Paris bên bờ hữu ngạn - 4 (Nguyễn Văn Huy)

Khu Chaillot (quận 16)

Chaillot là một khu dân cư khá mới so với những khu phố danh tiếng khác trong thành phố Paris nhưng là một thắng cảnh không thể bỏ qua. Tuổi đời tuy còn khá trẻ, nhà cửa chỉ được xây dựng từ thời Trung Cổ, tức chỉ cách đây khoảng 500 năm, nhưng đây là khu phố mà những người giàu có nhất nước Pháp (và trên thế giới) đều muốn có một ngôi nhà trong quận 16 này của thành phố Paris.

chaillot4

Chaillot là khu phố mà những người giàu có nhất nước Pháp (và trên thế giới) đều muốn có một ngôi nhà trong quận 16 này của Paris.

 

Nếu giá nhà đất tại khu Opéra được xem là đắt nhất Paris thì giá nhà đất tại khu Chaillot vượt ngoài lượng định, nghĩa là rất đắt hay quá đắt so với túi tiền của những người được xem là có tiền nhất, giới bình dân coi như bị loại ra khỏi khu phố này. Diện tích nhà ở (chứ không phải đất xây dựng) trị giá trung bình từ 10.000 đến 12.000 USD một mét vuông và nhà cửa trong khu này không được xây cao quá 6 tầng vì phải tôn trọng vẻ mỹ quang chung, tức không được trái ngược với những kiến trúc xưa.

Đường phố trong quận, đa số là đại lộ (avenue), rất rộng lớn so với các nơi khác trong thành phố vì được xây dựng vào giữa thế kỷ 19, do nam tước Haussmann thiết kế. Người nào cho ai một địa chỉ cư trú tại đây thì phải hiểu ngầm đó là một người có tiền hoặc thuộc một gia đình quyền quí. Chính vì sự sang trọng của nó, Chaillot là khu vực yên tịnh nhất Paris ; trụ sở các tòa đại sứ và lãnh sự của các quốc gia lớn trên thế giới, kể cả tòa thánh Vatican, đều tập trung vào đây.

Nhưng quận 16 không chỉ là nơi dành riêng cho những người giàu có và các sứ quán quốc tế, nó còn là một khu di tích lịch sử và một khu du lịch nổi tiếng với quảng trường Trocadéro và điện Chaillot, một kiến trúc đồ sộ đối diện với tháp Eiffel. Mặc dầu vậy, vì tuổi đời còn quá trẻ Chaillot chỉ qui tụ những bảo tàng viện lớn nổi tiếng nhất của Paris và nước Pháp để trưng bày những di tích về nguồn gốc con người và các sinh hoạt nghệ thuật.

chaillot2

Sân đi dạo Trocadéro – ban công nhìn tháp Eiffel

Từ đầu thế kỷ 6, Chaillot chỉ là hai ngôi làng nhỏ, Auteuil và Passy, chuyên sống bằng nghề trồng nho cung cấp rượu cho triều đình và dân chúng Paris quanh Đảo Thị Trấn. Vào giữa thế kỷ thứ 10, một lâu đài dành riêng cho một bậc vương tôn được xây dựng lên trên đỉnh đồi ở giữa hai ngôi làng này (đồi Chaillot) nhằm ngăn chặn quân cướp và thu thuế nông phẩm. Đến cuối thế kỷ 15, khi an ninh quanh thành phố Paris đã được bảo đảm và sinh hoạt chính trị tập trung quanh điện Louvre và khu Marais, lâu đài này bị bỏ hoang. Một số nữ tu dòng Đức Mẹ Thăm Viếng (Visitation) mua lại lâu đài và biến thành một nữ tu viện và một viện mồ côi. Để có lợi tức, trẻ em mồ côi được đưa vào làm việc trong một xưởng sản xuất xà bông cạnh đó (ngày nay là viện bảo tàng nghệ thuật mới của thành phố Paris). Nếu sinh hoạt của Chaillot chỉ dừng lại tại đây thôi thì khu đất này không có gì đáng nói. Người có công làm hai ngôi làng nhỏ bên bờ hữu ngạn này trở nên nổi tiếng là Bonaparte, tức hoàng đế Napoléon I.

Để kỷ niệm chiến thắng quân Phổ năm 1806 tại Iéna, một thành phố tại Đông Đức cũ, Napoléon I cho xây một cây cầu lớn bắc ngang sông Seine (cầu Iéna), nối liền Trường Quân Sự (École Militaire), nơi ông tốt nghiệp khóa sĩ quan năm 1785, với tu viện Visitation trên đỉnh đồi Chaillot (đối diện tháp Eiffel ngày nay) để vận chuyển vật liệu xây cất một biệt điện thật lớn cho con trai của ông là Napoléon II (1811-1832), lúc đó vừa mới ra đời. Đang xây cất nửa chừng thì Napoléon I bị đánh bại tại Waterloo năm 1815, đế quốc Pháp tan rã, công trình xây dựng bị đình chỉ. Phải chờ đến giữa thế kỷ 19, khi nam tước Haussmann mở rộng các đại lộ từ khu Opéra và Champs Élysées đến Chaillot, ngôi biệt điện mới được hoàng đế Napoléon III cho tiếp tục và chỉ hoàn tất vào năm 1878 để tổ chức cuộc triển lãm thế giới, gọi là Palais du Trocadéro. Năm 1937, Palais du Trocadéro bị đập phá đi để biến cải lại thành Palais du Chaillot, để tổ chức cuộc triển lãm thế giới về nghệ thuật và kỹ thuật. Cầu Iéna cũng được nới rộng thêm để sự lưu thông thêm dễ dàng. Sau cuộc triển lãm, các phòng ốc trong Palais du Chaillot được ngăn chia thành những bảo tàng viện nhỏ.

chaillot3

Tượng đồng đầu bò và con hươu đang nhảy do điêu khắc gia Paul Jouve tạc hồi nửa đầu thế kỷ 20

Palais de Chaillot (17, Place du Trocadéro), do các kiến trúc sư Azéma, Louis Auguste Boileau và Jacques Carlu vẽ kiểu và xây dựng từ 1935 đến 1937, là một khu nhà to lớn gồm hai dãy nhà hình vòng cung đồ sộ với những trụ cột cao to, mỗi dãy được kết thúc bởi hai cao ốc lớn ở mỗi đầu. Mặt tiền của mỗi dãy nhà được trang hoàng bởi vô số tượng hình chạm nổi trên đá diễn tả lại những sinh hoạt của người Pháp từ xưa đến nay, mỗi hình tượng là một tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ. Hai dãy nhà hình vòng cung dài 195 mét, bao quanh một bễ phun nước vĩ đại ở phía dưới, như cánh tay người mẹ ôm choàng đứa con tràn đầy sức sống đang thi thố tài năng, hai bên là một khu vườn rộng 10 hecta. Bễ nước này được giới du lịch nhìn nhận là bễ nước lớn và đẹp nhất thế giới với nhiều hình tượng thiếu nữ khỏa thân và ngựa khổng lồ chạm trên đá và đồng của những điêu khắc gia Pháp nổi tiếng nhất trong những năm 1930.

Vào những dịp lễ lạc, các vòi phun nước (gọi là canon) gia tăng công suất bắn ra những tia nước cao xa tạo một cảnh quang rất đẹp mắt. Ban đêm nguồn ánh sáng cực mạnh từ đáy hồ chiếu lên làm nổi bật những tượng người và ngựa giữa bễ nước. Tháp Eiffel nhìn từ Trocadéro qua màng nước trắng trông rất mờ ảo và hùng vĩ. Khu vườn hai bên bễ nước được chăm sóc cẩn thận với nhiều bức tượng được chạm trỗ công phu và mỹ thuật rải rác khắp các lối đi ngoằn nghèo như để chứng kiến những lời tình tự của những người yêu nhau trong một không gian nhỏ hẹp. Vào những dịp lễ lớn hay ngày nghỉ, thanh niên nam nữ thường hẹn nhau đến đây biểu diễn roller và skateboard chung quanh bễ nước.

chaillot1

Khu vườn hai bên bễ nước được chăm sóc cẩn thận với nhiều bức tượng được chạm trỗ công phu và mỹ thuật rải rác khắp các lối đi ngoằn nghèo như để chứng kiến những lời tình tự của những người yêu nhau trong một không gian nhỏ hẹp.

Các phòng ốc trong điện Chaillot ngày nay được tổ chức thành những bảo tàng viện nhỏ, nơi triển lãm những tác phẩm nghệ thuật, một nhà hát kịch và một phòng những loại chiếu phim hiếm có. Có tất cả năm viện bảo tàng trong và ngoài điện Chaillot :

- Viện bảo tàng về con người (Musée de l'homme), được thành lập năm 1938 ở đầu dãy nhà phía Tây của điện Chaillot, gồm hai tầng, trưng bày đồ vật và những tác phẩm từ thời đồ đá cùng những hình ảnh liên quan đến nguồn gốc con người trên khắp năm Châu qua ba chủ đề : thời tiền sử, nhân chủng học và dân tộc học.

- Viện bảo tàng hàng hải (Musée de la marine), do một thái tử con vua Charles X thành lập năm 1827. từ 1943 viện này triển đủ loại trang thiết bị và hơn 2.000 đồ vật trang trí trên các tàu thuyền cùng những loại tàu thuyền thu nhỏ của Pháp, từ các loại thuyền buồm có mái chèo đến các loại tàu chiến, tàu ngầm và hàng không mẫu hạm nguyên tử trong 13 hải cảng lớn nhất của Pháp từ thế kỷ 17 đến nay.

- Viện bảo tàng dinh thự Pháp (Musée des monuments français) gồm hai tầng được thành lập từ 1879 bởi kiến trúc sư Viollet Le Duc, người đã tân trang lại Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris), lưu trữ vật liệu, những cánh cửa, tác phẩm điêu khắc cùng những mô hình thu nhỏ các dinh thự trên khắp nước Pháp từ thế kỷ 7 đến 19, phần lớn đã bị hư hao hay biến mất.

- Viện bảo tàng các loại phim xưa cũ và hiếm có của Pháp (Cinémathèque française) do Henri Langlois, một người đam mê điện ảnh, thành lập năm 1936. Bộ sưu tầm phim hiếm có và xưa cũ của ông rất phong phú. Từ 1963 trở đi người ta có thể mua vé vào xem những loại phim xưa theo chủ đề hay theo tên tuổi của những diễn viên.

- Viện bảo tàng điện ảnh (Musée du cinéma), cũng do Henri Langlois thành lập, lưu trữ hơn 5.000 vật liệu trang trí và vật dụng liên quan đến nghệ thuật thứ bảy lúc ban đầu cùng áo quần và đồ trang sức của các tài tử danh tiếng như Rudolf Valentino, Marylin Monroe.

Cũng nằm trong điện Chaillot, nhưng cửa vào ở số 11 Avenue du Prùésident Wilson, là Viện bảo tàng nghệ thuật hiện đại của thành phố Paris (Musée d'art moderne de la ville de Paris) trong Palais de Tokyo ở dãy nhà hình vòng cung phía Đông. Nền nhà của viện bảo tàng này trước kia là một xưởng dệt thảm do vua Henri IV thành lập để dệt thảm riêng cho hoàng gia, năm 1825 vua Charles X dời xưởng này về đường Gobelins (quận 13), cơ xưởng này bị thiêu rụi năm 1914 sau một trận hỏa hoạn lớn và trở thành một bãi đất trống. Năm 1937 địa điểm này được sát nhập vào công trình xây dựng điện Chaillot, ngày nay là viện bảo tàng này trưng bày những sáng tác thuộc mọi khuynh hướng mới về hội họa và điêu khắc do năm nhà hảo tâm thu thập được trong suốt thế kỷ 20, đặc biệt là bức tranh lớn nhất thế giới, Nàng Tiên Điện Lực (Fée Électricité) của Raoul Dufy, rộng 600 mét vuông. Trước cổng ra vào là hai tác phẩm điêu khắc bằng đồng của Gabriel Forestier.

Phía sau điện Chaillot là quảng trường Trocadéro. Quảng trường này trước kia có tên là Place du Roi de Rome để vinh danh con của Napoléon I là công tước Reichstadt, biệt danh là Ó Con (Aiglon), năm 1878 đổi thành Place du Trocadéro. Trocadéro là một địa danh tại Tây Ban Nha, gần Cadix, bị quân đội Pháp chiếm đóng năm 1823 sau một trận thư hùng đẫm máu. Ở giữa quảng trường là một pho tượng bằng đồng thống chế Ferdinand Foch cưỡi ngựa do hai điêu khắc gia danh tiếng Robert Wlérick và Raymond Martin tạc năm 1951. Foch là người chỉ huy quân đội đồng minh đánh thắng quân Đức năm 1918. Từ nơi đây du khách có thể nhìn tháp Eiffel giữa hai dãy nhà một cách toàn diện.

Kế cạnh quảng trường Trocadéro là một nghĩa trang nhỏ nhưng được rất nhiều người ao ước được chôn cất tại đây sau khi chết : Cimetière de Passy (Rue du Commandant Schlœsing) chỉ dành riêng cho những người có công và danh tiếng nhất của Paris. Trong ngôi nhà chờ đợi, được xây dựng giống như Palais de Chaillot nhưng nhỏ hơn, khách đến viếng thăm có thể đọc trong sổ phúng điếu bút ký của những người đến phúng điếu cách đây 200 năm.

Khi thành lập viện bảo tàng các nghệ thuật Châu Á tại thành phố Lyon (cách Paris 450 cây số về phía Nam) năm 1879, nhà kỹ nghệ Emile Guimet không ngờ nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các nhà bác học và giới nghiên cứu đông phương học, đặc biệt là các giáo sư thuộc Trường Viễn Đông Bác Cỗ Pháp (Ecole Française de l'Extrême Orient) đang công tác tại các quốc gia Châu Á thời đó. Sau một thời gian hiện hữu, viện bảo tàng Guimet trở nên chật hẹp vì không còn đủ chỗ để chứa những báu vật và tác phẩm văn học nghệ thuật cổ xưa mang về từ khắp Châu Á. Năm 1889, được chính phủ Pháp thời đó tài trợ, Guimet dời viện bảo tàng của ông lên Paris để cho nhiều người đến xem, đồng thời mở thêm bên cạnh một viện nghiên cứu để cho giới nghiên cứu đông phương học đến khảo sát các báu vật tại chỗ. Từ đó Viện bảo tàng Guimet (Musée Guimet) có thêm một tên mới là Viện bảo tàng quốc gia nghệ thuật Châu Á (Musée national des arts asiatiques, 6 Place d'Iéna). Đây là viện bảo tàng được nhiều người đến xem nhất tại Paris sau Viện bảo tàng Louvre. Tại đây khách vào thăm có thể chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của những nền văn minh đã biến mất như Champa và Angkor, những tượng bằng đất nung, đồ sành sứ của Trung Hoa và những hình tượng các vị thần Ấn Độ bằng đá và đồng. Sau một thời gian hiện diện, viện bảo tàng Guimet trở nên già cỗi và gặp lại khó khăn cũ : diện tích. Năm 1997, số đồ vật quá nhiều và số người vào xem quá đông, viện bảo tàng Guimet trở nên chật hep và phải đóng cửa để tân trang lại nội thất rộng lớn và ấm cúng hơn. Viện bảo tàng Guimet chỉ mở cửa lại vào đầu năm 2001.

Bên hông bảo tàng Guimet là Bảo tàng Phật giáo (Musée du Panthéon bouddhique, 19 Avenue d'Iéna). Lịch sử đạo Phật tại Trung Quốc và Nhật Bản được tạo dựng lại trong các hành lang, bao quanh một khu vườn Nhật Bản nhỏ và đẹp mắt, gồm những tác phẩm và tượng Phật thu thập được từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 19.

Viện bảo tàng truyền thanh của Pháp (Musée de radio France, 116 Avenue du Président Kennedy) được thành lập cùng thời với Đài trung tâm phát thanh Pháp (Maison de la Radio), do kiến trúc sư Henri Bernard xây dựng năm1952 và hoàn thành năm 1963. Đây là một khu nhà đồ sộ hình tròn bằng kiếng đen và nhôm trên hữu ngạn sông Seine, gồm ba dãy nhà hình bán nguyệt nối liền với nhau với 60 phòng phát thanh 25 thứ tiếng và 5 cây số hành lang. Ở giữa là một tòa nhà hình tròn cao gần 70 mét, 23 tầng, dùng làm văn phòng và nơi lưu trữ tài liệu phát thanh. Viện bảo tàng nằm trong ngôi nhà hình tròn này trưng bày các loại dụng cụ truyền thành từ 1793 đến nay.

Viện bảo tàng rượu nho (Musée du vin, 5 Square Charles Dickens), trước kia là một vườn nho sau biến thành nơi cấp nước miễn phí cho dân chúng Paris năm 1868 (con đường dẫn đến viện bảo tàng này có tên rue des Eaux là vì vậy). Viện bảo tàng này trưng bày lịch sử và tượng các ông tổ nghề lưu linh từ thời Trung Cổ đến nay. Tại đây người ta có thể mua và thưởng thức các loại rượu nho, tìm hiểu sự tiến hóa của nghề làm rượu nho từ thủ công đến kỹ nghệ, với đủ loại chai lọ chứa rượu.

Trong căn nhà số 59 Avenue Foch là hai viện bảo tàng : Viện bảo tàng Enery (Musée d'Enery) và Viện bảo tàng của người Arménien (Musée arménien). Viện bảo tàng Enery, được thành lập giữa thế kỷ 19, trưng bày những đồ vật nghệ thuật từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 do nhà văn Adolphe Enery mua từ Trung Quốc và Nhật Bản mang về. Viện bảo tàng Armenién trưng bày các di tích lịch sử 4.000 năm của người Armenian và những báu vật của vương quốc Ourartou (thế kỷ 7 trước công nguyên). Armenian ngày nay là một sắc dân bị phân tán trong ba quốc gia : Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.


Edith Piaf -
Sous le ciel de Paris

Paris không chỉ là thành phố văn hóa mà còn là thành phố của thời trang và trưng diện. Chính vì thế Paris là nơi duy nhất trên thế giới có một Viện bảo tàng thời trang và áo quần (Musée de la mode et du costume, 10 Avenue Pierre 1er de Serbie) lưu trữ hơn 100.000 bộ áo quần từ năm 1735 đến nay, trong đó có nhiều bộ áo quần do các mệnh phụ và công nương thuộc các dòng quí tộc tặng như bà nam tước Hélène de Rothschild và hoàng hậu Grace de Monanco. Vấn đề là các bộ áo quần không được trưng bày một cách thường trực vì cần được bảo quản, do đó cứ mỗi sáu tuần các bộ quần áo được thay đổi và triển lãm theo từng chủ đề. Những ai thích ăn sang mặc đẹp phải vào đây xem cách người xưa ăn mặc để tìm cảm hứng tạo cho mình một cách trưng diện riêng. Đó là chưa kể kiến trúc độc đáo của viện bảo tàng này, một cung điện được xây dựng theo khuynh hướng Phục Hưng của Ý, do kiến trúc sư Louis Ginain thực hiện năm 1892, cho bà bá tước Maria de Ferrari Galleria ở, gọi là Palais Galléria.

Nói đến thời trang thì phải nói đến đồ giả mạo. Áo quần thời trang ai cũng biết là rất đắt, chỉ những giới quyền quí, giàu sang và nghệ sĩ tên tuổi mới đủ khả năng mua sắm hay đặt may bởi những nhà sáng tạo thời trang, mỹ phẩm và mỹ vị danh tiếng như các nhãn hiệu Cartier, Yves Saint Laurent, Lacoste hay Oréal, Bourjois, Fauchon, Cognac v.v... Do không thể thụ đắc áo quần thời trang hay mỹ phẩm sang trọng, phong trào làm đồ giả bắt chước đồ thật rất là phổ biến, mặc dù bị chế tài rất gắt gao. Chính vì thế Paris cũng là thành phố duy nhất trên thế giới có một Viện bảo tàng đồ giả mạo (Musée de la contrefaçon, 16 rue de la Faisanderie) trưng bày những đồ trang sức giả (nữ trang, son, phấn, nước hoa, rượu, áo quần...) từ thời gallo romain (cách đây 2.000 năm) tới nay. Tuy là đồ giả mạo nhưng nếu nhìn kỹ trông rất giống đồ thật vì được bắt chước rất công phu, giá cả cũng đắt gần bằng đồ thật.

Ngôi nhà của văn hào Honoré de Balzac (Maison de Balzac, 47 rue Raynouard) cũng được biến thành bảo tàng năm 1949, trưng bày đồ vật, di tích sáng tác và cuộc đời tình ái của ông với bà Hanska. Căn nhà này được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, nhưng Balzac chỉ cư ngụ từ 1840 đến 1847. Trong căn nhà này, Balzac đã sáng tác rất nhiều tiểu thuyết nổi tiếng trong bộ truyện La Comédie humaine (Hài kịch nhân loại) như La Cousine Bette (1846).

Nhiều viện bảo tàng nhỏ khác như Musée Clémenceau (8 rue Franklin) bảo tồn đồ vật của thống chế Clémenceau, Fondation Dapper (50 Avenue Victor Hugo) triển lãm các tác phẩm nghệ thuật Châu Phi trong một khu vườn bằng tre.

Quận 16 còn nổi tiếng với Bois de Boulogne, một khu rừng rộng 865 hecta ở tận cùng phía Tây thành phố Paris. Khu rừng này trước kia là Forêt du Rouvre sau đổi thành Bois de Boulogne dưới thời Napoléon III. Bois de Boulogne được nam tước Haussmann xây dựng giữa thế kỷ 19, dựa theo khuôn viên rừng Hyde Park tại London, để dân chúng Paris vào dạo mát và hít thở không khí trong lành. Rừng Boulogne được thành hai khu vực : Pré Catalan và Jardins de Bagatelle.

- Pré Catelan là một khu rừng nhỏ với nhiều loại cây quí lạ, đặc biệt là một cây sồi (hêtre) cao lớn nhất Paris được trồng ngay giữa khu rừng. Ban đêm những người nhát gan không nên vào đây vì là nơi hành nghề của giới mãi dâm, đặc biệt là những nam thanh niên Brazil bơm ngực giả làm kỹ nữ mời chào khách mua hoa dọc các lề đường trong khu rừng.

- Jardins de Bagatelle là một khu vườn trồng đủ loại hoa, nhất là hoa hồng. Mỗi năm vào ngày 21-6 một cuộc triển lãm hoa hồng quốc tế được tổ chức tại đây để mọi người vào xem. Trong vườn Bagatelles có một ngôi nhà xinh xắn được xây dựng vào thế kỷ 18 trong 64 ngày, kỷ lục này là kết quả của một sự cá cuộc giữa bá tước d'Artois với em dâu của ông là hoàng hậu Marie Antoinette, vợ vua Louis XVI.

Khu Montmartre (quận 18)

Khu phố cần viếng thăm cuối cùng trong loạt bài viết về Paris năm 2024 là Montmartre.

chaillot5

Một thợ vẽ ở khu Montmartre - Ảnh minh họa

Huyền thoại về lịch sử khu này rất là ly kỳ. Vào thế kỷ 3 sau công nguyên, Paris lúc đó là thành phố Lutecea (Lutèce) đặt dưới quyền cai trị của đế quốc La Mã, đạo công giáo bị bách hại. Năm 250, một số giáo dân công giáo cùng vị giám mục đầu tiên của thành phố Paris, tên là Denis, bị quân La Mã mang lên đồi La Butte xử trảm. Khi đao phủ thủ vừa chém bay đầu, thay vì chết liền tại chỗ xác giám mục Denis vụt đứng dậy mò tìm đầu của mình ôm trong tay đi đến nơi khác chết. Ngọn đồi đẫm máu La Butte được dân chúng Paris đổi tên lại thành Đồi Tử Đạo : Mons Martyrum theo tiếng la tinh và Monts des Martyrs theo tiếng Pháp. Với thời gian Monts des Martyrs đọc thành Montmartre và tên này tồn tại cho tới ngày nay. Nhiều tu viện vào giáo đường công giáo được thành lập trên ngọn đồi này trong suốt thời Trung Cổ.

Về giám mục Denis, sau khi được phong thánh, trở thành Saint Denis và là người được tôn thờ nhất tại Paris. Nơi ông chết ngày nay là giáo đường Saint Denis (Basilique Saint Denis, cách Montmartre một cây số đường chim bay) nằm giữa trung tâm thành phố Saint Denis, tỉnh Seine-Saint Denis (mã số 93), một tỉnh ngoại ô phía Bắc thành phố Paris (mã số 75) thuộc Vòng Đai Nhỏ (Petite Couronne). Nhiều địa danh, tên đường phố, giáo đường và tu viện trong và ngoài nước Pháp mang tên Saint Denis. Tượng thánh Denis được tạc lại thành một người không đầu hai tay ôm thủ cấp.

chaillot6

Tượng thánh Denis được tạc lại thành một người không đầu hai tay ôm thủ cấp.

Trở lại khu Montmartre. Vào cuối thế kỷ 16, vua Henri IV đặt bộ tham mưu trong một nữ tu viện trên đồi Montmartre để tái chiếm thành phố Paris trên tay phe công giáo, chấm dứt sự hà khắc của đạo công giáo trên đạo tin lành. Điều đáng ngạc nhiên là khi vừa lên ngôi vua năm 1589, Henri IV bỏ đạo tin lành để theo đạo công giáo nhưng cuối cùng cũng bị Ravaillac, một giáo sĩ công giáo cực đoan, đâm chết năm 1610 vì tình nghi thông dâm với mẹ bề trên của nữ tu viện. Từ sau ngày đó, các tu viện tại Montmartre bị bao vây ngặt nghèo và ngọn đồi này trở thành nơi sản xuất rượu nho, trái cây và rau cải cung cấp cho thành phố cho tới đầu thế kỷ 19. Trong thời Cách Mạng Pháp, khu này được nâng lên cấp thành phố với 638 dân cư sinh sống bằng nông nghiệp. Năm 1860, Montmartre được sát nhập vào địa bàn thành phố Paris để tái định cư dân chúng trong các xóm lao động tại khu Marais theo chương trình làm đẹp thành phố của nam tước Haussmann, từ đó dân số tại Montmartre tăng lên đáng kể. Giới thợ thuyền và nghệ sĩ dọn về đây sinh sống rất đông và làm thay đổi hẳn sinh hoạt của Montmartre.

Năm 1870, quân của Napoléon III bị quân Phổ đánh bại, đệ nhị đế quốc Pháp tan rã, Paris bị chiếm đóng. Ngay khi quân Phổ vừa rút khỏi Paris sau 4 tháng chiếm đóng, dân chúng Montmartre, vừa đói vừa căm giận Pháp bị thua trận, thành lập phong trào tả phái (la) Commune, những người tham gia phong trào gọi là Communards. Tháng 5/1871, quân Communards tràn xuống trung tâm Paris chiếm đóng dinh thự, nhà cửa những người giàu có, đốt phá các nhà thờ và tu viện, bắt tất cả thú nuôi trong vườn bách thú làm thịt. Chưa hả giận, họ đốt Hôtel de Ville (Toda thị sảnh thành phố), giật sập các tượng đài tôn vinh Napoléon I, rồi tiến vào điện Tuileries đập phá và san bằng nhà cửa hai bên đường để thành lập một con đường thật trống trải từ Louvre đến rừng Boulogne. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, quân Communards bị Adolphe Thiers, trưởng ban hành pháp nền đệ tam cộng hòa Pháp vừa được thành lập, dẫn quân từ Versailles vào đánh dẹp. Cuộc chiến rất là đẫm máu, hơn 20.000 quân Communards bị giết, 30.000 người bắt làm tù binh và bị đày đi nơi khác. Thành phố Montmartre bị giải tỏa và giáng cấp xuống thành một làng nhỏ, chỉ những tu sĩ mới được quyền ở lại. Sau một thời gian bị cô lập, ngôi làng Montmartre tìm lại sự yên bình và trở thành nơi tụ tập của giới văn nghệ sĩ.

Trở lại năm 1870, giữa lúc phong trào Communard đang nổi dậy, hai doanh nhân công giáo giàu có, Alexandre Legentil và Rohault de Fleury, đã cùng nhau cầu xin Jesus che chở thành phố Paris không bị đốt thành tro bụi. Lời cầu nguyện này có lẽ đã được nghe nên còn khá nguyên vẹn. Để tạ ơn, ngay khi Paris vừa được giải phóng (1871), hai ông mời nhiều kiến trúc danh tiếng đương thời vẽ kiểu xây dựng một ngôi giáo đường thật hùng vĩ, cuối cùng đồ án của kiến trúc sư Paul Abadie được chọn. Abadie chỉ dựa theo mẫu giáo đường Saint Front kiến trúc theo kiểu La Mã và Byzance tại Perigueux (một thành phố ở trung tâm nước Pháp). Về địa điểm, hội đồng giám mục Paris, như muốn trừng phạt dân chúng Montmartre đã đốt phá những nơi thờ phượng Thiên Chúa tại Paris, đã chọn đỉnh đồi Montmartre, nơi xuất phát phong trào Commune, làm nơi xây dựng ngôi giáo đường vĩ đại đó, gọi là Basilique du Sacré Coeur (Thánh đường Thánh Tâm).

chaillot7

Basilique du Sacré Coeur (Thánh đường Thánh Tâm).

Công trình xây dựng Basilique du Sacré Coeur (35 rue de Chevalier), đặt dưới quyền điều khiển của tổng giám mục địa phận Paris là hồng y Guibert, bắt đầu từ năm 1875 và chỉ hoàn tất gần 40 năm sau (năm 1914), nhưng chỉ chính thức hoạt động năm 1919 sau khi thế chiến thứ nhất chấm dứt. Thánh đường Sacré Coeur được xây bằng một loại đá vôi đặc biệt mang từ Château Landon, một thành phố cách Paris 700 cây số về phía Tây Nam. Đặc điểm của loại đá này là càng bị ước nước đá càng thêm trắng do chất calcin tiết ra, mưa càng nhiều đá càng trắng. Chính vì thế, sau gần 100 năm xuất hiện, nhìn thấy từ rất xa màu trắng của thánh đường luôn nổi bật giữa bầu trời xanh thẵm của Paris. Hình (carte postale) thánh đường Sacré Coeur trên đồi Montmartre được mua nhiều nhất Paris.

Về hình dáng, Sacré Coeur được kiến trúc theo kiểu La Mã-Byzance, tức giống các giáo đường công giáo chính thống (orthodox) tại các quốc gia Đông Âu, nghĩa là vừa có nhiều cột trụ vừa có nhiều vòm to nhỏ và cao thấp khác nhau, nhưng ở đây chỉ toàn màu trắng của đá chứ không sơn phết màu mè. Vòm chính của thánh đường, bằng đá hình tròn, là điểm cao thứ nhì của thành phố Paris, sau tháp Eiffel, muốn lên đỉnh tháp từ bên trong phải đi bộ theo một cầu thang 237 bậc hình xoang ốc rất chóng mặt. Tháp chuông phía sau thánh đường có tên là Le Campanile, hoàn tất năm 1895 và cao 83 mét, chứa quả chuông nặng nhất thế giới (18,5 tấn, riêng kim gõ nặng 850 kí). Chung quanh thánh đường là những cửa kính màu cao thấp lẫn lộn cùng những vách tường vuông tròn khác nhau. Những bậc cấp đầu tiên bắt đầu từ rue Tardieu hay Place Saint Pierre dẫn lên cổng chính của giáo đường dài 500 mét, phải cứng đầu gối lắm mới có thể đi hết các bậc cấp không ngừng nghỉ vì đường rất dốc. Những ghế đá trong các khu vườn nhỏ hai bên đường giúp khách bộ hành có chỗ nghỉ ngơi. Mặt tiền của Sacré Coeur nhìn từ phía dưới lên xuyên qua những bậc cấp trông rất hùng vĩ. Cổng chính ra vào là một cánh cửa bằng đồng với những hình tượng chạm trỗ rất công phu mô tả bữa tiệc cuối cùng của Jesus (cène/cena) trước khi bị treo lên thập tự giá. Trên đỉnh cửa là tượng Jesus to lớn bằng đá ban phép lành tượng hai kỹ mã bằng đồng to lớn do điêu khắc gia Hippolyte Lefèvre tạc, Jeanne d'Arc và vua Louis IX (được phong thánh năm 1297), được dựng ở trên hai bên cổng chính. Bên hông thánh đường là nơi lưu ngụ của những tu sĩ.

Nội thất thánh đường được soi sáng bởi những cửa kiếng màu trang trí những hình ảnh được chạm khắc rất công phu về cuộc đời chúa Jesus, đạo công giáo và các loại hoa miền Nam nước Pháp. Thiết kế và trang trí bên trong thành đường không có gì đặc biệt nếu so với những ngôi giáo đường đã có từ trước, cũng một đại thính đường và nhiều thính đường nhỏ, nhưng nếu ra được sân thượng phía trên cửa ra vào khách sẽ thấy toàn diện cảnh quang của Paris, rất đẹp. Tiến sâu vào phía trong là những bàn thờ nhỏ thờ phượng Đức Mẹ (tượng La Vierge et l'Enfant bằng bạc do Paul Brunet tạc năm 1896, tượng Jesus bằng gỗ to lớn do Eugène Benet tạc năm 1911) và các thánh tử đạo, trần nhà được trang trí bởi một bức tranh khổng lồ về cuộc đời của Jesus do họa sĩ Luc-Olivier Merson vẽ từ 1912 đến 1922. Phần dưới của thánh đường là nơi lưu trữ hài cốt và di tích những người có công với đạo công giáo tại Paris như trái tim khô của ông Alexandre Le Gentil, người tài trợ phần xây dựng. Một chuyện khó tin nhưng có thật là từ 110 năm qua, những người công giáo vào đây đọc kinh cầu nguyện liên tục ngày đêm, nhiều chỗ trong giáo đường sắp xếp để những người vào cầu nguyện nằm nghỉ.

Montmartre không phải chỉ có một mình Sacré Coeur mà còn có rất nhiều kiến trúc tôn giáo khác :

- Nhà nguyện Chapelle du Martyre (9 rue Yvonne Le Tac), có từ thế kỷ 19, được xây dựng trên nền nhà một nữ tu viện thời Trung Cổ, nơi giám mục đầu tiên của Paris Denis và những người công giáo chết vì đạo trong thời La Mã. Dưới nhà nguyện này là nơi giáo sĩ Ignace de Loyola cùng sáu người khác thành lập hội truyền giáo Dòng Tên (Jésuite) để bảo vệ đạo công giáo trước sự tấn công của đạo tin lành năm 1534.

- Giáo đường Saint Pierre de Montmartre (2 rue du Mont Cenis) ngày nay tuy bị thánh đường Sacré Coeur làm lu mờ nhưng là một trong những giáo đường có tuổi đời cao nhất tại Montmartre. Năm 1133, vua Louis VI và hoàng hậu Adélaide de Savoie chọn một ngôi đền có từ thời La Mã tại Montmartre để xây một tu viện lớn dành cho dòng Ơn Phước (Bénédictine). Bốn cột trụ bằng đá của ngôi đền được dùng làm trụ chống chính của nhà nguyện trong tu viện. Với thời gian, tu viện này bị hư hao và được tu bổ lại trong thế kỷ 15 và 18. Trong thời cách mạng Pháp 1789, mẹ bề trên của nữ tu viện này bị đưa lên máy chém, ngôi giáo đường được biến thành một đền thờ Lý Trí (temple de la Raison). Phải chờ đến năm 1908, giáo đường này mới được phục hồi và bị hư hao nhiều trong đệ nhị thế chiến. Nét nổi bật của giáo đường này là cánh cửa chính ra vào bằng đồng với những hình chạm nổi mô tả cuộc đời của thánh Pierre và những cửa kiếng màu.

- Nhà thờ Saint Jean l'Evangéliste (19 rue des Abesses), được kiến trúc sư vẽ kiểu và hoàn tất xây dựng năm 1904, là ngôi giáo đầu tiên tại Pháp được xây bằng bê-tông cốt sắt. Nội thất và những cột nhà được trang trí với những đường nét tiêu biểu của trường phái nghệ thuật mới. Những đường cong của trần nhà pha trộn rất nhiều yếu tố kiến trúc hồi giáo. Mặt tiền của nhà thờ được xây bằng gạch đỏ.

chaillot8

Khu Montmartre không phải ở những giáo đường mà là thánh địa của giới văn nghệ sĩ.

Nhưng tiếng tăm của Montmartre không phải ở những giáo đường mà là thánh địa của giới văn nghệ sĩ. Thật vậy, nói đến Montmartre là nói đến nghệ thuật. Khu đất nhỏ hẹp này từ cuối thế kỷ 19 đến nay là nơi hội tụ của biết bao danh tài văn chương và hội họa : Théodore Géricault và Camille Corot trong thế kỷ 19 ; Maurice Urillo, Amedeo Modigliani và nhiều người khác làm bất tử khu này trong thế kỷ 20. Nữ ca sĩ tài danh quá cố Edith Piaf bắt đầu sự nghiệp bằng nghề bồi bàn và hát ca tại đây. Cứ sau mỗi ngày, khi ánh mặt trời vừa khuất bóng, tiếng cười đùa của tao nhân văn khách từ các quán rượu, phòng trà hai bên đường vang rộn suốt đêm thâu. Sau thế chiến II, cuộc sống ngày càng khó khăn, phần lớn nghệ sĩ dọn về khu Montparnasse để một mình Montmartre ở lại với những tầm thường của cuộc sống : cửa hàng bán đồ kỷ niệm, nhà hàng và những người vẽ dạo. Nhà cửa tại đây ngày càng bị bê-tông hóa. Quảng trường Place du Tertre có từ thế kỷ 14 là trung tâm điểm của đồi Montmartre, nằm sau lưng thánh đường Sacré Coeur, ngày nay lúc nào cũng đông chật người đi. Montmartre ngày nay chỉ còn là một ngôi làng của quá khứ với những con đường ngoằn nghèo nhỏ hẹp. Tuy vậy Montmartre vẫn còn nhiều nơi đáng đến thăm.

Quán Au Lapin Agile (26 rue des Saules) và Bateau Lavoir (13 Place Emile Goudeau) là nơi hẹn hò của những họa sĩ và trí thức lớn trong suốt thế kỷ 20. Hai quán này còn lưu giữ vết tích những bức tranh và thơ văn được sáng tác ngay tại chỗ bởi những nghệ sĩ danh tiếng hồi đầu thế kỷ 20 : Van Dongen, Marie Laurencin, Juan Gris, Modigliani, Picasso, Matisse, Braque, Toulouse Lautrec, Charles Dullin, Mac Orlan, Hary Baur, Guillaume Apollinaire, Roland Dorgelès...

Nhiều bảo tàng viện được thành lập chung quanh Place du Tertre để trưng bày những bức tranh do các danh họa sáng tác hồi đầu thế kỷ :

- Musée du Vieux Montmartre (12 rue Corot) là một căn nhà có từ thế kỷ 17 được nghệ sĩ ca kịch Claude de La Roze (bí danh Rosimond). Sau ngày bà Roze từ trần, năm 1875 căn nhà trở thành quán trọ để giới nghệ sĩ thuê (như Auguste Renoir, Utrillo và mẹ là Suzanne Valadon), ngày là bảo tàng lịch sử của toàn khu phố.

- Musée d'Art Naif (2 rue Ronsard) là viện bảo tàng nghệ thuật ngây ngô do Max Fourny, một nhà xuất bản sách, thành lập để trưng bày những sáng tác hội họa và điêu khắc không tôn trọng qui luật nghệ thuật cổ điển nào mang về từ 30 quốc gia trên thế giới.

- Musée de l'Art Juif (42 rue des Saules),được thành lập năm 1948, trưng bày các kiến trúc đền thờ đạo Do Thái từ thế kỷ 17 tới nay và lầu ba triển lãm tác phẩm của những nghệ sĩ Do Thái đã sáng tác tại Montmartre từ đầu thế kỷ 20 tới nay, như Mané Katz, Benn, Lipchitz, Marc Chagall...

- Espace Montmartre (11 rue Poulbot) là phòng triển lãm hơn 330 tác phẩm hội họa và điêu khắc của Salvador Dali, người Tây Ban Nha.

- Galerie Artchipel (53 rue d'Orsel) giới thiệu tác phẩm những nghệ sĩ trẻ đang còn trong bóng tối.

Chung quanh đồi Montmartre còn sót lại cối xay lúa bằng quạt gió (Moulin de la Galette và Moulin du Radet nằm trên hai đường rue Giradon và rue Lepic) được các họa sĩ Auguste Renoir và Vincent Van Gogh vẽ lại. Dưới chân đồi Montmartre là vô số hàng quán bày bán những tác phẩm hội họa.


Vũ điệu French cancan của Moulin Rouge

Nhân nói đến cối xay, không thể không nói tới Moulin Rouge (82 boulevard de Clichy). Nhà máy xay này đã làm khu Montmartre được cả thế giới biết tiếng. Nhà máy xay lúa này được xây dựng năm 1885 để xay lúa thuê cho các nông dân sinh sống ở dưới chân đồi, nhưng thất bại. Sau một thời gian hoạt động, số người mang lúa đến xay quá ít để nhà máy có thể tồn tại, năm 1900 cối xay được tu sửa lại để trở thành một vũ trường ca múa nhạc. Để hấp dẫn mọi người từ xa, những cánh quạt và toàn thân của cối xay được sơn màu đỏ và mang tên Moulin Rouge từ đó. Vũ trường này nổi tiếng với điệu French Cancan, một điệu vũ rất "sex" vào đầu thế kỷ 20 vì các vũ nữ vừa nhảy vừa đưa chân lên cao để mọi người thấy "váy lót" bằng dentelle trắng của mình. Điệu Cancan do nhạc sĩ Jacques Offenbach sáng tác được trình diễn lần đầu tiên tại vũ trường Grande Chaumière trong khu Montparnasse, nhưng điệu này chỉ nổi tiếng tại Moulin Rouge nhờ hoạ sĩ Toulouse Lautrec bất tử hóa trên các bích chương quảng cáo thời đó. Ngày nay Moulin Rouge là một trong những phòng trà ca vũ sang trọng nhất thế giới, các nữ vũ công phần lớn được tuyển mộ từ khắp nơi trên thế giới. Điều kiện để được tuyển dụng là chiều cao tối thiểu : 1,75m cho nữ giới và 1,85m cho nam giới, phải có một thân hình thon đẹp, tuổi từ 18 đến 25/28.

Cũng trên đại lộ Clichy, cạnh Moulin Rouge, là Place Pigalle. Pigalle là tên một điêu khắc gia nổi tiếng trong thế kỷ 18, nhà của ông ta ở ngay khu này nên sau khi từ trần khu phố mang tên Pigalle để tưởng nhớ một nghệ sĩ tài danh và tên này vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Đây là một khu phố "nóng" của Paris vì chỉ sinh hoạt về đêm và dành riêng cho những người thật "bạo dạn". Du khách ngoại quốc thường gọi là "Pig Alley". Trong một diện tích chật hẹp trên vài con đường (Victor Massé, Frochot, Fontaine và Douai) gần 100 phòng trà, phòng chiếu phim X, cửa hàng buôn bán đồ vật liên quan đến tình dục, âm nhạc. Khu này trước kia là nơi ăn chơi dành riêng cho những thành phần bất hảo, những tay anh chị, gái giang hồ tứ chiến ; những vụ thanh toán lẫn nhau bằng súng xảy ra thường xuyên, nhưng từ thập niên 1980 trở về đây khu này trở nên yên tịnh và trở thành một khu du lịch dành riêng cho khách quốc tế. Hàng đêm giới thanh niên vào các discothèque L'Élysée Montmartre, La Cigalle, La Locomotive là những discothèque dành riêng cho giới trẻ ; giới luống tuổi hay những người yêu mến các điệu vũ xưa (valse, tango, rumba, mambo...) vào La Nuit, Le Chat Noir, L'Âne Rouge, Aux Noctambules để vui chơi.

chaillot09

Ngày nay Moulin Rouge là một trong những thắng cảnh không thể thiếu khi viếng thăm Paris và còn là phòng trà ca vũ sang trọng nhất thế giới.

Nhưng cuộc vui nào cũng có lúc phải tàn, cuộc đời nào cũng đến hồi chấm dứt, nghĩa trang Cimetière de Montmartre (20 avenue Rachel) là trạm dừng chân vĩnh viễn của những người một thời tài danh. Nơi đây chôn cất các nhà soạn nhạc Hector Berlioz và Jacques Offenbach, nhà thơ Heinrich Heine, vũ sư Nijinski, nhà làm phim François Truffault, các nhà văn Alfred de Vigny, Goncourt, Stendhal, Théophile Gautier, các họa sĩ Edgar Degas, Greuze, v.v... Mộ phần của những nhân vật này được trang trí rất mỹ thuật với nhiều tượng điêu khắc. Viếng thăm nghĩa trang này, du khách sống lại với thời vàng son của một Montmartre sáng chói.

Nguyễn Văn Huy

(12/08/2024)