Việt Nam trong năm 2023, khủng hoảng đã bắt đầu? (Kỷ Nguyên)
Tiếp nối một năm 2022 đầy biến động của thế giới, Việt Nam bước vào năm 2023 nhiều thử thách không những do tình hình thế giới mà còn do chính quyền đã thể hiện rằng họ không hề có một sự chuẩn bị hay giải pháp nào cho đất nước. Điểm lại tình hình của năm 2023, một năm với những sự kiện mà qua đó chúng ta có thể đoán định được tình hình Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Ông Võ Văn Thưởng được chọn làm chủ tịch nước
Những ngày đầu năm 2023 dư luận xôn xao với việc ông Nguyễn Xuân Phúc bị buộc thôi chức chủ tịch nước vào ngày 17/1 -chỉ cách 5 ngày trước tết nguyên đán- vì vậy mà ông đã không được đọc lá thư chúc tết như mọi năm. Vụ việc này đáng chú ý vì một mặt, đây là lần đầu tiên một chủ tịch nước đã bị buộc phải từ chức và mặt khác, ông Phúc được xác định liên quan đến đại án Việt Á gây bức xúc dư luận. Sự việc này có tính chất nghiêm trọng vì đảng cộng sản -đảng của người cộng sản chỉ với 5 triệu đảng viên- đã tự lấy quyết định cách chức chủ tịch nước, một chức vụ là nguyên thủ của một quốc gia. Chức danh chủ tịch nước dù từ trước đến nay ai cũng biết là do đảng cộng sản chỉ định nhưng qua đây đảng cộng sản đã thể hiện họ coi thường thể diện quốc gia và không xem người dân ra gì !
Việc ông Trọng chọn ông Võ Văn Thưởng vào chức Chủ tịch nước là quyết định dọn đường cho ông Thưởng kiêm nhiệm chức Tổng bí thư đảng.
Trái với sự ồn ào của vụ việc cách chức ông Phúc, sự kiện đảng cộng sản chọn ông Võ Văn Thưởng vào chức chủ tịch nước ngày 2/3/2023 dù gây bất ngờ ít nhiều nhưng dư luận có vẻ thờ ơ hơn. Tính bất ngờ ở đây là so với nhiều ứng viên khác cho vị trí lãnh đạo nhà nước, ông Thưởng tỏ ra mờ nhạt hơn và là một người của bộ máy đảng, chưa hề công tác trong bộ máy nhà nước. Cả cuộc đời hoạt động của ông Thưởng từ khi đi học đại học cho đến khi công tác trong đảng chỉ biết đến chủ nghĩa Mác-Lênin. Tuy vậy, quyết định chọn ông Võ Văn Thưởng -người mang hình ảnh giáo điều- vào vị trí này có tính logic trong chọn lựa hướng đi của đảng cộng sản.
Như phân tích và nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên qua nhiều bài viết, Đảng cộng sản Việt Nam từ lâu đã chọn bắt chước mô hình Trung Quốc như một bí quyết cho sự tồn vong của chế độ. Họ rập khuôn chế độ cộng sản Trung Quốc về nhiều mặt từ mô hình kinh tế cho đến tổ chức bộ máy chính quyền, việc "nhất thể hóa" chức danh lãnh đạo đảng và lãnh đạo nhà nước là một trong số đó. Việc ông Trọng chọn ông Võ Văn Thưởng vào chức chủ tịch nước là quyết định dọn đường cho ông Thưởng kiêm nhiệm chức tổng bí thư đảng. Với quyết định này, ông Trọng và những người thủ cựu trong đảng cộng sản đã hé lộ ý định của họ là quyết tâm duy trì quyền lực đến cùng. Chúng ta cần nhìn nhận rõ lựa chọn này của đảng cộng sản để tránh những ảo tưởng về một chính quyền tự đổi mới và dân chủ hóa. Dầu vậy, quyết tâm của đảng cộng sản qua chọn lựa ông Võ Văn Thưởng là một chuyện, còn họ có thể có tương lai với phương án này hay không thì vẫn là một dấu hỏi lớn.
Khủng hoảng kinh tế lan rộng
Chính quyền thông báo mức tăng trưởng kinh tế cho năm 2023 là 5,05%, một con số thấp hơn mục tiêu đề ra của họ là 6,5%, tuy vậy nếu nhìn vào nhiều góc độ, chúng ta đều sẽ thấy ngay cả con số 5,05% cũng không thực tế.
Theo Tổng cục thống kê công bố thì thu thuế thu nhập cả năm 2023 giảm 6% ; ngoại thương giảm 6,9% (trong đó xuất khẩu giảm 4,4%, nhập khẩu giảm 8,9%) ; tổng xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 8%, tổng xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm 4,3% ; doanh số ôtô giảm 25%. Ngoài ra, ngành xây dựng chiếm gần 30% GDP đang khủng hoảng nặng. Với tình trạng khó khăn của cả người dân và doanh nghiệp ở mọi khu vực thể hiện qua sự sụt giảm ở những chỉ số như trên thì rất có khả năng GDP tăng trưởng âm chứ khó có chuyện tăng trưởng, huống hồ là ở mức 5%.
Ngay từ đầu năm 2023, một tình trạng dù đã diễn ra từ trước đó nhưng dần trở nên nổi bật trong năm 2023 là làn sóng thất nghiệp gia tăng ở nhiều ngành nghề, trong đó đáng chú ý là các ngành đóng góp nhiều cho GDP như dệt may, bất động sản và xây dựng, công nghệ và ngành dịch vụ. Sự ế ẩm của các mặt bằng kinh doanh và khu nhà trọ ở các khu công nghiệp không phải chỉ mới có trong năm nay, tình trạng này không những được các báo trong nước đăng tin mà người dân, thông qua các mạng xã hội cũng đã đăng nhiều hình ảnh và các video với những nhận định mô tả là "chưa bao giờ thấy". Năm vừa qua cũng chứng kiến lượng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng của người dân lẫn doanh nghiệp đạt mức cao kỷ lục bất chấp mức lãi suất tiền gửi thấp nhất lịch sử. Điều này nói lên tâm lý bi quan của người dân và sự bế tắc của các doanh nghiệp. Tình trạng khủng hoảng trên thực tế đã không thể che giấu.
Điều tệ hại nhất vẫn chưa dừng lại ở đó. Một con số quan trọng vừa được chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt -nguyên vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc- công bố là tỷ lệ nợ của khối các doanh nghiệp phi tài chính lên tới 237% GDP vào cuối năm 2020. Đối với các nước phát triển, tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp phi tài chính không được vượt quá 85% GDP, ở các nước có mức thu nhập trung bình thế giới khoảng hơn 10.000 đô-la/năm không được vượt quá 65% GDP, còn những nước nghèo như Việt Nam thì không được quá 50%. Như vậy khối nợ của khu vực doanh nghiệp phi tài chính của Việt Nam đã vượt gần 5 lần mức báo động đỏ, năm nay đã là 2024 và tỷ lệ nợ này chỉ có thể tăng lên. Tình trạng nợ cho thấy kinh tế Việt Nam không những đã khủng hoảng mà là đang khủng hoảng rất nặng.
Năm 2024 và những năm sắp tới sẽ là quãng thời gian rất khó khăn đối với đất nước, chúng ta sẽ rất đau lòng khi phải chứng kiến những tình cảnh cùng cực của người dân sẽ lan rộng nhanh chóng.
Nội bộ đảng mất kiểm soát
Nếu như trước đây thỉnh thoảng mới có một vài tin quan chức bị khởi tố hoặc bắt giam thì trong năm 2023, tin tức quan chức bị thanh trừng đã trở nên quen thuộc. Có những giai đoạn việc bắt giam diễn ra hàng ngày, không những là các đảng viên đương chức mà những cán bộ đã về hưu cũng không thoát được. Đã có hai ủy viên bộ chính trị, hai phó thủ tướng, nhiều ủy viên trung ương đảng với rất nhiều người là bộ trưởng hay bí thư tỉnh ủy bị kỷ luật hoặc khởi tố bắt giam. Không khó để hình dung ra bầu không khí ngột ngạt đang bao trùm trong nội bộ đảng, người đương chức thì không dám làm mà người đã về hưu cũng không ngủ ngon.
Các hội nghị Trung ương quan trọng trong năm 2023 đều hoàn toàn bế tắc và không đạt được kết quả quan trọng nào. Hội nghị Trung ương 7 được xem là "đại hội giữa nhiệm kỳ" đã hoàn toàn thất bại trong nhiệm vụ quy hoạch nhân sự lãnh đạo đảng cho Đại hội đảng khóa 14 vào năm 2026. Một tổ chức đảng vốn đã mất hết lý tưởng từ lâu, nay còn mất thêm cả ý chí nên Ban chấp hành trung ương đảng đã hoàn toàn mất kiểm soát. Tình trạng này được thể hiện qua thất bại của hội nghị Trung ương 7 để rồi qua hội nghị Trung ương 8, bộ chính trị phải lấy quyết định từ bỏ "dân chủ trong nội bộ đảng" trong Ban chấp hành trung ương nhằm thực thi quyền chỉ định các cấp lãnh đạo. Quyết định này sẽ tập trung quyền lực vào tay chỉ vài người trong Bộ chính trị và gạt qua một bên toàn bộ phần còn lại là hàng trăm ủy viên Trung ương, mâu thuẫn và bất mãn vì vậy sẽ chỉ gia tăng thêm. Ngay chính những người ít ỏi còn lại có quyền quyết định mọi việc trong Bộ chính trị thì sự thống nhất cũng không thể có trong tình cảnh rối bời hiện nay. Khủng hoảng nội bộ đảng cộng sản chưa bao giờ nghiêm trọng đến như vậy, giai đoạn cho những biến cố khiến đảng tan rã đã đến.
Ngoại giao sôi động bất thường
Truyền thông nhà nước trong năm qua đưa tin rất nhiều về các hoạt động ngoại giao của chính quyền. Tổng cộng trong năm 2023, đã có 22 chuyến đi của lãnh đạo cấp cao đến thăm các nước và 28 đợt tiếp đón lãnh đạo các nước đến Việt Nam, ngoài ra còn hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn và hội nghị đa phương khác. Điểm đáng chú ý của các chuyến đi này là chính quyền ra sức hiện diện ở các diễn đàn lớn và thúc đẩy nâng cấp quan hệ với các nước dân chủ, trong đó nổi bật là nỗ lực nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản. Tần suất ngoại giao này được đảng cộng sản mô tả như là tiềm lực, vị thế và uy tín đang lên của Việt Nam, không những vậy còn được ông Trọng nhấn mạnh thêm với chính sách đã được tuyên truyền trước đó là chính sách "ngoại giao cây tre".
Chính sách "ngoại giao cây tre" được ông Trọng và đảng cộng sản mô tả như là tiềm lực.
Có một điều mà chúng ta cần nhìn nhận rõ hơn là các nước dân chủ không hạn chế việc nâng cấp quan hệ với VIệt Nam, việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước chỉ như một hành động mở rộng thêm cánh cửa hợp tác còn thực chất hợp tác tới đâu còn phụ thuộc vào ý chí của mỗi bên. Sự thật thì hoạt động ngoại giao bất thường trong năm 2023 không phải như những gì đảng cộng sản tô vẽ mà trái lại, chứng tỏ chính quyền đang rất hốt hoảng vì gặp nhiều khó khăn hơn những gì chúng ta thấy. Nếu tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam đang đi lên thì với tần suất ngoại giao dày đặc hơn mọi năm như vậy thì các chỉ số kinh tế phải tăng trưởng chứ không suy giảm như nhận định ở phần trên, đặc biệt là ở lĩnh vực xuất nhập khẩu. Lý do cho sự hốt hoảng này là vì kinh tế đang khủng hoảng nặng mà một trong những nguyên nhân chính là ngoại thương -ở mức hơn 200% GDP- đang sụt giảm, trong đó các thị trường quan trọng giảm mạnh như Mỹ (giảm 11%) và EU (giảm 5%).
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhiều năm cảnh báo về sự phụ thuộc vào ngoại thương ở mức cao gấp 2 lần GDP sẽ khiến nước ta mất tự chủ về kinh tế và sẽ bị phụ thuộc nặng vào bối cảnh bên ngoài. Mất tự chủ về kinh tế hiện nay cũng là mất chủ quyền. Chính quyền cộng sản đã không ý thức được điều đó, không những vậy họ còn lấy những quyết định khiến khối các nước dân chủ -chiếm 65% kinh tế thế giới- mất cảm tình, qua đó làm mất đi những cơ hội đầu tư lớn từ họ. Tai hại hơn, chính quyền cộng sản Việt Nam cũng không giấu diếm quyết định lệ thuộc vào Trung Quốc và gia tăng đàn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến ở trong nước. Chúng ta sẽ chờ đợi trong thời gian tới hoạt động ngoại giao của chính quyền sẽ vẫn nhộn nhịp nhưng hiệu quả hợp tác với khối các nước dân chủ sẽ tiếp tục giảm đi.
Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ
Sau khi dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ ngày 10/09/2023, tổng thống Mỹ đã có chuyến thăm Việt Nam hai ngày 10 và 11 tháng 9 để tiến hành nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến viếng thăm này là sự kiện rất được chờ đợi của chính quyền Việt Nam mà chính ông Joe Biden cũng đã tiết lộ trước đó rằng phía lãnh đạo Việt Nam đã chủ động gọi điện đề cập muốn nâng cấp quan hệ. Điều này là không bình thường đối với lịch sử mở rộng mối quan hệ Việt-Mỹ.
Về phía Mỹ, họ sẵn sàng mở rộng cánh cửa hợp tác nhưng càng ngày họ càng thấy quan hệ với Việt Nam ở mức độ nào cũng được, không quan trọng lắm.
Cho đến nay, việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước không bao giờ có sự dè dặt của Mỹ. Nếu nhìn lại quan hệ Việt Nam và Mỹ thì sự dè dặt, thận trọng luôn đến từ phía chính quyền cộng sản Việt Nam chứ không phải đến từ Mỹ. Sự dè dặt của chính quyền Việt Nam trong những lần trước đó là do họ chịu sự giám sát và nhận chỉ thị từ phía Trung Quốc trong các quyết định đối ngoại quan trọng. Như vậy, qua lần chủ động nâng cấp quan hệ với Mỹ lần này từ mức "đối tác toàn diện" lên mức cao nhất là "đối tác chiến lược toàn diện" đã cho thấy Việt Nam đang gặp khủng hoảng lớn, rất cần hợp tác nhiều hơn với Mỹ. Về phía Mỹ, họ sẵn sàng mở rộng cánh cửa hợp tác nhưng càng ngày họ càng thấy quan hệ với Việt Nam ở mức độ nào cũng được, không quan trọng lắm. Thái độ hờ hững này của Mỹ có một ý nghĩa là nước Mỹ không cho rằng quan hệ với Việt Nam là tối cần thiết mà ngược lại Việt Nam phải nhượng bộ và nếu muốn thoát khỏi khó khăn phải chủ động sáp lại gần hơn với Mỹ.
Bối cảnh của sự kiện nâng cấp quan hệ với Mỹ lần này, như vậy, đã phơi bày hậu quả của tình trạng lệ thuộc quá đáng vào ngoại thương của kinh tế Việt Nam. Chính quyền cộng sản đang đứng trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan, họ cần nhượng bộ để hợp tác với các nước dân chủ nhưng cũng vẫn lệ thuộc Trung Quốc và đàn áp đối lập trong nước để duy trì chế độ. Điều này vừa vô lý vừa không thể thực hiện vì Trung Quốc đang suy yếu và các nước dân chủ đã có quyết định dứt khoát đối với các chế độ độc tài.
Chuyến thăm của Tập Cận Bình
Đây là sự kiện được chính quyền cộng sản Việt Nam nêu bật trong thành tích ngoại giao và đánh giá cao về hiệu quả hợp tác thông quan 36 văn kiện được hai bên ký kết. Nhưng sự kiện này có đúng là một thành tích ngoại giao nổi bật và các văn kiện đã ký kết có đúng thật đã mang đến hiệu quả hợp tác cho cả hai bên không?
Liên tục trong những năm qua, nhất là năm 2023, Trung Quốc đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện từ kinh tế, xã hội, môi trường cho đến chính trị. Tình hình Trung Quốc nói chung đang rất hỗn loạn, chế độ cộng sản Trung Quốc cũng đang rất chao đảo. Trung Quốc là một đế quốc và vì vậy khi gặp khó khăn sẽ co cụm lại và mất dần khả năng can thiệp ra bên ngoài, dù là gây hấn hay giúp đỡ các nước chư hầu. Trong tình trạng của Trung Quốc hiện nay, chuyến đi của Tập Cận Bình qua Việt Nam giữa tháng 12 vừa rồi là chuyến đi trong tâm thế của một đế quốc đang gặp khủng hoảng và mục tiêu không gì hơn là ngăn Việt Nam rời xa quỹ đạo ảnh hưởng của mình. Có thể nói đây là cơ hội tốt để Việt Nam dần thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và không những vậy, còn là dịp để chúng ta có những đòi hỏi chính đáng về chủ quyền biển đảo mà bấy lâu nay Trung Quốc đã dùng sức mạnh để áp đặt.
Tuy vậy với 36 văn kiện đã ký kết, chính quyền cộng sản tỏ ra khiếp nhược trước Trung Quốc và hành xử thiển cận ngoài sức tưởng tượng. Những văn kiện này đã cho thấy chính quyền Việt Nam không những hợp tác sâu rộng hơn với Trung Quốc ở nhiều cấp độ mà còn chấp nhận thực thi những thỏa thuận đưa quyền lợi nhiều hơn về cho phía Trung Quốc. Không những vậy, hai đảng còn cùng nhau lấy thái độ công khai chống dân chủ và nhân quyền. Nghiêm trọng nhất là quyết định cùng nhau "xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược" mà phía Trung Quốc gọi là "cộng đồng chung vận mệnh". Hành động này là một khẳng định của chính quyền cộng sản Việt Nam về ý định gắn chặt tương lai của chế độ cộng vào Trung Quốc. Không biết chính quyền có ý thức được không nhưng họ đang gắn chặt tương lai của họ vào một chính quyền Trung Quốc cũng đang lung lay và không có một tương lai nào khác ngoài sự sụp đổ.
Một tình trạng cần nhìn rõ
Với một đất nước vốn dĩ đã kiệt quệ về mọi mặt, những gì đã qua của năm 2023 đối với Việt Nam là hệ quả của một thập niên 2020 khởi đầu với nhiều biến cố lớn từ Covid-19 cho đến cuộc chiến Nga-Ukraine, đưa thế giới vào một khúc quanh lịch sử lớn. Đứng trước những thách thức to lớn đó, chính quyền cộng sản đã không ý thức được những tác động ghê gớm của bối cảnh bên ngoài lên tình hình đất nước và cũng không có bất kỳ một sự chuẩn bị nào để đối phó. Ngược lại họ còn huênh hoang tự đắc và làm trầm trọng thêm những vấn đề khủng hoảng qua những quyết định tăm tối của mình. Bên cạnh đó, tình trạng nội bộ xâu xé đến mức "một mất một còn" cũng đã khiến đảng cộng sản không còn tâm trí để tạo vỏ bọc gần dân nữa mà đã bộc lộ ra như một lực lượng chiếm đóng vô tổ quốc. Đảng cộng sản đã thành công trong việc khiến người dân không còn quan tâm đến đất nước và bây giờ cũng không còn quan tâm đến họ nữa. Tình trạng này đã thể hiện rõ sự đoạn tuyệt giữa đảng cộng sản và người dân Việt Nam, một tình trạng đánh dấu cho một sự thay đổi lớn đã bắt đầu.
Trong hoàn cảnh bi đát hiện nay, có lẽ điểm chung duy nhất giữa chính quyền cộng sản và những người đấu tranh cho dân chủ như chúng ta là không muốn cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, nhưng đáng buồn tình hình đã rất nguy ngập. Chúng ta phải cố gắng có dân chủ sớm nhất để có cơ hội chấm dứt cuộc khủng hoảng -cả về kinh tế lẫn chính trị- bởi vì nạn nhân chính của những khổ đau đang chờ đợi phía trước sẽ là tuyệt đại đa số người dân, đặc biệt là những người cùng khổ.
Kỷ Nguyên
(08/02/2024)