Chung quanh bản án tham nhũng của những quan to (Mai Lan - Hồng Dân)

Như vậy, nếu "có dấu hiệu lợi ích nhóm" ở đây, thì cần xem lại toàn bộ cách thức quản trị nhân sự trong nội bộ Đảng. Bởi phải chăng vì thiếu động lực cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị, thì ở vị thế độc tôn, chuyện "lợi ích nhóm" như trên, thực ra chỉ là "Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ" mà thôi…


 

Lợi ích nhóm là gì mà án tham nhũng nào cũng nhắc đến ?

Mai Lan, VNTB, 31/12/2022

Cụm từ "lợi ích nhóm", thường mang ý nghĩa của việc các quan chức nhân danh quyền lực đảng để cấu kết nhau trong tham nhũng – bao gồm cả tham nhũng chính sách

anthamnhung01

Chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật - Các đại biểu Quốc hội khoá XV bấm nút thông qua các dự án Luật, Nghị quyết.

Theo nguyên nghĩa, "lợi ích nhóm" là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó.

Xét về mục đích và tính chất, lợi ích nhóm có thể phân chia thành hai loại : lợi ích nhóm tích cực và lợi ích nhóm tiêu cực.

Lợi ích nhóm tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp của một nhóm người. Trong xã hội tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp, nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khác nhau, việc hình thành lợi ích nhóm tích cực là một nhu cầu khách quan, chính đáng, tự nhiên.

Lợi ích của các thành viên trong tổ chức công đoàn, phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật… cũng là lợi ích nhóm tích cực. Như vậy, nói theo ngôn ngữ tuyên giáo đảng thì lợi ích nhóm tích cực là lợi ích chính đáng, hợp pháp, phù hợp, không mâu thuẫn với lợi ích của dân tộc quốc gia, hướng tới và hài hòa với lợi ích xã hội, lợi ích dân tộc và quốc gia.

Thế nhưng trên thực tế thì khi báo chí sử dụng cụm từ "lợi ích nhóm", thường mang ý nghĩa của việc các quan chức nhân danh quyền lực đảng để cấu kết nhau trong tham nhũng – bao gồm cả tham nhũng chính sách.

Báo chí nhà nước thường nói đến lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, đơn vị. Thực chất đây cũng là một loại lợi ích tiêu cực. Phạm vi, quy mô của loại lợi ích này rất rộng, có thể là lợi ích cục bộ của một tổ, đội, phòng, ban cho đến lợi ích cục bộ của một phường, xã, huyện, tỉnh.

Loại lợi ích kể trên phục vụ cho một tập hợp người, địa phương, đơn vị. Về bản chất, là giành được nhiều lợi ích hơn cho địa phương, đơn vị mình, không tính đến lợi ích của toàn cục, của các địa phương, đơn vị khác. Trong thực tế, biểu hiện của loại lợi ích này là tranh thủ cấp trên "chạy dự án, công trình", như dân gian thường nói xã, phường "chạy" trên huyện, huyện "chạy" trên tỉnh, tỉnh "chạy" trên các Bộ, ngành ở Trung ương.

Mặc dù có xung đột với lợi ích toàn cục nhưng tác hại của lợi ích loại này chưa đến mức đối kháng, lũng đoạn, chi phối lợi ích toàn cục. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát, ngăn chặn lợi ích cục bộ thì dễ biến tướng, phát triển thành lợi ích nhóm tiêu cực cao hơn.

Một dẫn chứng là ngay ngày cuối năm, phía Thanh tra Chính phủ đã công khai với báo chí về kết luận hàng loạt sai phạm trong biên soạn, tăng giá sách giáo khoa, gắn với trách nhiệm Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiến nghị chuyển Bộ Công an điều tra "dấu hiệu lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với nhà xuất bản trong in ấn, phát hành sách bài tập.

"Thực tế, việc tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại sách bài tập, sách tham khảo thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản, là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành. Nếu sách bài tập được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành là không đúng chức năng, nhiệm vụ" – cơ quan thanh tra phân tích trong kết luận.

"Do đó gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội hiểu rằng sách bài tập được nhà xuất bản xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo sách giáo khoa, dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo do nhà xuất bản phát hành", kết luận nêu.

Từ những phân tích trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng "có dấu hiệu lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước với nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.

Ở đây có thể thấy điểm chung từ các bên liên quan đó là những quan chức lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến giám đốc các nhà xuất bản đều là đảng viên. Về nguyên tắc, họ đều chịu sự "quản lý toàn diện" của các cấp Đảng từ cơ sở cho đến Trung ương.

Như vậy, nếu "có dấu hiệu lợi ích nhóm" ở đây, thì cần xem lại toàn bộ cách thức quản trị nhân sự trong nội bộ Đảng. Bởi phải chăng vì thiếu động lực cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị, thì ở vị thế độc tôn, chuyện "lợi ích nhóm" như trên, thực ra chỉ là "Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ" mà thôi…

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 31/12/2022

**************************

Khi tham nhũng cần nhớ đến ‘bửu bối’ gì ?

Hồng Dân, VNTB, 31/12/2022

Cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành đút túi 14,5 tỷ đồng trong vụ án liên quan Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ông Thành tự nhận mình là người sống rất tình cảm và có ý nguyện làm từ thiện. Số tiền phủ bóng xuống đạo đức công vụ, lạ kỳ thay, được ông này lý giải dùng gần hết để tặng bạn bè, người neo đơn, học sinh nghèo, xây nhà tình nghĩa… Trong khi nguồn gốc 14,5 tỷ đồng khắc phục thì ông không nói có phải tích lũy từ cuộc đời công chức của mình không hay chăng ?.

anchongthamnhung2

Bị cáo Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhận được lời bào chữa là cần được "khoan hồng đặc biệt"…

Trong phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), và 35 bị cáo gây thiệt hại 152 tỷ đồng tại dự án bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, luật sư bào chữa đề nghị có bản án thể hiện sự "khoan hồng đặc biệt" để cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành có thể sớm trở về "giáo dục con cháu không đi theo vết xe đổ".

Dư luận đã hoài nghi trước lời bào chữa trên và cho rằng chẳng qua đây là dọn đường trước về chuyện tù tội đối với một đảng viên từng là chức sắc cấp cao của Đảng.

Một luật sư đang cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo cho rằng hoài nghi của dư luận là đúng, vì cho đến nay chưa có văn bản hướng dẫn tình tiết nào được xem "đáng được khoan hồng đặc biệt" cho người phạm tội.

Bộ luật Hình sự và Luật Đặc xá chỉ quy định nội dung "chính sách khoan hồng" bao gồm các nội dung sau : Miễn trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, đặc xá, đại xá, xóa án tích. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể những điều kiện nào để được hưởng chính sách "khoan hồng đặc biệt".

Do vậy, việc hiểu và áp dụng nội dung này để miễn hình phạt cho người phạm tội theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Hình sự 2015 như lời bào chữa của luật sư đối với cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành coi như phụ thuộc vào đánh giá tùy nghi của Hội đồng xét xử ; khi ấy đương nhiên dẫn tới tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất.

Tuy nhiên, vẫn theo vị luật sư thân hữu kể trên, có lẽ đã lường trước những vụ án tham nhũng sẽ có lúc cần "giơ cao đánh khẻ" với một số cựu quan chức nào đó, nên Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, ký ban hành ngày 20-12-20220, ngày có hiệu lực là 15/02/2021về hướng dẫn xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm về chức vụ, quy định việc xem xét áp dụng chính sách khoan hồng, như hình phạt theo Điều 59 của Bộ luật Hình sự.

Theo đó, việc áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt dựa trên điều kiện người người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định khoản 1 Điều 54. Bên cạnh đó, người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại tài sản, toàn bộ tài sản chiếm đoạt, phải khắc phục được hậu quả và bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.

"Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng

1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án".

"Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự :

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm ;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả ;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng ;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết ;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội ;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra ;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra ;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn ;

i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng ;

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức ;

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra ;

m) Phạm tội do lạc hậu ;

n) Người phạm tội là phụ nữ có thai ;

o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên ;

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng ;

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình ;

r) Người phạm tội tự thú ;

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải ;

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án ;

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội ;

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác ;

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ".

Vậy thì khi tham nhũng cần nhớ đến ‘bửu bối’ gì ? Câu trả lời rất đơn giản : kê khai thành tích cách mạng, cống hiến cho Đảng, kèm theo đó là "xuất chi" một lượng tiền nào đó có thể xem là "khắc phục hậu quả", là đã có thể nhận được lời bào chữa "khoan hồng đặc biệt" như với cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, chẳng hạn.

Hồng Dân

Nguồn : VNTB, 31/12/2022