Người Việt quan tâm tình hình Venezuela nghĩ gì ? (RFA)
Ngay sau khi Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro tại Venezuela tuyên bố là người chiến thắng trong một cuộc bầu cử, nhiều cuộc biểu tình nổ ra khắp Venezuela để phản đối với lý do kết quả đó không minh bạch.
Người biểu tình hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình phản đối chiến thắng gây tranh cãi của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 28/7 tại Quảng trường Bolivar ở Bogota vào ngày 3/8/2024. AFP
Các cuộc biểu tình bắt đầu từ hôm 29/7/2024. Một ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela gọi các cuộc biểu tình là "một cuộc đảo chính". Bà Maria Corina Machado, lãnh đạo phe đối lập Venezuela, đã kêu gọi người dân biểu tình trên khắp các thành phố để tố cáo hành vi, mà bà coi là gian lận bầu cử, của phe tổng thống Nicolas Maduro.
Phe đối lập khẳng định đối thủ của ông Maduro là ông Edmundo Gonzalez Urrutia đã giành được hơn 6 triệu phiếu bầu trong cuộc bầu cử ngày 28 tháng 7, so với 2,7 triệu phiếu bầu của ông Maduro.
Venezuela dưới thời của Nicolas Maduro vẫn theo đường lối xã hội chủ nghĩa như Việt Nam. Mặc dù đất nước này giàu tài nguyên nhưng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Maduro, Venezuela lâm vào khủng hoảng triền miên.
Từ Việt Nam, nhà hoạt động xã hội Trần Anh Quân ở Sài Gòn theo dõi tình hình hiện nay của Venezuela và đưa ra nhận định của bản thân :
"Rất nhiều người Việt Nam hào hứng khi thấy người dân Venezuela xuống đường để chống lại chế độ độc tài của Maduro. Nhưng rõ ràng, cảm hứng đó rất khó trở thành sự thật ở Việt Nam bởi chế độ độc tài ở Việt Nam đã kéo dài suốt 80 năm, từ năm 1945 đến nay, trong khi chế độ độc tài ở Venezuela còn non, mới có 26 năm, từ năm 1998 tới nay. Họ có kinh nghiệm về bầu cử tự do từ khi dành được độc lập từ năm 1958, tức họ có 40 năm tự do. Chế độ độc tài ở Venezuela chưa có nhiều kinh nghiệm đàn áp người dân, đàn áp biểu tình như chế độ độc tài ở Việt Nam, cho nên rất là khó để người dân Việt Nam có thể có một cuộc biểu tình giống như Venezuela.
Theo tôi, trong bộ máy cầm quyền đã có những đảng viên họ thay đổi tư duy mà theo ngôn ngữ cộng sản thì gọi là "tự diễn biến, tự chuyển hóa". Họ cũng thấy được những vấn đề nội tại của họ là triệt hạ lẫn nhau, thì tôi nghĩ, cũng có những người có xu hướng muốn có dân chủ, nhưng con số này còn quá ít. Cho nên, để được như Venezuela thì phải mất rất nhiều thời gian, bởi chỉ một vài cán bộ hay tướng lĩnh có dám đứng ra thì số còn lại quá đông, là thế lực đối chọi rất mạnh".
Theo tin tức từ truyền thông quốc tế, sau cuộc bầu cử Tổng thống ở Venezuela năm 2017, Chính phủ Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và gọi ông là "nhà độc tài". Trước đó đã có ba nhà lãnh đạo bị Hoa Kỳ liệt vào diện này là Tổng thống Syria Bashar al-Assad ; nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe.
Lãnh đạo phe đối lập Venezuela Maria Corina Machado (áo trắng) vẫy tay từ trên xe tải trong cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống, tại Caracas vào ngày 3/8/2024. AFP
Có nhận định cho rằng, không chỉ sự kiện về Venezuela, mà cả tình hình hỗn loạn ở Miến Điện, Bangladesh... mà người dân đang dẫn lại tin tức với sự hồ hởi, chia sẻ lan rộng trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, thực sự đang làm cho Hà Nội cảm thấy vô cùng lo ngại và tìm cách đối phó. Một nhà đấu tranh trong nước yêu cầu ẩn danh, nói với RFA :
"Người ta có thể tìm thấy cách đối phó của Ban Tuyên giáo bằng cách hướng dẫn cho những nhóm dư luận viên dẫn những hình ảnh ở Venezuela, Miến Điện, Bangladesh... và bình với các luận điệu như các thế lực phương Tây không bao giờ để yên cho các nước trong tầm ngắm phát triển, các quốc gia không có đảng lãnh đạo độc quyền luôn dẫn đến những sự hỗn loạn như vậy... và ca ngợi công "khó nhọc" của Đảng cộng sản Việt Nam đối với đất nước hiện nay. Ấu trĩ hơn nữa, họ đưa những hình ảnh về Miến Điện, trong đó có cả sự tàn bạo của quân đội cầm quyền hiện nay, cùng những lời đe dọa người dân rằng bất kỳ lúc nào không có sự ổn định toàn trị, chết chóc và hỗn loạn sẽ diễn ra.
Những hình ảnh đẫm máu ở Miến Điện được xen kẽ với những hình ảnh công an Việt Nam đang bắt bớ vô tội vạ những người Thượng ở Tây nguyên trong vụ ngày 10/6/2023 đầy ngụ ý. Buồn cười hơn nữa là những bình luận về ca ngợi sự lãnh đạo và ổn định của đất nước với Đảng cộng sản Việt Nam của dư luận viên còn được cẩn thận dịch ra bằng tiếng Anh trên Tik Tok, Facebook, YouTube, nhằm để người nước ngoài có thể nhìn thấy đó như là một sự ổn định về tư tưởng chính trị của toàn dân Việt Nam".
Tin tức từ Reuters hôm 3/8 cho hay, hàng ngàn người Venezuela đã tuần hành khắp đất nước để phản đối cuộc bầu cử đầy tranh cãi, và Tổng thống Nicolas Maduro nói với những người ủng hộ rằng khoảng 2.000 người đã bị bắt. Ông Maduro tuyên bố sẽ bắt giữ nhiều người nữa và dọa bỏ tù phe đối lập.
Hàng nghìn người biểu tình đã tràn ra các con phố của nhiều khu vực ở thủ đô Caracas của Venezuela ; xé và đốt các áp phích chiến dịch của ông Maduro, xô đổ bức tượng ông khỏi bệ rồi châm lửa đốt.
Nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước, Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông với RFA :
"Tôi tin rằng sự phản ứng của người dân Venezuela là hoàn toàn chính đáng và cần thiết để đòi lại quyền lực của người dân. Theo đó, tôi tin không chỉ người dân Việt Nam theo dõi sự kiện này mà cả chế độ trong nước cũng đã theo dõi sát sao vì sự tương đồng giữa hai quốc gia. Điều đang xảy ra ở Venezuela cũng có khả năng là điều sẽ xảy ra ở Việt Nam trong tương lai gần. Người dân không chỉ mong muốn lật đổ chế độ độc tài mà sẽ còn hủy hoại tất cả biểu tượng của sự độc tài đó, như các tượng đài chẳng hạn.
Chế độ trong nước nên học bài học từ Venezuela, hoặc trước đó tại Yemen, Libya, Iraq, Romania mà cái kết của các nhà độc tài đều là chết thảm khi người dân nổi giận. Cải tổ chính trị, đảm bảo các quyền tự do căn bản của người dân là điều mà chế độ trong nước cần làm ngay. Không chỉ vì lợi ích của đất nước mà còn vì cái kết của chính họ".
Người dân Việt Nam hiện đang sống dưới một chế độ độc tài khi Đảng cộng sản Việt Nam nắm giữ toàn bộ quyền quyết định. Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố : "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng !"
Nguồn : RFA, 08/08/2024