Bao giờ chính quyền Việt Nam biết rùng mình? (Đỗ Xuân Cang)
Đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn ca ngợi sự ổn định chính trị và bình yên của đất nước dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của họ, nhưng có thật vậy không ? Đêm ngày 11 tháng 6 năm 2023 một sự kiện kinh hoàng làm rung chuyển cả xã hội Việt Nam. Một vụ tấn công của một nhóm người không rõ danh tính vào trụ sở công an xã làm 4 công an, 2 cán bộ và 1 người dân thiệt mạng tại tỉnh Đăk Lăk. Đến nay con số người thiệt mạng đã lên đến 9 người.
Trước hết chúng tôi xin chia buồn với những gia đình mất chồng, mất con, mất cha lời chia buồn sâu sắc nhất. Vụ án nghiêm trọng này đồng thời cũng là lời cảnh báo với chế độ cộng sản, cách họ làm hiện nay thực sự không đem lại sự ổn định chính trị và an toàn cho mỗi người dân sống trên đất nước Việt Nam. Câu châm ngôn "còn Đảng còn mình" đã không còn hữu hiệu với gia đình và thân nhân của những người đã khuất.
Theo con số tôi nhận được thì chính quyền Việt Nam đã bắt giữ 84 người liên quan đến vụ tấn công. Việc này có thể đem đến sự yên tâm cho một số người vì chính quyền Việt Nam đã nỗ lực hết sức để truy lùng tội phạm, tuy nhiên nếu nhìn vấn đề một cách sâu sắc hơn thì đây là cách làm giết lầm còn hơn bỏ sót. Biến cố này là một sự kiện hết sức nghiêm trọng và nó đặc biệt hệ trọng khi liên quan đến vấn đề sắc tộc, tôn giáo… nó đòi hỏi một sự kiên nhẫn, thận trọng và minh bạch nếu chính quyền thực sự tôn trọng đồng bào thiểu số.
Điều đầu tiên mà ai cũng thấy được đó là phản ứng nhanh chóng và dữ tợn của chính quyền. Lệnh chỉ đạo từ trung ương : "Triển khai ngay phương án A02 đến toàn bộ cấp xã cấp huyện theo phương châm bốn tại chỗ ‘xã chốt chặn xã’, ‘huyện chốt chặn huyện’ và sẵn sàng hiệp đồng các lực lượng tổ chức tiêu diệt nhóm khủng bố, phối hợp các lực lượng tuần tra vũ trang chốt chặn trạm kiểm soát khép kín địa bàn phát hiện nhóm đối tượng tổ chức tiêu diệt ngay".
Đây là lệnh vi phạm nhân quyền. Tôi hi vọng chính quyền Việt Nam không bao giờ lặp lại một lệnh tương tự. Với sự triển khai đồng bộ lực lượng công an trên toàn huyện lại thêm trung đoàn cảnh sát cơ động Tây Nguyên được trang bị chính quy với mũ sắt áo giáp với hàng ngàn quân họ có đủ sức mạnh để khống chế bất kỳ một lực lượng nhỏ nào, việc tiêu diệt tức khắc là không cần thiết, trừ khi bị chống trả.
Qua một số video clip trên mạng xã hội có thể thấy được lực lượng công an hoàn toàn không có năng lực, chuyên môn và nghiệp vụ. Vụ bắt hai người tình nghi đi xe máy là một ví dụ, hai người này đang di chuyển rất bình thường trên đường thì bị một xe công an đuổi theo và một nhóm công an chặn đường nổ đến 4 phát súng sau đó xông vào đánh đập rất dã man. Một người mặc thường phục đi xe ô tô biển số trắng dường như là người chỉ huy, chờ quân lính giữ chặt nghi can, ông ta mới cầm gậy tre đánh lên đầu những người đã bị bắt. Mặc dù vậy ông ta cũng không có khả năng giữ nổi khiến cây gậy rớt lên rớt xuống.
Ở một clip khác, một nghi can người Thượng bị một nhóm công an nói giọng Nghệ Tĩnh đánh đập dã man khiến mặt mũi bê bết máu. Cứ sau một câu hỏi mà nghi can chưa trả lời hoặc trả lời nhỏ là bị đánh tới tấp. Một clip khác quay cảnh người dân cầm gậy gộc cùng với công an cơ động đi săn lùng nghi phạm như là săn thú… Đây là những hành động không thể chấp nhận được của công an Việt Nam. Không có gì đảm bảo những người bị bắt đó là thủ phạm, việc chứng minh người dân phạm tội là việc của cơ quan chức năng chứ không thể dùng bạo lực và khủng bố để buộc người dân nhận tội.
Trong tất cả những video tôi đã xem, tôi không thấy một cái còng số 8 nào. Không lẽ vào thế kỷ 21 mà Việt Nam thiếu ngay cả còng số 8. Việc người dân tham gia cùng công an truy tìm nghi can, tìm dây trói người… là việc không một xã hội văn minh nào chấp nhận. Người dân không được đào tạo để đi bắt người và chống tội phạm. Tôi hy vọng Bộ công an tuyệt đối không để người dân tiếp tục tham gia vào việc truy lùng và bắt giữ tội phạm.
Xã hội dân sự của Việt Nam hoàn toàn bị bóp nghẹt, khi luật sư cũng phải trốn chạy và tiếng nói của cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên cũng không thấy có. Cả nước dõi theo sự kiện Đắk Lắk mà không mấy ai dám mở miệng nói trái với quan điểm của chính quyền. Một biến cố gây ảnh hưởng tới mỗi người dân trong xã cũng như cả nước như vậy mà không có ai ngoài Dư Luận Viên lên tiếng để định hướng dư luận. Cho đến bây giờ, dư luận vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho vụ việc như công an xã và cán bộ làm gì tại trụ sở vào giờ đó (gần 12 giờ đêm) ? Không lẽ họ chỉ ra đó để chờ có người đến giết ? Khi sự việc xảy ra các cơ quan công quyền phản ứng ra sao ? ai là người nổ súng trước ? Camera an ninh tại trụ sở công an, nơi xảy ra vụ việc đã ghi lại những gì ? Ai là kẻ đốt hồ sơ, đốt vì mục đính gì ?
Bộ công an đã kết luận đây là một vụ "tấn công khủng bố" có sự tham gia của các thành viên thuộc một tổ chức khủng bố tại Mỹ… Vậy tổ chức đó là tổ chức nào ? Họ khủng bố nhằm mục đích gì ? Có bằng chứng để chứng minh tổ chức đó là khủng bố không ? Chính quyền Việt Nam đã yêu cầu Mỹ cung cấp bằng chứng và tài liệu về tổ chức khủng bố đó chưa ? Tại sao một tổ chức khủng bố lại được hoạt động công khai tại Mỹ như vậy ? Vì sao tổ chức đó lại có thể lôi kéo được hơn 80 người tham gia ? Những người này là người Kinh hay người Thượng ? Vì sao họ lại tham gia vào một hành động khủng bố nghiêm trọng đến như vậy mặc dù họ thừa biết hậu quả phải gánh chịu ? Động cơ của họ là gì ?...
Nếu không tìm hiểu kỹ nguồn gốc của sự việc thì không có gì đảm bảo nó sẽ không còn xảy ra ở tương lai. Việc xét xử đúng người, đúng tội cũng rất quan trọng vì như tôi đã nói, vấn đề sắc tộc và tôn giáo tại Tây Nguyên rất căng thẳng và từng gây ra nhiều vụ việc nghiêm trọng trong quá khứ.
Theo ông Tô Lâm "dân biết hết mọi chuyện, nhưng dân biết mà cán bộ không biết là kém rồi". Thưa ông, đây không phải là việc thân tình chỉ bảo hay xem xét bình bầu khen thưởng mà là việc liên quan tới sinh mạng con người. Năm công an viên của ông đã thiệt mạng và số phận 84 con người đang ở trong tay ông. Ông phải nhìn thẳng vào vấn đề và giải quyết nó. Tôi tin rằng ông và cán bộ của ông hiểu rất rõ vấn đề. Việc để cho nhân viên thiệt mạng thì chính ông và cán bộ cấp dưới phải chịu tránh nhiệm. Việc ông Tô Ân Xô vội vã truy tặng, gắn huân huy chương cho những người thiệt mạng không giải quyết được vấn đề gì.
Câu hỏi đặt ra cho ông và cán bộ của ông là : Bao giờ các ông biết rùng mình ?
Đỗ Xuân Cang
(26/06/2023)