chỉnh đốn đảng" và "chống tham nhũng" với lời hứa : "Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng với phương châm "không ngừng", "không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", "bất kể người đó là ai".
Nhân dân đã nghe những lới hứa tương tự từ miệng các Tổng bí thư tiền nhiệm, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng. Cũng chính ông Trọng từng than phiền chống nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu vì "những kẻ tham nhũng cứ trơ ra".
Dù vậy, thêm lần nữa, ông Tô Lâm vẫn hứa bừa "xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, "là đạo đức, là văn minh".
10 căn bệnh nghiêm trọng
Cả hai tiêu chuẩn "đạo dức" và "văn minh" đã được nói nhiều trong nhiều năm, nhưng thực tế của tình hình suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là thành phần lãnh đạo, đã làm cho đảng mất uy tín trong nhân dân và lạc hậu hơn bao giờ hết.
Đáng chú ý là trong khi Tổng bí thư Tô Lâm "say sưa" với bài viết để giới thiệu mình thì báo điện tử của Trung ương đảng đã nêu ra công khái 10 chứng bệnh "chữa hoài không hết" của cán bộ, đảng viên.
Đó là các chứng bệnh : Quan liêu, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, tham danh, trục lợi, địa vị quyền hành, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại.
Ngoài ra còn có bệnh cận thị : "Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chút những việc vụn vặt".
Cuối cùng là 3 chứng bệnh : Tỵ nạnh xu nịnh a dua : "Những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi".
Thêm vào đó là "bệnh kéo bè kéo cánh : Ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người ta xuống".
Với 10 chứng bệnh nghiêm trọng do ông Nguyễn Phú Trọng để lại, liệu tân Tổng bí thư Tô Lâm có khả năng "thanh toán", hay ông cũng sẽ bị "các thế lực nội thù" đánh gục như bao nhiêu người đi trước ?
Phạm Trần
(13/08/2024)